Một số nhận xét

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay (Trang 37 - 40)

7. Bố cục của Luận án

1.4. Một số nhận xét

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết quốc tế ngày một gia tăng, vị trí “land-lock” của Lào đang dần trở thành “land-link” – điểm nối trong liên kết kinh tế, chiến lược của khu vực. Vị thế của Lào được nâng cao trong bàn cờ địa – chiến lược

giữa các nước lớn và giữa các nước láng giềng vốn có ảnh hưởng truyền thống ở đây. Những nghiên cứu về Lào và đặc biệt là nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc – Lào vì thế cũng trở nên “hấp dẫn” đối với giới học giả trong và ngoài nước, đặc biệt từ giai đoạn Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, và gia tăng ảnh hưởng ở toàn khu vực.

Về thành tựu đạt được, dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các công trình

đã thực hiện đưa ra những phân tích vấn đề theo nhiều khía cạnh. Các công trình của học giả trong nước chủ yếu tập trung đánh giá vị trí chiến lược của Lào và phân tích quá trình Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại đây qua từng lĩnh vực dưới góc nhìn địa chiến lược, đồng thời có những đánh giá khá thực chất về tác động của mối quan hệ này đối với Việt Nam và đối với quan hệ Việt – Lào. Trong khi đó, các công trình của học giả nước ngoài thể hiện điểm mạnh qua các nghiên cứu trường hợp để nhìn nhận quá trình Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Lào. Trên cơ sở đa dạng về các lĩnh vực nghiên cứu, đa dạng về các cách tiếp cận cũng như cách luận giải vấn đề nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu đã có được từ những công trình trước đây trở thành nguồn tham khảo quý giá đối với quá trình khảo cứu tư liệu để thực hiện Luận án.

Về khoảng trống trong các nghiên cứu, mặc dù các nghiên cứu trong và

ngoài nước là rất phong phú. Tuy nhiên, một công trình mang tính hệ thống và chuyên sâu về quan hệ Trung – Lào trên các lĩnh vực, đồng thời đưa ra đặc điểm quan hệ hai nước là còn thiếu vắng. Một là, trong các công trình mà Luận án đã tham khảo, chưa có công trình nào tiến hành phân tích sâu về quan hệ Trung Quốc – Lào trên các lĩnh vực, đặc biệt trong giai đoạn hai thập niên đầu thế kỉ XXI. Hai là, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá quan hệ Trung Quốc – Lào dựa trên các lý thuyết của quan hệ quốc tế, từ đó đưa ra những đặc điểm của mối quan hệ này. Chính vì vậy, đây trở thành không gian nghiên cứu giúp cho Luận án có được điểm mới và mang tính hệ thống hơn.

Thứ nhất, luận án là công trình dựa trên những lý thuyết về quan hệ quốc tế để làm rõ cơ sở của mối quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 cho tới nay. Điều

này giúp ích lớn cho việc mô hình hóa bản chất mối quan hệ bất đối xứng giữa Trung Quốc và Lào.

Thứ hai, Luận án là công trình mang tính toàn diện và hệ thống về quan hệ

Trung Quốc – Lào trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2000 cho đến nay, đồng thời đưa ra những phản ứng, tác động của các nhân tố chủ thể và các nhân tố liên quan. Đặc biệt, Luận án tích cực đánh giá những tác động của tiến trình này đối với Việt Nam và quan hệ Việt – Lào, từ đó Luận án sẽ rút ra một số kiến nghị cho Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Lào.

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ QUAN HỆ TRUNG QUỐC – LÀO TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY

Cơ sở lý luận được coi là khung tham chiếu cho việc xác định đặc điểm của một mối quan hệ giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa hai quốc gia chịu tác động rất lớn từ những biến chuyển trong cục diện quốc tế, những nhu cầu đến từ bản thân hai nước cũng trở thành những động lực chính cho quá trình phát triển hay ngưng trệ của quan hệ hai nước. Chương 2 của Luận án đi vào tìm hiểu những cơ sở lí luận chung và những cơ sở thực tiễn (những nhân tố) tác động tới quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)