Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn thị xã chí linh, tỉnh hải dương (Trang 52 - 53)

Nguồn: consonkiepbac.org.vn (2017)

Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm và Thanh Mai, Côn Sơn là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đệ nhất tổ - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ - Pháp Loa tôn giả và Đệ tam tổ - Huyền Quang tôn giả đã về đây hoằng dương thuyết pháp, xây dựng chùa Hun thành chốn tổ đình gọi là liêu Kỳ Lân, một thiền viện lớn nổi tiếng của Triều Trần.

Nếu như Khu di tích Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm, là nơi thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi, thì Khu di tích Kiếp Bạc là một trung tâm nội đạo thờ Đức thánh Trần - Trần Hưng Đạo. Kiếp Bạc là danh sơn huyền thoại bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn chừng 5km. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông Kinh thành Thăng Long. Nơi đây trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng. Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258, Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập đại bản doanh, xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra Biển Đông... trong đó căn cứ địa Vạn Kiếp làm trung tâm chỉ huy. Đây là trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Đất nước thanh bình, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, Đại Vương đã viết “Binh gia diệu lý yếu lược” để dậy tướng sĩ, và viết “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, đúc kết kinh nghiệm, những bí quyết đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế. Trước khi mất, ông được vua Trần Anh Tông về thăm bệnh và hỏi kế sách giữ nước, Đại Vương đã căn dặn: “Khoan thư sức dân là kế rễ sâu bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn thị xã chí linh, tỉnh hải dương (Trang 52 - 53)