CƠ SỞ THỰC TIỄN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh từ sơn (Trang 45 - 50)

PHẦN 1 MỞ ĐẦU

2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN

2.2.1. Thực tiễn ở Việt Nam

Qua tìm hiểu thực tế và tham khảo qua một số trang website, tạp chí tài chính về công tác quản lý cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số ngân hàng thương mại trong nước có một số kinh nghiệm như sau:

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Thăng Long

Để quản lý cho vay đối với DNNVV, Agribank Chi nhánh Thăng Long luôn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là các DNNVV.

Công tác quản lý gồm kiểm soát khoản vay, xử lý những phát sinh và thu hồi nợ.

Sau khi giải ngân, cán bộ Tín dụng Agribank Chi nhánh Thăng Long phải thường xuyên theo dõi việc sử dụng vốn của đơn vị. Cán bộ Tín dụng cần phải theo dõi tiến độ thực hiện của phương án vay vốn, bám sát được tình hình thực tế của khoản vay để có biện pháp xử lý những phát sinh kịp thời.

Đảm bảo thực hiện tốt quy trình cho vay: Đó là một quy trình được tính từ khi Ngân hàng tiếp nhận hồ sơ xin vay của khách hàng đến khi thu hồi hết nợ, thanh lý hợp đồng. Đây là quy trình chặt chẽ bao gồm nhiều bước. Cán bộ Tín dụng cần phải theo sát quy trình, đặc biệt ở những khâu quan trọng như thẩm định, trong đó có khâu thẩm định tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, các cán bộ Tín dụng cũng phải rất linh hoạt trong việc áp dụng quy trình này vào từng trường hợp cụ thể. Đối với khách hàng đã có quan hệ tín dụng lâu dài với Ngân hàng thì các bước dẫn hồ sơ, thủ tục là không cần thiết, bước thu thập, điều tra thông tin có thể giảm nhẹ do kế thừa thông tin có sẵn.

Trong cho vay ngắn hạn, thời gian và thời cơ là yếu tố quan trọng không chỉ đối với Doanh nghiệp xin vay mà còn đối với Ngân hàng cho vay. Do đó, áp dụng một quy trình linh hoạt, vừa đảm bảo các quy định, vừa giảm nhẹ các thủ tục, giảm bớt thời gian cần thiết.

Thực hiện chuyên môn hoá cán bộ Tín dụng: mỗi cán bộ Tín dụng sẽ được giao phụ trách một nhóm khách hàng nhất định, có những đặc điểm chung về ngành nghề kinh doanh hoặc loại hình Doanh nghiệp. Việc phân nhóm tuỳ theo năng lực, sở trường, kinh nghiệm của từng cán bộ Tín dụng. Qua đó, cán bộ Tín dụng có thể hiểu biết khách hàng một cách sâu sắc, tập trung vào một công việc của mình và giảm chi phí trong điều tra, tìm hiểu khách hàng, giảm sai sót trong quá trình thẩm định, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

Ngân hàng Dầu khí (GP Bank) Chi nhánh Bắc Ninh

Áp dụng chính sách lãi suất hợp lý: là một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện các khoản cho vay của NHTM. Căn cứ vào đặc điểm từng khoản tín

dụng để phân chia thành các mức lãi suất khác nhau đảm bảo tính cạnh tranh của lãi suất trên thị trường cũng như khả năng sinh lời. Căn cứ vào đối tượng khách hàng là khách hàng cũ hay khách hàng mới, Ngân hàng áp dụng các mức lãi suất khác nhau. Khách hàng cũ thường xuyên có quan hệ với ngân hàng hoặc thường xuyên có số dư tiền gửi lớn và có lịch sử quan hệ tốt, Ngân hàng phải sẵn sàng áp dụng mức lãi suất thấp nhất có thể. Với các khách hàng doanh nghiệp mới cần phải tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có đầu ra tốt không? Nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước của doanh nghiệp có thực hiện tốt không? Qua đó đánh giá ý thức, trách nhiệm về các nghĩa vụ của doanh nghiệp, ngân hàng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Về phương thức cho vay vốn: GP Bank thực hiện đa dạng hoá các hình thức cho vay, cho vay theo nhu cầu, gắn với đặc điểm sản xuất kinh doanh của khách hàng, đảm bảo phù hợp với tính năng động, nhanh nhạy của cơ chế thị trường, tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, tạo điều kiện để vốn tín dụng luân chuyển đều đưa qua quỹ Ngân hàng, qua đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sử dụng vốn vay.

Về công tác thu thập thông tin: Cán bộ tín dụng phải thu thập thông tin từ nhiều kênh, nguồn khác nhau, có khả năng chọn lọc các thông tin cần thiết đảm bảo tránh được rủi ro khi quyết định cho vay. Cần phải nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC), thông tin từ đồng nghiệp, bạn bè, GP Bank cũng tạo lập mối quan hệ thường xuyên với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong đó có trung tâm hỗ trợ các DNNVV. Đây là những tổ chức có thể cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài các thông tin từ báo cáo tài chính, cán bộ tín dụng cần phải chủ động đi khảo sát tình hình thực tế của DNNVV. Qua đó Ngân hàng có thể nắm bắt được thông tin về khả năng sản xuất cũng như năng lực quản lí của chủ doanh nghiệp.

Tăng cường hiệu lực của bộ máy kiểm tra, giám sát: Ngoài công tác giám sát do cán bộ tín dụng tiến hành, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngân hàng. Nhiệm vụ của tổ chức này là thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ, quy trình tín dụng tìm ra những sai sót, vướng mắc vi phạm trong các khâu nghiệp vụ. Trên cơ sở đó có thể đề ra biện pháp khắc phục có hiệu quả để củng cố chất lượng tín dụng, ngăn ngừa rủi ro.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Sơn Tây

Mở rộng và duy trì, thiết lập mối quan hệ lâu dài đối với các khách hàng truyền thống: Khách hàng truyền thống được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất trong NH là những khách hàng có quan hệ tín dụng thường xuyên lâu đời từ trước đến nay. Thông qua mối quan hệ gắn bó lâu dài, Ngân hàng đã quá am hiểu về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính, cũng như năng lực quản lý v.v… của khách hàng. Do vậy, khi phát sinh những món vay mới của khách hàng, NH sẽ giảm được tối thiểu các chi phí có liên quan tới thẩm định lẫn quy trình cho vay, thời gian xét duyệt giảm xuống thúc đẩy món vay được thực hiện nhanh hơn.

Phát huy nhân tố con người vì sự phát triển của Ngân hàng:Vai trò quyết định của con người là không thể phủ nhận được, bởi vì dù những định chế quản lý kỳ diệu đến đâu, nhưng thiếu đi yếu tố con người, thiếu đi những cán bộ trung thực, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ thì những định chế đó chỉ là niềm mơ ước.

Thực tế đã cho thấy rằng: Nếu một Ngân hàng có đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, vững về chuyên môn, nhanh nhạy sáng tạo trong công việc, có tinh thần tập thể vì lợi ích của Ngân hàng thì Ngân hàng đó chắc chắn đứng vững và phát triển trước những sóng gió của cơ chế thị trường.

Đối với cán bộ tín dụng thực hiện giao trách nhiệm cụ thể, gắn trách nhiệm với lợi ích vật chất của họ, hoàn thành công việc thực hiện thưởng, phạt nghiêm minh, khuyến khích động viên người làm tốt và hạn chế đến mức thấp nhất số người làm ăn tắc trách.

Kinh nghiệm của Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Ghi nhận những nỗ lực không ngừng của ngân hàng trong việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều năm trở lại đây Techcombank đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế danh giá từ các tổ chức uy tín, đặc biệt về lĩnh vực đầu tư cho vay. Và trong năm 2017 Ngân hàng đã vinh danh nhận giải thưởng Ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Techcombank cũng là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh luôn đứng trong tốp đầu và lĩnh vực huy động vốn cũng như đầu tư cho vay tại thị trường Việt Nam. Chất lượng phục vụ là ưu thế hàng đầu của ngân hàng này. Techcombank cung cấp

dịch vụ tra cứu thông tin trên website do đó các DN tiết kiệm thời gian tối đa để tra cứu những thông tin cần thiết khi có nhu cầu về đầu tư cho vay và các sản phẩm dịch vụ khác một cách dễ dàng. Với định hướng chuyên nghiệp và hướng tời những chuẩn mực quốc tế để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, bên cạnh hệ thống đại lý ngân hàng quốc tế rộng khắp - hơn 8.000 ngân hàng và chi nhánh tại 140 nước Techcombank đã không ngừng làm mới các dịch vụ cho vay của mình. Với các điều kiện đầu tư cho vay đơn giản, đảm bảo tính pháp lý, loại hình cho vay đa dạng, quy trình thủ tục nhanh chóng dịch vụ cho vay của Techcombank là giải pháp thiết thực, sẽ hỗ trợ DNNVV trong việc đầu tư cho vay, giao thương và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

2.2.2. Bài học rút ra cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Từ Sơn triển Việt Nam – chi nhánh Từ Sơn

Thông qua kinh nghiệm trong việc quản lý cho vay đối với DNNVV từ các chi nhánh NHTM, rút ra một số bài học cho BIDV Chi nhánh Từ Sơn như sau:

- Ngân hàng cần hoàn thiện chính sách cho vay, quy trình cho vay. Việc xây dựng và áp dụng một quy trình cho vay chuẩn cho toàn ngân hàng sẽ giúp các nhà quản trị đánh giá chính xác, đồng bộ rủi ro của các khoản vay kết hợp với một chính sách cho vay phù hợp để nâng cao chất lượng cho vay của ngân hàng;

- Các NHTM tăng cường phát triển sản phẩm dịch vụ phục vụ cho đối tượng DNNVV và có chính sách lãi suất, chi phí, tín dụng phù hợp với điều kiện của DNNVV.

- Trong công tác tín dụng của ngân hàng đối với DNNVV các NHTM cần tăng cường công tác thẩm định cho vay nhằm thẩm định doanh nghiệp khách quan chính xác để có những quyết định cho vay phù hợp. NHTM chú trọng việc nâng cao trình độ của đội ngũ CBTD trong tình hình cạnh tranh như hiện nay và tính chất của các doanh nghiệp ngày càng phức tạp hơn nhiều.

- Các khoản vay được đảm bảo giám sát chặt chẽ, xuyên suốt ở bất cứ giai đoạn trước, trong và sau khi cho vay, xây dựng chương trình đánh giá xếp loại khách hàng dành riêng cho đối tượng DNNVV.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh từ sơn (Trang 45 - 50)