Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn thị xã chí linh, tỉnh hải dương (Trang 29 - 34)

2.2.1. Tình hình phát triển và kinh nghiệm phát triển du lịch văn hóa tâm linh của một số nước trên Thế giới

2.2.1.1. Phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Thái Lan

Thái Lan là một vương quốc lấy Phật giáo làm quốc giáo, 95% người dân Thái Lan theo Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa). Tinh thần từ bi, hỷ xả của giáo lý Phật giáo ngấm sâu vào tiềm thức của người dân Thái Lan làm cho đất nước này nổi tiếng là ‘‘đất nước của những nụ cười’’, ‘‘đất nước của tự do’’.

Thái Lan được thế giới biết đến như là một thiên đường du lịch, xứ sở ‘‘đất nước nụ cười’’ của khu vực. Ngành du lịch Thái Lan thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - ngành công nghiệp không khói đóng góp 9% vào GDP của Thái Lan.

Một số kinh nghiệm phát triển du lịch của Thái Lan:

Thứ nhất, về chính sách xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế: Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện chính sách ‘‘Bầu trời mở’’ khi đã đưa ra nhưng biện pháp để đơn giản hóa thủ tục visa cho công dân các nước vào du lịch Thái Lan. Hiện nay công dân của 55 quốc gia và vùng lãnh thổ không cần visa vào Thái Lan nếu đến Thái Lan với mục đích du lịch và ở lại không quá 30 ngày đối với mỗi lần viếng thăm. Nếu như công dân của những nước đến du lịch Thái Lan thông qua các điểm nhập cảnh các nước tiếp giáp biên giới Thái Lan thì sẽ được miễn visa trong thời hạn 15 ngày, ngoại trừ công dân Malaisia được miễn visa du lịch nếu lưu trú không quá 30 ngày. Thái Lan đã có thỏa thuận song phương về miễn visa với các nước như Brazil, Hàn Quốc, Pê ru, Achentina, Chi Lê, các thỏa thuận này cho phép công dân các nước trên có hộ chiếu ngoại giao hay phổ thông đều được miễn visa đối với mỗi lần viếng thăm Thái Lan không quá 90 ngày.

Thứ hai, về chính sách thuế: Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của việc mua sắm tại Thái Lan chính là chính sách thuế. Du khách đến Thái Lan theo visa du lịch sẽ được hoàn lại thuế giá trị gia tăng (thuế suất 7%) đối với những hàng hóa được mua tại các cửa hàng có treo biển hiệu ‘‘Hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch’’. Ngoài ra, các điểm bán hàng thủ công địa phương cũng được chính phủ miễn thuế giá trị gia tăng. Các công ty lữ hành có thu nhập thấp hơn 600.000 bath cũng được miễn thuế VAT.

Thứ ba, về việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Thái Lan đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng lớn như các điểm du lịch, hệ thống giao thông công cộng... Ở Thái Lan, hệ thống đường xá được quy hoạch tổng thể, hoạt động ổn định. Các tòa nhà, các trung tâm thương mại mọc lên san sát khắp nơi. Hệ thống tàu điện trên cao cùng với hệ thống xe bus kết nối rộng khắp các điểm du lịch của cả nước giúp cho hoạt động du lịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Thứ tư, về phát triển chất lượng nguồn nhân lực: Việc đào tạo chuyên môn cho nhân lực ngành du lịch luôn luôn nhận được sự quan tâm của ngành du lịch Thái Lan. Các hướng dẫn viên du lịch Thái Lan được đào tạo ngoại ngữ một cách bài bản. Một hướng dẫn viên người Thái thường biết 3 ngoại ngữ. Các dịch vụ khác như đăng ký visa, vé máy bay, đăng ký khách sạn,... đều được phục vụ một cách chuyên nghiệp. Năm 2003, Thái Lan đã thiết lập trung tâm hỗ trợ nhân lực cho du lịch. Trung tâm này hoạt động như một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và tư

vấn cho các đơn vị hoạt động trong ngành với mục tiêu tăng cường đồng bộ chất lượng ngành du lịch Thái Lan.

Thứ năm, về việc đẩy mạnh quảng bá du lịch: Chính phủ Thái Lan luôn có chính sách quảng bá du lịch rộng rãi, liên tục tổ chức các hội chợ du lịch, đưa ra nhiều ưu đãi, mời các đơn vị truyền thông quốc tế tới tham quan... nhằm thu hút du khách đến với Thái Lan.

Tổng cục du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand - TAT) hiện có 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài: Châu Âu (6 văn phòng), Châu Á (18 văn phòng), Châu Mỹ (2 văn phòng), Châu Đại Dương (1 văn phòng). Việc mở nhiều văn phòng đại diện ở nước ngoài là một công cụ hữu hiệu giúp xúc tiến du lịch Thái Lan ở các nước sở tại.

2.2.1.2. Phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Ấn Độ

Ấn Độ là một trong những quốc gia cổ xưa nhất trên Thế giới, quê hương của đạo Phật và đạo Hindu nổi tiếng. Chính vì vậy mà niềm tin tôn giáo đã thấm nhuần và trở thành một phong cách sống của người Ấn. Ấn Độ có rất nhiều các di tích lịch sử, đền đài cổ xưa, thánh đường Hồi giáo, nhà thờ và những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, và Ấn Độ trở là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du lịch tâm linh.

Để du lịch tâm linh thu hút du khách, chính phủ Ấn Độ thiết lập các đường bay từ các thủ đô của các bang quan trọng đến thẳng các thánh địa Phật giáo, thêm các chuyến xe lửa độc lập dành cho du khách hành hương đến đất Phật.

Những năm qua, Ấn Độ đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trú đẳng cấp quốc tế thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Hệ thống phòng khách sạn nằm rải rác ở các thành phố khác nhau và có giá cả đa dạng.

Trong năm 2017, Ấn Độ đã cho ra đời 5 hãng hàng không giá rẻ trong khu vực với hơn 100 tuyến đường bay, được chính phủ ưu đãi để mở đường bay đến các khu vực xa xôi hẻo lánh.

2.2.2. Tình hình phát triển và kinh nghiệm phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở một số địa phương của Việt Nam

2.2.2.1. Phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Ninh Bình

Ninh Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. So với nhiều địa phương khác trên cả nước, Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi nhiều

cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cũng như những di sản văn hóa độc đáo để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn như: Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Tâm Cốc - Bích Động,...

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, du lịch tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển vượt bậc, với đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng,... Du lịch Ninh Bình đã và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1992, toàn tỉnh mới có 2 cơ sở lưu trú du lịch với 58 phòng nghỉ, thì đến hết năm 2016 toàn tỉnh đã có 423 cơ sở lưu trú du lịch với 5.748 phòng nghỉ, trong đó có 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình ngày càng được chú trọng và bước đầu mang tính chuyên nghiệp, có hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với hàng trăm nghìn ấn phẩm, sách hướng dẫn du lịch, đĩa VCD được sản xuất, phát hành giới thiệu về tài nguyên du lịch, đất và người Ninh Bình đến với du khách trong nước và quốc tế. Công tác xúc tiến, quảng bá trên mạng Internet hàng năm thu hút từ 1,5 - 2,5 triệu lượt khách truy cập. Ngoài ra, Ninh Bình còn thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài truyền hình trong nước và quốc tế.

Ninh Bình đã tổ chức nhiều sự kiện du lịch quốc tế như: Hội nghị tâm linh vì sự phát triển bền vững, Đại kễ Phật đản Vesak. Tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch trong và ngoài nước như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đức; tổ chức các đoàn phóng viên báo chí (Presstrip), các công ty lữ hành (Famtrip) khảo sát các tuyến, điểm du lịch, viết bài, quay phim nhằm giới thiệu, tuyên truyền quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch Ninh Bình.

2.2.2.2. Phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại Quảng Ninh

Quảng Ninh có khoảng hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa các loại. Trong đó có rất nhiều di tích lịch sử trở thành những điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương như: Khu di tích Yên Tử,

chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn), Ngọa Vân (Đông Triều),... Không chỉ có di tích, Quảng Ninh còn có trên 80 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội Chùa Ba Vàng, lễ hội Ngọa Vân, Yên Tử,... thu hút hàng vạn du khách về tham quan, chiêm bái, lễ phật...

Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch, những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh nói chung, du lịch tâm linh Quảng Ninh nói riêng đã có những bước phát triển khá nhanh và có những đột phá mới trong chặng đường phát triển. Dịch vụ du lịch có nhiều cải thiện, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, nhiều công trình hoàn thiện đã góp phần thúc dẩy du lịch phát triển có thể kể đến như: Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo huyện Vân Đồn, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thực hiện phủ sóng di động đến phạm vi toàn tỉnh, phủ sóng 3G đến tất cả các điểm du lịch, triển khai mở rộng băng thông các đường tuyến,...

Song song với việc đầu tư phát triển du lịch một cách toàn diện theo quy hoạch, Quảng Ninh rất chú trọng mở rộng không gian phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, gắn với giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị tâm linh vốn có của Khu di tích danh thắng tại Yên Tử, hệ thống di tích nhà Trần, khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, và trên 500 di tích đã được công nhận trên toàn tỉnh.

Trong phát triển các sản phẩm và không gian du lịch, ngoài việc hoàn thiện các sản phẩm đã có, Quảng Ninh còn phát triển một số sản phẩm du lịch mới, với tiêu chí các sản phẩm phải phù hợp với từng thị trường khách, đồng thời gắn với các yếu tố văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch vào sản phẩm, chú trọng các sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, cảnh quan,...

Xây dựng các tuyến du lịch, điểm du lịch, sản phẩm du lịch của các trung tâm, khu, điểm du lịch để liên kết tạo chuỗi sản phẩm và mở rộng không gian du lịch, kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch tại Quảng Ninh. Mặt khác, liên kết với các địa phương trong khu vực để gắn kết các tuyến du lịch giữa các địa phương.

Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều kế hoạch quảng bá, xúc tiến rất bài bản, trên cơ sở đó các cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình

quảng bá, xúc tiến với nhiều nội dung và hình thức phong phú, trong đó, nổi bật và có tác động mạnh mẽ như chương trình Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử,... Bên cạnh đó, ngành du lịch Quảng Ninh liên tục tăng cường các hình thức thông tin tuyên truyền về du lịch, quảng bá các danh thắng tự nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh, đảm bảo du lịch là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp; ký các biên bản ghi nhớ hợp tác du lịch với các nước như Anh, Canada,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn thị xã chí linh, tỉnh hải dương (Trang 29 - 34)