4.1. Tác động của hội nhập khu vực của các nƣớc MERCOSUR
4.1.1. Tác động tới các nước thành viên
4.1.1.1. Tác động về mặt kinh tế
Tác động chung
Xét một cách tổng thể, tác động lớn nhất của của hội nhập kinh tế khu vực là đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết những khó khăn kinh tế, đặc biệt là vấn đề lạm phát và gánh nặng nợ công, của các nước thành viên MERCOSUR vốn trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong những năm 1980. Cùng với sự phục hồi kinh tế, điều này cũng giúp củng cố nền kinh tế thị trường tự do và các chương trình cải cách ở mỗi nước thành viên trong thập niên 1990.
Tác động cụ thể
Thứ nhất, xét từ góc độ thương mại và đầu tư, bằng việc mở ra những thị trường mới cho các nhà sản xuất khu vực và giúp đỡ thu hút đầu tư mới, hội nhập khu vực đã làm tăng tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp địa phương và mở đường cho tự do hóa thương mại ở quy mô rộng lớn hơn. Cụ thể, việc mở rộng thị trường (kết hợp với các chính sách thúc đẩy ngành) đã đóng một vai trò đáng kể trong việc tái cấu trúc các ngành công nghiệp, như là ngành ô tô. Điều này đã cho phép ngành công nghiệp ô tô của Argentina và Brazil tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, tăng cường sự chuyên môn hóa và bổ sung cho chuỗi giá trị khu vực, tạo điều kiện cho việc nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, dòng FDI tăng lên cũng có tác động thay đổi cấu trúc ngành ô tô. Tương tự, trong các ngành như chế biến thực phẩm, sự gia tăng của các khoản đầu tư mới và mua lại bởi các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài (đặc biệt là ở Argentina và một phần ở Uruguay) có thể được xem như là một động thái chiến lược trong việc chuẩn bị trước cho một sự chuyên môn hóa sâu hơn ở cấp khu vực và sự mở rộng của các dòng thương mại trong tương lai. Do đó, việc chủ động thực hiện hội nhập khu vực trên nền tảng tự do hóa thương mại đơn phương từ trước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo vị trí của các nước MERCOSUR trong nền kinh tế thế giới thông qua việc củng cố sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù vậy, những tác động từ hội nhập khu vực thông qua tự do hóa nội khối không lớn bằng những tác động thông qua tự do hóa ngoại khối và toàn cầu hóa [Mikhail, 2019]. Điều này có nghĩa là việc thực thi CET có ảnh hưởng đến các nước thành viên nhiều hơn là các chương trình tự do hóa nội khối, đặc biệt là về thương mại và đầu tư. Lý do là bởi thương mại nội khối dù đã tăng qua quá trình hội nhập nhưng vẫn chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong tổng xuất – nhập khẩu của các nước MERCOSUR. Trong khi, các nền kinh tế MERCOSUR vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư từ bên ngoài hơn là các nguồn nội sinh. Bên cạnh đó, với việc thực thi biểu thuế quan đối ngoại chung, một tác động tiêu cực là các ngành sản xuất của MERCOSUR khi bị đánh giá trở nên kém tính cạnh tranh vì được bảo hộ bởi một mức thuế cao đối với phần còn lại của thế giới. Sự gia tăng mức độ bảo hộ này chủ
yếu diễn ra sau giai đoạn hội nhập đầu tiên. Năm 2018, mức thuế quan đối ngoại chung của MERCOSUR là từ 0%- 35% (so với mức 0%- 20% khi mới thiết lập năm 1994), trung bình là 12%. Tuy nhiên, điều này có thể dễ dàng hiểu được nếu đặt trong logic phát triển các ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là của Brazil. Trong giai đoạn hội nhập đầu tiên, bằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa chuyển sự chú ý sang các thị trường láng giềng, MERCOSUR đã trở thành một công cụ cho việc quốc tế hóa [của các doanh nghiệp].
Thứ hai, xuất phát từ tác động thứ nhất, sự tương thuộc về mặt kinh tế giữa các nước thành viên MERCOSUR tăng lên đáng kể so với trước khi khối được thành lập. Theo một nghiên cứu của Basnet & Pradhan (2017), các biến số kinh tế vĩ mô chủ yếu trong cả lĩnh vực sản xuất và tài chính của nền kinh tế (đầu ra sản xuất, đầu tư, và thương mại trong nước, tỉ giá hối đoái và lãi suất) chia sẻ những xu hướng chung về dài hạn, thể hiện sự tương thuộc mạnh về kinh tế giữa các nền kinh tế MERCOSUR. Cụ thể, các tỉ giá hối đoái chứng minh sự vận động chung trong dài hạn khi chúng chia sẻ một xu hướng chung đơn nhất.
Sự phụ thuộc lẫn nhau này một phần lớn là do sự gia tăng của dòng thương mại và đầu tư nội khối, như đã đề cập ở trên. Vào năm 1998, thị trường nội khối chiếm 1/3 tổng xuất khẩu của Argentina, so với chỉ 16,5% vào năm 1991. Đối với Brazil, nước có tỉ lệ tuyệt đối thấp nhất, sự tương thuộc thương mại đã tăng với tốc độ nhanh nhất. Tỉ lệ xuất khẩu nội khối của Brazil tăng từ 7,3% năm 1991 lên 17,4% năm 1998. MERCOSUR cũng trở thành thị trường quan trọng và tăng trưởng nhanh cho hàng sản xuất xuất khẩu của Brazil. Đối với Paraguay và Uruguay, liên kết thương mại tăng lên từ mức cao sẵn có. Hai nước này, cùng với Bolivia, là ba nước có tỉ lệ thương mại nội khu vực lớn nhất trong số các nước Mỹ Latinh và Caribe, chủ yếu là do những tác động của việc tập trung xuất khẩu sang Brazil trong khuôn khổ MERCOSUR [IMF, 2017].
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào sự phụ thuộc lẫn nhau này có thể thấy đây là một hệ quả có đặc điểm bất cân xứng. Cụ thể, sự phụ thuộc vào quan hệ thương mại nội khối của các nước rõ ràng là khác nhau. Trong đó, Paraguay và Uruguay cũng như ở một chừng mực nhất định là Argentina với tư cách là những nước nhỏ hơn và cũng
đồng thời mở hơn về kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với các nước lớn hơn và có mức độ bảo hộ cao hơn đối với sản xuất trong nước. Đặc điểm thứ hai của sự phụ thuộc lẫn nhau này là có sự khác biệt về mức độ giữa các giai đoạn phát triển của khối. Nếu như giai đoạn đầu tiên chứng kiến sự phụ thuộc lẫn nhau tăng cao hệ quả từ việc gia tăng mức độ và khối lượng thương mại nội khối thì hai giai đoạn sau xu hướng chủ đạo là ngược lại, trừ một số khoảng thời gian nhất định.
4.1.1.2. Tác động về mặt chính trị
Dự án MERCOSUR được cho là đã thúc đẩy không chỉ sự hội nhập về kinh tế, mà còn sự tin cậy, hợp tác và sự phát triển các thể chế xuyên quốc gia ở một loạt các cấp độ và ở nhiều lĩnh vực đa dạng.
Sự khởi đầu của khối, tính từ giữa những năm 1980, được dẫn dắt bởi sự bình thường hóa quan hệ giữa Argentina và Brazil, như đã phân tích ở trên. Đồng thời được thúc đẩy bởi nhu cầu tạo dựng sự ủng hộ và tính chính danh cho những chính phủ dân chủ non trẻ này và giảm những căng thẳng an ninh giữa các nước thành viên.
Về mặt quan hệ giữa các nước thành viên, các hiệp định song phương và các dự án hợp tác bao phủ một loạt các vấn đề ngoài kinh tế. Sự tái lập quan hệ này đã làm giảm sự cạnh tranh chiến lược giữa Brazil và Argentina, vốn bao gồm sự tiềm ẩn vũ khí hạt nhân, và dẫn tới một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin song phương và khu vực. Sau đó, những quan hệ an ninh mang tính hợp tác mở rộng đối với Chile. Những tiến triển này giúp cho các nước vùng Chóp Nam Mỹ giảm nhẹ được các gánh nặng an ninh để tập trung hơn vào thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển nhanh chóng sau Chiến tranh Lạnh.
Từ góc độ tình hình nội bộ các nước thành viên, hội nhập đã giúp củng cố không chỉ nền kinh tế thị trường tự do mà còn các cải cách về thể chế ở mỗi nước. Các cải cách kinh tế quan trọng vào đầu thập niên 1990 ở các nước MERCOSUR giúp chuyển đổi mô hình kinh tế, xử lý sự bất ổn của nền kinh tế của các nước đã được tiếp sức bởi các dự án hội nhập kinh tế khu vực khu vực cũng như môi trường an ninh khu vực được đảm bảo. Các lực lượng dân sự lên nắm quyền ở các nước MERCOSUR, trong bối cảnh chung của khu vực, đã thực hiện các cải cách về mặt
thể chế nhằm xóa bỏ dần các ảnh hưởng xấu của các chế độ độc tài quân sự trước đó. Quá trình này vấp phải những khó khăn và vẫn tồn tại nguy cơ về các cuộc đảo chính của giới quân sự như tình hình ở Paraguay khi lực lượng quân đội vẫn còn chi phối tiến trình chuyển đổi về mặt chính trị trong những năm 1990. Chính những cam kết rõ ràng đối với dân chủ gắn liền với tiến trình hội nhập khu vực cũng như những cải cách được thể chế hóa của các nước đã ngăn những nguy cơ xảy ra đối với các nền dân chủ non trẻ mới được tái lập trước đó không lâu.
4.1.1.3. Tác động về mặt xã hội
Đói nghèo dai dẳng, bất bình đẳng sâu sắc, và mất an ninh công cộng nghiêm trọng là những vấn đề xã hội nan giải không chỉ của các nước MERCOSUR mà còn là vấn đề chung của khu vực Mỹ Latinh. Các vấn đề này luôn là những thách thức lớn cho chính phủ các nước trong khu vực, dù theo cánh tả hay cánh hữu. Đa phần các nước Nam Mỹ có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, nói cách khác là xuất khẩu các sản phẩm nguyên liệu ít giá trị gia tăng. Ngoại trừ Brazil, các nước trong khu vực này chỉ có một nền tảng công nghiệp và công nghệ khá sơ khai. Tại tất cả các nước, tình trạng tập trung ngày càng cao của cải và thu nhập biến khu vực này trở thành khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới [Eduardo, 2012]. Tỉ lệ người nghèo của các nước trong khu vực cũng thuộc vào hàng cao trên thế giới. Trong khi đó, tình trạng bạo lực công cộng luôn là một vấn đề thu hút sự chú ý với tỉ lệ các vụ giết người cao hơn hẳn so với các khu vực khác, nhiều thành phố ở khu vực nằm trong số các thành phố bạo lực nhất trên thế giới.
Được kì vọng như một trong những cách thức để giải quyết các vấn đề xã hội nan giải, dù còn có những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề trong những giai đoạn khác nhau, hội nhập khu vực cũng đã có những tác động nhất định đến việc giải quyết các vấn đề này của các nước thành viên, có khác biệt giữa các giai đoạn hội nhập.
Trong giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập khu vực, các cải cách theo hướng thân thị trường gắn với các chương trình hội nhập kinh tế khu vực, bên cạnh việc tăng cường tính cạnh tranh cho nền kinh tế thì cũng làm gia tăng, hoặc chí ít là không làm giảm các bất bình đẳng về kinh tế ở các nước trong khu vực. Ví dụ trường hợp của Uruguay, theo một nghiên cứu của Amarante, Colafranceschi, and
Vigorito (2011) cho thấy trong khi nền độc tài quân sự và các chính sách kinh tế tự do được thực thi từ những năm 1970 đã dẫn đến một sự đảo ngược mạnh mẽ xu hướng hướng đến bình đẳng kinh tế, thì các phong trào toàn cầu hóa trong những năm 1980, 1990 dưới các chế độ dân chủ cũng không làm tăng sự bình đẳng. Kết luận cho thấy là, bất bình đẳng ở Uruguay [trong giai đoạn này] vẫn ở mức cao hơn so với thời kì độc tài (1973- 1985).
Sang đầu thế kỉ 21, với những chương trình nghị sự trực tiếp đưa các vấn đề chính trị - xã hội vào chương trình hội nhập khu vực trong giai đoạn “thiên tả” của chính quyền các nước thành viên, khối cũng đã đạt được nhiều kết quả trong việc giải quyết các vấn đề này. Tuy nhiên, hạn chế là các chương trình giảm nghèo và giảm bất bình đẳng của các nước được đánh giá là còn thiếu bền vững, nhiều bộ phận người nghèo có nguy cơ tái nghèo khi các chương trình do chính quyền triển khai kết thúc.
Một tác động tích cực cần được nhắc đến là tiến trình hội nhập đã góp phần làm tăng sự giao lưu văn hóa – xã hội giữa các nước, thông qua việc đảm bảo quyền và tạo điều kiện đi lại tự do của người dân trong khối. Một quy chế công dân MERCOSUR đã được đưa ra để thể chế hóa vấn đề này. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng coi văn hóa – xã hội là những nội dung hội nhập quan trọng trong tiến trình hội nhập chung nên đã có các chính sách, chương trình thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác nhiều mặt trong lĩnh vực này. Mặt khác, khi gặp phải những thách thức khiến cho các tiến trình hội nhập trong các lĩnh vực trọng yếu ít đạt được các tiến triển thì đây cũng là lĩnh vực dễ đạt được các bước đi có tính hỗ trợ cho tiến trình chung. Cụ thể, có thể kể đến các chương trình hội nhập về giáo dục, khoa học thông qua việc thiết lập một sự phối hợp chung, công nhận bằng cấp, chứng chỉ giữa các nước và xây dựng các chương trình đào tạo chung đã thiết lập nền tảng cho sự di chuyển tự do của sinh viên và học giả các nước trong khối.