Luận án sẽ kế thừa những kết quả nghiên cứu của các học giả. Cụ thể là kế thừa những nội dung quan điểm về khái niệm ngoại giao, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là những khái niệm công cụ căn bản nhất cho Luận án; và kế thừa những nội dung, quan điểm về ngoại giao Hồ Chí Minh trong những năm
1945-1946. Đó là các công trình rất quan trọng đem lại những tư duy lý luận tham khảo rất hữu ích cho tác giả trong quá trình làm Luận án.
Luận án sẽ khảo cứu lại những tài liệu cung cấp thông tin về hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh và cập nhật thêm tư liệu mới về ngoại giao Hồ Chí Minh trong những năm 1945-1946 làm căn cứ sử học cần thiết cho những nhận định khái quát của tác giả. Trên cơ sở đó, kết hợp với những kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, Luận án sẽ phân tích sâu, chi tiết, hệ thống hơn nữa về ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1945-1946 bằng cách tham khảo, sử dụng một số nội dung phù hợp trong một số lý thuyết về chính trị học quốc tế nhằm làm rõ hơn nữa tư tưởng, hoạt động và tầm vóc ngoại giao Hồ Chí Minh trong những năm 1945-1946 như: Cục diện tích cực và tiêu cực đặt ra cho ngoại giao Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám; những mục tiêu Hồ Chí Minh xác định cho ngoại giao Việt Nam trong những năm 1945- 1946; việc Hồ Chí minh xây dựng thực lực quốc gia làm hậu thuẫn cho ngoại giao; tư tưởng và hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh đối với các chủ thể quốc tế; những kết quả thực tiễn và kinh nghiệm ngoại giao rút ra trong những năm 1945-1946 (nội dung cụ thể sẽ được nêu trong phần tiếp theo và trong nội dung bản Luận án).
Cuối cùng, luận án sẽ đưa ra những thành tựu ngoại giao Hồ Chí Minh cả về mặt thực tiễn và những kinh nghiệm ngoại giao quý báu mà Hồ Chí Minh để lại cho nền ngoại giao nước nhà sau này.
Chương 2
LÝ LUẬN VỀ NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH DƯỚI GÓC ĐỘ CHÍNH TRỊ HỌC QUỐC TẾ
VÀ CỤC DIỆN NGOẠI GIAO VIỆT NAM SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM