những năm 1945-1946
3.1.1. Nền tảng cho các mục tiêu của ngoại giao Việt Nam
Hồ Chí Minh mở đầu Tuyên ngôn độc lập bằng một đoạn trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [85, 1]. Quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc... được nhân loại biết tới với tên gọi khái quát là những quyền con người - hay nhân quyền. Kể từ khi loài người thiết lập nên những thiết chế chính trị sơ khai và đặc biệt là sau Hòa ước Westphalia (1648) tách quyền lực nhà nước khỏi quyền lực giáo hội thì nhân quyền trở thành một sự thật tất yếu được minh chứng, xây dựng và bảo vệ bởi biết bao xương máu con người, là khởi nguồn tư tưởng cho các cuộc cách mạng, các cuộc chiến tranh chính nghĩa. Bản
Tuyên ngôn độc lập Việt Nam năm 1945 được Hồ Chí Minh bắt đầu từ một trong những văn bản phổ biến, được phương Tây biết đến rộng rãi và mặc nhiên được người dân cũng như chính quyền các nước phương Tây chấp nhận - trở thành một tiên đề chung cho tất cả con người trên thế giới, bất kể đó là người thuộc các nước phát triển hay kém phát triển. Điều này sẽ khiến những lập luận sau đó trong bản
Tuyên ngôn độc lập 1945 trở nên logic hơn (bởi lẽ tất cả minh chứng trong lĩnh vực xã hội nhân văn hay lĩnh vực tự nhiên đều phải bắt đầu từ những sự thật phổ biến nhất, quen thuộc nhất, thông thường nhất mà không thể phá bỏ được - đó là các tiên đề). Nhân quyền ở đây có thể được hiểu là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì sẽ không thể sống như một con người [62, 22], nó trở thành thứ quyền mà con người từ khi sinh ra đã lập tức sở hữu. Do đó, Hồ Chí Minh đã mặc nhiên tuyên bố rằng người dân Việt Nam là con người cũng giống như người dân các nước khác, do vậy, người dân Việt Nam không phải là thứ công
cụ biết nói, không phải là đối tượng cần khai hóa, mà cần được tôn trọng với những quyền căn bản mà bất kỳ con người nào trên thế giới cũng đương nhiên có; người Việt Nam từ nay (1945) đã nhận thức được điều này và yêu cầu bất kỳ ai khi biết đến Việt Nam cũng phải thừa nhận điều này.
Đoạn tiếp theo trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [85, 1]. Mỗi dân tộc là những cộng đồng cá nhân (có thể sống chung trong một lãnh thổ hoặc vì lý do nào đó không sống chung trong lãnh thổ - kiều dân) tự nhận thức rằng mình và những người khác thuộc về cộng đồng nhất định và có những tiêu chí để nhận ra nhau (văn hóa, lịch sử, các chỉ số sinh học...) và phân biệt với các cộng đồng người khác. Do vậy, không thể có lẽ gì từng con người cá nhân có quyền riêng mà một cộng đồng người lại không thể không có quyền chung cho toàn bộ những con người cá nhân trong lòng nó. Như đã phân tích ở trên, theo tiêu chí và cách hiểu chung của thế giới văn minh, mỗi người đều có mặt trên thế gian một cách bình đẳng, đều có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Và do đó, bất kỳ một cộng đồng người nào (mà các thành viên cá nhân đều tự nguyện thừa nhận nhau, thừa nhận những sợi dây liên kết họ với nhau, khu biệt với các cộng đồng khác) cũng đều được chấp nhận một cách bình đẳng, và cũng đều phải được quyền sống, quyền tự do... Việc “suy rộng ra” này, hay nói cách khác là một suy luận theo lối nhân quả xuất phát từ tiên đề nhân quyền này của Hồ Chí Minh không những là một minh chứng logic, mà còn gián tiếp tóm tắt toàn bộ lịch sử tranh đấu cách mạng thời kỳ cận - hiện đại của thế giới phương Tây. Bởi lẽ ở giai đoạn đầu của sự hình thành các quốc gia, “mệnh đề chủ quyền thuộc về nhân dân đã trở thành động lực tinh thần cho giai cấp tư sản đang lên” [125, 65] khiến họ không những tranh đấu cho quyền con người cá nhân, mà còn đấu tranh cho quyền của một quốc gia, của một dân tộc. Sau đó cuộc cách mạng Mỹ 1775-1783 được coi là điểm khởi phát cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa, đồng thời đánh dấu khuynh hướng coi chủ quyền quốc gia là tối cao, dẫn đến luận điểm “mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết, mỗi nhà nước dân tộc đều là một thực thể độc lập và bình đẳng với các nhà
nước dân tộc khác” đã nổi lên như trào lưu hàng đầu trong quan niệm về chủ quyền [125, 65-66].
Do đó, theo hệ quả suy luận trên, dân tộc Việt Nam hoàn toàn nên nhận thức về “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của mình, và cần được các chủ thể quốc tế khác thừa nhận quyền này của dân tộc Việt Nam.
Tiếp theo trong minh chứng logic này, Hồ Chí Minh sử dụng Điều đầu tiên trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” [85, 1]. Một lần nữa, Hồ Chí Minh lại sử dụng tới một văn bản được phương Tây biết và thừa nhận một cách phổ biến, không thể chối cãi hay khó lòng tranh cãi, đó là những tuyên bố thành văn, là một văn kiện pháp lý về quyền con người và quyền công dân. Ở đây, mặc dù không nói rõ, song đoạn văn này hàm chứa thêm một tuyên bố khẳng định về một quyền nữa bên cạnh chủ quyền con người và chủ quyền dân tộc, đó là chủ quyền công dân (mà nội hàm chi tiết được nói rất nhiều và rất rõ ràng trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp). Thuật ngữ dân tộc (nation) khác với thuật ngữ tộc người/ sắc tộc (ethnic) ở chỗ các thành viên trong dân tộc (nation) được gắn kết với nhau “không phải vì anh ta thuộc về một cộng đồng văn hoá - lịch sử, cộng đồng ngôn ngữ hay tộc người nào đó, mà chính là vì anh ta chịu sự quản lý của nhà nước trên phạm vi lãnh thổ mà nhà nước đó chiếm giữ; tức là phụ thuộc vào quốc tịch (nationality) mà anh ta đang mang” [124, 172]. Hay nói một cách quen thuộc và ngắn gọn hơn, đó không những là một con người, mà còn là một công dân. Và một người tự nguyện trở thành một công dân đương nhiên bên cạnh việc phải hy sinh một phần nhỏ trong quyền con người vào lợi ích chung của cả cộng đồng, thì người đó được hưởng lại những quyền lợi mà bộ máy quyền lực công và những công dân như người đó đều thừa nhận và bảo vệ - đó là các quyền công dân, hay còn gọi là dân quyền. Bất kỳ một chế độ chính trị nào, hay rộng hơn là bất kỳ một nhà nước - dân tộc nào trong thời cận - hiện đại khi đã tuyên bố về chủ quyền của nó thì đều tất yếu có nghĩa vụ công bố và bảo vệ, phát triển quyền của những con người mà nó có trách nhiệm quản lý (thậm chí chính bản thân thực thể chính trị này cũng bị những con người đó quản lý lại) - đó là những công
dân của nó. Do vậy, theo logic suy luận cũng như theo lịch sử xương máu nhân loại, quyền lợi của công dân cũng là một điều hiển nhiên được sánh ngang với nhân quyền và quyền dân tộc.
Như vậy, chỉ với vài dòng mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập 1945, Hồ Chí Minh đã luận chứng được về quyền con người, quyền dân tộc, quyền công dân căn bản và gián tiếp tuyên bố khẳng định mục tiêu tối thượng trong tất cả mọi hoạt động đối nội, đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhằm bảo vệ những quyền này (trong đó, quyền con người là nền tảng cho quyền dân tộc và quyền dân tộc là điều kiện tiên quyết cho quyền công dân), đây là lẽ phải đương nhiên, hợp tình hợp lý và “không ai chối cãi được”.
Luận chứng này được hậu thuẫn bởi những minh chứng thực tiễn có thực, minh bạch trong lịch sử Việt Nam. Đó là việc thực dân Pháp chà đạp lên các quyền con người, quyền công dân, quyền dân tộc mà mỗi người Việt Nam lúc đó đều là những nhân chứng sống, luôn sục sôi khát vọng tự do và nhiều lần đứng lên mưu cầu lật đổ ách thống trị tàn bạo của lực lượng ngoại quốc tàn bạo này. Đó là việc người dân Việt Nam đã cùng đứng về phe Đồng Minh chiến đấu chống lại Phát xít Nhật trong cuộc thế chiến thứ hai trong khi Pháp tự ý từ bỏ vai trò bảo hộ đã ký kết với Việt Nam và từ bỏ trách nhiệm với phe Đồng Minh. Những minh chứng này đều nói lên rằng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để hưởng và bảo vệ quyền bình đẳng, tự do, độc lập, đi theo con đường văn minh tiến bộ mà toàn thể người dân Việt Nam lựa chọn. Bởi vậy, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” [85, 3].