Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh đối với Pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 110 - 114)

4.2. Đối với Pháp

4.2.1. Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh đối với Pháp

4.2.1.1. Quan điểm Hồ Chí Minh về cục diện tương quan giữa Pháp và Việt Nam

Tại cấp độ quốc tế, quốc gia và cá nhân (Những diễn biến trên thế giới, trong nội bộ nước Pháp và trong tâm lý của một số lãnh đạo Pháp ảnh hưởng tới hành xử của quân Pháp tại Việt Nam): Sau Thế chiến thứ hai, những diễn biến trên trường quốc tế, trong nội bộ quốc gia Pháp và trong chính tư duy của những người Pháp có vai vế lớn đã cho thấy rõ hai khuynh hướng đối lập nhau tác động tới tình hình Đông Dương. Một bên vì luyến tiếc cái “thiên chức khai hóa” [51, 27] và muốn “xua tan mối nhục” [105, 7] thất bại trong thế chiến II đã mong mỏi đất nước phải tìm lại sự huy hoàng của thời xưa, bao gồm cả quyền lực cấp đế chế của họ. Còn một bên “với cái lý tưởng giải phóng nhân đạo các dân tộc” [51, 27] coi mối quan hệ giữa chính quốc và thuộc địa là mối liên hệ giữa một nước phát triển với một số dân tộc và lãnh thổ kém phát triển. Mâu thuẫn này thể hiện ở xã hội thành những nhóm người với hai luồng quan điểm, thái độ khác nhau rõ rệt: Một bên công khai ủng hộ nguyện vọng độc lập của Việt Nam, phát biểu chống Pháp và cổ vũ các công nhân Việt Nam đấu tranh tới cùng chống lại “sự áp bức thực dân Pháp” [55, 288]. Còn một bên cương quyết muốn quay lại quá khứ thực dân để bảo tồn lợi ích từng có của họ, chống chính phủ Hồ Chí Minh đến cùng. Mâu thuẫn này cộng với mối quan hệ tay ba hết sức phức tạp giữa Pháp – Tưởng – Mỹ cho thấy vấn đề chống Pháp hay ngoại giao với Pháp không đơn giản và không thể chỉ giải quyết trong phạm vi quan hệ giữa Việt Nam với Pháp [35, 82]. Ngoài ra, những biến động nhân sự nội các diễn ra liên tục ngay trong lòng nước Pháp năm 1946 cũng khiến Đông Dương trở thành một ẩn số không ai có thể đoán định được. Nhưng nhìn chung, trong nội bộ Pháp có rất nhiều người muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng biện pháp phi

bạo lực [55, 236]; và ngược lại cũng có một số người mang tâm lý cực đoan sẵn sàng sử dụng sức mạnh vũ lực để nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý muốn của họ. Sainteny nhận định rằng Hồ Chí Minh đã thấy được những điều đó, Hồ Chí Minh nghĩ và tin rằng có thể sử dụng biện pháp ngoại giao để có thêm những “người bạn” tại Pháp; nhưng Hồ Chí Minh cũng rất sáng suốt thừa nhận sự tồn tại của những nhân vật mang tư tưởng hiếu chiến cổ hủ có khả năng tác động đến hoạt động ngoại giao của Pháp, và thậm chí chờ cơ hội tái lập nền bảo hộ thực dân bằng sức mạnh vũ trang [55, 379].

Về hệ lợi ích của Pháp tại Việt Nam, trước hết, Đông Dương là nơi cung cấp nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Pháp (đặc biệt là vùng Nam Việt Nam [108, 156]), là nơi góp phần quan trọng vào sự phồn vinh của Pháp và sự bảo tồn, tăng cường quyền lực của Pháp trên chính trường quốc tế. Bên cạnh đó, là một đế quốc thực dân lâu đời, Pháp đương nhiên cũng không chỉ có Đông Dương là thuộc địa. Sau thế chiến II, trước sự đảo lộn dữ dội trật tự lãnh địa thực dân toàn cầu, hầu hết các chính trị gia Pháp cho rằng việc khôi phục sự hùng cường của nước họ gắn chặt với việc bảo vệ các lãnh thổ của Pháp. Việt Nam được coi như chìa khóa cho sự thống nhất các lãnh thổ này của Pháp, bất cứ sự nhượng bộ nào cho Việt Minh cũng đồng nghĩa với việc truyền cảm hứng nổi dậy cho những thuộc địa khác [147, 15], sự sụp đổ quyền lực của Pháp tại Việt Nam sẽ tạo thành ngòi nổ dây chuyền cho toàn bộ các thuộc địa khác. Đông Dương là nơi hơn 40.000 người Pháp bao gồm công chức, quân nhân, thực dân và gia đình họ, sinh sống [99, 32]. Sau những biến cố như cuộc đảo chính Nhật – Pháp 9/3/1945, Cách mạng tháng Tám, việc tạm chiếm của quân Tàu Tưởng khiến an ninh của những người Pháp này bị đe dọa theo như nhiều báo cáo của các tổ chức Pháp tại Việt Nam cho biết [26, 225]. Có thể những báo cáo này có phần nào không đúng sự thực, phục vụ cho âm mưu của Pháp, song vì số lượng người Pháp tại Việt Nam quá đông nên Pháp không thể không có trách nhiệm với những con người này được. Quyền lợi của họ là phải được chăm sóc và bảo vệ, dẫu cho họ đang ở bất kỳ vùng đất nào đó cách xa mẫu quốc. Một lợi ích nữa mà Pháp muốn bảo vệ là vấn đề danh hiệu “đế quốc” và danh tiếng “khai hóa văn minh” [99, 32-33]. Hai lợi ích tinh thần này họ đã có trong một thời gian rất dài, trở thành “văn hóa Pháp, nên họ tuyệt đối không thể chấp nhận được nếu bị tước đoạt

chỉ bởi một nước thuộc địa nhỏ bé. Nước Pháp từng bị phát xít Đức đánh bại trong cuộc Đại chiến thế giới lần II, nước Pháp lại đang cố gắng khôi phục từ đống đổ nát sau chiến tranh, nên họ rất cần hai lợi ích này để vực dậy, tiếp tục làm động lực phát triển cho quốc gia. Nước Pháp nếu mất đi hai thanh danh này [108, 265], quyền lực chính trị quốc tế của họ chắc chắn sẽ suy giảm, và nội bộ nước Pháp sẽ có những xáo động không thể ổn định trong thời gian ngắn được. Tổng hợp hệ lợi ích trên, có thể kết luận rằng lợi ích về kinh tế và bảo tồn hệ thống thực dân toàn cầu của Pháp là mục tiêu và lợi ích căn cốt nhất mà Pháp xác định tại Việt Nam. Hiểu rõ điều đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang” [85, 484]. Hệ lợi ích này tất yếu dẫn đến mục tiêu hành động sau đây của Pháp: Mục tiêu sâu xa nhất là nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại chế độ đô hộ như trước, mục tiêu lý tưởng nhất là dùng thủ đoạn đe dọa Việt Nam phải chấp nhận quy phục chế độ thực dân Pháp vô điều kiện với sự ủng hộ toàn diện của các chủ thể quốc tế.

Về tương quan sức mạnh giữa Pháp và Việt Nam: Thứ nhất, trước Hiệp định Sơ bộ, Pháp chiếm ưu thế toàn diện về trang bị vũ khí, trình độ tác chiến, chiến phí so với Việt Nam [147, 15]. Tuy nhiên, mặt khác, trước Hiệp định Sơ bộ, đội quân viễn chinh của Pháp không dám mạo hiểm tấn công ngay Bắc Việt vì biết lực lượng vũ trang ở đó mạnh hơn rất nhiều so với miền Nam, chưa kể phải đối đầu với hàng chục vạn quân Tưởng vốn sẵn không thiện cảm với Pháp. Bên cạnh đó, lực lượng du kích tại Nam Kỳ chưa bao giờ thôi quấy nhiễu quân Pháp và ngày càng chịu sự kiếm soát thống nhất, kỷ luật của Chính quyền Hồ Chí Minh. Ngày 27/11/1946, trong một bức điện gửi Paris, Valluy lo âu về việc quân đội chính quy Việt Nam đang ngày càng được huấn luyện tốt hơn, giữ vững tinh thần chiến đấu sâu sắc, và càng lúc càng đẩy lùi ưu thế quân sự của Pháp [99, 297-298]. Theo kế hoạch, đến tháng 1/1947, những đơn vị Pháp dày dạn kinh nghiệm sẽ phải hồi hương, điều này chắc chắn sẽ làm cho tình hình quân sự của Pháp xấu hơn [108, 355]. Thứ hai, hàng chục nghìn dân thường Pháp kiều [55, 163] là một con số không nhỏ có thể bổ sung nhân lực cho quân đội Pháp. Đây thoạt tiên là nguồn sức mạnh dự bị của Pháp, là nguồn dư luận và lá phiếu khổng lồ hợp lý hóa sự trở lại của Pháp tại Đông Dương, nhưng xét đến cùng, cái lực lượng dễ bị giam giữ để mặc cả ngoại giao này lại biến thành trở ngại rất lớn khiến quân Pháp không ít lần bị lúng túng không dám tiến hành

những hoạt động quân sự đối với quân Việt Minh. Họ quả thực đã làm giảm sút sức mạnh bạo lực của Pháp. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy một trong những điểm yếu này của Pháp và ngay từ tháng 9/1945 nói với Patti rằng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch nắm những người Pháp đó trong tay làm con tin, và có đầy đủ tiềm lực để làm điều đó [3, 571]. Thứ ba, Pháp chiếm ưu thế hết sức rõ ràng so với Việt Minh ở mặt truyền thông. Gần như “không có một phóng viên báo độc lập nào của Pháp có mặt ở Đông Dương vào thời gian đó. Các tin tức từ Sài Gòn đều được các nhà báo trích bản tin của hãng thông tấn AFP dưới sự kiểm soát gắt gao của các giới cầm quyền tại Sài Gòn. Còn tin từ Hà Nội thì trích bản tin của hãng thông tấn AP của Mỹ” [108, 268]. Nhìn chung trong số các tờ báo hàng đầu tại Pháp lúc bấy giờ hầu hết đứng hoàn toàn về phía Pháp (kể cả tờ báo cộng sản L’Humanité). Việt Nam chỉ được một số tờ báo nhỏ (đặc biệt là nhiều tờ báo của Việt Kiều tại Pháp) đăng tin ủng hộ. Những bức thư, bức điện mà Hồ Chí Minh gửi cho nước Pháp hầu như đều phải qua tay phe d’Argenlieu trước khi đến nơi. Những thông tin quan trọng đó hoặc bị gửi đi rất chậm, hoặc bị sửa chữa rồi mới đến tay nhà cầm quyền Paris nhằm mục đích ngăn cản hết mọi cuộc đối thoại. Do đó, việc Hồ Chí Minh có mặt tại Paris hồi giữa năm 1946 là cơ hội ngoại giao cực kỳ quan trọng giúp người Pháp hiểu rõ sự thật tại Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng đáng tiếc rằng Hội nghị Fontainebleau sụp đổ sớm hơn dự định khiến Hồ Chí Minh bị buộc phải trở về Việt Nam.

Như vậy, thời gian đầu sau Cách mạng Tháng Tám, quả thực Việt Nam sút kém quá xa so với Pháp về các khía cạnh sức mạnh cần thiết cho ngoại giao thì những biến động do chủ quan và khách quan sau đó cho tới ngày 19/12/1946 cho thấy thang đo sức mạnh giữa Pháp và Việt Nam đã có sự thay đổi, Pháp không còn giữ vai trò vượt trội toàn diện như trước được nữa. Hồ Chí Minh đã thấy rõ những điều đó và tích cực khai thác nhằm góp phần làm suy giảm những nguồn sức mạnh của Pháp trên chiến trường ngoại giao.

4.2.1.2. Quan điểm Hồ Chí Minh về sách lược đối phó với Pháp

Do sức mạnh, mục tiêu, đặc điểm và thái độ của Pháp có nhiểu điểm khác so với Trung Hoa, nên chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Pháp cũng mang những nét rất riêng biệt. Hội nghị cán bộ Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương ngay từ tháng 9/1945 xác định phải cương quyết chống lại lực lượng thực dân xâm

lược Pháp, chỉ giao thiệp khi Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, tuy nhiên vẫn đảm bảo những quyền lợi chính đáng của Pháp kiều tại Việt Nam [28, 5]. Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/10/1945 (Do Hồ Chí Minh soạn thảo, được Hội đồng Chính phủ thông qua) tuyên bố: “Đối với những kiều dân Pháp, nếu họ yên tĩnh làm ăn trong vòng trật tự và tôn trọng sự độc lập của Việt Nam, thì sinh mạng và tài sản của họ vẫn được bảo vệ theo luật quốc tế. Nhưng đối với chính phủ Pháp, De Gaulle, chủ trương thống trị Việt Nam thì quyết chống lại, nếu chính phủ ấy không chịu thừa nhận sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam” [5, 89]. Đến ngày 28/11/1945, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, cuộc họp Hội đồng Chính phủ kết luận: “Ngoại giao đối với Pháp: nguyên tắc của Chính phủ là: Nhất quyết đòi quyền độc lập. Chỉ có thể nhượng bộ ít nhiều về kinh tế, văn hóa” [84, 76].

Như vậy, với tư tưởng ngoại giao chủ đạo dĩ bất biến ứng vạn biến theo từng cấp độ, trong mối quan hệ ngoại giao với Pháp, Hồ Chí Minh xác định đây là kẻ thù lâu dài; từ đó tất yếu dẫn tới tư tưởng về mục tiêu và sách lược ngoại giao tương ứng như sau: Điều “bất biến” là những lợi ích căn cốt của quốc gia, là tỏ thái độ công khai cương quyết chống lại lực lượng thực dân Pháp đồng thời vẫn bảo đảm những quyền lợi hợp pháp của kiều dân Pháp tại Việt Nam, là phân hóa đối phương nhằm thêm bạn bớt thù (hay nói cách khác là những tư tưởng sách lược ngoại giao: tâm công thêm bạn bớt thù, hòa để tiến, nhân nhượng có nguyên tắc, răn đe, nêu cao cơ sở pháp lý). Điều “vạn biến” là có thể nhượng bộ (có nguyên tắc) về một số lợi ích kinh tế, văn hóa nhất định nhằm giữ gìn và bảo vệ lợi ích cơ bản của quốc gia và củng cố, tăng cường thực lực quốc gia. Tư tưởng ngoại giao với Pháp được cụ thể hóa thành những hoạt động ngoại giao như trong phần viết sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 110 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)