1.3.1. Các thuận lợi và khó khăn
Một trong những vấn đề quan trọng không kém những nội dung đã đề cập ở trên về hội nhập của khối MERCOSUR là việc đánh giá những thuận lợi và những thách thức đặt ra cho tiến trình hội nhập của khối trong thời gian tới, nhằm có đầy đủ căn cứ để đánh giá triển vọng của tiến trình hội nhập.
Hai trong số những thách thức đặt ra cho khối trong tiến trình hội nhập đã được chỉ ra là sự bất cân xứng rất lớn giữa các nước thành viên trong khối và sự thiếu hụt về mặt thể chế như kết luận của Mahruhk Doctor (2013) trong bài viết
Triển vọng cho việc thúc đẩy hội nhập MERCOSUR: bất cân xứng về kinh tế và sự
thiếu hụt về mặt thể chế (Prospects for Deepening MERCOSUR integration:
Economic asymmetry and institutional deficits). Những phân tích chuyên sâu về hai
thách thức rất rõ ràng này có thể thấy trong các nghiên cứu của Marcel Vaillant
(2005) hay Roberto Bouzas (2005), lần lượt là MERCOSUR: Hội nhập Nam Mỹ
đang diễn ra (MERCOSUR: Southern Integration under Construction) và Giải
quyết các bất cân xứng trong các hiệp định hội nhập khu vực: trường hợp MERCOSUR (Compensating Asymetries in Regional Integration Agreements: the
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, vì được xây dựng dựa trên mô hình liên chính phủ được đánh giá là phù hợp với thực tiễn của các nước MERCOSUR nên vai trò của các chính phủ, đặc biệt là những người đứng đầu, là rất quan trọng trong việc thiết lập hướng đi và thúc đẩy thực hiện các sáng kiến hội nhập khu vực, như
Andres Malamud (2001), với nghiên cứu Chủ nghĩa nguyên thủ và MERCOSUR:
một nguyên nhân đằng sau của những thành công (Presidentialism and
MERCOSUR-a hidden cause for a successful experience) đã chỉ ra. Tuy nhiên, một
số nghiên cứu khác thì lại cho rằng sự phụ thuộc vào chủ nghĩa nguyên thủ là một trong những thách thức cho việc làm sâu sắc hơn tiến trình hội nhập của khối vì những bản chất cố hữu của mô hình ra quyết định này, như Rafael A. Porrata-Doria
(2012) trong MERCOSUR năm thứ hai mươi: từ non trẻ đến trưởng thành?
(MERCOSUR at twenty: from adolescence to adulthood?).
Trong một nghiên cứu đáng chú ý, Ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc ở
MERCOSUR và ở Nam Mỹ: Liệu dự án hội nhập khu vực có thể tồn tại? (The Influence of Nationalism in MERCOSUR and in South America- Can the regional
integration project survive), Steen F. Christensen (2007) đã đánh giá các tác động
của sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc ở các nước MERCOSUR. Nghiên cứu đặc biệt tập trung vào trường hợp của Brazil – một thành viên chủ chốt của khối và Bolivia – một thành viên đang trong tiến trình gia nhập khối. Theo Christensen, chủ nghĩa dân tộc này có thể đe dọa đến tính cố kết trong hội nhập của khối cũng như ảnh hưởng đến quan hệ của Brazil với các đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là với Mỹ.
Đối với các tác động từ bên ngoài, Rojas Francisco Aravena (2017) đã chỉ ra những “những bất định” lớn về bất ổn an ninh, bạo lực cực đoan, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và các vấn đề môi trường có ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập ở
khu vực Mỹ Latinh nói chung, MERCOSUR nói riêng trong nghiên cứu Những bất
định toàn cầu: Các tác động đến tiến trình hội nhập ở Mỹ Latinh (Incertidumbres globales: Impactos en los procesos de integración Latinoamericanos).
Nhìn chung, so với EU, Jeffrey W. Cason (2010) cho rằng đối với MERCOSUR, có ba lý do chính còn tồn tại từ cả bên trong và bên ngoài khiến cho tiến trình hội nhập khu vực gặp khó: thể chế chính trị trong nước yếu, tính dễ tổn
thương của kinh tế chính trị toàn cầu và sự bất cân xứng nghiêm trọng về kinh tế - chính trị giữa các nước thành viên trong khối.
1.3.2. Các triển vọng lâu dài
Darli Magioni (2016) trong Triển vọng cho MERCOSUR ở thời điểm 25 năm
thành lập (Continued prospects for MERCOSUR at 25 years) cho rằng, có ba vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng của hội nhập khu vực MERCOSUR: thứ nhất, giải quyết vấn đề liên quan đến Venezuela; thứ hai, kết thúc cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm về một thỏa thuận thương mại tự do với EU; và thứ ba, việc ngả sang cánh hữu của chính trị các nước thành viên MERCOSUR.
Một trong những đánh giá triển vọng được các nghiên cứu đề cập đến là việc hội tụ, tiến tới hợp nhất các sáng kiến hội nhập hiện có. Đáng chú ý nhất là các ý kiến đánh giá khả năng và kêu gọi tăng tính hội tụ của MERCOSUR với Liên minh
Thái Bình Dương như Liên minh Thái Bình Dương và MERCOSUR: những bằng
chứng cho sự hội tụ (La Alianza del Pacífico y MERCOSUR: evidencias de convergencia económica) của José U. Mora Mora (2016). Theo đó, hai khối hội nhập nổi bật nhất khu vực Mỹ Latinh hiện nay có nhiều triển vọng trong tăng cường liên kết khối để thúc đẩy hội nhập sâu hơn.
Bên cạnh đó, việc đánh giá triển vọng hội nhập của khối cũng cần tính đến quan điểm và vai trò của các nước lớn hơn trong khối, những nước có tiếng nói mang tính quyết định hơn đối với tiến trình hội nhập. Chiếm đến 2/3 dân số và quy mô kinh tế của khối MERCOSUR, việc đánh giá vai trò của Brazil là hết sức cần
thiết. Nguyễn Khánh Vân (2012) trong đề tài Vai trò của Brazil trong chính trị khu
vực và thế giới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đã phân tích những động thái
nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Brazil trong khu vực và trên thế giới. MERCOSUR được coi là một trong những kênh để đạt đến vai trò lãnh đạo khu vực khi gắn liền với các ưu tiên trong khu vực của Brazil.
Trên thực tế, việc đánh giá về triển vọng của khối có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Điều này là do xuất phát từ những hướng tiếp cận khác nhau, trong khi, những đánh giá khách quan, chính xác luôn luôn cần thiết, nhất là trong giai đoạn có nhiều biến động trong khối như hiện nay.