9. Kết cấu của Luận văn
2.1. Khái quát đặc điểm tự nhiên, KT-XH tỉnh Bạc Liêu ảnh hƣởng đến
hoạt động NCKH
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, KT - XH
Bạc Liêu là tỉnh thuộc duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, vùng đất cực Nam của Việt Nam. Địa giới của tỉnh về phía Bắc giáp các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau, Đông và Đông Nam giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên của Bạc Liêu là 2.570 km2, bằng 1/16 diện tích vùng đồng bằng Sông Cửu Long, có bờ biển dài 56 km với các cửa biển quan trọng như: Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng là nơi trung chuyển hàng hóa của nhiều cơ sở SXKD trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị hành chính của tỉnh gồm thành phố Bạc Liêu và 6 huyện: Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Giá Rai và Đông Hải. Thành phố Bạc Liêu là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, đào tạo của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 280 km, thành phố Cần Thơ 110 km về phía Bắc và cách thành phố Cà Mau 67 km về phía Nam.
Bạc Liêu có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu nằm ở độ cao trên dưới 1,2m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng dốc từ bờ biển vào nội đồng, từ Đông Bắc xuống Tây Nam.
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất 257.094 ha. Trong đó: - Đất nông nghiệp: 224.621 ha
- Đất phi nông nghiệp: 22.250 ha - Đất có mặt nước biển: 10.221 ha.
Chiếm diện tích lớn nhất trong đất nông nghiệp là đất nuôi trồng thủy sản 114.184 ha, kế đến là đất sản xuất nông nghiệp 102.824 ha, đất lâm nghiệp 4.708 ha, đất làm muối 2.875 ha và đất nông nghiệp khác 28 ha. Được thiên nhiên ưu đãi chia thành hai vùng sinh thái khác nhau (vùng sinh thái
ngọt phía Bắc Quốc lộ 1A, vùng sinh thái mặn phía Nam Quốc lộ 1A), cùng với diện tích đất nông nghiệp lớn, Bạc Liêu có lợi thế trong sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
Cơ cấu phát triển kinh tế chủ yếu của tỉnh là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp - thủy sản và dịch vụ. Trong đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng cao nhất, giai đoạn 2006 - 2010, ngành công nghiệp - xây dựng đóng góp khoảng 2,94%, ngành dịch vụ 3,68%, ngành nông nghiệp - thủy sản là 4,95% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn này là 11,57 %/năm (giai đoạn 2001 - 2005 là 15,6 %/năm) cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình cả nước nhưng vẫn còn thấp hơn một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu chưa bền vững, chủ yếu là do đóng góp của ngành nông nghiệp, đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ còn thấp và hạn chế.
Số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay tại Bạc Liêu là 971 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp Nhà nước, 959 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã giải quyết việc làm cho khoảng 23.158 lao động. Cũng giống như các địa phương khác trong vùng, các doanh nghiệp tại Bạc Liêu chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều hình thức tổ chức gồm từ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp và các công ty tư nhân đến các hợp tác xã… Có quy mô vốn hoặc lao động nhỏ; khả năng quản lý hạn chế; trình độ công nghệ thấp do không đủ tài chính cho nghiên cứu và triển khai; trình độ tay nghề của người lao động thấp, chưa qua đào tạo bài bản; khả năng tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh kém, quy mô thị trường thường bó hẹp trong phạm vi địa phương do khả năng tài chính cho hoạt động marketing không lớn; phần lớn sử dụng chính diện tích đất riêng của mình làm mặt bằng SXKD mà không có được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bạc Liêu có hệ thống giao thông thủy, bộ khá thuận tiên. Giao thông bộ với 3 tuyến chính: Tuyến Quốc lộ 1A, tuyến Nam Sông Hậu và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; giao thông thủy có hai tuyến chính: Tuyến kênh Bạc Liêu -
Cà Mau và tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.
Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, ngư trường khai thác tự nhiên trên 40.000 km2, có cảng biển Gành Hào là điều kiện thuận lợi và thế mạnh lâu dài để Bạc Liêu phát triển kinh tế biển.
Dân số Bạc Liêu hiện nay là 376.171 người, mật độ dân số trung bình 341 người/km2
, dân tộc Kinh chiếm 90%, dân tộc Hoa chiếm 2%, dân tộc Khmer chiếm 8%. Số người trong độ tuổi lao động là 261.233 người, đây là nguồn lao động dồi dào, là nguôn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Bạc Liêu có lịch sử văn hóa đặc sắc, là cái nôi của loại hình nghệ thuật đơn ca tài tử Nam bộ với bản “Dạ cổ Hoài Lang” tiền thân của nghệ thuật hát vọng cổ ngày nay vừa được UNESCO công nghận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã và đang thu hút nhiều nhà khoa học xã hội và du khách các vùng trong cả nước đến tìm hiểu và giao lưu. Cùng với loại hình văn hóa độc đáo này, Bạc Liêu cũng có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp như: Vườn chim, vườn nhãn, khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu (cha đẻ của bản Dạ cổ Hoài Lang), khu Phật Bà Nam Hải, khu nhà thờ Tắc Sậy, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, di tích Đồng Nọc Nạng, đền thờ Bác Hồ… là những điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch đến Bạc Liêu.
Thực hiện chủ trương, chính sách về KH&CN của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay KH&CN tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều đề tài/dự án trên nhiều lĩnh vực và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.
2.1.2. Những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động NCKH của tỉnh tỉnh
Từ thực trạng đặc điểm tự nhiên, KT - XH nêu trên, Bạc Liêu có những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động NCKH của tỉnh như sau:
- Bạc Liêu có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên vùng biển, hệ sinh thái ngọt, hệ sinh thái mặn, diện tích đất sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản lớn, đã và đang là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã được quy hoạch sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, nên nhu cầu cho hoạt động nghiên cứu và triển khai là rất lớn.
- Với điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, có 4 tuyến quốc lộ và dự kiến 1 tuyến cao tốc chạy qua tỉnh Bạc Liêu kết nối hầu hết các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác là cơ hội cho Bạc Liêu thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có nhiều lợi thế như chế biến nông, thủy sản, cơ khí nông nghiệp, sửa chữa tàu biển … kéo theo nhu cầu thị trường công nghệ phát triển, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động NCKH phát triển.
- Tỉnh đã có quy hoạch xây dựng khu công nghệ sinh học, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà khoa học từ nơi khác về làm việc tại Bạc Liêu, mở ra cơ hội mới cho KH&CN của tỉnh phát triển.
* Khó khăn:
- Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động NCKH chưa phát triển, các tổ chức KH&CN tại Bạc Liêu hầu hết là các tổ chức KH&CN công lập, vẫn còn được Nhà nước bao cấp kinh phí hoạt động, chưa đủ khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng lực nghiên cứu và triển khai còn hạn chế.
- Nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao làm việc trong lĩnh vực KH&CN của tỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp. Phát triển kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa phát triển, nên nhân lực có trình độ chuyên môn có xu hướng dịch chuyển ra các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Cần thơ, Bình Dương làm việc.
- Với hơn 900 doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô vốn và lao động nhỏ, năng lực công nghệ kém nên không đủ khả năng tài chính và trình độ chuyên môn cho hoạt động nghiên cứu và triển khai.
- Xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế và tích lũy đầu tư từ nội bộ nền kinh tế tỉnh còn nhỏ, thu ngân sách chưa đủ chi, vì vậy kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN của tỉnh còn hạn chế; tỉnh chưa có chính sách phù hợp để thu hút các nguồn đầu tư, nhất là đầu tư cho lĩnh vực KH&CN.
Từ đặc điểm tự nhiên, KT - XH và những thuận lợi, khó khăn trên cho thấy những yếu tố này có ảnh hưởng đến hoạt động KH&CN của tỉnh, đòi hỏi hoạt động KH&CN cần đổi mới để thích ứng và phát triển.