Về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các tổ chức phi chính phủ hàn quốc đổi với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội việt nam giai đoạn 2003 2013 (Trang 100 - 102)

7. Bố cục của đề tài

3.3.2. Về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc

Ngay từ khâu xây dựng kế hoạch chiến lược đến các chương trình, dự án cụ thể, các tổ chức PCP Hàn Quốc cần căn cứ vào các định hướng ưu tiên của Việt Nam như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhất là Chương trình Quốc gia về vận động viện trợ PCPNN, đồng thời giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả và nâng cao kỹ năng kiến thức cho một phần đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển, xóa đói giảm nghèo, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh - hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/điôxin, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, viện trợ khẩn cấp và tái thiết cho các vùng bị thiên tai.

Các tổ chức PCP Hàn Quốc cũng cần chú trọng nhiều hơn tới công tác đào tạo nâng cao năng lực và phát triển tổ chức. Trong việc triển khai các chương trình dự án, bên cạnh các dự án trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, xây dựng năng lực..., các hoạt động đào tạo, tập huấn phải được lồng ghép vào các dự án do các tổ chức PCP Hàn Quốc tài trợ. Đặc biệt, với nội dung và phương pháp hướng vào cộng đồng (PRA), các dự án này cần phải trực tiếp giúp đỡ người dân, nhất là những người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng cường kiến thức, khả năng tự quản lý, biết cách làm ăn trong nền kinh tế thị trường, nâng cao mức thu nhập của bản thân và cải thiện điều kiện sống của gia đình.

Các tổ chức cần nhận ra rằng để đảm bảo thành công của bất kỳ một dự án nào, cơ chế đối tác ba bên gồm chính quyền địa phương - người dân – tổ chức PCP cần phải được hình thành và đảm bảo phát huy thế mạnh của từng đối tác trong hợp tác, thực hiện đúng kế hoạch phát triển của địa phương đồng thời huy động được sự tham gia dân chủ, có tổ chức của người dân trong quá trình xây dựng dự án, huy động được sự đóng góp cho dự án và quản lý viện trợ theo đúng các qui định của Nhà nước.

Các tổ chức PCP Hàn Quốc cần tiếp tục là một kênh trực tiếp góp phần hoặc hỗ trợ quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời, giúp Việt Nam chuyển tải một cách khách quan, công tâm các thông tin, thông điệp tới thế giới. Các vấn đề như khắc phục hậu quả chiến tranh, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, công bằng thương mại... cần được các tổ chức PCP Hàn Quốc chung sức thông tin hỗ trợ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam gặp nhiều khó khăn và sự bất công về thương mại; trong tình hình chính trị khu vực, Việt Nam cũng gặp một số mối đe dọa từ các quốc gia khác, nhất là trong vấn đề biên giới, biển

đảo, chính vì vậy, các tổ chức PCP Hàn Quốc phải phát huy tinh thần là bạn bè thân thiết, góp sức đấu tranh, làm sáng tỏ các vấn đề liên quan.

Các tổ chức PCP Hàn Quốc cần tích cực chia sẻ các mô hình dự án hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đối tác địa phương, các đối tác PCPNN khác để kịp thời cập nhật những khó khăn, những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời chia sẻ các chính sách, xu hướng tài trợ nhằm giúp cho các cơ quan Việt Nam kịp thời đưa ra những biện pháp tăng cường hợp tác tốt hơn.

Ngoài ra, trên thực tế hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức PCP Hàn Quốc có chia làm hai nhóm, nhóm các tổ chức PCP Hàn Quốc tại miền Bắc với đầu mối là Hà Nội và nhóm các tổ chức PCP Hàn Quốc tại miền Nam với đầu mối là thành phố Hồ Chí Minh, có cử trưởng nhóm điều hành, 6 tháng 1 lần các nhóm này đều tổ chức họp thường kỳ. Tuy nhiên, để tăng cường việc chia sẻ thông tin và hiệu quả hoạt động, 2 nhóm này nên tổ chức họp thường xuyên hơn, thậm chí có thể họp bất thường khi có chương trình hoặc vấn đề mang tính thời sự. Hai nhóm cũng nên thường xuyên liên lạc, cập nhật thông tin từ các cơ quan đại diện ngoại giao Hàn Quốc tại Việt Nam như Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Đại sứ quán Hàn Quốc, tích cực tham gia các cuộc họp mở rộng của KOICA và Đại sứ quán để nắm bắt chính sách

và tăng cường vị thế của khối tổ chức PCP đối với chính phủ Hàn Quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các tổ chức phi chính phủ hàn quốc đổi với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội việt nam giai đoạn 2003 2013 (Trang 100 - 102)