4.1. Tác động của hội nhập khu vực của các nƣớc MERCOSUR
4.1.2. Tác động tới khu vực và thế giới
Thay đổi định hình về các khối thương mại khu vực
Vào thời điểm ra đời, MERCOSUR đã trở thành khối thương mại lớn nhất trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, vượt qua khối CAN đã trở nên trì trệ và trong khi LAIA chỉ là một diễn đàn với vai trò mờ nhạt trong tiến trình hội nhập khu vực.
Sự xuất hiện của MERCOSUR với tiềm năng của khối đã thu hút các đối tác thương mại của các nước Nam Mỹ lựa chọn khối như là đối tượng ưu tiên cho việc đàm phán các hiệp định thương mại với khu vực.
Tuy nhiên, khi xu hướng bảo hộ về thương mại tăng lên cũng như nhiều lên của các chương trình nghị sự phi kinh tế trong khối đã khiến cho các thành viên liên kết của khối trong khu vực tìm cách thúc đẩy các cơ chế hội nhập kinh tế khu vực mới để bù đắp. Điều này trái ngược với thập niên đầu tiên của MERCOSUR khi khối này cung cấp cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn cho các nền kinh tế khác trong khu vực.
Góp phần duy trì ổn định chính trị trong khu vực
Sự cạnh tranh có tính lịch sử của các nước vùng Chóp Nam Mỹ, cùng với một số tiểu khu vực khác, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự bất ổn định của khu vực Mỹ Latinh. Do đó, việc khối MERCOSUR ra đời, tập trung vào việc cải thiện tình hình kinh tế khu vực đã giúp các nước thành viên trong khối củng cố nền dân chủ mới được tái lập sau thời kì độc tài quân sự với đặc trưng là những sự cạnh tranh, xung đột giữa các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc khối đặt ra và duy trì các cam kết dân chủ bằng các công cụ và biện pháp hữu hiệu đã giúp củng cố các nền dân chủ trong khu vực. Sự ổn định ở khu vực quan trọng này có tác động lớn đến sự ổn định của toàn khu vực nói chung.
Vai trò của khối trong việc đặt ra các chuẩn mực và quy tắc về cam kết đối với dân chủ đã được áp dụng trong trường hợp ở Honduras năm 2009 hay được chia sẻ và tiếp nhận bởi các cơ chế khu vực thiết lập trong những giai đoạn sau, trong trường hợp UNASUR.
Đối với việc lựa chọn chiến lược phát triển của các nước
Khối đã góp phần vào sự lan rộng của chủ nghĩa tự do mới trong khu vực và trên thế giới trong những năm sau Chiến tranh Lạnh. Ra đời ngay trong những năm đầu thập kỉ 1990 với một chương trình nghị sự tập trung vào kinh tế - thương mại, MERCOSUR được đánh giá là một trong những mô hình hội nhập khu vực theo định hướng chủ nghĩa tự do mới nổi bật. Chủ nghĩa tự do mới đã được áp dụng vào khu vực từ nửa sau những năm 1970 và ngày càng lan rộng trong khu vực, đặc biệt
là trong những năm 1990 với sự ra đời của MERCOSUR cũng như các khối thương mại tự do khác. Điều này góp phần củng cố tiến trình toàn cầu hóa trên phạm vi toàn cầu trong thập niên 1990.
Tuy nhiên, đến khi có sự đảo chiều về chính trị trong nội bộ khối trong thập niên đầu thế kỉ 21 thì chính MERCOSUR lại là một nhân tố góp phần lớn, nếu không muốn nói là dẫn đầu, trong việc phản đối chủ nghĩa tự do mới trong khu vực. Sự phản đối và tìm cách thay thế cách tiếp cận chủ nghĩa tự do mới của khối được sự tiếp sức từ sự nổi lên của các chính quyền cánh tả khác trong khu vực, đặc biệt là ở Venezuela.
Tác động đến tình hình địa chính trị trong khu vực
Kể từ khi được thành lập, MERCOSUR đã góp phần khiến Mỹ phải điều chỉnh chiến lược đối với khu vực, với mô tả là sự phản ứng của các nước Nam Mỹ với các chiến lược của Mỹ. Đặc biệt trong giai đoạn nổi lên của các lực lượng cánh tả trong khối. Sự đổ vỡ của đàm phán giữa MERCOSUR với NAFTA là một nguyên nhân quan trọng đã khiến cho kế hoạch thiết lập FTAA của Mỹ đi đến chỗ thất bại vào giữa thập niên 2000. Sau đó, Mỹ đã phải đổi sang cách tiếp cận song phương về việc kí các FTA với các nước Mỹ Latinh.
Đối với khu vực, sự thành lập và phát triển của MERCOSUR không chỉ giúp ổn định mối quan hệ của Brazil với các nước vùng Chóp Nam Mỹ mà còn củng cố được lợi thế tương đối về vị thế lãnh đạo khu vực của Brazil so với các đối thủ cạnh tranh ở khu vực Mỹ Latinh như Argentina hay Mexico.