Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh đối với quân Tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 97 - 101)

4.1. Đối với quân Tưởng

4.1.1. Quan điểm ngoại giao Hồ Chí Minh đối với quân Tưởng

4.1.1.1. Quan điểm Hồ Chí Minh về cục diện tương quan giữa quân Tưởng và Việt Nam Tại cấp độ quốc tế: (Những diễn biến trên thế giới và khu vực ảnh hưởng tới hành xử của quân Tưởng tại Việt Nam): Dưới sức ép của Mỹ và những lợi ích mà Pháp đưa ra (bản thân Tưởng cũng mong muốn các lợi ích đó), quân Tưởng sẽ có thể không ở lại Đông Dương lâu và sẽ ra sức kiềm chế Pháp tại vĩ tuyến 16 trở lên nhằm tranh thủ vơ vét lợi ích tại Việt Nam và mặc cả thêm lợi ích với Pháp. Cục diện tranh giành quyền lực - quyền lợi quốc tế tại Đông Dương này Hồ Chí Minh nắm rất rõ. Hồ Chí Minh hiểu rằng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn cản mọi hành động thiết lập quyền lực của Pháp tại Đông Dương. Đặc biệt, Pháp không thể can thiệp lật đổ bất cứ chính quyền nào tại miền Bắc Việt Nam chừng nào quân Trung Quốc còn hiện diện tại đây [3, 542]. Như vậy, chính quyền cách mạng Việt Nam chắc chắn có một khoảng thời gian củng cố thực lực quốc gia nếu như tổ chức được chiến lược ngoại giao hòa hoãn khéo léo với Trung Hoa.

Tại cấp độ quốc gia (Những diễn biến trong nội bộ nước Trung Quốc ảnh hưởng tới hành xử của quân Tưởng tại Việt Nam): Khả năng Tưởng có thể rút khỏi Việt Nam cũng được củng cố thêm khi nội bộ Trung Quốc đang xảy ra cuộc chiến giữa quân Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông khiến Đông Dương càng là mục tiêu thứ yếu trong mối quan tâm của Trùng Khánh (tuy nhiên, Trùng Khánh không muốn phe cộng sản nắm quyền tại Việt Nam nhằm tránh nguy cơ “lưỡng đầu thọ địch”). Thêm vào đó, nội bộ lãnh đạo quân Tưởng Giới Thạch cũng xảy ra một cuộc tranh giành và thanh trừng quyền lực nghiêm trọng [3, 59] sau Thế chiến thứ hai.

Tưởng Giới Thạch lợi dụng vụ giải giới quân Nhật để đẩy tướng Lư Hán qua Việt Nam rồi cho những đơn vị thân tín của mình chiếm Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) mà Lư Hán là quân trấn trưởng, và anh họ của Lư Hán (tướng Long Vân) là Tỉnh trưởng [104, 246] nhằm cắt bớt quyền lực của Long Vân để tiện cho việc trừ khử Long Vân. Ngay từ khi Lư Hán kéo quân sang, Hồ Chí Minh nhận xét: “đây là kế điệu hổ ly sơn của Tưởng Giới Thạch. Nội bộ chúng không ổn định là điều ta có thể lợi dụng” [31, 414].

Tại cấp độ cá nhân (Những diễn biến trong tâm lý cá nhân của các chỉ huy quân Tưởng ảnh hưởng tới hành xử của quân Tưởng tại Việt Nam): Do từng sống và hoạt động cách mạng nhiều năm trên đất nước Trung Quốc, Hồ Chí Minh nhanh chóng nhận thấy rằng, trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc đến chiếm đóng miền Bắc Đông Dương, có những tướng tá, thủ lĩnh và những đơn vị thuộc mọi cơ cấu (trừ cộng sản), có “sự khác nhau trong lời nói và hành động giữa cấp trên và cấp dưới” [84, 41] rất phức tạp, nhưng tất cả đều nặng đầu óc quyền lợi vật chất [99, 122- 123]. Hồ Chí Minh nhận xét: “Những quân cờ này thuộc các phe cánh khác nhau. Tuy cùng chung ý đồ diệt cộng sản, phá Việt Minh, nhưng mỗi tên lại có lợi ích riêng” [117, 67]. Điều đó mặc dù đưa đến nhiều phức tạp trong hành xử ngoại giao, tuy nhiên, đây cũng lại là cơ hội cho ngoại giao Việt Nam, bởi ngay từ đầu, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nội bộ chúng không ổn định là điều ta có thể lợi dụng” [31, 414]. Từ đó, hoạt động ngoại giao của Việt Nam bên cạnh những chính sách chung với quốc gia Trung Quốc, tất yếu phải chú trọng tới những kế sách ngoại giao ngầm với từng cá nhân quan trọng của lực lượng Tưởng Giới Thạch có mặt tại Bắc Việt Nam.

Về hệ lợi ích của quân Tưởng tại Việt Nam: Hồ Chí Minh do thấy rõ những tuyên ngôn ngoại giao đầy tính lý tưởng của Trùng Khánh thực chất nhằm che giấu những mục tiêu lợi ích thực sự của họ tại Đông Dương đã khẳng định “động cơ của Trung Quốc đối với nền độc lập của Việt Nam chẳng có gì thật thà và mang tính chất vị tha” [3, 378], và chúng “không phải để giúp ta giành độc lập, chúng có mưu đồ riêng của chúng” [109, 50]. Ngay từ lúc được tin quân Tưởng sẽ tiến vào Việt Nam, Hồ Chí Minh dự báo: “Nó vào đông thế là có ý đồ rõ ràng. Nó sẽ sách nhiễu đủ điều, đòi ăn, đòi của. Nó sẽ gây rối về chính trị. Ta phải có cách đối phó thích hợp

với từng loại” [117, 66]. Trong cuộc nói chuyện với Bảo Đại, Hồ Chí Minh rất đồng tình với vị cố vấn này về những mục tiêu của Trung Hoa Tưởng Giới Thạch tại Việt Nam [29, 212] và nhận định nước Trung Quốc cũng như các tướng lĩnh Trung Quốc có lòng tham không đáy, tuyệt đối không thể tin tưởng [29, 215]. Chính thực tế cho thấy, sau ngày tiến quân vào Bắc Đông Dương quân Tàu Tưởng đã: ra sức vơ vét bằng bạo lực, vơ vét bằng những đòi hỏi vô lý, vơ vét bằng tiền quan kim mất giá, ra sức thực hiện “diệt Cộng, cầm Hồ”, thiết lập một chính phủ tay sai, v.v. gây nên nhiều bất bình trong nhân chúng và tạo nhiều khó khăn và nguy hiểm cho hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh. Chính vì thấu hiểu bản chất của quân Tàu Tưởng như vậy, Hồ Chí Minh biết tuyệt đối phải cảnh giác với tham vọng của họ, tuyệt đối không thể cho họ cơ hội nắm lấy để thực hiện lòng tham vô tận đó. Cần phải luôn luôn có một tâm niệm cương quyết với sự tồn tại của quân Tàu Tưởng tại Việt Nam. Sau này trong một phiên họp của Chính phủ, trước một số quan điểm cho rằng nên giữ quân Tàu Tưởng ở lại để đối phó với quân Pháp, Hồ Chí Minh trả lời dứt khoát: “Chẳng lẽ các vị lại không hiểu rằng tình hình sẽ như thế nào, nếu quân Tưởng ở lại? Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ ở lại hàng ngàn năm. Quân Pháp ... thì chỉ được phép ở lại một thời gian thôi, cuối cùng, thế nào chúng cũng phải rút... Còn nếu như quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ không bao giờ rút cả” [31, 427].

Hồ Chí Minh đã thấu suốt toàn bộ những ý đồ tham vọng của quân Tưởng tại Việt Nam, từ ý đồ của chính quyền trung ương Trung Hoa cho đến những lợi ích mang cá tính riêng của những nhân vật có quyền lực Trung Hoa tại Bắc Việt. Những lợi ích đó dẫn đến mục tiêu của Tưởng gồm có: Xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, vơ vét của cải, tiêu diệt cộng sản (Tiêu Văn28

có mục tiêu cá nhân là trả thù Hồ Chí Minh); lập ra/ cưỡng ép chính quyền thần phục Tưởng nhưng vẫn mang danh tiếng một đội quân quốc tế bao dung với các nước nhược tiểu; tự nguyện tuân thủ hiệp ước quốc tế Pháp - Hoa song lại sẵn sàng kiếm lý do để ở lại Bắc Kỳ lâu hơn.

28 Được cử làm cố vấn chính trị cho Lư Hán, đem quân từ Quảng Tây sang Việt Nam cùng làm nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật.

Về tương quan sức mạnh giữa quân Tưởng và Việt Nam: Đây cũng là vấn đề được Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ. Một nhà nghiên cứu cho rằng chỉ xét riêng đội quân mà Trùng Khánh đưa vào Việt Nam cũng đủ tạo thành một sức mạnh mà lực lượng vũ trang của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa với số lượng và trang bị thô sơ không thể địch nổi [104, 247]. Bên cạnh đó, về mặt vị trí địa lý, nếu như không có những biến cố lớn trong nội bộ, quân Tưởng cũng dễ dàng chi viện cho lực lượng của họ ở Bắc Việt Nam. Cộng thêm vài chục vạn Hoa kiều sinh sống trên đất nước Việt Nam là một nguồn tiếp tế rất đáng kể cho quân Trung Hoa thì thực sự đội quân Tàu Tưởng là đội quân có tương quan sức mạnh quá chênh lệch so với quân lực của Hà Nội. Như vậy, Hồ Chí Minh khẳng định nếu để xảy ra chiến tranh với quân Trung Hoa, chắc chắn Việt Nam sẽ thất bại. Hồ Chí Minh chia sẻ với các thuộc cấp: “Các chú chưa biết thế nào là Tàu đâu. Lúc này nếu mất lòng Tưởng là mất nước. Nó có 20 vạn quân, vũ khí nhiều, ta có bao nhiêu? Trong trường hợp chúng ta chưa đủ súng máy, đại bác, thì phải đánh bằng trí tuệ, đánh vào lòng người” [127, 195]. Chính vì vậy, theo logic thông thường của chính trị, “khi một nước nhỏ biết mình không thể đánh bại một nước mạnh hơn, thì tấn công ít có khả năng nằm trong nghị trình của nước này” [57, 84]. Điều này sẽ dẫn tới những hoạt động ngoại giao rất đặc thù mà Hồ Chí Minh đưa ra đối với quân Tưởng ở phần viết 4.1.2.

4.1.1.2.Quan điểm Hồ Chí Minh về sách lược đối phó với quân Tưởng

Trong toàn bộ mối tương quan cục diện chính trị, lợi ích quốc gia, lợi ích cá nhân và tương quan sức mạnh quân sự như trên, Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch trong ngoại giao với Trung Hoa là “không nhượng bộ về vấn đề độc lập của Việt Nam” [84, 76]; mục tiêu quan trọng nhất cần phải tìm cách cho Trung Hoa rút khỏi biên giới Việt Nam [127, 195]. Để đi đến mục tiêu này, Hồ Chí Minh chỉ đạo cần phải có các chính sách ngoại giao hỗ trợ như: phải “nhẫn nại, nhún nhường đến một bực nào đấy để tránh những sự xung đột lặt vặt” [8], phải xác định “chính sách “Câu Tiễn”” [127, 196], “phải biết kiên nhẫn chịu đựng, giữ hòa hoãn” “để có thể tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính” [32, 273] (là Pháp), phải tìm cách liên hệ được trực tiếp với chính phủ Trung ương Trung Hoa

[8]. Tóm lại, phải có chính sách ngoại giao thể hiện sự thân thiện [85, 85], “đánh bằng trí tuệ, đánh vào lòng người” [127, 195] với đối tượng quan hệ quốc tế hết sức nguy hiểm này. Hội nghị cán bộ Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 9/1945 xác định phải tránh xung đột quân sự với quân Tưởng, và chỉ xung đột bằng chính trị theo các hình thức như biểu tình phản đối, sử dụng các hình thức ngoại giao, tìm cách hạn chế quân Tưởng cướp bóc người dân đồng thời vận động Hoa kiều và binh lính Tàu [28, 63].

Như vậy, tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh đối với quân Tưởng là sự cụ thể hóa tư tưởng ngoại giao chủ đạo dĩ bất biến ứng vạn biến theo từng cấp độ đối với các chủ thể ngoại giao quốc tế nói chung lúc bấy giờ. Cụ thể: Điều bất biến trong mối quan hệ rất nguy hiểm này vẫn là nền độc lập quốc gia, là phô diễn thái độ thân thiện, đúng mực của quốc gia có chủ quyền theo tinh thần pháp lý quốc tế, là bảo tồn và phát triển thực lực quốc gia, là hạn chế số lượng kẻ thù và thái độ thù địch trong khi cố gắng tăng cường lực lượng ủng hộ nền độc lập Việt Nam (hay nói cách khác là những tư tưởng sách lược ngoại giao: tâm công thêm bạn bớt thù, nhẫn nhục để hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc). Nhưng điều vạn biến ở đây là những thái độ hòa hoãn, là những nhân nhượng để tránh xung đột, là những giao thiệp phù hợp với từng cá nhân và tổ chức trong quân Tưởng và những lực lượng thân Tưởng. Những tư tưởng “vạn biến” này được cụ thể và chi tiết hóa thành những hoạt động ngoại giao như trong phần viết sau sẽ phân tích.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao hồ chí minh trong những năm 1945 1946 tiếp cận chính trị học quốc tế (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)