Hiện thực huyền ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư duy nghệ thuật trong Tiểu thuyết của một số nhà văn nữ hải ngoại đương đại (Trang 43 - 46)

Chƣơng 2 TƢ DUY NGHỆ THUẬT NHÌN TỪ CẤP ĐỘ QUAN NIỆM

2.1. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực

2.1.2. Hiện thực huyền ảo

Gắn liền với hiện thực thậm phồn là hiện thực huyền ảo. “Hiện thực huyền ảo là những gì con người có thể tri giác và linh giác về thế giới xung quanh theo cách thế giới đó được nhìn từ góc nhìn “bản thể” của nó. Như thế, ngoài thế giới xung quanh có thể tri nhận trực tiếp, thì thế giới vô thức, thế giới ma quái hoang đường…vốn chỉ

truyền tụng trong dân gian, nay có chỗ đứng tương đồng với những gì được xem là hiện thực trước đó” [13, tr41]. Khi hiện thực là những gì con người có thể “tri giác” (hiện thực hiện ra qua quá trình tâm lý dựa trên những tri nhận của các giác quan) và “linh giác” (hiện thực được phát hiện nhờ “giác quan đặc biệt” mách bảo con người, giúp con người khám phá nó thông qua sự tác động của các giác quan) từ góc nhìn bản thể, thực chất là hiện thực đã được mở rộng tới tất cả những gì con người có thể cảm nhận, tưởng tượng, thậm chí linh cảm về nó.

Bởi vậy, trong quan niệm của các nhà văn nữ hải ngoại, khái niệm hiện thực không chỉ được mở rộng nhờ sự tác động của khoa học kĩ thuật và các phương tiện truyền thông đại chúng còn được mở rộng ra nhờ tri giác và linh giác của con người về thế giới xung quanh. Bởi thế mà nhà văn Thuận mới khẳng định rằng: “tưởng tượng…vẫn chỉ là một hình thức khác của hiện thực” [270].

Nhờ sự tham gia tích cực của các quá trình tâm lý, hiện thực đã mang đậm dấu ấn chủ quan (hiện thực được nhìn từ góc nhìn bản thể và chịu sự chi phối của đời sống tâm lý và đặc điểm nhân cách của con người). Bởi vậy, đó còn là hiện thực tâm lý, hiện thực tâm linh. Trên cơ sở sự lý giải này, cùng với đó là ý thức về sự phản ánh hiện thực của văn chương, nhà văn Đoàn Minh Phượng quan niệm: “người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người” [267] – vùng sáng và vùng tối của trái tim - như Bùi Việt Thắng đã nhận xét – là “lang thang trong thế giới tâm linh đầy bí ẩn” [235]. Đó là hiện thực của giấc mơ, của vô thức, của tâm linh với tất cả những huyền ảo và kì bí của nó.

Trong những chiều kích đó, nếu hiện thực vật chất là thứ hiện thực hợp lý, tồn tại trong trật tự, được ý thức tri nhận và khái quát thành các quy luật thì hiện thực tâm lý, tâm linh, hiện thực của tưởng tượng và vô thức không phải khi nào cũng hợp lý. Có khi, đó còn là thứ hiện thực phi lý (Phi lý ở đây cần được hiểu dựa trên cơ sở của chủ nghĩa duy lí. Chủ nghĩa duy lí coi mọi thứ đều có thể lí giải được nhờ lí trí, vì thế những gì mà lí trí không giải thích được thì gọi là phi lí). Hiện thực này thường hỗn độn, bí ẩn, khó nắm bắt và không phải lúc nào cũng vận động theo quy luật. Nếu trí tưởng tượng của con người càng phong phú, trực giác càng tinh nhạy thì vùng hiện thực phi lí này càng được cơi nới đường biên, trở thành thứ “hiện thực huyền ảo”.

Vùng hiện thực được kiến tạo nhờ trí tưởng tượng, vô thức khó có thể được khám phá, được chiếm lĩnh nếu chỉ dựa vào lí trí của con người.

Hướng đến vùng hiện thực này, nhà văn Đoàn Minh Phượng nhận xét: “Tôi nghiêng về giác quan và trực giác….Những thứ đi qua vô thức đôi khi tác động lên tình cảm mạnh mẽ hơn cả ý thức” [128]. Ở một bài viết khác, Đoàn Minh Phượng cũng khẳng định chân lý và sự thật “chỉ có được sau rung động và tư duy” [201]. Những nhận xét ấy đã góp phần khẳng định vai trò của giác quan, trực giác, và những rung động xúc cảm của con người trong việc nhận thức và chiếm lĩnh thế giới hiện thực. Bởi vậy, nếu như trước đây, quyền năng của lí trí được coi là tối thượng thì đến đây, ở một khía cạnh nhất định, lí trí của con người đã ít nhiều mất đi vị trí độc tôn. Ít ra, trong quan niệm của các nhà văn nữ hải ngoại, nó đã không còn là con đường duy nhất giúp con người chiếm lĩnh, khám phá thế giới (đặc biệt là thế giới tâm linh, vô thức của con người). Bởi bên cạnh ý thức, sự tham gia của các giác quan, của trực giác, vô thức có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khám phá hiện thực tâm lý, tâm linh. Đó là cơ sở nảy sinh sự hoài nghi, bất tín nhận thức.

Quan niệm hiện thực huyền ảo chi phối đến tư duy của nhà văn trong quá trình sáng tác. Bởi sáng tạo nghệ thuật là công việc được thực hiện trong thế cân bằng hết sức mong manh giữa vô thức và ý thức nên không chỉ có yếu tố ý thức được coi trọng mà cần đến cả sự tham gia của tưởng tượng và vô thức. Đó là sự khẳng định việc “nghiêng về giác quan và trực giác” [128] của nhà văn trong hành trình sáng tác; là sự coi trọng vai trò của tưởng tượng, liên tưởng. Thuận tâm sự: “Hai mươi sáu tuổi, sau mười năm xa nhà, tôi mới bắt đầu viết… Ý nghĩ đầu tiên là viết một cái gì đấy, chỉ để phục vụ nhu cầu tưởng tượng, nhu cầu đi xa khỏi bản thân tôi” [103]. Bởi vậy, viết còn là một hành trình khám phá, vừa viết vừa sáng tạo, vừa viết vừa tưởng tượng để cả bản thân tác giả và độc giả đều cảm thấy thú vị, bất ngờ.

Quan niệm đó chi phối đến thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết. Đến với tiểu thuyết của các nhà văn nữ, ta bắt gặp một thế giới nhân vật mà ở đó, hầu hết đều được các nhà văn “cấp cho” một năng lực tưởng tượng “siêu phàm”. Chú trọng tưởng tượng và thể nghiệm sức tưởng tượng ấy qua thế giới nhân vật, các nhà văn nữ đã xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật luôn có sức khơi gợi, lan tỏa của suy tư. Trong

nhiều tiểu thuyết, những hồi ức, tưởng tượng, những ảo giác, chiêm bao, hoài nghi, giả định, những huyền thoại, huyễn ảo… của các nhân vật được nhà văn sử dụng như những yếu tố nghệ thuật quan trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư duy nghệ thuật trong Tiểu thuyết của một số nhà văn nữ hải ngoại đương đại (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)