Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh đối với các chủ thể quốc tế khác

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 125 - 134)

4.3. Đối với các chủ thể chính trị quốc tế khác

4.3.1. Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh đối với các chủ thể quốc tế khác

4.3.1.1. Quan điểm Hồ Chí Minh về cục diện tương quan giữa các chủ thể quốc tế khác với Việt Nam

Nước Anh do lợi ích trực tiếp không nằm ở Đông Dương, và qua những thỏa thuận lợi ích quốc tế với Pháp nên từ lúc tiến vào cho đến lúc rời khỏi Đông Dương đã hoàn toàn ủng hộ Pháp “trên mọi lĩnh vực” [55, 171]. Họ không cần và cũng không muốn tìm hiểu tình hình thực tế của Đông Dương, của Việt Nam, của Việt Minh. Hồ Chí Minh nhận xét về thái độ của quân Anh rằng “họ thiên về Pháp rõ rệt, và đang giúp bọn này loại trừ tất cả các chiến hữu đang chiến đấu giành độc lập tự do cho chúng ta” [29, 215]. Tuy nhiên việc Anh giúp Pháp đã khiến uy tín quốc tế của Anh bị giảm sút cộng với phong trào đòi rút quân khỏi Đông Dương diễn ra ngay trong nội bộ nước Anh [28, 25] dẫn tới ngày 5/3/1946, quân Anh để lại toàn

bộ vũ khí, trang bị cho quân Pháp, bàn giao lại quyền quản lý cho Pháp và rút hết khỏi miền Nam.

Sự hiểu biết về tình hình Đông Dương sau thế chiến thứ II tại Liên xô vô cùng thiếu sót [35, 66], và do lợi ích của mình, Liên xô chỉ chú trọng châu Âu, hết sức tranh thủ Pháp nhằm chống lại sức ép của Mỹ, chưa quan tâm đúng mức đến châu Á [49, 17]. Do vậy, chính phủ Liên xô không có bất kỳ hành động ngoại giao nào giúp đỡ Việt Nam, thậm chí là bỏ mặc [109, 19] Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận định Liên xô “dửng dưng hoàn toàn trước vấn đề Đông Dương” [29, 215] và nếu có công nhận Việt Nam đi chăng nữa thì rất rắc rối về ngoại giao cho Liên xô [35, 67].

Mỹ là chủ thể quốc tế mà Hồ Chí Minh đặt nhiều công sức vận động ngoại giao hơn cả so với Liên xô bởi không chỉ do Mỹ là cường quốc, có ảnh hưởng lớn tới Pháp, mà còn do một số người Mỹ lúc đó đã có mặt tại Việt Nam và hiểu được sự thật đang diễn ra tại Việt Nam. Thái độ của họ đối với Việt Nam được chia làm hai phe rõ rệt: Một bên là hầu hết những cá nhân Mỹ đến Việt Nam đều ủng hộ công cuộc đấu tranh giành độc lập tại đây, còn một bên là giới lãnh đạo tại Mỹ không biết rõ về Đông Dương. Thái độ của những lãnh đạo Mỹ thoạt tiên là không phản đối việc Pháp trở lại Đông Dương tại thời điểm thế chiến thứ II kết thúc; sau đó bày tỏ chính sách đối ngoại ủng hộ chủ quyền của các dân tộc trên thế giới, ủng hộ vai trò của Liên hợp quốc; từ tháng 1/1946 tỏ rõ sự nghi ngờ phe cộng sản mở rộng quyền lực tầm quốc tế [153, 152] để rồi thấy ra tầm quan trọng của nước Pháp trong cục diện quyền lực thế giới, nghi ngờ Việt Minh mang bản chất cộng sản; và cuối cùng sau diễn văn về “bức màn sắt” chống Liên xô ngày 5/3/1946 (một ngày trước khi Việt-Pháp ký Hiệp định sơ bộ) thì chính thức ủng hộ Pháp, đưa ra nhiều lợi ích để kéo Pháp vào trong hệ thống quyền lực quốc tế của họ (đặc biệt, từ tháng 10/1946, chính sách của Mỹ về Việt Nam hoàn toàn đổi hướng, đối lập với chính phủ Việt Minh [54, 10-11]). Những sắc thái đối lập này trong nội bộ nước Mỹ, Hồ Chí Minh đều nhận ra rõ, tại cuộc họp Hội đồng chính phủ ngày 15/10/1945, Hồ Chí Minh báo cáo: “Người Mỹ có cảm tình với ta, nhưng đó là cảm tình của cá nhân, không có tính cách chính thức. Song ta cũng đạt được một kết quả tốt” [8].

Sang đến năm 1946, Hồ Chí Minh nhận định: “sau Thế chiến II, Mỹ có khả năng giúp đỡ Việt Nam tốt nhất. Nhưng nước Mỹ lại có những điều cấp thiết hơn phải làm, và dẫu sao thì Việt Nam cũng chỉ là một nước nhỏ và quá xa xôi” [150, 18]. Nhà nghiên cứu Dixee nhận xét rằng Hồ Chí Minh bên cạnh việc kiên trì tìm cách truyền thông tới các lãnh đạo Mỹ, nhưng vẫn đủ minh triết để hy vọng song lại không hề ngạc nhiên trước thái độ im lặng của Mỹ [22, 451].

4.3.1.2. Quan điểm Hồ Chí Minh về sách lược ngoại giao đối với các chủ thể quốc tế khác

Hội nghị cán bộ Bắc kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 9/1945 xác định đối với Mỹ phải xúc tiến tác động để công nhận nền độc lâp của Việt Nam, đối với Anh phải phản đối thái độ sai trái, đối với các nước nhỏ tại khu vực phải ủng hộ phong trào độc lập của họ [28, 63]. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với những nước trung lập, làm cho họ có thiện cảm với mình mà ác cảm với nước địch để nếu họ không về phe với mình đánh lại quân địch thì ít ra họ cũng đứng trung lập” [85, 367]; “cần làm thế nào cho nhân dân các nước hiểu cách mạng Việt Nam và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta” [32, 454]. Vận dụng điều này trong quan hệ ngoại giao với các chủ thể quốc tế ngoài Trung Hoa và Pháp, Hồ Chí Minh xác định: “Đối với các nước dân chủ, hết sức gây thiện cảm” [72, 24].

Như vậy, đối với các chủ thể quốc tế ngoài Tưởng và thực dân Pháp, tư tưởng ngoại giao đối với các chủ thể này phải xác định yếu tố “bất biến” là luôn tìm cách tuyên truyền tình trạng và nguyện vọng độc lập thực sự của Việt Nam nhằm tăng cường sự ủng hộ quốc tế, thêm bạn bớt thù (hay nói cách khác là những tư tưởng sách lược ngoại giao: “nêu cao cơ sở pháp lý”, “mập mờ nửa trung gian”, “mở rộng và liên kết lợi ích quốc tế”). Trong khi yếu tố “khả biến” là cách thức truyền đạt thông điệp ngoại giao thông qua mọi phương tiện truyền thông trong khả năng của quốc gia, là những cách thức liên kết lợi ích với các chủ thể quốc tế khác bằng mọi phương tiện như kinh tế, văn hóa, quân sự, chính trị. Cụ thể hóa những sách lược khả biến này, Hồ Chí Minh đã tiến hành những hoạt động ngoại giao như trong phần viết sau sẽ phân tích.

4.3.2. Hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh đối với các chủ thể quốc tế khác

4.3.2.1. Trình bày sự thật, sử dụng những tiêu chuẩn pháp lý quốc tế để kêu gọi ủng hộ Việt Nam

Do thiếu thông tin về xứ Đông Dương, nhìn chung các nước đều cho rằng Việt Nam vẫn trong tình trạng lạc hậu, cần Pháp bảo hộ và khai hóa văn minh. Thông qua các cách thức truyền thông trong khả năng của mình, Hồ Chí Minh trình bày sự thật về sự phá sản pháp lý của Pháp, về địa vị thực thụ của chính quyền Việt Nam mới kèm theo những minh chứng cần thiết để chứng minh những điều trên. Hồ Chí Minh còn tham gia cùng Đại tá L. Nordlinger (dẫn đầu đơn vị cứu tế xã hội của Hoa Kỳ trong quân Đồng Minh) trong nhiều sự kiện nhằm giúp người Mỹ hiểu thêm về thực trạng của Việt Nam lúc bấy giờ. Đối với những hành động ngoài phạm vi nhiệm vụ được Đồng minh quy định [35, 64] của quân Anh tại Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng thông báo rõ cụ thể sự sai trái của họ. Hồ Chí Minh còn trực tiếp gửi thông báo tới tướng Gracey và Thủ tướng Attlee của Anh yêu cầu chấm dứt hành động quân sự, “tôn trọng quyền và nền độc lập của nhân dân Việt Nam” [3, 533- 534]. Đồng thời, Hồ Chí Minh còn cho người dân cả ở Hà Nội và Sài Gòn tuần hành quy mô lớn phản đối Anh vi phạm chủ quyền quốc gia và chủ quyền nhân dân Việt Nam [35, 65]. Những điều này dẫn tới thu hút sự chú ý của các phóng viên phương Tây có mặt tại Nam Việt Nam, các tin tức của họ làm náo động dư luận Anh và dư luận quốc tế khiến Gracey phải tạm thời rút lại những hỗ trợ cho Pháp [43, 167]. Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6/3, Hồ Chí Minh lập tức gửi điện tới Thủ tướng Anh báo tin và đề nghị nước Anh cũng công nhận chủ quyền của Việt Nam.

Sau thế chiến II, với mục đích ngăn ngừa cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo, đã xuất hiện những công ước và tổ chức quốc tế tham gia điều chỉnh quan hệ giữa các nước. Hiểu rõ điều đó, Hồ Chí Minh chứng minh sự xuất hiện và tồn tại của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố Đại Tây Dương đã được toàn cầu biết tới và công nhận. Do đó, Hồ Chí Minh đề nghị vấn đề Việt Nam phải được đưa ra nghiên cứu kỹ càng và phán xét bởi Hội đồng Liên hợp quốc, chứ không phải bởi bất kỳ cường quốc nào, yêu cầu Liên Hợp quốc phải tới điều tra sự thật đang diễn ra tại Việt Nam [19, 97]. Vì lý do khách quan cũng như vì

mục tiêu ngoại giao của các quốc gia, truyền thông sau thế chiến thứ hai cũng rất phát triển. Do vậy các chính khách luôn tận dụng truyền thông để đưa ra các quan điểm thể hiện chính kiến quốc gia mình và nhằm gặt hái những lợi ích quốc thể bằng các phát biểu hợp với lương tri và lý trí của nhân loại. Tận dụng điều này, Hồ Chí Minh nhiều lần viện dẫn các tuyên ngôn liên quan tới Việt Nam của các cường quốc và đòi hỏi những chủ thể nào đưa ra thì phải thực hiện bằng cách ủng hộ các quyền chính đáng của Việt Nam. Đó là những phát ngôn của Henri Spaak - Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc, Roosevelt và Truman - Tổng thống Mỹ, James Bernard - Bộ trưởng ngoại giao Mỹ.v.v.

Bên cạnh việc viện dẫn những thỏa ước quốc tế để kêu gọi can thiệp vào vấn đề Việt Nam, một sự thật nữa mà Hồ Chí Minh thông báo tới các chủ thể quốc tế là dân tộc này sẵn sàng dùng toàn bộ sức lực để bảo vệ những giá trị căn bản mà một quốc gia cần phải có. Trong các bức điện, trong các cuộc họp báo, kể cả trong các cuộc trò chuyện cá nhân, Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc tới nguyện vọng hòa bình đi kèm với ý chí sẵn sàng chiến đấu của Việt Nam bất chấp sự chênh lệch sức mạnh ban đầu nghiêng về phía Pháp. Điển hình như cuộc trò chuyện với Giám đốc trạm phát thanh của Mỹ tại Paris là David Schoenbrun ngày 11/9/1946, Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam có những thành tố sức mạnh có đủ khả năng đối đầu với một lực lượng được trang bị vũ trang tốt: Đó là sức mạnh tinh thần dân tộc với lợi thế địa hình quốc gia cho chiến thuật du kích. Hồ Chí Minh ví cuộc đối đầu Pháp Việt giống như cuộc chiến giữa voi và hổ, con voi sẽ “bị chảy máu dần dần đến chết” [84, 274]. Cuộc chiến này là một cuộc chiến chính nghĩa, là một cuộc chiến tự vệ phù hợp lương tâm và trí tuệ của nhân loại chứ không phải chỉ riêng dân tộc Việt Nam.

Việc trình bày sự thật tại Việt Nam đã giúp nhiều chủ thể quốc tế hiểu đúng những diễn biến tại Đông Dương, không bị phía Pháp thao túng về thông tin. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh hướng tới việc kiếm tìm những nguồn sức mạnh quốc tế ủng hộ Việt Nam từ phía công luận quốc tế và những công ước có lợi cho Việt Nam đã tồn tại trên thế giới.

4.3.2.2. Ngoại giao “nửa trung gian” để có được sự ủng hộ cả hai phe chống cộng sản và cộng sản

Tình cảnh ngoại giao của Việt Nam trong những năm 1945-1946 rất phức tạp, bị kẹt giữa sự ủng hộ và mong muốn bỏ mặc (thậm chí tiêu diệt) của phe cộng sản quốc tế và phe quốc tế chống cộng sản [22, 395]. Do đó, Hồ Chí Minh xác định một sách lược ngoại giao “đi trên dây” giữa hai nhóm thế lực mang tầm vóc quốc tế là phù hợp và cần thiết. Việc giải tán đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh mục tiêu đối phó với quân Tưởng, thực ra cũng thuộc về thủ thuật ngoại giao trước các chủ thể quốc tế khác, thể hiện hình ảnh “Việt Minh không phải là Cộng sản” [61, 103].

Hồ Chí Minh hiếm khi thừa nhận mình là người cộng sản, chỉ có một lần khi thiếu tá Thomas có hỏi thẳng Hồ Chí Minh có phải là Đảng viên Cộng sản hay không, ngay lập tức Hồ Chí Minh trả lời “Vâng. Nhưng chúng ta vẫn có thể là bạn, đúng không nào?” [22, 388]. Còn ngoài ra, trong các cuộc tiếp xúc với các chủ thể quốc tế, Hồ Chí Minh rất cẩn trọng lời nói và hành động không thể hiện chính thức mình là người cộng sản hay không cộng sản. Điển hình như khi trung úy tình báo Mỹ Charles Fenn hỏi Hồ Chí Minh rằng “Việt Minh có phải Cộng sản? Ngài có thể cho biết Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc?” thì Hồ Chí Minh thể hiện một cử chỉ khéo léo không hoàn toàn phủ nhận bằng cách cười và nhún vai [51, 28]. Tháng 6/1946, Hồ Chí Minh tuyên bố phóng viên Andrew Roth về câu hỏi “Nước Việt Nam sẽ liên kết với nước nào? Mỹ hay Liên xô?”, rằng: “Sau khi thắng lợi, nước Việt Nam sẽ là một nửa trung gian (Semi-Neutre)” [67, 168]. Hồ Chí Minh còn nói với Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng Hồ Chí Minh biết Mỹ không thích chủ nghĩa cộng sản, nhưng đó không phải là mục đích của Hồ Chí Minh, nếu có thể bảo đảm giành lại độc lập cho Việt Nam thì cũng hết thời gian của cuộc đời, do đó “đừng nên lo lắng!” [108, 346].

Trong các cuộc trò chuyện có sự chất vấn về bản chất cộng sản của Hồ Chí Minh và Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh ngoài việc trả lời bằng cách đưa thông tin không rõ ràng như trên, còn khéo léo lái vấn đề cộng sản sang thành những tiêu chí chung nhất của nhân loại. Đó là mục tiêu hòa bình, độc lập

được bảo vệ bằng chủ nghĩa dân tộc. Hồ Chí Minh từng tuyên bố với Moffat34 rằng mục tiêu chính của ông không phải là cộng sản, mà là độc lập [155, 390-391] và nhấn mạnh ý muốn hòa bình nhưng không chịu khuất phục trước yêu cầu của Pháp [108, 346]. Trong cuộc trò chuyện với David Schoenbrun, Hồ Chí Minh giải thích: “Nếu những người chiến đấu cho độc lập mà các ngài gọi là cộng sản thì Việt Nam sẽ là cộng sản. Tuy nhiên độc lập là sức mạnh thúc đẩy, không phải chủ nghĩa cộng sản. Những người cộng sản hiện tại chiếm thiểu số trong nước chúng tôi. Nhân tố chính trị mạnh mẽ nhất là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Chúng tôi có sự đồng tâm nhất trí giữa những người cộng sản, những người công giáo, công nhân, nông dân. Khi chúng tôi cần sẽ cùng nhau chiến đấu vì khát vọng chung” [84, 272]. Những tiêu chí văn minh như độc lập, tự do, hòa bình... là những tiêu chí trung tính, không thuộc sở hữu của bất kỳ phe phái chính trị nào, là mục tiêu chung cả nhân loại hướng tới. Hồ Chí Minh nhấn mạnh mục tiêu này trong các cuộc trò chuyện đã tạo được phần nào sự ủng hộ của một số chủ thể quốc tế tiến bộ, bởi họ cũng cùng chung ý nghĩ như vậy. Kết quả là một số nhân vật phương Tây đã bị thuyết phục, điển hình như Moffatt sau một số cuộc trò chuyện đã nhận xét Hồ Chí Minh và những lãnh đạo của Hà Nội là những người yêu nước, chiến đấu trước hết cho nền độc lập của Việt Nam chứ không phải cộng sản [108, 347]; ông khẳng định tất cả người Mỹ có mặt ở Việt Nam, hầu như các quan chức hàng đầu của Pháp cũng đều cho rằng như vậy [150, 16].

Thủ thuật ngoại giao này đã giúp Hồ Chí Minh có thêm những quan điểm ủng hộ và phần nào bớt đi những quan điểm chống đối từ phía các chủ thể quan hệ quốc tế.

4.3.2.3. Thúc đẩy sự liên kết chính trị, kinh tế, giáo dục với quốc tế

Nhằm giảm thiểu cục diện đơn độc, Hồ Chí Minh đã chủ động mở rộng tầm ngoại giao đa phương của Việt Nam bằng cách đề xuất mong muốn gia nhập tổ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 125 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)