“Tiểu thuyết mảnh vỡ”

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư duy nghệ thuật trong Tiểu thuyết của một số nhà văn nữ hải ngoại đương đại (Trang 57 - 60)

Chƣơng 2 TƢ DUY NGHỆ THUẬT NHÌN TỪ CẤP ĐỘ QUAN NIỆM

2.3. Quan niệm về tiểu thuyết

2.3.2. “Tiểu thuyết mảnh vỡ”

“Tiểu thuyết ngắn” (short novel) là một khái niệm đã được định danh bởi nhiều nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước: Kristjiana Gunnars với tiểu luận Về những

tiểu thuyết ngắn; Văn Giá với Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam trong

những năm gần đây; Bùi Việt Thắng với Dòng tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt

Nam thời kỳ đổi mớiChặng đường dài của tiểu thuyết ngắn; Tạ Duy Anh với Tiểu

thuyết – cái nhìn cuối thế kỷ; Nguyễn Thị Hoa với Thuận, với việc tìm đến hình thức

tiểu thuyết ngắn; Hoàng Thị Huệ với Khuynh hướng tiểu thuyết ngắn trong văn học

đương đại Việt Nam… Trong những công trình này, vấn đề tiểu thuyết ngắn được xem

xét dưới nhiều góc độ nhưng hầu hết đều thống nhất rằng: vấn đề dài/ ngắn không chỉ được “ngoại hiện” ở số trang mà còn “ẩn chìm” dưới những thay đổi bên trong của hình thức thể loại. Chính sự thay đổi này đã làm cho tiểu thuyết ngắn đương đại (dù ngoại hiện vẫn ngắn như nó đã từng có trong lịch sử) nhưng lại là một khuynh hướng phát triển mới phù hợp với những đòi hỏi của thời đại và thể loại. Đòi hỏi ấy xuất phát từ thực tiễn tiếp nhận của độc giả ngày nay, khi mà nhịp sống hối hả và quỹ thời gian eo hẹp, tiểu thuyết ngắn dường như là một lựa chọn phù hợp với nhiều ưu việt. Đòi hỏi ấy còn xuất phát từ thực tiễn sáng tác, khi người cầm bút đứng trước yêu cầu bức thiết về sự đổi mới tư duy. Phát triển dựa trên những đòi hỏi đó, tiểu thuyết ngắn trở thành một khuynh hướng nổi bật trong văn học Việt Nam đương đại và được nhận diện bởi các tiêu chí: có độ dài dưới 300 trang, mang tính phân mảnh, tính triết lý và tính thơ. Đó là sự thể hiện của “xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa tầng ý nghĩa, bi kịch thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường, không áp đặt chân lí là dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là chỉ thấy cái bóng mình đổ dài xuống lịch sử” [6, tr85].

Mặc dù khái niệm tiểu thuyết ngắn đã được thừa nhận rộng rãi, nhưng trong luận án này, người viết lại đồng tình với quan niệm của tác giả Hoàng Cẩm Giang (được thể hiện trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI – cấu trúc và khuynh hướng) khi thay thế khái niệm này bằng khái niệm “tiểu thuyết mảnh vỡ” (fragment novel). Trên cơ sở những lý do mà tác giả đã đưa ra (“tiểu thuyết ngắn” không gọi tên được bản chất thẩm mĩ và tính khuynh hướng của dòng tiểu thuyết này bởi chữ “ngắn” gợi lên sự xếp loại về độ dài hơn là tính chất tác phẩm; bản thân chữ “mảnh vỡ” đã bao quát được các khía cạnh đặc trưng quan trọng nhất của khuynh hướng này (theo Kristjiana Gunnar, đó là tính phân mảnh) mà bản thân chữ “ngắn” không phản ánh được), trong luận án này, chúng tôi sử dụng khái niệm tiểu thuyết mảnh vỡ còn bởi nó thể hiện được sự chuyển hóa lôgic từ quan niệm về tính phân mảnh của hiện thực và con người đến quan niệm về tiểu thuyết trong tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ. Cũng trên cơ sở này, tiểu thuyết mảnh vỡ đã trở thành một “kim chỉ nam” đưa dẫn nhà văn đến với các kỹ thuật tiểu thuyết quan trọng (coi trọng tính phân mảnh, tăng cường triết lý, tính thơ).

Như trên đã khẳng định, tính phân mảnh là một điểm nhấn quan trọng trong cách nhìn và sự lý giải của các nhà văn nữ hải ngoại về hiện thực. Con người cũng được các nhà văn nhìn nhận như những “mảnh vỡ” từ một bản thể nhân vị trọn vẹn. Và như một lựa chọn, tiểu thuyết mảnh vỡ thể hiện rõ tính lôgic trong hệ thống quan niệm cũng như sự “tương thích” trong việc biểu đạt nhằm thể hiện con người và hiện thực thông qua những “mảnh vỡ”. Phóng chiếu đến tiểu thuyết của các nhà văn nữ, tính phân mảnh cũng là một đặc điểm nổi bật được thể hiện trên nhiều phương diện: nhân vật, không gian, thời gian, kết cấu, ngôn ngữ…Để bao quát tất cả những yếu tố đó, tiểu thuyết mảnh vỡ phản ánh đầy đủ hơn, chính xác hơn so với tiểu thuyết ngắn. Sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này chỉ nằm ở cách gọi tên nhằm mục đích nhấn mạnh, gợi suy tư liên tưởng đến những thuộc tính mà người viết muốn đề cập. Hơn nữa, trong quan niệm về thể loại, các nhà văn nữ không gọi tên là tiểu thuyết ngắn hay tiểu thuyết mảnh vỡ. Tuy nhiên, trên cơ sở gạn lọc những ý tưởng về thể loại và quy chiếu nó với đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết mảnh vỡ, chúng tôi nhận thấy quan niệm về thể loại của các nhà văn nữ hải ngoại có những nét tương đồng.

Thứ nhất, đó là sự giới hạn về dung lượng (số trang). Đối với các nhà văn nữ, “nhiệm vụ của văn chương không phải là kể, mà viết, viết để viết khác đi, viết để tìm ra những cách viết mới, viết như thế nào quan trọng hơn viết cái gì” [67]. Sự chú trọng đến lối viết đã làm cho dung lượng tiểu thuyết được dồn nén lại. Bên cạnh đó, trong bối cảnh văn hóa đương đại, con người ngày càng trở nên tất bật hơn nên một cuốn tiểu thuyết ngắn, nhỏ gọn sẽ gây được sự chú ý hơn. Theo tinh thần của Thuận, “cạnh tranh là điều không thể thiếu” để tiểu thuyết tìm được chỗ đứng trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn đang bành trướng, lấn át như hiện nay. Và để cạnh tranh, tiểu thuyết phải điều chỉnh dung lượng để phù hợp với độc giả hiện đại.

Thứ hai, đó là tính phân mảnh của tiểu thuyết. Từ quan niệm về chức năng giao tiếp của văn học, các nhà văn nữ hải ngoại đã có ý thức trong việc “lôi kéo” độc giả tham gia vào tác phẩm, vì thế, tính phân mảnh được xem như là một đặc trưng quan trọng. Hơn nữa, quan niệm về tính phân mảnh của tiểu thuyết thực chất cũng là một hệ quả có mối quan hệ liên đới từ quan niệm về hiện thực phân mảnh (nhà văn không thể hướng đến cái toàn thể của hiện thực) của các nhà văn nữ.

Thứ ba, đó là tính triết lý của tiểu thuyết. Quan niệm này xuất phát từ chức năng nhận thức của văn học. Nhà văn Đoàn Minh Phượng đã khẳng định: “Kho tàng triết lý của loài người nằm trong các tác phẩm văn học nhiều hơn trong những cuốn sách triết” [267]. Vì thế, “tiểu thuyết, trong khi không mang mục đích thông tin, chuyên chở kiến thức, lại làm cho ta hiểu về con người, về lòng tin, nơi họ sống, lịch sử, thời tiết, mùa màng sâu hơn những sách chuyên đề” [267]. Tính triết lý làm cho tiểu thuyết mặc dù được dồn nén lại trong sự giới hạn của số trang nhưng lại có sức chuyên chở một lượng lớn kiến thức. Bởi vậy, tiểu thuyết ngắn nhưng không được giản đơn. Nó phải thể hiện được chiều sâu của cuộc sống, chiều sâu của nhận thức để thông qua một lượng ngôn từ có giới hạn, bạn đọc nhận thức được nhiều hơn những vấn đề hệ trọng của cuộc sống con người.

Thứ tư, tính thơ của tiểu thuyết. Hành trình tiểu thuyết vận động từ hướng ngoại chuyển sang hướng nội, từ cái ta chung đến cái tôi riêng trong dòng chảy chung của lịch sử đã mở ra những “ngả đường” cho chất thơ ùa vào trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết vì thế, thay vì tính khách quan vốn từng được xem như một đặc trưng, nay đã

được chủ quan hóa, nội cảm hóa. Điều này cũng thể hiện sự chi phối từ quan niệm của các nhà văn về hiện thực (hiện thực trong văn học luôn mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ). Bởi vậy, tiểu thuyết không còn chủ vào hành động, các sự kiện, biến cố liền mạch mà hướng vào chiều sâu nội cảm của con người. Chính điều này đã khiến cho sắc thái trữ tình (vốn là đòi hỏi sống còn của thơ ca) xuất hiện khá đậm nét trong nhiều tiểu thuyết.

Những đặc điểm trên đây cần được xem xét trong mối quan hệ gắn kết hữu cơ. Việc bỏ đi một vài đặc điểm nào đó sẽ làm cho quan niệm về tiểu thuyết trở nên không đầy đủ. Bởi nhìn lại trong lịch sử thể loại, ngay từ những tác phẩm đầu tiên ghi dấu sự hình thành của tiểu thuyết hiện đại ở Việt Nam (Tố Tâm, Cay đắng mùi đời,

Bạc tiền tiền bạc…), tiểu thuyết đã từng mang một “dung lượng nhỏ” nhưng rõ ràng,

đó không phải là tiểu thuyết mảnh vỡ. Bởi những sáng tác này không “thoát thai” từ những đòi hỏi của thời đại như ở thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, vào những năm 1920, khi sáng tác vẫn còn lệ thuộc vào thi pháp truyền thống và vay mượn, người ta không thể đặt ra một yêu cầu đổi mới đối với một thể loại mới đang trong giai đoạn “thành hình”. Hơn nữa, tính triết lý khi được xem xét là một đặc trưng nhận diện của tiểu thuyết ngắn thì nó vẫn có thể xuất hiện trong những bộ tiểu thuyết trường thiên. Tuy nhiên, chất triết lý không phải là đòi hỏi “sống còn” và mang tính chất như là “hệ giá trị” như ở tiểu thuyết mảnh vỡ…

Từ những quan niệm trên về thể loại, trong quá trình sáng tạo, các nhà văn đều chú ý đến việc thể hiện những đặc trưng của tiểu thuyết mảnh vỡ. Trong tất cả những tiểu thuyết thuộc phạm vi khảo sát đều có độ dài khoảng 300 trang. Ngoài dấu hiệu ngoại hiện, đặc trưng của tiểu thuyết mảnh vỡ còn được thể hiện thông qua tính phân mảnh, tính triết lý và chất thơ. Điều đó cho thấy, từ quan niệm cho đến thực tiễn sáng tác, “tiểu thuyết mảnh vỡ” đã thể hiện sự đóng góp đáng kể của các nhà văn nữ trong việc hình thành khuynh hướng tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư duy nghệ thuật trong Tiểu thuyết của một số nhà văn nữ hải ngoại đương đại (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)