Khái niệm ngoại giao và khái niệm ngoại giao Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 33 - 42)

2.1. Lý luận về ngoại giao Hồ Chí Minh dưới góc độ chính trị học quốc tế

2.1.1. Khái niệm ngoại giao và khái niệm ngoại giao Hồ Chí Minh

2.1.1.1. Khái niệm ngoại giao

Thuật ngữ ngoại giao lần đầu được đưa ra bởi Edmund Burke năm 1796 [139, 70]. Iain McLean và Alistair McMillan chỉ ra rằng ngoại giao, cũng giống như các thuật ngữ khác của khoa học xã hội nhân văn, cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về cách hiểu, về nội hàm cũng như ngoại diên [141, 152]. Định nghĩa ngoại giao phức tạp đến mức hai tác giả Corneliu Bjola và Markus Kornprobst trong cuốn sách Understanding International Diplomacy - Theory, Practice and Ethics chỉ đưa ra quan điểm của họ một cách chung chung và nói thẳng là không hề có ý định tranh luận với các quan điểm khác về thuật ngữ ngoại giao [135, 5]. Tuy nhiên, theo đánh giá, định nghĩa của họ thực chất chỉ nói lên một khía cạnh, thuộc một trường phái ngoại giao mà thôi. Nhìn chung, cho tới nay, có thể liệt kê và nhóm các quan điểm về ngoại giao lại như sau:

Quan điểm cho rằng ngoại giao thuộc/ là quan hệ quốc tế nói chung:

Trong nhóm quan điểm này, ngoại giao gần như được đề cập một cách rất chung chung như như một công cụ liên lạc giữa quốc gia với các chủ thể bên ngoài quốc gia. Đó là các tác giả như Robert J. Moore [87, 162], Conway Hederson [87, 162], Sisley Huddleston [87, 162].v.v. Các quan điểm như vậy chưa nói lên được đặc thù của ngoại giao đối với các lĩnh vực khác của quan hệ quốc tế, và đặc biệt là có thể lẫn với lĩnh vực truyền thông.

Đi theo dòng quan điểm này cũng phải kể tới một số định nghĩa có nói chi tiết hơn về mối quan hệ quốc tế này như nhắc đến đòi hỏi về vấn đề “kỹ năng”, “nghệ thuật”, “chiến lược”, “sách lược”v.v. như từ điển Oxford [175], tác giả Nguyễn Huy Hoan [44, 26], tác giả Hoàng Cẩm Thanh [166].v.v.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng tất cả các quan điểm trên đều coi ngoại giao như một loại hình quan hệ quốc tế mà không nhắc tới các vấn đề về lợi ích của chủ thể, mục tiêu đặc thù của ngoại giao như trong các phân tích sau.

Quan điểm cho rằng ngoại giao phải gắn chặt với lợi ích:

Đây là nhóm quan điểm khá phổ biến khi nhấn mạnh tới nhiệm vụ của ngoại giao là nhằm bảo vệ, tìm kiếm và tăng cường lợi ích quốc gia trong môi trường quốc tế. Đó là nội dung có thể thấy trong từ điển Politics and Government [151, 73], và của các học giả George T Kurian, James E Alt, Simone Chambers, Geoffrey Garrett, Margaret Levi, Paula D Mcclain [140, 431],.v.v.

Trong nhóm quan điểm này, bên cạnh việc nhấn mạnh về lợi ích quốc gia, cũng xuất hiện một số cách hiểu đề cập về các vấn đề khác như nhà tư tưởng James Der Derian khẳng định ngoại giao còn là một thể chế quốc tế, tuy nhiên thể chế này rốt cục vẫn phục vụ cho việc theo đuổi lợi ích riêng của các quốc gia [56, 351]; hoặc Từ điển Tiếng Việt nhắc tới tới những vấn đề chung của quốc tế mà một quốc gia cần có nghĩa vụ giải quyết bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi riêng của quốc gia mình [120, 683], hoặc cụ thể hơn, từ điển Bách Khoa Việt Nam [45, 119] và tác giả Nguyễn Thị Minh Thùy [114, 29-30] còn nêu rõ các cá nhân và cơ quan chức năng nào thực hiện nghĩa vụ ngoại giao; A.Gromyko cho rằng ngoại giao là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại [48, 20]; tác giả Hoàng Khắc Nam cho rằng ngoại giao không chỉ là công việc của quốc gia mà còn là việc của bất kỳ chủ thể chính trị nào trong môi trường quốc tế mà trong đó, tất nhiên các quốc gia là chủ thể quan trọng nhất [87, 164], .v.v.

Nhìn chung, các quan điểm này bên cạnh việc đề cập không nhiều tới một số khía cạnh khác của ngoại giao thì lợi ích vẫn là vấn đề then chốt quyết định mục tiêu và cách thức ngoại giao vận hành. Tuy nhiên cách thức để đạt được lợi ích không được các tác giả này nhắc tới hoặc chỉ nhắc tới chung chung đến mức mờ nhạt. Do vậy, nảy sinh một số các quan điểm khác như những phần sau sẽ liệt kê và phân tích.

Quan điểm cho rằng ngoại giao phải gắn chặt với hòa bình:

Nhóm quan điểm này được rất nhiều học giả ủng hộ, họ cùng có quan điểm xuất phát từ nhu cầu nhấn mạnh tính hòa bình và cách thức hòa bình trong quan hệ ngoại

giao. Đó là các tác giả Aaron [126, 64]; A.Gromyko [48, 20], John R. Wood và Jean Serres [87, 164]; Keith Hamilton và Richard Langhorne [146, 1].v.v. Những nhà khoa học đó cùng chung tư tưởng cho rằng hòa bình là yếu tố cần phải duy trì trong nền chính trị thế giới. Đi theo dòng quan điểm này nhưng với cách thức mô tả khác, cũng có thể thấy rõ trong Từ điển Cambridge [170] hoặc Từ điển Merriam-Webster [177].v.v.

Để nhấn mạnh tới tính hòa bình và mục tiêu hòa bình của ngoại giao, cũng trong dòng quan điểm này xuất hiện một số tác giả đưa ra quan niệm về ngoại giao nhấn mạnh tới sự đối lập với việc sử dụng các biện pháp bạo lực. Như hai tác giả Martin Griffiths và Terry O’Callaghan [148, 80]; hoặc học giả Benjamin Ginsberg [132, 704-713].v.v. Đây là các quan điểm khẳng định ngoại giao là một công cụ thuộc lĩnh vực sức mạnh mềm (soft power) đối lập hoàn toàn với lĩnh vực sức mạnh cứng (hard power) trong quá trình vận hành các mối quan hệ quốc tế.

Không chỉ dừng lại chung chung là sự đối lập với bạo lực, đề cập tới tính hòa bình trong ngoại giao, một số tác giả còn chỉ rõ “đàm phán” là đặc trưng riêng có của ngoại giao. Theo họ, nhắc tới ngoại giao là phải nhắc tới công việc đàm phán vốn là một công cụ đắc lực nhằm đạt được hòa bình. Đó là các tác giả Charles W. Kegley và Shannon L. Blanton [134, 38]; Roger Scruton [154, 184-185]; Richard W. Mansbach và Kirsten L. Rafferty [152, 346-363]; Harold Nicolson [134, 347- 348]; .v.v. Tương tự như vậy, tại Việt Nam, Giáo trình Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ ngoại giao của Học viện Quan hệ quốc tế [42, 19-20], tác giả Lê Văn Tích [15, 204], tác giả Trần Thị Minh Tuyết [121, 16], từ điển Wikipedia tiếng Việt [169], v.v. cũng đi theo dòng quan điểm nhấn mạnh tới tính hòa bình của ngoại giao và nhấn mạnh tới đàm phán là yếu tố đặc trưng riêng có của ngoại giao.

Tuy nhiên, liên quan tới tính hòa bình trong nội hàm của ngoại giao cũng nảy sinh nhiều tranh cãi và nhìn chung có thể chia làm hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng ngoại giao đối lập với chiến tranh và các dạng thức sử dụng bạo lực khác; do đó ngoại giao là hiện thân của hòa bình và thúc đẩy các mối quan hệ hòa bình, hướng tới hòa bình như đã nhắc tới ở trên. Quan điểm còn lại cho rằng ranh giới giữa ngoại giao và sự cưỡng bách là cực kỳ mờ nhạt, và đó chính là đặc trưng của nền ngoại giao hiện đại (bởi vậy mới xuất hiện và vẫn tồn tại ngoại giao cưỡng ép

– coercive diplomacy để nói đến việc sử dụng sự đe dọa vũ lực trong ngoại giao) [133, 15-16]. Từ đó, nảy sinh nhóm quan điểm về ngoại giao sẽ được phân tích sau đây.

Quan điểm cho rằng ngoại giao có cả phương thức bạo lực:

Nhóm quan điểm này không phản đối việc ngoại giao bao hàm cả đàm phán, nhưng lại cho rằng ngoại giao không chỉ có đàm phán, mà bên cạnh đó, các biện pháp liên quan tới bạo lực cũng được sử dụng nhằm thực hiện các mục tiêu của chủ thể. Quan điểm này có thể thấy ở tác giả Thomas Crombie Schelling (người đưa ra khái niệm “ngoại giao bạo lực”) [126, 65] và trong Từ điển Britannica [174].v.v.

Trong nhóm quan điểm này còn có một số tác giả chấp nhận sự xuất hiện của bạo lực trong ngoại giao nhưng không liệt kê những phương pháp chính của ngoại giao như David Robertson [137, 147]; học giả John Rourke [145, 248].v.v.

Để phân chia và cũng là để giải thích rõ hai luồng quan điểm rất khác biệt về ngoại giao như trên, tác giả José Calvet De Magalhães phân khái niệm “ngoại giao” theo hai nghĩa hẹp và rộng: “Theo nghĩa hẹp, ngoại giao được tiến hành theo phương thức hòa bình (quan hệ song phương, đa phương thông qua đàm phán; quan hệ đơn phương thông qua tuyên truyền, trinh sát, can thiệp chính trị, kinh tế). Theo nghĩa rộng, ngoại giao, bên cạnh phương thức hòa bình vốn có, cũng sử dụng những liệu pháp phi hòa bình như: Đe dọa bằng vũ lực; chế tài kinh tế (cấm vận); dùng quân sự uy hiếp và gây sức ép; tiến hành chiến tranh” [126, 65]. Như vậy, quan điểm nào chỉ chú trọng phương thức hòa bình thì được coi là thuộc về nghĩa hẹp vốn có trong ngoại giao; và quan điểm nào chấp nhận cả phương thức phi hòa bình thì được coi như đã mở rộng quan niệm về ngoại giao vốn có trong quan hệ chính trị quốc tế. Quan điểm theo nghĩa rộng đã bao quát được những biểu hiện vô cùng phong phú của ngoại giao và bao quát được những chức năng, nhiệm vụ vốn có của ngoại giao. Bởi rõ ràng ngoại giao tuyệt đối không bao giờ chỉ xoay quanh các cuộc đàm phán, và tuyệt đối không được hiểu một cách hạn hẹp rằng ngoại giao chỉ là đàm phán (mặc dù công tác đàm phán là một chức năng rất quan trọng của ngoại giao). Việc “ra dấu hiệu” hay nói cách khác là “đưa ra thông điệp ngoại giao” là biểu hiện vô cùng phổ biến trong quan hệ quốc tế giữa các chủ thể từ xưa đến nay trong lịch sử loài người. Việc ra dấu hiệu có thể thông qua công khai phát biểu, viết

tuyên bố nào đó, hoặc liên lạc trực tiếp với cá nhân đại diện của phía bên kia [131, 240] hoặc cũng có thể thông qua những hành động mang tính biểu tượng như các chuyến thăm chính thức hoặc không chính thức, triệu hồi đại sứ, phô diễn sức mạnh quân sự, giao lưu thể thao.v.v. [131, 241]. Bởi vậy, việc sử dụng phương pháp bạo lực cũng chỉ là một lựa chọn trong ngoại giao, nó đóng vai trò hiệu quả hay không là tùy hoàn cảnh, song nó không thể thiếu trong hoạt động ngoại giao vẫn thường thấy.

Tuy nhiên cần hiểu rằng theo quan điểm của Thomas Crombie Schelling, José Calvet De Magalhães hay của các học giả khác, chiến tranh chỉ là công cụ được đưa ra để đe dọa chủ thể khác nhằm đạt được mục tiêu nào đó mà thôi, giải pháp chiến tranh chỉ là con đường cuối cùng, ngoại giao luôn luôn được sử dụng để ngăn chặn chiến tranh, chấm dứt chiến tranh hoặc kéo dài thời gian dẫn tới chiến tranh.

Nhận xét:

Lý do không thống nhất trong nghiên cứu về ngoại giao nói chung và nội hàm ngoại giao nói riêng cũng được nhiều tác giả quan tâm tìm hiểu. Tác giả Christer Jonsson khẳng định rằng ngoại giao cho tới nay chưa có nhiều quan tâm chú ý nghiên cứu về mặt lý thuyết trong giới học giả quan hệ quốc tế, thậm chí nó còn được coi như sự cự tuyệt về mặt lý thuyết [133, 15]. Điều này là tất yếu bởi ngoại giao phản ánh các mối quan hệ của các chủ thể ở tầm quốc tế, do vậy rất khó khăn để có thể có được một lý thuyết toàn vẹn và ổn định về ngoại giao. Ngay cả việc phân loại các nhóm quan điểm về ngoại giao cũng rất nhiều ý kiến. Như Christer Jonsson phân loại thành sáu nhóm quan điểm [133, 15], tác giả Hoàng Khắc Nam phân loại thành bốn nhóm quan điểm [87, 163], tác giả Bành Tân Lương đưa ra ba nhóm quan điểm [126, 65-66], v.v.

Christer Jonsson cũng chỉ ra rằng điều liên quan tới sự khó khăn khi lý thuyết hóa lĩnh vực ngoại giao là ở chỗ cho tới nay các tài liệu viết về ngoại giao hầu như đều của các nhà ngoại giao và của các nhà lịch sử. Do đó, các nhà ngoại giao thì có khuynh hướng nói về các chuyện giai thoại chứ không hệ thống hóa các vấn đề, và các nhà sử học ngoại giao thì hay nói về các trường hợp cụ thể chứ không nói về những quy luật tổng quát. Các nhà sử học thì tập trung vào sự kiện quá khứ, còn các nhà ngoại giao thì tập trung vào trải nghiệm cá nhân [133, 16]. Bên cạnh đó, mặc dù

ngoại giao và ngành quan hệ quốc tế hay chính trị học quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, song các nhà sử học ngoại giao lại chưa thấy kết nối hai lĩnh vực này lại với nhau được [133, 16]. Do vậy, nếu kết hợp hai dòng lý thuyết chủ đạo trong quan hệ chính trị quốc tế là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do, có thể thấy các dòng tư tưởng về ngoại giao hiện nay còn thiếu sót những điều như sau:

Thứ nhất, hầu hết các định nghĩa chỉ nhấn mạnh chủ thể quốc gia mà bỏ sót các chủ thể quốc tế khác trong quan hệ quốc tế.

Thứ hai, các định nghĩa không nói đến việc các chủ thể xây dựng và sử dụng sức mạnh cứng và/hoặc sức mạnh mềm cho các hoạt động ngoại giao.

Thứ ba, các định nghĩa hoặc chỉ đề cập mang tính chung chung, hoặc chỉ mang tính liệt kê vụn vặt chứ không khái quát hóa được các phương thức thực hiện ngoại giao.

Với mục tiêu kế thừa, bao quát các định nghĩa về ngoại giao, tác giả đưa ra quan điểm như sau: Ngoại giao là việc chủ thể sử dụng sức mạnh cứng và/ hoặc sức mạnh mềm (thường được giới hạn để không dẫn xuất tới chiến tranh) trong quan hệ với các chủ thể quốc tế khác nhằm đạt được mục tiêu phù hợp với lợi ích đã hoạch định. Trong định nghĩa này:

Về chủ thể chỉ được đề cập một cách chung chung để đại biểu cho các dạng chủ thể đã và đang tồn tại trên chính trường quốc tế: Tức là các liên minh chính trị quốc tế, các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các cá nhân... Trong đó quốc gia là chủ thể thường gặp nhất và thường có sức mạnh lớn nhất trong các chủ thể.

Về nguồn lực sức mạnh (thực lực) của chủ thể ngoại giao: Chủ thể có thể tăng cường để sử dụng nguồn lực sức mạnh cứng và/hoặc nguồn lực sức mạnh mềm cần thiết trong các hoạt động ngoại giao quốc tế.

Về cách thức hoạt động: Chủ thể sử dụng sức mạnh của mình theo những cách thức có đầy đủ tính pháp lý mà thế giới công khai thừa nhận; hoặc những cách thức mang tính đe dọa, hung hãn không được “trong sáng”, “hòa bình” theo đánh giá dư luận quốc tế (ví dụ ngoại giao pháo hạm, ngoại giao bạo lực, ngoại giao răn đe, ngoại giao cưỡng ép, v.v.), song vẫn là cần thiết trong nhận thức của chủ thể để đạt được mục đích. Khi sử dụng những cách thức này, chủ thể thường luôn chú ý để tránh bộc phát chiến tranh gây tổn thất không đáng so với lợi ích thu được (Tuy

nhiên, nếu phí tổn do chiến tranh, xung đột gây ra là nhỏ hơn so với lợi ích mà chủ thể tính toán kỳ vọng thì chủ thể vẫn sẵn sàng tiến hành chiến tranh, xung đột. Nhưng trường hợp này là rất hiếm, do vậy, nhìn chung, ngoại giao vẫn được coi là tổng hợp những phương cách đạt mục đích mà không dẫn xuất tới chiến tranh như trong định nghĩa trên).

Về mục tiêu: Chủ thể tiến hành hoạt động ngoại giao nhằm có được những mục tiêu lợi ích mà chủ thể đã đề ra từ trước.

2.1.1.2.Khái niệm ngoại giao Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nói riêng hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Nhìn chung, có thể khái quát lại để phân chia một cách tương đối thành các nhóm như sau:

Các định nghĩa chỉ nhắc đến thuần túy ứng xử ngoại giao Hồ Chí Minh mà không nói đến quan điểm Hồ Chí Minh về các vấn đề quốc tế:

Đó là quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp [77, 133-134], của tác giả Đỗ Đức Hinh [15, 117-118], v.v. Cách trình bày của các tác giả mặc dù có sự khác biệt đôi chút, song, đều chỉ nói về cách thức ứng xử của Hồ Chí Minh đối với các vấn đề quốc tế mà không nói đến quan niệm của Hồ Chí Minh về môi trường quan hệ quốc tế là như thế nào. Tuy nhiên, nhóm quan điểm này cũng không phải thiếu sót khi chỉ đề cập tới ứng xử của Hồ Chí Minh đối với các vấn đề quốc tế. Bởi nếu không hiểu, không có quan niệm riêng về môi trường quốc tế thì không thể có được những ứng xử mang tính hệ thống và hiệu quả đối với các vấn đề quốc tế được.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 33 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)