Những mục tiêu lợi ích dân tộc của Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 72 - 77)

Quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do là những quyền lợi căn bản nhất, chung nhất cho toàn thể người dân cấu thành một dân tộc và đương nhiên nó chính là quyền của một dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là những quyền căn cốt nhất mà dân tộc Việt Nam tất yếu phải có (bên cạnh những quyền khác như quốc thể, quyền lợi chính trị trên trường quốc tế v.v...). Tuy nhiên trong hoàn cảnh nước nhà sau Cách mạng Tháng Tám đang rất khó khăn phức tạp, thậm

chí thế giới còn chưa công nhận sự tồn tại của một quốc gia Việt Nam, thì Hồ Chí Minh khẳng định lợi ích dân tộc tối quan trọng mà toàn thể đất nước Việt Nam phải hướng tới để hiểu, để bảo vệ chính là “độc lập”. Tất nhiên, độc lập cho quốc gia ở đây cũng chỉ là phương tiện để đem lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cho từng cá nhân người Việt Nam như đã phân tích trong phần trên. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh tuyên bố rằng “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” [85, 64], và “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì” [85, 176]. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn thông qua câu nói của Hồ Chí Minh với Salan19 ngày 8/2/1946: “Chữ “độc lập” với tôi không quan trọng. Cái quan trọng là nội dung của nó” [99, 157]. Song, trong hoàn cảnh rất đặc biệt thời kỳ này, quyền độc lập lại là điều kiện vô cùng quan trọng để xây dựng và bảo vệ, phát triển các quyền cá nhân cho từng người Việt Nam. Không có được độc lập cho quốc gia thì đương nhiên không thể có được các quyền cá nhân cho nhân dân. Toàn bộ hệ thống ngoại giao của Việt Nam từ cá nhân cho đến tổ chức đều phải hướng tới mục tiêu ngoại giao lúc đó là độc lập cho quốc gia Việt Nam. Đây là điều “bất biến” mà Việt Nam không thể khoan nhượng trong khi có thể linh hoạt khoan nhượng những điều khác trong quan hệ quốc tế. Có độc lập dân tộc mới có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Điều này cũng có thể hiểu ngược lại rằng người dân nếu không có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc thì cũng đồng nghĩa với việc dân tộc đó không hề có quyền độc lập và tự do. Đây là một mối liên hệ mang tính phụ thuộc và quyết định lẫn nhau hoàn toàn khách quan mang tính pháp lý và nhân văn.

Trong hoàn cảnh đất nước những năm 1945-1946, nội hàm của quyền/mục tiêu “độc lập” cho dân tộc này có thể hiểu cụ thể hơn nữa như Hồ Chí Minh tuyên bố trong kỳ họp báo ngày 12/7/1946 tại Pháp, đó chính là “quyền của mỗi dân tộc được tự mình quyết định lấy số phận của mình” [99, 231-232]. Thực chất của “độc lập” là như vậy, điều đó tương đương với toàn vẹn chủ quyền quốc gia. Mà một quốc gia có chủ quyền có nghĩa là tự quốc gia quyết định cách thức đối mặt với các

19

vấn đề đối nội và đối ngoại, kể cả việc có tìm kiếm sự trợ giúp từ nước ngoài hay không [129, 60]. Chứ không thể giống như thời kỳ Pháp đặt chế độ thực dân lên Đông Dương, tự quyền quyết định mọi chuyện trong nước và ngoài nước của Việt Nam mà không cần biết ý người dân bản xứ thế nào. Max André một nhà lãnh đạo của MRP (Phong trào Cộng hòa bình dân) sau khi gặp Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày ngày 16 và 21/1/1946 cũng báo cáo lại với d’ Argenlieu rằng: “ông Hồ Chí Minh gắn bó với cái vỏ bên ngoài ít hơn là với cái thực chất bên trong của từ “độc lập”. Tóm lại, ông Hồ mong muốn có một Chính phủ Việt Nam làm chủ đất nước của mình và một tổ chức hành chánh, một nền kinh tế, một hệ thống tài chính, một quân đội và sau nữa một nền ngoại giao độc lập” [99, 149-150]. Đó chính là nội dung trọn vẹn của từ “độc lập” mà Hồ Chí Minh sử dụng, và cũng chính là mục tiêu của ngoại giao thời kỳ này. Đây là nguyện vọng của Hồ Chí Minh và cũng là nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bài diễn văn đọc tại Huế ngày 4/2/1946, Võ Nguyên Giáp nói: “Hồ Chủ tịch được toàn dân hoàn toàn ủng hộ, nhưng nếu ngày mai Người điều đình với Pháp trên những nền tảng khác ngoài độc lập thì lập tức Người sẽ bị lật đổ ngay” [99, 157]. Và do vậy, việc Hồ Chí Minh nói lên tiếng nói chung của toàn dân, đi chung con đường mong muốn của toàn dân chính là góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong lòng dân tộc.

Mục tiêu tiếp theo ngoại giao lúc này hướng tới đó là tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mục tiêu đó vô cùng quan trọng bởi hai lý do. Thứ nhất, như hai nhà nghiên cứu James Stuart Olson và Randy W. Roberts chỉ ra rằng Bắc Việt Nam dân số đã quá đông và nghèo đói, không thể tự cung cấp lương thực được, trong khi vùng Mekong trong Nam lại luôn có khả năng thu hoạch gạo dư thừa [142, 23]. Và chính Sainteny cũng khẳng định Bắc Kỳ là xứ thiếu gạo, vẫn thường phải nhập gạo của Nam Kỳ, mỗi năm hàng chục vạn tấn để thỏa mãn nhu cầu của nhân dân [55, 178]. Nên việc toàn vẹn lãnh thổ Bắc Trung Nam của đất nước Việt Nam mang ý nghĩa vô cùng cấp thiết đối với việc dẹp nạn đói tại Bắc Việt và đảm bảo mạng sống, sức lực cho người dân Việt Nam. Thứ hai, trong tiến trình lịch sử dân tộc, Nam Bộ cũng như Bắc Bộ, Trung Bộ mặc dù đa dạng về sắc tộc song nhìn chung đều chia sẻ cùng một nền văn hóa, cùng tự giác và tự nguyện

sống chung trong một lãnh thổ. Hay như điều đã phân tích ở trên, Bắc – Trung – Nam ba miền này đều tự ý thức rằng họ hợp thành một dân tộc. Bởi vậy, ngoài cách cưỡng chế phi lý bằng bạo lực thì không thể chia tách họ được. Hồ Chí Minh khẳng định với Paul Mus: “Nam Bộ đối với chúng tôi, tức là thịt và máu của một cơ thể” [71, 17]! Hồ Chí Minh cũng thể hiện thái độ kiên quyết và dứt khoát về vấn đề này như sau: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng ... nhân dân chúng tôi ... kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” [85, 522].

Một mục tiêu nữa liên quan đến quốc thể và sự ủng hộ của quốc tế có liên quan đến một loại hình ngoại giao rất đặc biệt thời kỳ này - đó là ngoại giao văn hóa. Vốn dĩ được hiểu là việc quảng bá hình ảnh của quốc gia tới các chủ thể quốc tế nhằm gây dựng những hành vi có lợi cho quốc gia mình từ phía các chủ thể quốc tế [126, 70-78]; vậy nên, ngoại giao văn hóa Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám phải đảm nhiệm sứ mệnh khiến chính phủ và nhân dân các nước (đặc biệt là Pháp) biết đến Việt Nam, hiểu Việt Nam và hướng tới ủng hộ, hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa lúc này phải giúp người Việt Nam hiểu được nước Pháp, hiểu được người Pháp và còn phải góp phần gìn giữ quan hệ hòa hữu giữa Trung Hoa với Việt Nam. Đây là những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, cấp bách bởi lẽ quốc tế sau năm 1945 nếu như có biết tới Việt Nam thì vẫn chỉ quan niệm rằng đó là một vùng trên đất Đông Dương thuộc Pháp mà trước đó là một đất nước quân chủ, mà những người dân sống trên vùng đất đó “rất cần được khai hóa văn minh” như thế lực thực dân đã tuyên truyền với các nước phương Tây. Rào cản văn hóa thường có khuynh hướng bóp méo những gì được nghe [57, 191], do vậy, việc giúp và khiến quốc tế có một cái nhìn rõ và đúng đắn về Việt Nam là nhiệm vụ đặt ra trước mắt cho nền ngoại giao văn hóa của nước ta lúc bấy giờ. Một dân tộc Việt Nam không cần phải khai hóa văn minh, một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, quý trọng dân chủ, cởi mở, chân thành, sẵn sàng hợp tác với các lực lượng tiến bộ trên thế giới nhưng luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập, thống nhất, tự do, hạnh phúc cho đất nước mìnhhình ảnh cần có càng sớm càng tốt trong mắt các chủ thể quốc tế để có được sự ủng hộ tối đa về mặt ngoại giao từ quốc

tế. Đây là mục tiêu cũng rất quan trọng mà ngoại giao thời kỳ này, cụ thể là ngoại giao văn hóa phải đảm nhận dưới sự lãnh đạo (thậm chí thực hiện) của Hồ Chí Minh.

Những mục tiêu trên không thể hoàn nhanh chóng, nhất là trong hoàn cảnh thực dân Pháp đang lăm le quay lại đô hộ Việt Nam. Do vậy, cần phải kéo dài thời gian để có thêm những điều kiện thực hiện các mục tiêu đã nêu. Từ đó, mục tiêu, nhiệm vụ cuối cùng cần phải nhắc đến, là ngoại giao Hồ Chí Minh phải tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh, nhưng nếu cuộc chiến đó là không thể tránh khỏi thì phải tìm mọi cách để kéo dài thời gian cho toàn quốc chuẩn bị về mọi mặt đương đầu với điều xấu nhất đó [32, 450]. Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, nhưng chỉ sau đó vài ngày là quân Tàu Tưởng kéo vào miền Bắc và quân Pháp núp sau quân Anh đổ bộ vào miền Nam. Nền độc lập mong manh có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào chôn vùi theo những mục tiêu, nhiệm vụ ngoại giao đã nêu ở trên. Vậy nên, nhiệm vụ ngoại giao “kéo dài thời gian trước chiến tranh” này cũng không kém phần quan trọng và khó khăn so với các mục tiêu ngoại giao đã nêu.

Như vậy, mặc dù có thể khái quát mục tiêu cho hoạt động ngoại giao Việt Nam ngắn gọn trong từ “độc lập”, tuy nhiên, nội hàm của từ “độc lập” này lại được triển khai thành những mục tiêu cụ thể và căn cốt quyết định vận mệnh của quốc gia Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Những mục tiêu này có sự liên kết biện chứng với nhau và bao trùm toàn bộ những mục tiêu lợi ích dân tộc chung nhất hợp tình - hợp lý cho bất kỳ quốc gia hiện đại nào khác như đã nêu trong phần 2.1.2. Với tư cách là người hoạch định tối cao hoạt động ngoại giao Việt Nam, Hồ Chí Minh đã mang một tư duy hết sức hiện đại, thực tế và toàn diện, vừa có tính phổ biến cấp độ toàn cầu phù hợp với lý tính của nhân loại tiến bộ, vừa có tính đặc thù phù hợp hoàn cảnh rất riêng của Việt Nam trong những năm 1945-1946. Hồ Chí Minh phải đảm nhiệm lãnh đạo và thực hiện hoàn thành những hệ mục tiêu trên, song Hồ Chí Minh cũng không phải đơn độc đề xuất và thực hiện. Bởi bên cạnh Hồ Chí Minh có cả một dân tộc đã thức tỉnh. Philippe Devillers20 nhận định: “Thật khó mà nghĩ rằng họ

20 Nhà báo, nhà sử học, nhà Việt Nam học, từng là Tùy viên báo chí của tướng Leclerc, đồng thời là phóng viên của báo Thế giới (Le Monde) tại Đông Dương từ 1946 đến 1948.

có thể chịu khuôn mình mãi mãi trong cái gông của một Liên bang Đông Dương nằm dưới sự thống trị của một dân tộc da trắng ở cách xa họ 10.000 km. Đó chỉ là cái lương tri thông thường” [99, 43].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)