Hỗ trợ cô dâu Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các tổ chức phi chính phủ hàn quốc đổi với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội việt nam giai đoạn 2003 2013 (Trang 78 - 81)

7. Bố cục của đề tài

2.2. Đóng góp trong việc phát triển xã hội

2.2.6. Hỗ trợ cô dâu Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc

Ở Việt Nam trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam có bước phát triển đáng kể, trong đó chủ yếu là việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mà trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc đang rất phổ biến. Bên cạnh những mặt tích cực thì hiện nay việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Hàn Quốc đã bộc lộ không ít hạn chế, trở thành vấn đề nóng bỏng được dư luận xã hội quan tâm.

Trong các trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc, bên cạnh những cuộc hôn nhân trên cơ sở tình yêu chân chính, đạt được hạnh phúc thì cũng có không ít các trường hợp kết hôn do môi giới bất hợp pháp, lừa đảo, thậm chí là nạn nhân của những đường dây buôn bán người xuyên quốc gia.

Thời gian qua, các cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc phần lớn đều thông qua hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân đơn lẻ, tự phát; trong đó chủ yếu là bất hợp pháp dưới các hình thức tư vấn hỗ trợ kết hôn và dịch vụ tổ chức lễ cưới. Kết hôn với người nước ngoài qua các dịch vụ này, quyền lợi của người phụ nữ không được đảm bảo, không có tổ chức, đoàn thể nào đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ sau khi kết hôn, mức độ rủi ro rất lớn và đặc biệt quan trọng hơn là họ không được tư vấn, trang bị các điều kiện cần thiết trước khi đi làm dâu. Chính vì thế mà các cô dâu Việt Nam sau khi xuất ngoại đã gặp không ít khó khăn. Trở ngại đầu tiên là vấn đề quốc tịch. Bởi họ là những người mới nhập cư, chưa đủ điều kiện để nhập quốc tịch, đặc biệt là với những người lấy chồng thông qua các tổ chức môi giới trái phép. Không được cấp giấy tờ tùy thân của nước sở tại nên hầu hết các cô dâu đều không có việc làm, chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ và phục vụ công việc gia đình, giao tiếp xã hội của họ hầu như rất hạn chế. Thứ hai, đa số các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có trình độ văn hóa thấp nên trình độ ngoại ngữ rất hạn chế, không thạo tiếng địa phương, không hiểu biết về lối sống, văn hóa, phong tục tập quán, chính sách pháp luật của quốc gia mình đang cư trú trước khi kết hôn nên các cô dâu Việt Nam rất khó hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Đặc biệt, có nhiều cô gái lấy chồng già hơn mình cả mấy chục tuổi, chênh lệch tuổi tác quá lớn nên giữa hai vợ chồng rất khó có sự hòa hợp, đồng cảm. Mục đích lấy vợ của những ông chồng này chủ yếu là để có người chăm sóc, phục vụ nên cuộc sống của những cô dâu Việt Nam bị quản lý rất khắt khe, chặt chẽ. Đã

có nhiều trường hợp cô dâu Việt Nam phải trốn ra ngoài do không chịu đựng nổi sự cực khổ hoặc không phù hợp với cuộc sống nơi xứ người; cũng có trường hợp bị chồng hành hạ, phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp,…

Chính vì thế, sự có mặt của các tổ chức PCP Hàn Quốc tại Việt Nam và dành sự quan tâm trong việc hỗ trợ cô dâu Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc là hết sức có ý nghĩa thiết thực. Ngay từ năm 2007 là những năm hiện tượng kết hôn với người Hàn Quốc dần trở thành trào lưu, các tổ chức PCP Hàn Quốc đã vào cuộc. Và liên tục từ đó đến nay, nhiệm vụ hỗ trợ các cô dâu Việt Nam đã trở thành thường xuyên với tổng giá trị viện trợ giải ngân hơn 750.000 USD. Trong 3 năm gần đây (2011, 2012, 2013), giá trị viện trợ luôn đạt trên 100.000 USD, có năm trên 200.000 USD (2012).

Ba tổ chức PCP Hàn Quốc có hoạt động thường xuyên và hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ cô dâu Việt Nam là KOCUN, KCCC và ACEF. Các tổ chức thường chủ động và phối hợp với chính quyền địa phương hoặc các đoàn thể của Việt Nam tổ chức các lớp giảng dạy cơ bản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, phương thức sinh hoạt của người Hàn Quốc, trang bị kiến thức và tâm lý sẵn sàng, giúp các cô dâu Việt Nam tự tin hơn khi kết hôn. Bên cạnh đó, nhận được ủy quyền của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, tổ chức KOCUN còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các Hội thảo liên quan đến vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc. Trong đó, những nội dung thiết thực nhất là đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ, tăng cường công tác quản lý của các cấp chính quyền và thành lập nhiều trung tâm hỗ trợ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài.

Tất nhiên, sự hỗ trợ của các tổ chức PCP Hàn Quốc chưa thể đáp ứng hết nhu cầu cần thiết của mọi cô dâu Việt Nam. Bởi, dù sao đi nữa, quản lý và

giải quyết triệt để những hạn chế trong việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người ngoại quốc là cả một câu chuyện dài, cần có sự chung tay của cả Chính phủ cùng nhiều thành phần xã hội. Nhưng sự quan tâm cũng như nỗ lực can thiệp của các tổ chức PCP Hàn Quốc đối với các cô dâu Việt Nam trước khi kết hôn đã phần nào tạo điều kiện tốt hơn, giảm thiểu rủi ro cho các cô dâu. Đồng thời, cho thấy sự quan tâm, tôn trọng và thiện chí hữu nghị của cộng đồng người Hàn Quốc đối với các cô dâu Việt Nam – những người mà sau kết

hôn sẽ trở thành một thành phần nhập cư mới trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các tổ chức phi chính phủ hàn quốc đổi với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội việt nam giai đoạn 2003 2013 (Trang 78 - 81)