Hồn ma – biểu tượng của thế giới tâm linh huyền ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư duy nghệ thuật trong Tiểu thuyết của một số nhà văn nữ hải ngoại đương đại (Trang 93 - 96)

Chƣơng 2 TƢ DUY NGHỆ THUẬT NHÌN TỪ CẤP ĐỘ QUAN NIỆM

3.2. Hình tƣợng nghệ thuật giàu tính biểu tƣợng

3.2.3. Hồn ma – biểu tượng của thế giới tâm linh huyền ảo

Khi thừa nhận sự tồn tại của một thế giới tâm linh đầy bí ẩn đó cũng là lúc các nhà văn nữ xây nên một vùng đất sống cho nhân vật kì ảo, mang tính biểu tượng. Đặc biệt, nếu nhân vật kì ảo vốn truyền tụng trong dân gian được xây dựng nên nhờ niềm tin về sự tồn tại cũng như sức mạnh phi thường của một lực lượng siêu nhiên, hoang đường thì trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại, kiểu nhân vật này được xây dựng nên như là một hình tượng nghệ thuật mang tính biểu tượng nhằm khái quát quan niệm, phản ánh nhận thức của nhà văn về một hiện thực thậm phồn, huyền ảo, đa tạp, nhiều chiều kích. Đó cũng là những phân mảnh đời sống được nhà văn nghiền ngẫm và thể nghiệm thông qua cách thức phản ánh hiện thực mới lạ, đầy hấp dẫn. Trong tương quan so sánh giữa các nhà văn nữ hải ngoại, kiểu nhân vật này xuất hiện một cách tập trung nhất trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng và thấp thoáng hiện ra trong tiểu thuyết của Lê Ngọc Mai, Thuận.

Trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phương, bên cạnh một thế giới của những con người đang sống còn tồn tại một thế giới bên kia – thế giới của những hồn ma mang đầy tính biểu tượng. Nhìn lại từ trong văn học trung đại, kiểu nhân vật hồn ma đã từng xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Du (hồn ma Đạm Tiên trong Truyện

Kiều), Nguyễn Dữ (hồn ma Vũ Nương trong Truyền kỳ mạn lục)… Những hồn ma ấy hiện về báo mộng, đưa ra lời tiên tri, mách bảo nhân vật điều sắp xảy ra. Trong cái nhìn phân tách về thế giới (sự tách biệt giữa không gian trần thế và cõi âm), các tác giả trung đại đã để cho những hồn ma hiện nguyên hình là nó, không trộn lẫn với con người trong hiện thực. Họ đến rồi đi khi đã hoàn thành chức năng của mình. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa kiểu nhân vật hồn ma trong văn học trung đại với nhân vật hồn ma trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại.

Với quan niệm về hiện thực huyền ảo, Đoàn Minh Phượng cho rằng, thế giới bên kia luôn tồn tại song hành cùng thế giới những người đang sống. Đặc biệt, trên cơ sở hình dung của nhà văn về sự mờ nhòe đường biên giữa hư và thực, thật và giả, trần thế và âm giới, hồn ma và con người nên trong tiểu thuyết của nhà văn, thế giới của những hồn ma và thế giới của con người hiện thực không có sự tách biệt rõ ràng. Đó chính là con đường giúp nhà văn khám phá sự thật và hiện thực đời sống trong chiều sâu thẳm, đa chiều kích của nó cũng như mở đường cho những khám phá trong thế giới tâm linh, vô thức của con người.

Trong Mưa ở kiếp sau, Đoàn Minh Phượng đã xây dựng kiểu nhân vật hồn ma là một đứa trẻ sơ sinh tên Chi đã bị người cha đẻ của mình thuê người giết chết một cách oan khốc. Hồn ma ấy lớn dần lên theo năm tháng. Nó sống nương nhờ thân xác của Mai, hiện hình trong hiện tại cũng như trong những giấc mộng của Mai. Khi Mai ngủ, hồn ma Chi đã mượn thể xác Mai để làm tất cả những việc mà hồn ma đó muốn. Hồn ma ấy còn viết thư cho Mai, nói chuyện cùng Mai trong cả mộng ảo cũng như hiện thực. Hồn ma của Chi đã chỉ đường, dẫn lối cho Mai, mách bảo Mai lần tìm đến manh mối sự thật. Qua những gì Chi nói, qua lá thư Chi viết, Mai đã biết được trọn vẹn sự thật về cái chết của em, tội ác ghê tởm của cha và nỗi đau đớn tột cùng của mẹ: “Em không biết em chết như thế nào. Lúc em chết em còn bé quá. Về sau em mới biết, do mấy con ma già hơn em kể lại, là cha đưa cho lái xe ở cơ quan năm chỉ vàng, để hắn mang em về quê cho một người chị họ hắn nuôi. Nhận năm chỉ vàng xong, hắn úp cái gối lên mặt em cho em chết rồi mang em đi bỏ… Thỏa thuận giữa cha và tên lái xe không bao giờ được nói ra bằng lời” [196, tr174 – 175].

Qua sự hình dung về thế giới huyền ảo có sự đan xen giữa hư và thực, Đoàn Minh Phượng đã để những con ma non, con ma già trong Mưa ở kiếp sau một mảnh đất sống trong hiện thực. Những hồn ma đó đã lớn lên cùng nhân vật, đi đứng, nói năng cùng nhân vật, mách bảo cho nhân vật, chỉ dẫn cho nhân vật, tham dự cùng nhân vật trong những hành trình kiếm tìm để khám phá ra bản chất của sự việc, để tìm lại bản thể trọn vẹn trong mỗi con người. Sự trở về của những hồn ma và hành trình tìm kiếm sự thật của nhân vật đã mở ra một thế giới hiện thực đang bị che giấu – đó là hiện thực bị từ chối, hiện thực ghê sợ, bị ruồng bỏ. Đó là sự tồn tại của một bộ phận những con người với đầy rẫy những tội ác, lừa gạt và bội phản trong xã hội. Nó đã mở ra những tội ác đang lẩn trốn, trú ngụ dưới sự bình yên giả tạo của thế giới. Bởi ở đó, có những kẻ giết người nhưng không thấy máu nên không biết mình giết người; có những tội ác được chôn vùi trong câm lặng không được biết đến nên họ vẫn tự cho mình là những người lương thiện.

Trong Và khi tro bụi, Đoàn Minh Phượng cũng xây dựng kiểu nhân vật kì ảo. Đó là hồn ma đầy buồn thương và oan khuất của Anita. Anita bị chồng giết chết trong cô đơn nhưng cô lại bị người đời hiểu lầm, nguyền rủa cho rằng cô là người đàn bà nát rượu, ngoại tình, bỏ rơi gia đình, chồng con. Hồn ma Anita thường hiện về trong những giấc mộng mông lung, chập chùng của An Mi, nhập lẫn vào thể xác của An Mi để An Mi thấy “đôi khi tôi nhìn thấy cái ý niệm về chị, đôi khi tôi mất cái ý niệm đó, chỉ còn tôi trong phòng, tôi là Anita. Hay tôi không phải là chính chị, mà là cái ý niệm về chị ấy” [195, tr140]. Hồn ma Anita hiện về đã đánh thức An Mi trước hiện thực giả dối được thêu dệt nhằm che đậy tội ác xoay quanh cái chết của mình đồng thời thức tỉnh An Mi quay về thực tại trong một bản thể đang vỡ vụn dần.

Những hồn ma ấy cũng xuất hiện trong Gió tự thời khuất mặt của Lê Minh Hà như một biểu tượng về thế giới tâm linh huyền bí. Đó là hồn ma của đứa trẻ chết yểu. “Con ma nhỏ đó nay cũng đã thành một ma luống tuổi” [tr16] đã lấy thân cây đa già cạnh nhà hộ sinh làm nơi trú ngụ. “Linh hồn bé nhỏ đó cứ nấn ná mãi quanh cái tã, cái chăn cũ rồi bay lên lẩn vào vòm lá, nhìn xuống đám người đang lao xao thương cảm và chì chiết, buồn bã thở dài. Đấy là một tiếng thở dài kì dị, rất kì dị, không ẩn chứa một chút nào sự thỏa mãn bé thơ. Đau đớn. Rồi nó bay đi. Không bao giờ trở về” [tr

16]. Nhưng mà từ đó, có những điều huyền bí đã diễn ra ngay tại gốc cây đa già: bà lão bán xôi đặt nơi thằng bé nằm một bát hương và ngày nào cũng cắm vào đó một nén hương, bên cạnh là một bát xôi ấm; bà bảo vì thánh khiến nên bà đã chuyển hẳn từ bán xôi sang bán vàng hương. Người người đổ xô tới đó khấn vái. Những bà chửa đi đẻ đến đó thắp hương trước lúc còn chưa khóc mếu vì đau. Người nhà bà đẻ cũng vội vàng đến đó thắp hương khi những cơn đau kia đã tới mức bất bình thường. Người ta đến đó xin phù hộ. Người ta đến đó xin lễ tạ…

Mặc dù không phổ biến như nhân vật tha hương hay nhân vật kiếm tìm nhưng những nhân vật kì ảo có vai trò khá quan trọng, không chỉ góp phần phản ánh nhận thức của các nhà văn nữ hải ngoại về hiện thực và con người mà còn tham gia tích cực vào hành trình tìm kiếm sự thật cũng như khám phá nỗi cô đơn bản thể, trạng thái sống của con người trong một xã hội hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư duy nghệ thuật trong Tiểu thuyết của một số nhà văn nữ hải ngoại đương đại (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)