Qua khảo sát các công trình hiện có về hội nhập khu vực MERCOSUR có thể thấy được sự phong phú và đa dạng của các nghiên cứu cũng như những quan điểm, ý kiến thể hiện qua các nghiên cứu này. Ở góc độ này, luận án sẽ bổ sung thêm cho các nghiên cứu còn hạn chế ở trong nước về vấn đề hội nhập khu vực ở khu vực Mỹ Latinh qua trường hợp cụ thể là khối MERCOSUR.
Về cơ sở và nội dung hội nhập
Nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề chính của bối cảnh khu vực cũng như các nước thành viên khối MERCOSUR vào thời điểm khối được thành lập cũng như những vận động tích cực của mối quan hệ giữa các nước thành viên của khối, đặc biệt là giữa Argentina và Brazil, như là những tiền đề căn bản cho sự ra đời của khối MERCOSUR. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã phân tích các lĩnh vực triển khai chính của tiến trình hội nhập khu vực trong so sánh với các khung khổ lý thuyết cũng như các mô hình đi trước, điển hình là EU, và các mô hình của các nước đang phát triển khác ở châu Á (như ASEAN) và châu Phi (như SADC). Đây là những kết quả luận án sẽ kế thừa.
Tuy nhiên, các khoảng trống trong các nghiên cứu hiện có là tình hình kinh tế cũng như những mức độ hợp tác về lĩnh vực này đã có giữa các nước thành viên vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Điều này cần đặc biệt lưu tâm bởi xuất phát điểm trước hội nhập cũng là một cơ sở quan trọng quyết định mức độ của tiến trình hội nhập. Một vấn đề tiếp theo trong các nghiên cứu đi trước là việc thiếu các nghiên cứu có tính hệ thống về khía cạnh hội nhập văn hóa - xã hội giữa các nước MERCOSUR vì mới chỉ có các nghiên cứu trường hợp cũng như phân tích một số khía cạnh nổi bật trong khi đây cũng là một lĩnh vực quan trọng đưa đến một sự hội nhập toàn diện, bao trùm.
Về tác động của hội nhập
Những nghiên cứu về cơ bản đã phân tích các tác động về mặt thương mại đối với các nước thành viên, đặc biệt là trong những giai đoạn chứng kiến sự tăng trưởng của thương mại nội khối cũng như những đánh giá về những tác động ở
thời điểm hiện tại. Đây là những điểm kế thừa chính của luận án từ các nghiên cứu đi trước. Những phân tích về những tác động chính trị của việc hội nhập trong giai đoạn đầu của khối cũng là một luận điểm quan trọng mà luận án sẽ sử dụng trong các lập luận về khía cạnh này.
Các nghiên cứu đã có về các tác động của việc hội nhập MERCOSUR đối với bên ngoài chủ yếu được triển khai theo hướng coi MERCOSUR là khách thể, là những thay đổi của “thị trường” có ảnh hưởng đến việc tiếp cận của các chủ thể bên ngoài khối, trong khi thiếu vắng các nghiên cứu đặt MERCOSUR ở vai trò chủ động có những ảnh hưởng đến tình hình khu vực và thế giới.
Về triển vọng của hội nhập
Từ những đánh giá ở trên, có thể thấy các nghiên cứu đều đã nhận diện được rõ nét những thách thức căn bản đặt ra cho khối trong suốt quá trình tồn tại và phát triển cho đến hiện nay. Trong đó nổi bật là hai vấn đề bất cân xứng về kinh tế và sự thiếu hoàn thiện về mặt thể chế. Đây sẽ là những điểm luận án sẽ kế thừa và phát triển sâu thêm. Về mặt thuận lợi, vẫn còn có nhiều đánh giá khác nhau. Do đó, luận án sẽ đóng góp thêm kết quả cho những nghiên cứu đã có để góp phần làm sáng tỏ khía cạnh này của vấn đề.
Tương tự, các đánh giá về triển vọng cũng còn nhiều điểm khác biệt do xuất phát từ các đánh giá khác nhau về những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại chính, những thuận lợi và khó khăn trong thời gian sắp tới. Việc kế thừa và phát huy cũng như đưa ra những nhận định và đánh giá riêng của luận án đối với nội dung này cũng sẽ được đưa ra.
CHƢƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỘI NHẬP KHU VỰC CỦA CÁC NƢỚC MERCOSUR
Chương này xuất phát từ việc làm rõ và phân định khái niệm “hội nhập khu vực” và sự tiến triển của các lý thuyết liên quan trực tiếp nhất đến vấn đề này trong vô vàn lý thuyết về hợp tác và hội nhập quốc tế. Bước tiếp theo để hoàn thiện việc xác định cơ sở lý thuyết là xây dựng một khung phân tích theo các vấn đề xoay quanh hội nhập khu vực. Chuyển qua phần cơ sở thực tiễn, các yếu tố cả từ trong nước lẫn từ bên ngoài dẫn tới sự ra đời của khối MERCOSUR được phân tích trên cơ sở sự phân chia có tính đến yếu tố theo trình tự thời gian.
2.1. Cơ sở lý luận về hội nhập khu vực