Phân tích cấp độ quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 61 - 65)

2.2. Cục diện ngoại giao Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám

2.2.2. Phân tích cấp độ quốc gia

2.2.2.1. Tình hình kinh tế

Nền công nghiệp bị đình đốn dẫn tới số lượng lớn công nhân thất nghiệp. Riêng ngành khai mỏ than, năm 1940 có 39.500 công nhân thì đến năm 1945 chỉ còn lại 4.000 công nhân. Sản lượng khai thác than cũng sụt giảm nặng nề, các số liệu cho

17

thấy năm 1940 các mỏ than khai thác được 2.500.000 tấn thì đến năm 1945 chỉ còn khai thác được 231.000 tấn [5, 48]. Máy bay của Đồng minh ném bom làm hư hỏng những xí nghiệp từng bị quân Nhật chiếm hữu dẫn tới công nghiệp chế biến tê liệt. Ngoài ra, do ảnh hưởng chiến tranh, các chủ cũ mà phần lớn là người Pháp đã ngừng đầu tư, sa thải công nhân, tìm mọi cách thu hồi vốn [19, 64].

Do thế lực thực dân, đế quốc có một số hành động gây tổn hại tới nền nông nghiệp Việt Nam nên nền nông nghiệp rất tiêu điều. Việc lưu thông gạo từ miền Nam ra Bắc rất khó khăn do đường ray tàu hỏa bị hỏng nhiều chỗ do bom đạn, các tàu và thuyền buôn lớn cũng bị đánh đắm trong chiến tranh [55, 178]. Lũ lụt rồi đến hạn hán khiến hơn một nửa diện tích ruộng đất ở Bắc Bộ phải bỏ hoang [5, 48], vụ mùa tháng 10 xem như mất trắng [69, 564].

Do từ năm 1943, quân Đồng Minh phong tỏa hải phận và không phận Đông Dương nên xuất nhập khẩu ở đây bị dừng lại, ngay cả giao thương giữa Bắc và Nam Đông Dương cũng bị cắt đứt [19, 64]. Cả thương mại trong nước lẫn ngoại thương đều bị đình đốn, tê liệt, khắp nơi đều trong tình trạng khan hiếm hàng hóa [69, 565] và lạm phát trong một thời gian khá dài.

Nhật đã chở tiền Đông Dương ở Nhà băng Đông Dương đi nơi khác [16, 37] nên kho bạc hầu như trống rỗng [69, 565]. Tuy nhiên, ngân hàng Đông Dương vẫn còn nằm trong tay Pháp nên tư bản Pháp vẫn nắm quyền lực in tiền [19, 51]. Ngân sách chính quyền cũ vẫn ghi sổ nợ ngân hàng Đông Dương tới 564 triệu tiền Đông Dương, trong khi ngân sách quốc gia chỉ còn lại 1.250.000 đồng, trong đó 580.000 đồng là tiền rách nát [19, 28]. Sau Cách mạng Tháng Tám, quân Tưởng Giới Thạch còn tung ra miền Bắc đồng bạc quan kim và quốc tệ khiến nền tài chính trong nước bị lũng đoạn [3, 549-550]. Các chính sách thuế cũ bị thay thế bằng chính sách thuế mới nhằm mục đích giảm nhẹ gánh nặng cho người dân cũng khiến nguồn thu ngân sách bị suy giảm rất nhiều [19, 28]. Tình hình tài chính tồi tệ khiến không thể có đủ cơ sở để tính đến những chương trình kinh tế dài hạn. Các khoản chi tiêu hằng ngày của Chính phủ phải trông mong vào rất nhiều nguồn có thể xoay sở được, các cán bộ chủ yếu tình nguyện không lấy lương (vì Chính phủ cũng không có tiền trả lương cho họ [90, 22]) nên phải sống dựa vào nguồn thu nhập nhỏ nhặt từ gia đình

và sự ủng hộ của những người có cảm tình với Chính quyền mới [3, 549-550]. Tình hình tài chính khó khăn đến mức, trong một cuộc họp Phạm Văn Đồng báo cáo ngân quỹ chỉ còn đúng 3 đồng 25 xu! [29, 208].

Nền kinh tế sau cách mạng Tháng Tám có thể nói là kiệt quệ, theo cách đánh giá của các đế quốc và tay sai thì chỉ riêng những khó khăn về kinh tế cũng đủ khiến cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ sụp đổ nhanh chóng [35, 54]. Kinh tế vốn luôn là nguồn lực sức mạnh quyết định tới sự tồn tại của một quốc gia và tầm ảnh hưởng ngoại giao của quốc gia đó. Ngoại giao Việt Nam muốn thành công bắt buộc phải tìm cách khôi phục nền kinh tế.

2.2.2.2. Tình hình văn hóa - xã hội

Nạn đói đầu năm 1945 vừa chấm dứt khiến 2 triệu người thiệt mạng thì nguy cơ nạn đói mới đang xuất hiện. Tình trạng này khiến nhiều nông dân vùng đồng bằng bị đói đã tự động kéo tới những đường phố Hà Nội nhưng cũng gần như không thể tìm được cái ăn cho mình [55, 178].

Năm 1943-1944, Đại học Đông Dương chỉ có khoảng 1000 sinh viên, nhưng toàn xã hội có tới khoảng 90% dân số không biết đọc, biết viết [5, 49] tạo thành một mặt bằng dân trí thấp khiến cho những tệ nạn xã hội có điều kiện thâm nhập vào đời sống nhân dân. Các tệ nạn cờ bạc, nghiện rượu, nghiện hút, mại dâm, mê tín dị đoan… xuất hiện trầm trọng và phổ biến [36, 11-12] ở nhiều nơi, từ nông thôn đến thành phố. Dân trí thấp, cộng với khó khăn về kinh tế càng làm tăng nhanh các tệ nạn xã hội [19, 28].

Những khó khăn đó cộng thêm sự chia rẽ dân tộc từ trước do Pháp để lại khiến khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất bị ảnh hưởng lớn, đặt ra nhu cầu cần phải củng cố và mở rộng [36, 11] để có nguồn nhân lực giải quyết các vấn đề khó khăn cho nội trị và cho ngoại giao.

Như vậy, nguồn vốn xã hội – nguồn lực sức mạnh mềm vô cùng cần thiết cho ngoại giao quốc gia bị tổn hại và yếu kém trầm trọng. Đây cũng là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đặt ra cho Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Việt Nam cần phải giải quyết ngay sau Cách mạng Tháng Tám.

2.2.2.3. Tình hình chính trị

Về chính quyền, ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố độc lập cho Việt Nam. Theo nhận định của Sainteny, nội dung lời tuyên bố này bao hàm cả việc nước Việt Nam thống nhất cả Bắc – Trung – Nam làm một và đặt dưới sự cai quản trực tiếp của Nhà vua [55, 151]. Sau đó, một chính phủ của Trần Trọng Kim được Nhật dựng lên ngày 17/4/1945. Song, theo Trần Trọng Kim thì “bộ máy hành chính mà Pháp để lại phần nhiều là những tham quan ô lại chỉ quen sự thi hành mệnh lệnh của người Pháp, chứ không mấy người có đủ tư cách làm người công chức một nước tự chủ” [61, 56]. Ngày 7/8/1945, chính phủ Trần Trọng Kim, bị đẩy vào bước đường cùng phải tuyên bố từ chức. Ngày 30/8/1945, Bảo Đại chấp nhận thoái vị trước cảnh các triều thần đã bỏ đi gần hết [4, 179].

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, chỉ đạo Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 15 thành viên. Tuy nhiên, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được một nước nào trên thế giới công nhận. Lực lượng vũ trang cách mạng còn non trẻ, trang bị kém, thiếu thốn đủ mọi bề, kinh nghiệm chiến đấu còn quá ít [36, 11]. Ở Nam Kỳ, lực lượng cộng sản không có địa vị vững chắc bằng ở Bắc kỳ; Cao Đài và Hòa Hảo coi những vùng họ kiểm soát như là những vùng tự trị. Cướp bóc và những vụ ám sát chính trị khiến tình trạng vô trật tự ngày càng lan rộng [2, 254].

Số lượng binh lính và dân thường Pháp tại Việt Nam là rất lớn, chỉ riêng Hà Nội (trung tâm cách mạng) có tới khoảng 150.000 người Pháp sống và nhiều người đã tự trang bị vũ trang, bên cạnh đó có 5000 tù nhân Pháp đang bị giam ở nhà tù Hỏa Lò và được cho rằng đang chuẩn bị cầm vũ khí ngay khi lực lượng nước Pháp tự do đổ bộ vào Đông Dương [155, 324]. Song, tinh thần chống Pháp và những hành động thù địch với Pháp được đẩy lên cao kể từ sau khi Nhật đảo chính ngày 9/3/1946, nhất là ở các thành phố lớn [55, 152].

Về ngoại giao, ngày 7/4/1945 vua Bảo Đại tuyên bố sự phá sản pháp lý của Hiệp ước 1884 [61, 49], và đến ngày 19/8/1945, bức thư Bảo Đại gửi de Gaulle mà đài phát thanh Việt Nam phát đi đã thẳng thắn yêu cầu Pháp công nhận nền độc lập tại Việt Nam [99, 90]. Để đáp trả Tuyên bố 24/3/1945 của de Gaulle, Hồ Chí Minh

cũng trực tiếp chỉ dẫn Dương Bảo Sơn, nhân danh phái bộ Việt Cách ở Côn Minh (do Việt minh nắm), tổ chức cuộc họp báo ngày 7/4/1945 để phản đối bản tuyên bố đó [35, 40-41]. Và sau khi lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi, thắng lợi của cách mạng đã nằm trong tầm tay, ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh lại gửi Chính phủ Pháp một bản Thông điệp, trong đó nêu ra đề nghị 5 điểm: Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh. Việt Minh công nhận quyền của Pháp ở Việt Nam trong vòng 5 - 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Trong 5 - 10 năm đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội. Chính phủ Pháp hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ và thương mại ở Việt Nam. Người Pháp có thể làm cố vấn về ngoại giao [83, 232].

Như vậy, về chính trị, Hồ Chí Minh có lợi thế là đã nắm được chính quyền, từ đó có thể dễ dàng đưa ra những thông điệp ngoại giao được toàn dân ủng hộ nhân danh nhà nước có chủ quyền. Việt Nam cũng đã đưa ra được một vài thông điệp ngoại giao thể hiện tinh thần độc lập dân tộc. Song xét về tổng thể các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự thì sức mạnh tổng hợp của dân tộc lúc bấy giờ còn quá yếu để tạo ra một quyền lực hữu hiệu có lợi cho ngoại giao. Các thông điệp ngoại giao nói trên cũng hầu như không đem lại tiếng vang nào đối với quốc tế. Trước tình hình đó, báo cáo của Pignon18 gửi Cao ủy D’Argenlieu ngày 28/10/1945 nhận định rằng Việt Nam đang “không đồng minh, không tiền, hầu như không có vũ khí” [164]. Và Hồ Chí Minh cũng phải thừa nhận: “Dân ta nhờ có trào lưu thế giới, nhờ có sự đoàn kết của toàn thể dân tộc, nên đã tranh thủ được tự do độc lập. Nhưng nền tự do độc lập ấy còn chưa kiên cố, còn ở bước đầu, còn phải kinh qua nhiều nỗi gay go, khó khăn” [84, 121]. Công cuộc ngoại giao quốc gia chắc chắn sẽ rất khó khăn, sẽ phải xây dựng toàn diện những nền tảng căn bản, cần thiết để tranh đấu với các chủ thể quốc tế có liên quan tới Việt Nam lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)