Thơ không rời xa số phận con người và quê hương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ trần vạn giã từ góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 29 - 33)

5. Cấu trúc luận văn

2.1 Cảm hứng chủ đạo

2.1.1.1 Thơ không rời xa số phận con người và quê hương

Dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, một thế hệ tự cảm thấy mất hết cả chỗ dựa, niềm tin và mất cả những chân trời tự do. Cái cô đơn của họ và cái cô đơn đại diện cho cả thời đại, do hoàn cảnh tạo nên. Những bài thơ được sáng tác thể hiện sự bế tắc, mang đậm màu sắc bi quan, yếm thế. Trần Vạn Giã cũng từng sống trong hoàn cảnh như thế, dĩ nhiên thơ ông trong thời kỳ này khó tránh khỏi sự bi lụy. Toàn bộ tập thơ “Hồn chữ”(1963) đã thể hiện sự dằn vặt, trăn trở của một tuổi trẻ khao khát hòa bình. Trước nỗi đau quê hương đất nước bị giày xéo, nhà thơ thức tỉnh chính mình, tìm về quê hương và những con người mình đã gắn bó để bứt phá để tìm ra một con đường đấu tranh mới.

Xuất hiện trên một trang thơ của tờ tạp chí Trình bầy, Xuân Nhâm Tý là bài thơ bốn câu lục bát hiện lên cả một bức tranh buồn đến nao lòng. Đó là hình ảnh chiếc xe nhà binh Mỹ chở thi hài lính viễn chinh chết trận về nước khi chuyển sang giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh. Cảnh tượng đó diễn ra trước sự bình thản của một bà mẹ quê, nông thôn đã trải qua biết bao lần vùi dập, và tâm thế của những người mẹ cũng không còn như cũ. Chứng kiến cảnh đó, tác giả bày tỏ sự cảm thông với những người lính Mỹ và cảm nhận được nỗi đau chung của con người trong thời loạn:

Chiếc xe sao trắng qua đường Mẹ ngồi bó rạ bên mương đầu làng

Nhìn lên cờ rũ hai hàng Đếm ba xác chết mở màn hồi hương.

Thơ Trần Vạn Giã thời kỳ này gắn liền với sự đau thương, chết chóc, nhuốm màu sắc bi quan. Cảnh xóm làng chạy loạn, bà bồng cháu chạy loạn trong những cơn ho, nín thở vì những trái mìn nổ chậm. Nhà thơ Lê Khánh Mai đã viết “Quê hương và thân phận con người là nỗi day dứt trong thơ Trần Vạn Giã” [9, tr. 22]. Quê hương gợi ra những nỗi đau với buổi trời chiều tang tóc của buổi tản cư, đó là ám ảnh về những ngọn lửa bốc cháy quét sạch xóm làng và bao trùm lên tất cả là sự căm phẫn khi chứng kiến từng dòng máu đổ của những người thân yêu dấu trên mảnh đất quê hương :

Bà bồng cháu khòm lưng ra đầu ngõ Đạp trái mìn nổ chậm giữa cơn ho Trưa thúc thủ nắng khơi dòng máu đổ Lửa điêu tàn khu xóm cháy tàn tro.

(Tản cư, 14, tr. 26)

Thơ Trần Vạn Giã thường ngắn, đặc biệt ông có viết nhiều bài theo thể tứ tuyệt ngắn gọn nhưng súc tích, ngôn ngữ thơ hình ảnh thơ giản dị, đi vào lòng người. Nhà thơ đã dồn nén những cảm xúc chân thành mình để bày tỏ sự day dứt về một quê hương bị chiến tranh tàn phá hủy diệt, về những con người đang sống cảnh đời bom rơi đạn lạc trong ranh giới mong manh giữa sống và chết… Đối diện với một hiện thực buốt nhói như vậy, nhà thơ thấu hiểu cảm giác của những người trong cuộc. Trần Vạn Giã đã ngợi ca quê hương đất nước với biết bao điều tươi đẹp. Từ những con đường, ao nương, bờ giậu, luống khoai, mái chùa,… tất cả đều là những hình ảnh giản dị nhưng đó chính là quê hương, là nét đẹp rung động lòng người :

Yêu làm sao con ao nương sắn Thương làm sao bờ giậu luống khoai Mái chùa xưa ươm hồi chuông tím mộ Tóc em về trải rộng chuyến đò ngang.

(Đốt lửa, 15, tr. 23) Có thể nói thơ Trần Vạn Giã là “tiếng gọi hòa bình thất thanh trong màn đêm

dày đặc” [26, tr. 15]. Tiếng gọi của một người góp thành tiếng gọi của nhiều người,

Nhịp điệu thơ đã len lỏi vào những đường phố, dậy lên phong trào đấu tranh và cả những cánh đồng không chịu khuất phục.

Tôi mơ hồ dựng lên mùi hương cau ấp ủ niềm thương Mơ hồ luống cày vỡ đất phù sa nơi cánh đồng nội địa Làm sao tôi quên được giọng hò cố xứ

Với tiếng trống sang canh từ khắp lũy thành

Thôi thúc ngọn cờ và máu của những người anh em quyết tử. (Hợp xướng – tin mùa gió mới, 14, tr. 48) Tập thơ Đi trong rừng biểu ngữ mang đậm âm hưởng và hơi thở của miền đất Ninh Hòa, Vạn Giã, Tu Bông. Phía đông là vạn chài với những ngư dân mang lưới giã cào ra biển, phía tây là đèo Cả với những triền núi cao dốc đứng. Bên cạnh đó, Trần Vạn Giã cũng mang đến ta những bông hoa nở trên triền núi đó của quê hương, cũng là triền dốc trong cuộc đời nhà thơ:

Ta sẽ dìu nhau đi dưới ngọn cờ Và này những con đường

Mang gió heo may từ triền núi cao đổ xuống Ta thở chút hương nồng

Trong bầu trời xám

Cắm vào tim nhau những bông hoa đầu đời mới nở.

(Bến chờ, 14, tr. 45) Những vần thơ của Trần Vạn Giã trong thời kỳ này đã phác họa chi tiết những cảnh đời bi thảm, đó là sự khốc liệt, sự sống còn, ông nhìn thẳng vào thực tế để thoát khỏi sự bi lụy, yếm thế. Thơ ông còn đóng góp vào bản hợp xướng của hy vọng, sự thức tỉnh với những hình ảnh về ngày mai, gió mới, bến chờ, ngọn cờ, bếp lửa,…

Ngồi bên nhau đun lửa tình người

Về nhìn ngọn đông tàn trên từng xác lá căm căm. Bên rừng chông tre phòng thủ

Như hoài mong một ngày không xa Hòa bình truyền đi dưới bóng ngọn cờ Gọi nhau tin mừng họp mặt.

Trần Quang Long và Trần Vạn Giã là hai nhà thơ sáng tác cùng thời, cả hai đều có những cách cảm nhận riêng về quê hương, đất nước, Tuy nhiên, ở hai nhà thơ đều có những rung cảm tinh tế về thiên nhiên, con người. Thơ của Trần Quang Long mở ra chúng ta một không gian rộng lớn, cái nhìn nghiêng nghiêng, đắm say trước vẻ đẹp thiên nhiên:

Ôi quê hương của ta Môi hồng thơm lúa chín Hồn cất cánh bay xa Trái tim em hò hẹn

(Hát nữa đi em – Trần Quang Long) Rừng đêm lá đổ, rừng ngày ve ran

Nắng nghiêng từng cuộn tơ vàng

(Rừng nhỏ - Trần Quang Long)

Thơ của Trần Vạn Giã bình dị với những hình ảnh quen thuộc của làng quê, gợi ra bao niềm thương mến:

Ruộng đồng bát ngát Ngô khoai tốt hạt

Dòng sông tắm gội phù sa”

(Bài ca đất nước – Trần Vạn Giã) Hay:

Con đường cát của tuổi thơ Ba về gặp lại đâu ngờ con ơi Nội con và chiếc nón cời

Chắt chiu với cát suốt đời ở đây …..

Mải mê tiếng gió ngàn khơi

Vi vui sóng, cát – Dạo chơi suốt ngày

Đọc lại câu thơ của Trần Vạn Giã, ta thấy ấm áp tình người, hình ảnh bếp lửa mang ý nghĩa biểu trưng, đó là ngọn lửa thắp lên bao niềm vui, thắp lên bao hy vọng sau những tháng ngày chờ mong. Huỳnh Như Phương đã viết “Đọc lại thơ Trần Vạn Giã những ngày tháng này lòng tôi vừa dịu lại vì những ước mơ hòa bình trong thơ ông tỏa vào trang giấy, lại vừa cảm thấy nóng bỏng với những vần thơ kêu gọi giữ làng, giữ nước. Những bài thơ của một thời đã qua không lặp lại vẫn làm nhức nhối tim gan vì nó còn gợi trong ta một nỗi niềm, một ý thức nào đó. Nó làm động lòng ta mỗi khi vang lên những tiếng vọng từ những dòng sông, những bãi bồi, những vịnh biển, những triền núi… Đó là tiếng vọng của hồn thiêng đất nước được truyền thông từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà thơ ca là một kênh truyền dẫn không bao giờ đứt đoạn”. [26, tr. 18]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ trần vạn giã từ góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 29 - 33)