Chƣơng 2 TƢ DUY NGHỆ THUẬT NHÌN TỪ CẤP ĐỘ QUAN NIỆM
4.4. Giọng điệu giàu sắc thái thẩm mĩ
4.4.2. Giọng điệu trữ tình sâu lắng
Nếu giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư được định hướng bởi yêu cầu về tính triết lý của tiểu thuyết thì giọng điệu trữ tình lại được định hướng bởi yêu cầu về tính thơ trong tiểu thuyết. Điều này xuất phát từ mối bận tâm của các nhà văn trong việc đi sâu khám phá và biểu hiện miền hiện thực tâm trạng với những xúc cảm, rung động từ trong sâu thẳm tâm hồn. Bởi thế, tiểu thuyết như một hành trình hướng nội, đi sâu vào thế giới bên trong với những cảm xúc, cảm giác khi mạnh mẽ, khi mờ hồ, lúc thoáng qua, lúc da diết làm cho sắc thái trữ tình thấm sâu trong từng tiểu thuyết.
Mặc dù cùng lấy việc khám phá và biểu hiện chiều sâu thế giới nội cảm con người làm “cái đích” của sự sáng tạo nhưng giữa các nhà văn nữ hải ngoại lại có một sự phân hóa rõ nét trong phương thức biểu hiện. Bởi vậy, trong tương quan so sánh giữa tiểu thuyết của các nhà văn nữ, giọng điệu trữ tình sâu lắng này xuất hiện nhiều hơn ở tiểu thuyết của Lê Ngọc Mai, Đoàn Minh Phượng, Lê Minh Hà; mờ nhạt hơn trong tiểu thuyết của Thuận. Bởi nếu Thuận “ưa thích” với việc miêu tả những câu chuyện tình đẫm nước mắt bằng một chất giọng trung tính, sắc lạnh và đầy hài hước thì Lê Ngọc Mai, Lê Minh Hà lại chọn một con đường ngược lại: đó chính là việc biểu đạt một cách trực tiếp chiều sâu nội cảm ấy bằng chất giọng trữ tình sâu lắng, làm cho sắc thái trữ tình thấm đẫm trên từng trang văn.
Giọng điệu trữ tình được kiến tạo nhờ một hệ thống ngôn từ đầy sức lắng đọng; bởi những lời văn nhẹ nhàng và kín đáo; bởi những miêu tả về con người luôn thâm trầm, dịu dàng mà tinh tế và bởi cả những ngả đường, góc phố nơi nào cũng chất chứa vẻ dịu dàng, nên thơ. Tất cả làm cho tiểu thuyết trôi đi như một khúc tâm tình sâu lắng. Ở đó có cả những niềm vui hạnh phúc tràn đầy ý nhị, cả những nỗi buồn, sự đau đớn, khi xót xa, khi day dứt, khi nghẹn ngào.
Được tạo tác bởi “một giọng nói dịu dàng, một ánh nhìn đôn hậu” [215], hoài niệm da diết với những nỗi nhớ chưa từng ngủ yên trong sâu thẳm trái tim nhân vật đã trở thành âm hưởng xúc cảm chủ đạo trong sáng tác của Lê Ngọc Mai. Hoài niệm và nỗi nhớ ấy không chỉ tạo nên sự kết nối bề mặt mà còn là chất keo tạo nên sự gắn kết ở bề sâu của văn bản. Bởi gắn với hoài niệm ấy, nỗi nhớ ấy là những rung động mạnh mẽ của mối tình đầu chớm nở với tất cả sự thuần khiết và dịu dàng như những bông tuyết trắng tinh khôi đầu mùa; là lần đầu trao gửi trong hạnh phúc dịu dàng khi tiết trời Matxcơva bắt đầu vào xuân, rất trong và rất dịu; là thành phố Verona – thành phố quê hương của đôi tình nhân Romeo và Juliette huyền thoại – một thành phố huyền bí dịu dàng với tuần trăng mật “đượm sắc màu lãng mạn và hương vị quyến rũ đặc biệt của trái cấm”[154, tr146]. Ngoài ra, đó còn là nỗi lòng sầu nhớ cố hương với những hoài niệm da diết nhớ thương về Hà Nội. Đó còn là khát khao được trở về, được tìm lại những ngả đường, góc phố đầy ắp những kỉ niệm thân thương – những kỉ niệm luôn “dậy sóng” trong từng phút giây của hiện tại trong lòng người lữ khách tha thương. Khảo sát trong Tìm trong nỗi nhớ, ta hiếm gặp những ngôn từ đanh thép, lên gân mà chủ yếu là những tính từ đậm chất trữ tình. Những từ biểu cảm như: cảm giác, nhớ, buồn, vui, dịu dàng, nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ, ấm áp….được nhà văn sử dụng đa dạng trong nhiều tình huống. Tất cả đều hết sức nhẹ nhàng và sâu lắng: “Lan Chi dịu dàng vuốt nhẹ tóc con” [154, tr49]; “một cảm giác dịu dàng tràn ngập người tôi. Bàn tay anh đang nhẹ nhàng nghịch một túm tóc tôi”[154, tr67]; những bông tuyết đầu mùa “dịu dàng và tinh khiết” [154, tr19]; nụ hôn nhẹ nhàng “thật dịu dàng nhưng ngắn ngủi”[154, tr217].
Sự nhẹ nhàng và sâu lắng ấy còn nằm trong cả những niềm vui, nỗi buồn vừa giản dị, vừa trong sáng. Đó là nơi góc phố bồng bềnh trong sắc màu tím hồng huyền
ảo – nơi ghi dấu nụ hôn đầu cháy bỏng làm “người tôi như tan đi trong một cái hôn dài” [154, tr32]; đó là cảm giác ấm áp nơi vỉa hè khi cô gái nép trong vòng tay chàng trai để tránh một cơn mưa tầm tã; nơi con đường nhỏ rợp bóng cây cô gái đã khóc nức nở sau trận cãi nhau kịch liệt rồi lại làm lành; đó là nơi bờ sông Garonne với những buổi chiều thư thả, người vợ (nhẹ nhàng, tinh tế, dịu dàng và đằm thắm) tựa đầu vào vai chồng (người chồng giọng nói ấm áp, gần gũi, dịu dàng và âu yếm), nhìn lũ con đùa nghịch trên thảm cỏ xanh… Ở đó, ghi dấu tất cả những xao xuyến, chạnh lòng, những bồi hồi xúc động và cả những hờn giận, ghen tỵ hết sức giản dị và trong sáng (ghen với sự thanh thản của tình yêu trọn vẹn không bị giằng xé làm đôi; ghen với cái hạnh phúc bình yên của dòng người hối hả khi nhà và quê hương là một…).
Không chỉ đến từ vẻ đẹp của cảm xúc và tâm trạng, giọng điệu trữ tình sâu lắng còn nằm ở những trường đoạn miêu tả thiên nhiên dưới góc nhìn nội cảm hóa, thi vị hóa khiến cho sắc thái trữ tình lan tỏa, thấm đẫm trong cảnh vật. Ta có thể thấy rõ điều này qua những trích đoạn sau:
“Tuyết rơi nhiều, rất nhiều, mùa đông năm ấy ở Matxcơva.
Đầu tháng mười một, tuyết bắt đầu rơi, như thường lệ, năm nào cũng vậy. Tinh khiết và dịu dàng, những bông tuyết đầu mùa rơi thật chậm trong không trung, lượn lờ mãi rồi mới thong thả ngập ngừng đáp xuống. Đất và trời hòa lẫn vào nhau trong một màu trắng muốt tinh khôi” [154, tr19].
Hay: “Khi tôi mở mắt ra, hoàng hôn hình như vừa buông xuống. Đường phố bồng bềnh trong một màu tím hồng huyền ảo, ánh chiều đang lịm dần phía trên những ngọn đèn đường còn chưa kịp sáng lên. Matxcơva bắt đầu vào tháng ba, tuyết đang tan, trời rất trong, rất dịu” [154, tr32].
Rõ ràng, trong những trường đoạn trên, thiên nhiên được miêu tả dưới cái nhìn nội cảm hóa đã làm cho giọng điệu trữ tình thấm đẫm trong từng câu chữ. Ở đó, không có sự kiện, không có biến cố, không có hành động mà thay vào đó là sự hòa quyện, tan thấm niềm vui cũng như nỗi buồn của con người vào cảnh vật. Điều đó đã làm cho những trích đoạn trên mang âm hưởng của một đoạn thơ văn xuôi.
Bởi giọng điệu trữ tình sâu lắng thấm đẫm trong từng trang văn nên khi nhận xét về dư vị xúc cảm trong Tìm trong nỗi nhớ, nhà nghiên cứu Phong Lê đã phát biểu
rằng: “Tìm trong nỗi nhớ chỉ nói chuyện đời tư…mà vẫn thấy rõ diện mạo xã hội với dấu ấn một thời của nó. Một nỗi buồn của thời xa quê (nostalgie), nỗi buồn của sự chênh vênh giữa nhà và nước, và nỗi buồn về những gì không còn làm lại được nữa trong đời…tạo nên một dư vị riêng – dư vị trữ tình ngùi ngẫm và rất nỗi niềm trong văn Lê Ngọc Mai” [154, tr232].
Không chỉ “đặc quánh” trong sáng tác của Lê Ngọc Mai, giọng điệu trữ tình, sâu lắng cũng lan tỏa trong từng câu chữ ở Gió tự thời khuất mặt và Phố vẫn gió của Lê Minh Hà. Đâu đâu trong tiểu thuyết ta cũng gặp hình tượng gió luôn gắn liền với những “xao xác” trong một tâm hồn rất đỗi dịu dàng, tha thiết. Tâm hồn ấy dù có “lưu lạc” bao lâu ở một phương trời xa lạ, vẫn dành trọn trong mình một góc nhỏ thân thương – “Nơi ấy, con bé con trở thành thiếu nữ. Qua những tháng ngày đứt đoạn. Rồi thành đàn bà. Nơi ấy xa rồi và người đàn bà trẻ con nhớ mãi. Nhớ. Và biết rằng mình sẽ không tìm về. Nơi chốn là để đi xa quay về trong hồi ức. Nếu tìm về bằng bước mỏi, nơi chốn có còn thân thuộc nữa không?” [83, tr11]. Đó là Hà Nội, “một Hà Nội nhọc nhằn mà dịu dàng, một Hà Nội thiếu mà vẫn đủ, những mùa xanh xưa chúng ta” [83, tr7]. Nơi chốn ấy, với những “mùa xanh xưa” trong lòng người đàn bà trẻ con đã được tái hiện lại bằng những dư vị ngọt ngào với một giọng điệu trữ tình mà sâu lắng: đó là một Hà Nội thơm mùi sen ổi; là “phố xá lúc bình minh còn vắng tiếng người xe. Chỉ có tiếng gió chuyển trên những vòm đa cổ thụ. Những bình minh êm ả, tiếng gió xôn xao. Những bình minh u ám, tiếng gió dằn dọc. Như trong gió có linh hồn. Của nắng sương. Của đất. Của nước” [83, tr49]; là “Phố xá xao xác người xe…Mùa đông, mây xám giăng theo chiều gió bấc, co ro trong cơn gió mới tràn về hào phóng thổi, mà sao lòng cứ phơi phới và ấm áp khi soi vào đáy mắt nhau. Còn những mùa hè, gió nồm nam thốc từ ngõ ra lùa trong áo mỏng, khiến rùng mình bất chợt khi chợt nghĩ rồi có thể sẽ là như thế, những ngón tay nhau. Những ngày âu yếm quá. Những điều không cần nói. Những khao khát không lời vẫn cưu mang dẫu khó nghèo cùng cực” [83, tr 225].
Giọng điệu trữ tình, sâu lắng, lời kể êm đềm, nhỏ nhẹ, nhịp điệu chậm rãi, thong thả, cùng với đó là hệ thống tính từ miêu tả và biểu đạt cảm xúc được sử dụng với tần số lớn đã tô đậm cho những vẻ đẹp của cảm xúc, của tâm trạng trong một cốt
truyện đã bị nới lỏng, phân rã dần. Sự kết hợp của những yếu tố đó đã làm nên chất thơ đậm đặc trong tiểu thuyết.