Cảm hứng về tình yêu và thân phận con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ trần vạn giã từ góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 40 - 46)

5. Cấu trúc luận văn

2.1 Cảm hứng chủ đạo

2.1.2 Cảm hứng về tình yêu và thân phận con người

Trần Vạn Giã đến với thơ như một lẽ tự nhiên, như một cái duyên gắn chặt ông với cuộc đời và rất nhiều trái tim khác cần đồng cảm khác. Trải qua những năm tháng đói no cùng người dân quê mình, Trần Vạn Giã hòa mình vào bức tranh hiện thực muôn màu. Cùng người dân chiến đấu với mưa to, bão lũ; cùng chia sẻ niềm vui, hiểu từng nụ cười của đám con trẻ dưới mái nhà lá dừa xiêu vẹo mỗi khi tết đến, xuân về… Để rồi từ đó ông viết nên những trang thơ dạt dào cảm xúc, lay động lòng người, như một cách để nhà thơ trang trải những tâm sự thầm kín.

Những bài thơ đầu viết theo thể lục bát được ông gom thành một tập mang tên “Hồn Chữ”. Nó được “nằm im” khá lâu, đến khoảng sau năm 1970 mới lác đác được đăng tải. Lúc này, cái tên Trần Vạn Giả lại nổi bật như một nhà thơ của nhóm “Nhân Sinh” hay “Trình Bày”, theo xu hướng “Đi trong rừng biểu ngữ”. Mặc dù ít được đề cập đến, nhưng “Hồn chữ” đã không mất đi:

Đứng trên mặt đất bao la Một mình ta cuốc cái ta ngàn đời

Gió chiều bay đỗ chơi vơi Đội trời và đội nón cời vun khoai

Có ai về dưới thôn Đoài Nhờ ơn nhắn cuộc tình hoài xa xăm.

Giọng thơ lục bát của Trần Vạn Giã lúc này rất riêng, mặc dù vẫn mang hơi hướng thời sự. Bối cảnh văn chương lúc này, số người cầm bút của giai đoạn trước 1960 vẫn đang nắm giữ các tạp chí văn nghệ lớn. Nhất là những nhà văn nhà thơ trưởng thành từ miền Trung và Nam bộ rất muốn khẳng định vị trí của mình. Họ đã tự phát lập ra nhiều tờ “tạp chí tỉnh lẻ”, hoặc “tạp chí xuất bản bất định kỳ”, nhưng tất cả đều không đứng vững do thiếu vốn và thiếu đầu mối phát hành. Có người nhờ thái độ la hét, tự tạo các om xòm để nổi tiếng nhanh. Trần Vạn Giã đã không làm vậy. Và đến nay những người yêu thơ vẫn không quên ông.

Trong tập thơ “Hồn Chữ” hôm nay độc giả được đọc, có những bài thơ tự do, thực chất vẫn mang hồn thơ lục bát. Nó vẫn rất “Trần Vạn Giã”. Đây là một đoạn thơ đầy chất thơ mộng, trữ tình:

Những con đường ta đi qua Và những con đường ta sẽ đến Mênh mông dấu đất chân người Hãy bình thản mà đi

Với gió giữa mùa đông rét đậm Bừng lên ý nghĩ trăm năm.

(Thắp tình giữa mùa đông, 17, tr. 46)

Tâm trạng của một thanh niên bị thời cuộc xua đuổi, phải lên rừng nương náu trong một tịnh cốc, lại là nguồn cơ duyên để ông hình thành nhân cách, thành một nhà thơ biết nhìn “thấu thị” bản ngã con người và kiếp nhân sinh: Một hôm trở lại Nguyệt Đài/ Mây thưa lớp lớp có ai gọi đò.

Bài thơ “Còn đâu bờ sương Tây phủ” mở đầu với hình tượng bến nước, con đò, tựa như khung cảnh thời Đường Thi cực thịnh. Nhưng nhờ câu chữ, ở đây nó lại rất Việt Nam. Tác giả miêu tả tiếp theo, rằng:

Bên bờ sương cỏ quanh co

Hắt hiu bước chậm tiếng cò điểm trăng. [17, tr. 12]

Nhà thơ đã sực tỉnh khi nghe tiếng chim cò quen thuộc của miền quê. Để rồi:

Bốn câu lục bát trên đây như một bài thơ Đường biến thể. Khung cảnh không mới, tứ thơ không mới, nhưng người đọc thấy rõ nhà thơ này đã chắt lọc được những tinh tế của người xưa, biến nó thành của mình. Cái “vốn học” của nhà thơ là đã hàm chứa trong đó.

Là một người sống tình cảm, trọng tình trọng nghĩa, nhà thơ Trần Vạn Giã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới hai người phụ nữ trong đời ông, đó là mẹ và vợ. Những người phụ nữ ấy chính là động lực để nhà thơ yêu thương và nâng niu tất cả mọi thứ. Viết về mẹ với một tấm lòng thành kính, mẹ chính là dòng suối mát trong nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ:

Dạy con phải yêu sự thật Giữ những gì tinh chất của hồn quê

(Chuyện từ bếp lửa, 9, tr. 88) Mẹ cũng chính là bóng tre xanh, sớm hôm tần tảo, bữa đói, bữa no chỉ mong con học được con chữ. Hình ảnh người mẹ trong thơ ông thường gắn với những từ ngữ trìu mến, thân yêu như bóng tre xanh, bếp lửa, hồn quê, nước làng,… Mẹ là người dạy nhà thơ biết yêu sự thật, không dối trá trên mảnh đất quê hương. Nhà thơ thừa nhận rằng “Nhờ mẹ, tôi trở thành nhà thơ”. [13, tr. 59]

Mẹ khơi thêm mạch nước làng Tre xanh bóng Mẹ ngút ngàn thời gian.

Rơm khô đồng nẻ mẹ ơi

Hanh hao nắng đốt những lời ca dao

(Mẹ làm dân, 12, tr. 11)

Trưa chiều cơm bữa đói no Mong con có học là kho bạc vàng

(Cái quạt mo cau, 9, tr. 89)

Bên cạnh đó, nhà thơ cũng không quên cám ơn người phụ nữ đã đồng cam cộng khổ cùng mình trong những ngày tháng cơ cực nhất của cuộc đời. Ông giãi bày tình cảm chân thành, thiếu tha nhất với người vợ của mình. Người vợ khó nhọc ấy đã vì chồng vì con mà cam chịu, hy sinh, nếm vị đắng để cùng nhà thơ tìm hạnh phúc đích thực. Nhà thơ từng tâm sự “Với vợ, tôi không thể nào nói hết lời ân nghĩa”. [13, tr.59]

Cám ơn người vợ khổ của anh Nếm vị đắng để đi tìm hạnh phúc Biết chọn dòng sông hai bờ trong, đục Để suốt đời hiểu được tình anh

(Cám ơn người vợ khổ, 8, tr. 11)

Thấu hiểu những nỗi khổ mà vợ gánh vác, nhà thơ không ít lần đặt mình vào hoàn cảnh của vợ mình để đồng cảm và chia sẻ những tâm sự thầm kín, đó là những nỗi niềm được trang trải trong thơ:

Anh thơ thẩn còn em thì thực tế Trời xui chi đã nên vợ thành chồng Thềm Đông Phong cây sầu đông thay lá Cám ơn em đợi anh trở về nhà

(Người vợ khổ, 9, tr. 100) Tình yêu gia đình trong thơ Trần Vạn Giã luôn gắn với tình yêu xóm làng, tình yêu quê hương, đất nước. Vì thế, nhà chính là nơi duy nhất và cuối cùng mà nhà thơ khao khát muốn tìm về sau mỗi chuyến đi. Nhớ đến quê hương, nhớ đến gia đình, nhà thơ lại dạt dào cảm xúc, nỗi nhớ ấy cứ tự nhiên ùa về trong tiềm thức và gửi vào trong thơ. Mạch thơ được diễn đạt tự nhiên, trong sáng với những hình ảnh thân thuộc và những sự tích kể về mẹ:

Đi lâu con đã nhớ nhà

Nhớ cơn gió thoảng là là hương cau Những chiều mẹ đứng ngõ sau

Lui cui tóc bạc trên đầu mẹ ơi Dọc ngang dù cuối đất trời

Cũng không quên thuở thiếu thời vàng son Chuyện từ Đá Mẹ Bồng Con

Qua bao lửa đạn vẫn còn trơ trơ Nên con được lớn bây giờ Mẹ ơi con lại làm thơ cho đời.

Tình yêu trong thơ Trần Vạn Giã được thể hiện rất mộc mạc và tinh tế với đủ các cung bậc cảm xúc, có một tập thơ mang tên Tình yêu đẹp như bài thơ. Đó là những rung cảm của nhà thơ cuộc đời và con người nên có nhiều chủ đề đa dạng như tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ và có khi đó là tình cảm bạn bè. Sinh ra và lớn lên ở quê ngoại Khánh Hòa, nhà thơ vẫn dành một phần tình cảm của mình cho quê cha xứ Nghệ. Qua lời thơ, vùng quê ấy hiện lên một cách hồn hậu và chân thành:

Con về nhìn lại dòng sông

Thương câu hát cũ cháy lòng của con Mạch đời sâu lắng nước non

Để hồn quê kiểng : Vẫn còn mai sau Câu hò xứ sở thương nhau

Cứ mang âm sắc ban đầu Nghệ An.

(Nhớ quê nội Nghệ An thương câu hò xứ sở, 8, tr. 8) Còn đây là hình ảnh người chị của tác giả trong một buổi làm đồng. Đoạn thơ chỉ có bốn câu nhưng gợi ra rất nhiều hình ảnh thân quen như “rơm rạ”, “cánh diều”, “vò bầu”, “mo cau”, “nắm cơm”,… Những hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tiềm thức nhà thơ, khơi những nguồn cảm hứng đầu tiên khi nhà thơ cầm bút:

Gánh rơm qua những đường chiều Nắng chưa khô hết cánh diều gió bay

Vỏ bầu đựng nước gừng cay Mo cau gói nắm cơm tay ra đồng

(Chị tôi, 13, tr. 17)

Ở một bài thơ khác, nhà thơ bày tỏ tình cảm sâu đậm với người bà ngoại đã khuất của mình. Quên sao được quãng thời gian được bà nuôi nấng, tuổi thơ gắn với đói nghèo, khổ đau. Nhà thơ thấu hiểu nỗi vất vả của người bà năm xưa, trong tiềm thức của nhà thơ, bà chính là “đại ngàn bóng ngả chiều hôm”:

Lún đời xuống vũng bùn trơn Củ nầng con xút đâu hơn cái nghèo

…..

Một đời đã nuốt khổ đau Câu thơ từng đã bạc đầu áo cơm

Đại ngàn bóng ngả chiều hôm Rớt trong tiếng võng đong đưa nhớ Bà.

(Bà ngoại và tôi, 18, tr. 14)

Nhà thơ luôn dành cho gia đình những tình cảm sâu nặng và trân trọng, yêu thương. Còn khi nói về tình yêu, cũng có lúc thơ ông mượt mà, đằm thắm, trữ tình khi nói về những ngày rung động đầu tiên. Là một nhà thơ rung động với những điều tưởng chừng như nhỏ bé, giản đơn nhất, Trần Vạn Giã viết thơ hồn hậu, tự nhiên mà khiến cho ta cứ ấn tượng mãi những chi tiết nhỏ có trong thơ:

Em răng khểnh ta ơi Bước chân chim về muộn Có hẹn đâu mà buồn

Chiều về dạo phố một mình Em làm sao biết được Sóng đã vỗ thơ tình Chao đời ta một thuở

(Đừng yêu người làm thơ, 8, tr. 33)

Nhà thơ là người trân trọng quá khứ, thơ ông dù vui hay buồn cũng đều lấp lánh những hy vọng: Bỗng dưng còn tháng còn ngày/ Em và tôi vẫy bàn tay đợi chờ

(Hai mươi năm cũ, 8, tr. 32). Đó còn là những bản tình ca của những tháng ngày

sống chết có nhau: Làm sao quên thời ở rừng/ Thời bên nhau sương khói đọng mơ

hồ/ Anh rót rượu dưới trăng rừng kỳ diệu/ Rót vào đời nhau dạ khúc tình yêu (Tình

ca thời ở núi, 8, tr. 35). Tình yêu, tình tri âm, tri kỉ nẩy sinh trong những cơn hoạn nạn, đói khổ có nhau, họ chia sớt ngọt bùi và cùng nhau vỗ về để tạo thành một bản hợp xướng về ngày mai hy vọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ trần vạn giã từ góc nhìn tư duy nghệ thuật (Trang 40 - 46)