1.2.1.1. Những kết quả đạt được của các công trình
Các công trình nghiên cứu về ngoại giao Hồ Chí Minh đã công bố và tổng hợp được rất nhiều tư liệu quý liên quan đến hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh thời gian 1945-1946. Đây là chất liệu nghiên cứu khách quan rất cần thiết đem lại hiểu biết rất quan trọng về những hành vi ngoại giao Hồ Chí Minh đã thực hiện trong những năm đó. Chỉ có thông qua những tư liệu mang tính sự kiện này mới có cơ sở
để minh chứng cho những lập luận mang tính khái quát đánh giá về ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở các tư liệu nói trên, các công trình đã phân tích rộng và sâu về một số nội dung căn bản trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Mặc dù khó có thể đi tới những nhận định thống nhất về những nội dung cụ thể trong ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1945-1946, song những phân tích từ các tác giả cũng là các kết quả rất giá trị, rất đáng trân trọng và rất đáng được kế thừa.
Các công trình đã tổng hợp và phân tích được rất nhiều giá trị thực tiễn mà ngoại giao Hồ Chí Minh đem lại trong thời gian 1945-1946. Các giá trị thực tiễn này vừa giúp làm rõ hơn những nội dung trong ngoại giao Hồ Chí Minh, vừa mang tính gợi ý, định hướng cho việc vận dụng những kinh nghiệm ngoại giao quý báu này cho ngày nay. Trên cơ sở đó, một số công trình đúc kết được rất nhiều bài học mang tính lý luận và đề xuất được một số giải pháp quan trọng cho công tác ngoại giao cho Việt Nam hiện nay.
1.2.1.2. Khía cạnh còn thiếu của các công trình
Các sử liệu liên quan đến ngoại giao Hồ Chí Minh thời kỳ này mặc dù chưa đầy đủ song cũng không phải là ít, tuy nhiên, hiện nay thực sự vẫn chưa có nhiều công trình phân tích trực tiếp về ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1945-1946. Các tài liệu nghiên cứu ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1945- 1946 hoặc đề cập tới những năm 1945-1946 với một dung lượng nhỏ trong các sách, hoặc chỉ là những bài phân tích trong các tạp chí (với dung lượng bị hạn chế) hoặc mới chỉ nhìn nhận dưới góc độ Lịch sử Đảng1, hoặc được viết theo hướng mô tả, kể chuyện. Ngoài ra, như đã nêu ở trên, chưa thấy nhiều công trình vận dụng được trọn vẹn các giá trị kinh nghiệm ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1945-1946 để giải quyết các vấn đề ngoại giao ngày nay.
Hiện nay đã và đang có rất nhiều tư liệu mới, quan trọng liên quan tới ngoại giao Hồ Chí Minh nói chung và ngoại giao Hồ Chí Minh thời gian 1945-1946 nói riêng công bố ở trong và ngoài nước đòi hỏi cần phải được nghiên cứu, khai thác để bổ
1 Hầu hết các luận án viết về ngoại giao thời gian này đều là Luận án Lịch sử như: Lê Kim Hải với Luận án Tiến sĩ Lịch sử năm 1994, Vũ Như Khôi với Luận án tiến sĩ Lịch sử Đảng năm 1995, Nguyễn Thị Kim Dung với Luận án tiến sĩ Lịch sử năm 1997, Nguyễn Trọng Hậu với Luận án tiến sĩ Lịch sử năm 2001, v.v.
sung nhận thức về ngoại giao Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó có những công trình cung cấp những thông tin sử liệu vẫn cần phải khảo cứu lại để không bỏ sót những chi tiết quan trọng giúp hiểu rõ hơn về ngoại giao Hồ Chí Minh trong những năm 1945- 1946 như của các tác giả William Duiker, Jean Sainteny, Patti, Cô bê lép, Dixee, Lady Borton, Devillers v.v. Và hồi ký của những nhân chứng lịch sử như: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, v.v.
Nhiều công trình liên quan tới ngoại giao Việt Nam năm 1945-1946 trình bày còn mang tính dàn trải, tản mạn, kể lể sự kiện. Điều này không phải là không cần thiết, song dẫn tới sự giống nhau trong cách tiếp cận của các tài liệu là quá phổ biến. Cụ thể là cách tiếp cận lịch sử - trình bày và phân tích những diễn biến thực tiễn theo thời gian chứ không phải theo mảng vấn đề ứng xử ngoại giao của Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số công trình nhìn nhận quãng thời gian 1945-1946 mang đậm tính giai cấp, thể hiện rõ ràng hằn thù địch ta trong khi phân tích. Dẫn tới những đánh giá chưa khách quan lắm về quan hệ của các chủ thể quốc tế (như Liên xô, đảng Cộng sản Pháp...) với Việt Nam. Từ đó cho thấy, cần có cách tiếp cận và phân tích mới đối với hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh 1945-1946 (ví dụ như cách tiếp cận của chính trị học quốc tế hiện đại, cách tiếp cận của tâm lý học, văn hóa học...) nhằm mang lại những hiểu biết mang tính khái quát hơn, toàn diện hơn và khách quan hơn đối với vấn đề này.
Như đã phân tích ở trên, rất cần những tài liệu đánh giá bổ sung về những kết quả thực tiễn, về kinh nghiệm thực tiễn, về tầm vóc ngoại giao Hồ Chí Minh thời gian 1945-1946. Từ đó kết hợp việc cập nhật những biến động tại Việt Nam, khu vực và quốc tế ngày nay để đề xuất những giải pháp ứng xử phù hợp cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển cùng các quốc gia khác trên thế giới.