Hồ Chí Minh với việc tăng cường nguồn lực sức mạnh cứng (hard

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 80 - 85)

3.2. Hồ Chí Minh với việc xây dựng và tăng cường thực lực quốc gia làm nền

3.2.2. Hồ Chí Minh với việc tăng cường nguồn lực sức mạnh cứng (hard

power)22 cho ngoại giao

3.2.2.1. Khôi phục và tăng cường sức mạnh kinh tế

Để tránh khả năng sụp đổ hoàn toàn quyền lực chính trị cũng như ngoại giao nếu không có sức mạnh kinh tế hậu thuẫn như báo cáo của Pignon [99, 129], Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tiến hành các biện pháp khẩn cấp cứu vãn và nâng cao tiềm lực kinh tế như sau:

Về giải pháp ngân sách hoạt động trước mắt, mặc dù không muốn đề nghị người dân đóng góp phần tài sản của họ [3, 551], song vì những vấn đề vĩ mô nan giải cấp

22 Như đã đề cập trong phần 2.1, nguồn lực sức mạnh cứng của quốc gia gồm có nguồn lực kinh tế và lực lượng vũ trang.

bách, Hồ Chí Minh viết thư và trực tiếp đứng ra tổ chức Tuần lễ Vàng huy động tài chính quyên góp của người dân ủng hộ chính phủ non trẻ. Hồ Chí Minh chỉ rõ nền độc lập tự do vừa giành lại cần phải được củng cố, phải do sức lực toàn dân giúp đỡ, vậy nên việc dân chúng thực hiện hành động ủng hộ tiền tài không những “có ý nghĩa giúp vào nền tài chính quốc phòng”, mà còn “có một ý nghĩa chính trị quan trọng” [85, 17], biểu thị một thông điệp ngoại giao “tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng giúp nước” [84, 12], chính quyền này được toàn dân ủng hộ, là một chính quyền của nhân dân. Nhờ uy tín của Hồ Chí Minh và nhận thức về vận mệnh dân tộc, rất đông người dân sau đó đã tình nguyện hiến dâng những tài sản quý giá trong gia đình cho chính quyền mới. Thời gian Hồ Chí Minh đến Pháp năm 1946 cũng nhận được nhiều quyên góp từ kiều bào ủng hộ cho công cuộc đấu tranh tại nước nhà khi họ hiểu được sự thật tại Việt Nam và nhìn thấy Hồ Chí Minh là đại diện chính nghĩa thực sự của dân tộc. Đến ngày 14/11/1946, Chính phủ phát hành

Công phiếu kháng chiến, cũng thu được 283 triệu đồng [46, 94]. Việc nhận được ủng hộ tài chính từ phía người dân không những giúp cho bộ máy chính quyền có nguồn lực trang trải cho những công việc vĩ mô quan trọng, mà còn là biểu thị ngoại giao rất lớn về tính chính danh của nhà nước Dân Chủ Cộng hòa.

Về giải pháp lâu dài, trước hết đối với vấn đề tài chính tiền tệ, nhằm ổn định về tiền tệ, tránh sự lũng đoạn của Pháp, Hồ Chí Minh ký một số sắc lệnh có tính ổn định vĩ mô như sắc lệnh số 18B, sắc lệnh số 46 về việc lưu thông đồng bạc giấy Việt Nam và quy định về xử phạt những hành vi phương hại tới giá trị và sự lưu thông của đồng tiền này. Người dân rất tích cực và đồng thuận đem tiền Đông Dương đổi lấy đồng tiền của Việt Nam mới với tên gọi là “giấy bạc Cụ Hồ”. “Chính quyền Nam Trung Bộ cũng giải quyết được nhiều khó khăn lớn về tài chính nhờ đồng tiền Việt Nam mới phát hành. Chính phủ chuyển số tiền Đông Dương đổi được ra Bắc Bộ và vào Nam Bộ để chi tiêu. Một phần trong số tiền này trở thành nguồn ngoại tệ dự trữ để mua những mặt hàng trong vùng Pháp chiếm đóng phục vụ cho công cuộc kháng chiến sau này” [19, 63]. Đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, tiền Việt Nam đã “thay thế đồng tiền Đông Dương trên toàn bộ thị trường trong vùng tự do. Đồng tiền riêng hợp pháp của Việt Nam ra đời góp phần làm cho

nền kinh tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dần dần thoát khỏi sự lũng đoạn tài chính của phía Pháp” [19, 140]. Và do đó, một nguồn sức mạnh của Pháp vốn vẫn dùng để khống chế Việt Nam dần dần bị loại trừ. Việt Nam đã tự giành lại một trong những thành tố sức mạnh quốc gia quan trọng và có thể chủ động hơn trong vấn đề kinh tế đối ngoại.

Đối với vấn đề công thương, Hồ Chí Minh chỉ đạo mở trường Thương mại thực hành, chỉ thị thay vì phải đăng kí và xin phép, tất cả các nhà tư sản Việt Nam được quyền tự do kinh doanh [19, 65] và khuyến khích giới Công Thương “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” [85, 53]. Hồ Chí Minh tuyên bố “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết” [85, 53] đất nước. Tỷ lệ các nhà công thương trong Quốc hội (chiếm 11%) phản ánh sự coi trọng của Hồ Chí Minh và quốc gia đối với lực lượng này đối với việc xây dựng nền kinh tế của đất nước độc lập [19, 65]. Và đây cũng là một minh chứng quan trọng cho thế giới (đặc biệt là các chủ thể còn e ngại bản chất cộng sản của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thấy rằng nước Việt Nam mới hoàn toàn không có ý định cản trở nền kinh tế tư nhân.

Đối với vấn đề kinh tế đối ngoại, Hồ Chí Minh còn đưa ra một tầm nhìn xa mang tính chiến lược cho việc thoát ly kinh tế khỏi sự lệ thuộc vào Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác. Hồ Chí Minh mong muốn một nền kinh tế thực sự mở cửa, tự do thông thương với toàn thế giới để có nền tảng phát triển phồn vinh nền kinh tế quốc gia, không còn bị trói buộc vào những việc thủ công tầm thường nhỏ mọn và những buôn bán vụn vặt [3, 600-601]. Về cụ thể, ngày 9/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 48 khẳng định “các công ty hay các hãng ngoại quốc hiện có, được phép tiếp tục công việc doanh nghiệp như cũ” [161]; Hồ Chí Minh còn tuyên bố về nhiều nhân nhượng kinh tế cho Pháp, đề nghị thiết lập quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và mời gọi giới kinh doanh Mỹ vào đầu tư, thành lập công ty thương mại Việt Tiến để “xúc tiến xuất nhập khẩu, thúc đẩy công nghiệp, vận tải,…” [108, 224-225];.v.v. Trong một cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 23/11/1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể

giúp mình” [84, 72]. Với nguồn tài nguyên và nhân công phong phú, vị trí địa lý thuận lợi cho thông thương, Việt Nam quả thực có nhiều tiềm năng kinh tế khá hấp dẫn trong mắt các chủ thể quốc tế.

Mặc dù không có mặt tại việt Nam cho tới tận ngày toàn quốc kháng chiến, song trước những chuyển biến tích cực nhanh chóng nhìn thấy rõ ràng trước mắt, Patti nhận xét: “Những đòi hỏi về tiền của người Trung Quốc và Nhật, việc buôn bạc, và sự biến động trong giá cả tiền tệ; tất cả những cái đó đã tác động tai hại đến nền kinh tế và tài chính Việt Nam. Nhưng Chính phủ của ông Hồ chỉ loạng choạng mà không sụp đổ” [3, 553]! Trong hoàn cảnh quá sức khó khăn gian khổ như vậy, Hồ Chí Minh đã dẫn lái nền kinh tế phần nào ổn định và nhanh chóng phát triển tạo sự đóng góp mạnh mẽ cho sức mạnh cứng và sức mạnh mềm cho ngoại giao Việt Nam.

3.2.2.2. Tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang

Nhà quyền lực học Nye khẳng định quân lực xưa nay được coi là “dạng quyền lực tối hậu” trong chính trị thế giới, nhưng một nền kinh tế thịnh vượng là cần thiết để sinh ra quyền lực như vậy [57, 102]. Với sự hỗ trợ to lớn của sức mạnh kinh tế như đã nêu ở trên, Hồ Chí Minh có thêm rất nhiều điều kiện để xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh “làm cơ sở cho ngoại giao” [145, 309], là “bức tường sắt của Tổ quốc” [32, 292]. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Việt Nam ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã nhanh chóng tiến hành xây dựng một lực lượng quốc phòng và an ninh nhằm duy trì trật tự và giữ gìn lãnh thổ đảm bảo chủ quyền quốc gia trước tất cả các hành động làm tổn hại đến người dân xảy ra bên trong lãnh thổ.

Về tổ chức và huấn luyện, vì lý do ngoại giao với quân Tưởng, Việt Nam Giải phóng quân được đổi thành Vệ quốc đoàn, đến 22/5/1946 Vệ quốc đoàn được Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71, ghi rõ Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia. Chính phủ cũng ban hành các quyết định thành lập những bộ phận quan trọng nhất của lực lượng vũ trang như Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, các trường quân sự, Tòa án binh, Công an vụ v.v.

Về vũ khí, bên cạnh những nguồn vũ khí có được từ phía Pháp, Việt Nam mua được hàng chục vạn khẩu súng đủ các loại của quân Nhật (do Tưởng tịch thu và bán lại lấy hàng chục va-ly vàng) và của quân Tưởng [30, 287]. Trong thời gian ở Pháp,

ngoài thời gian thương lượng, Hồ Chí Minh chỉ đạo đoàn đàm phán Việt Nam còn đi mua tới sáu tấn hàng hóa (chủ yếu là thiết bị radio) mang về nước [108, 166]. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh luôn khẳng định vũ khí quan trọng nhất của lực lượng vũ trang mới của đất nước là sự ủng hộ của nhân dân [155, 348].

Về quân số, đến cuối năm 1946, tổng quân số là hơn 82 nghìn người, bước đầu hình thành một số binh chủng kỹ thuật. Toàn quốc có gần 1 triệu tự vệ và du kích, chưa kể Công an xung phong. Cả nước được tổ chức thành các chiến khu, đề phòng khả năng đất nước bị chia cắt. Việc củng cố hậu phương, hạt nhân An toàn khu (ATK) được lựa chọn; công tác di chuyển cơ quan, kho tàng, gạo, muối, thuốc men được chuẩn bị; kế hoạch tác chiến được khởi thảo [98, 75]. Đồng thời với việc ký Hiệp định sơ bộ cho Pháp quay trở lại miền Bắc, Hồ Chí Minh thậm chí còn gửi đi Trùng Khánh một phái đoàn để xin Trung Quốc viện trợ chống Pháp [34, 71-72]. Lực lượng quân sự của Việt Minh tuy chưa mạnh nhưng có tổ chức, có kỷ luật, được hỗ trợ bởi các đoàn thể quần chúng và nhất là được lãnh đạo bởi những đảng viên cực kỳ trung thành và sẵn sàng hy sinh [63, 73-74]. Tất cả sẵn sàng đối phó với khả năng quân Pháp phát động một cuộc chiến xâm lược.

Về chiến lược quân sự, trong bài Chiến lược của quân ta và của quân Pháp được phổ biến cho người dân, Hồ Chí Minh sau khi phân tích chiến lược của Pháp, chiến lược đối phó của Việt Nam đã khẳng định “chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta” [85, 529].

Nhìn chung, số lượng nhân lực tham gia tác chiến và dự bị tác chiến của Việt Nam rất lớn, ngược lại chất lượng tác chiến và vũ khí trang bị còn hạn chế. Song bù lại, Việt Nam có một nguồn sức mạnh đặc biệt bổ sung cho thiếu sót này đó là chất lượng chiến đấu. Sức mạnh tác chiến (combat power) là chỉ số liên quan tới các tài nguyên hữu hình như binh lính, vũ khí, trang thiết bị... trong khi sức mạnh chiến đấu (fighting power) là chỉ số liên quan tới các yếu tố sức mạnh về mặt tinh thần như sĩ khí, kỷ luật quân đội, lòng can đảm, khả năng bền bỉ... [57, 83]. Trong đó, các yếu tố như lòng yêu nước, sĩ khí, và tính chính nghĩa ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội [57, 54-55]. Với tinh thần và ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sức mạnh chiến đấu của Việt Minh vượt trội

hơn nhiều lần so với sức mạnh chiến đấu của quân Pháp. Đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh thể hiện thái độ tích cực về sức mạnh này sau khi nghe qua mô tả tình hình tinh thần toàn dân chuẩn bị chiến đấu của Vũ Kỳ [70, 65]. Tuy nhiên nguồn sức mạnh này lại là yếu tố vô hình, không phải chỉ huy quân sự Pháp nào cũng có thể thấy được (trừ Leclerc và một số ít người khác), dẫn tới hai luồng quan điểm cho rằng nên đánh hay nên hòa đàm với Việt Nam trong nội bộ Pháp. Sau này, vào đầu năm 1947, Morlière nhận xét về thực lực nhân sự và sức mạnh chiến đấu của Việt Nam: “chúng ta không chỉ chiến đấu chống lại Việt Minh mà cả một đa số rất đông đảo, nếu không muốn nói là tất cả dân chúng tập hợp chung quanh mục tiêu “độc lập”. Rất nhiều người Annam (chỉ người Việt) đối nghịch hoặc thờ ơ với Việt Minh nhưng tinh thần dân tộc của họ, lòng yêu nước của họ và cả đầu óc bài ngoại âm ỉ ở châu Á đã không chút do dự tập hợp dưới lá cờ Việt Minh, đằng sau chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam” [108, 316-317]. Lòng yêu nước, khát vọng tự do và ý chí độc lập mà Hồ Chí Minh khơi gợi trở thành điểm chung giúp những con người An Nam bỏ qua những xung khắc cá nhân nhỏ lẻ để kết nối lại với nhau, chung một con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy những lợi ích chung cho toàn dân tộc, những mục tiêu mà Hồ Chí Minh đề ra cũng chính là nguyện vọng của mỗi người dân. Hồ Chí Minh đã nói lên tiếng nói của người dân, thực hiện những hành vi thể hiện sức mạnh vô úy của toàn dân. Và từ đó, Hồ Chí Minh có đầy đủ căn cứ để có những động thái ngoại giao răn đe thế lực hiếu chiến của Pháp sau này.

Xây dựng sức mạnh lực lượng vũ trang là một cuộc chạy đua vô cùng khó khăn và khẩn cấp giữa Pháp và Việt Nam bởi khả năng quân sự đến đâu sẽ quyết định cách hành xử [112, 359] ngoại giao của quốc gia đến đó đặc biệt là trong giai đoạn căng thẳng giữa các chủ thể quốc tế. Nhìn chung, năng lực quân sự của Việt Nam cộng với các yếu tố địa hình địa vật thích hợp cho đánh du kích là sức mạnh tấn công đáng kể và cũng là sức mạnh phòng thủ gây tâm lý tiêu cực đối với đối phương lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)