Đánh giá về vai trò của các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đối vớ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các tổ chức phi chính phủ hàn quốc đổi với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội việt nam giai đoạn 2003 2013 (Trang 86 - 91)

7. Bố cục của đề tài

3.1. Đánh giá về vai trò của các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đối vớ

công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2003 – 2013

3.1.1. Hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội

Viện trợ của các tổ chức PCP Hàn Quốc hỗ trợ toàn diện và thiết thực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Về mặt kinh tế, viện trợ của các tổ chức PCP Hàn Quốc đã góp phần làm giảm bớt những khó khăn kinh tế ở những vùng có dự án đồng thời giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả.

Biểu 3.1. Tỷ lệ viện trợ giải ngân của các tổ chức PCP Hàn Quốc theo lĩnh vực giai đoạn 2003-2013 (đơn vị tính: %)

Các chương trình/ dự án phát triển kinh tế thường chiếm khoảng 42% giá trị giải ngân. Nhìn chung, các chương trình/dự án này góp phần thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong chương trình xoá đói giảm nghèo quốc gia và phát triển kinh tế hộ ở nông thôn và đã từng bước giúp nông dân và những người nghèo biết cách làm ăn trong nền kinh tế thị trường, nâng cao mức thu nhập của bản thân và cải thiện điều kiện sống của gia đình. Các dự án của tổ chức PCP Hàn Quốc đã xây dựng mô hình hoàn thiện, phương pháp triển khai và qua đó đưa ra một số cách làm mới, hiệu quả trong phát triển nông thôn tổng hợp. Phương pháp đánh giá tình hình với sự tham gia của cộng đồng (PRA) đã có những tác động tích cực tới việc lập kế hoạch và thực hiện một số chương trình của Chính phủ ở vùng nông thôn.

Rõ ràng, viện trợ của các tổ chức PCP Hàn Quốc đã có những đóng góp cho xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở những vùng có dự án. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở những nơi có sự tham gia của các tổ chức PCP Hàn Quốc hay các tổ chức PCPNN khác, dường như công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn những vùng khác, đó chính là sự khác biệt.

Các chương trình/dự án giúp giải quyết những vấn đề xã hội chiếm khoảng 16% giá trị giải ngân, đã góp phần vào phúc lợi xã hội như xây nhà tình thương, giải quyết khó khăn cho các đối tượng xã hội như trẻ mồ côi, người khuyết tật, cô dâu Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Các chương trình, dự án trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo chiếm khoảng 17% giá trị giải ngân đã giúp giải quyết một phần những khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ dạy và học tại những địa phương có dự án, nhất là tại các địa phương nghèo.

Các chương trình/ dự án trên lĩnh vực y tế chiếm khoảng 11% giá trị giải ngân đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng và chữa nhiều bệnh tật, tăng cường chất lượng y tế cho Việt Nam.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như khắc phục hậu quả chiến tranh, viện trợ khẩn cấp, giao lưu văn hóa, tình nguyện viên, tài nguyên – môi trường,.. cũng nhận được các chương trình/ dự án tài trợ của PCP Hàn Quốc, dù giá trị viện trợ không nhiều nhưng thường triển khai kịp thời, đáp ứng một phần nhu cầu bức thiết cho người dân.

3.1.2. Bổ sung nguồn vốn viện trợ trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam cho Việt Nam

Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam luôn khẳng định việc tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển. Việc đa dạng này nhằm huy động tối đa mọi nguồn vốn cả từ bên trong lẫn bên ngoài đất nước.

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của nước ta còn rất lớn trong khi nguồn vốn để đầu tư lại hạn hẹp thì việc huy động nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức PCPNN là rất quan trọng. Mặc dù chiếm tỷ trọng chưa phải là lớn trong tổng số nguồn vốn huy động nói chung và so với nguồn vốn viện trợ PCPNN nói riêng nhưng nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức PCP Hàn Quốc đã đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong khi phần lớn các nguồn vốn huy động được tập trung vào các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao hay địa bàn là các thành phố lớn để dễ đầu tư thì nguồn viện trợ PCP Hàn Quốc lại thường xuyên nhằm vào đối tượng là người nghèo, người chịu thiệt thòi hoặc các đối tượng chính sách nên địa bàn hoạt động thường là những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Hơn nữa, khi nguồn vốn của Chính phủ chưa thể đáp ứng được ở phạm vi rộng lớn

cả nước thì đóng góp từ nguồn viện trợ PCP Hàn Quốc phần nào giải quyết được các vấn đề cấp bách, tạm thời ở những địa bàn nhất định.

3.1.3. Hỗ trợ phát triển nguồn lực con người

Viện trợ của các tổ chức PCP Hàn Quốc hỗ trợ phát triển nguồn lực con người, xây dựng và nâng cao năng lực cho cán bộ và các đối tác Việt Nam.

Nguồn lực con người là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực con người bao gồm sức khỏe và trí tuệ. Nếu không có sức khỏe sẽ hạn chế khả năng lao động. Còn trí tuệ có thể hiểu đơn giản là trình độ hiểu biết, kinh nghiệm và kỹ năng lao động sản xuất. Thiếu sức khỏe và trí tuệ, không có khả năng lao động hoặc không biết cách lao động, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và kém phát triển.

Về sức khỏe, hỗ trợ toàn diện cho người dân mà đặc biệt là ở lĩnh vực y tế của các tổ chức PCP Hàn Quốc đã góp phần nâng cao thể lực, đảm bảo một nguồn vốn nhân lực khỏe mạnh, có đủ sức mạnh lẫn sức bền để lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất.

Về mặt trí tuệ, ngoài các dự án hỗ trợ trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo dạy nghề, thông qua hợp tác trong việc triển khai các chương trình/ dự án, các tổ chức PCP Hàn Quốc còn góp phần tăng cường năng lực cho các cơ quan đối tác và người dân vùng dự án. Các hoạt động đào tạo, tập huấn được lồng ghép vào các dự án do các tổ chức PCP Hàn Quốc tài trợ. Các tổ chức PCP Hàn Quốc cũng giới thiệu và ứng dụng các phương pháp tiếp cận có hiệu quả trong phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, bằng những dự án thiết thực và mô hình phù hợp với các lĩnh vực và cộng đồng dân cư ở các vùng khác nhau, lồng ghép với các chương trình về xây dựng năng lực. Đặc biệt, với nội dung và phương pháp hướng vào cộng đồng, có sự tham gia của

người dân, các dự án PCP Hàn Quốc đã trực tiếp giúp đỡ người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng cường kiến thức, khả năng tự quản lý, biết cách làm ăn kinh tế, nâng cao mức thu nhập của bản thân và cải thiện điều kiện sống của gia đình.

Các tổ chức PCP Hàn Quốc cũng quan tâm đến việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ và người dân ở các cấp làm lực lượng nòng cốt thực hiện dự án. Kỹ năng chuyên môn của các cán bộ chính quyền các cấp tham gia các dự án PCP về lập kế hoạch, thực hiện, quản lý và giám sát các dự án nhỏ được nâng cao, đặc biệt là các cán bộ trong ngành y tế, giáo dục và nông nghiệp. Những người hưởng lợi tại địa phương cũng được tham gia vào các lớp tập huấn chuyên môn như quản lý và sử dụng vốn vay, lựa chọn cây, con giống thích hợp để canh tác và nuôi trồng,... Bên cạnh đó, nhiều tổ chức PCP Hàn Quốc còn chú trọng tới việc nâng cao năng lực cho đối tác thông qua việc nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị làm việc, giúp đào tạo cán bộ qua thực tiễn, xây dựng lề lối làm việc, chương trình và kế hoạch

của tổ chức, xây dựng chương trình giảng dạy, tập huấn,...

3.1.4. Tăng cường quan hệ ngoại giao của Việt Nam với thế giới

Hoạt động của các tổ chức PCP Hàn Quốc góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ hữu nghị của nhân dân Hàn Quốc nói riêng, nhân dân thế giới nói chung đối với Việt Nam, nâng cao hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Hoạt động của các tổ chức PCP Hàn Quốc tại Việt Nam là một kênh chính trị đối ngoại quan trọng, trực tiếp góp phần hoặc hỗ trợ Việt Nam chuyển tải các thông tin, thông điệp ra thế giới, tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị Việt – Hàn.

Bằng cách thông tin cho công chúng nước mình và những nhà tài trợ về tình hình và những khó khăn trong vùng dự án và nguyện vọng của người dân cũng như kết quả của dự án, các tổ chức PCP đã vừa tăng cường tranh thủ nguồn viện trợ vừa góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng quốc tế và đối tác các nước về Việt Nam, củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân các nước cũng như cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.

Vai trò vận động rõ ràng đối với các tổ chức PCP là tham gia lên tiếng và dùng uy tín của họ để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Một số vấn đề nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm nhiều như vấn đề nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin, vấn đề cô dâu Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc, vấn đề biên giới, biển đảo,... đều được các tổ chức PCP Hàn Quốc tích cực tham gia hỗ trợ cũng như lên tiếng ủng hộ quan điểm đúng đắn của Việt Nam. Nhờ có kinh nghiệm sống thực tế về đất nước, con người và chính sách của Việt Nam mà một số tổ chức còn tuyên truyền hình ảnh đẹp, chân thực của Việt Nam và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của các tổ chức phi chính phủ hàn quốc đổi với công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội việt nam giai đoạn 2003 2013 (Trang 86 - 91)