7. Bố cục của Luận án
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Quan hệ nước lớn – nước nhỏ trong các lý thuyết quan hệ quốc tế
Quyền lực trong chủ nghĩa hiện thực: Chủ nghĩa hiện thực cho rằng, mục
tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống quốc tế. Quyền lực là động lực, mục tiêu mong muốn cho chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Đồng thời, các quốc gia cũng sử dụng quyền lực như một phương thức nhằm gây ảnh hưởng và thay đổi hành vi của các quốc gia và tổ chức khác theo hướng có lợi cho quốc gia dùng quyền lực. Theo định nghĩa này, có thể lấy yếu tố quyền lực để đánh giá mục tiêu của Trung Quốc và Lào trong mối quan hệ song phương. Với Lào, đó là sự đảm bảo an ninh và tồn tại của mình trong hệ thống quan hệ quốc tế. Với Trung Quốc, yếu tố quyền lực càng được thể hiện rõ hơn, khi vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện trong quan hệ với Lào.
Bên cạnh đó, lý thuyết mô hình những quả Bi a (Billiard Ball Model) của chủ nghĩa hiện thực cho rằng, các quốc gia như những quả bi a và tương tác giữa chúng chủ yếu là va đập. Trong quá trình va đập, những quả nhỏ hơn có thể bị đẩy văng đi hoặc dừng lại, trong khi các quả lớn hơn vẫn tiếp tục đi dù có thể bị giảm tốc độ hoặc chệch hướng [Hoàng Khắc Nam, 2017, tr.43]. Lý thuyết này có thể được xem xét để đánh giá về tác động của mối quan hệ Trung Quốc – Lào tới từng chủ thể, và dựa vào lý thuyết có thể đánh giá Lào có thể nhận những tác động tiêu cực và bị động nhiều hơn, trong khi Trung quốc có được nhiều hơn những tác động tích cực trong mối quan hệ với Lào.
Lợi ích quốc gia: bao gồm các mục tiêu chiến lược, đôi khi là cả các công cụ thực hiện mục tiêu, mà quốc gia theo đuổi trên trường quốc tế [Trần Nam Tiến, 2013, tr.23]. Chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia được xây dựng trên cơ sở lợi ích quốc gia của mình và có tác dụng đảm bảo mục tiêu của chính lợi ích quốc gia ấy. Để đảm bảo lợi ích quốc gia, các chủ thể thường đưa ra các phương pháp thực hiện, bao gồm 5 phương pháp chính: (1) Công cụ ngoại giao, (2) Tuyên truyền, (3) Kinh tế, (4) Liên minh và Hiệp ước, (5) Các biện pháp cưỡng chế [Dinesh, 2018]. Trong quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia trở thành mục tiêu quan trọng nhất của các chủ thể. Đây cũng là cơ sở được vận dụng để giải thích nguyên nhân vì sao Trung
Quốc và Lào có những thay đổi trong chính sách đối ngoại, cũng như những thay đổi trong diễn tiến quan hệ song phương.
Lý thuyết phụ thuộc trong Chủ nghĩa Macxit mới: Lý thuyết này thông qua
việc phân tích mâu thuẫn về kinh tế trong quan hệ quốc tế, đã chỉ ra một trong những nguyên nhân lớn nhất tạo ra sự kém phát triển của các quốc gia đang phát triển là do sự bất bình đẳng trong cấu trúc kinh tế thế giới, trong đó tài nguyên, sức lao động và thặng dư của các nước đang phát triển bị bòn rút và đưa về các nước phát triển. Chính sự kém phát triển này đã tạo ra sự phụ thuộc của các nước đang phát triển đối với các nước phát triển. Tuy nhiên, quan điểm xu hướng ôn hòa trong Thuyết phụ thuộc này cũng chỉ ra rằng, sự hội nhập cũng đem lại những điểm tích cực cho các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển vẫn có thể tích lũy tư bản thông qua sự phát triển có tính phụ thuộc, với điều kiện các nước này tích cực thực hiện những chính sách kinh tế linh hoạt và thận trọng. Trong quan hệ kinh tế Trung Quốc – Lào, Lào có xu hướng xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và các hàng hoá thô, sơ chế sang Trung Quốc với giá thấp. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiến hành gia công, chế biến các hàng hoá thành phẩm, có công nghệ tiên tiến hơn, với giá thành cao hơn. Từ đây, có thể thấy các nước nhỏ như Lào buộc phải thiết kế nền kinh tế của mình theo hướng phục vụ lợi ích cho các nước lớn như Trung Quốc. Thậm chí, bài toán phát triển của Lào được đánh đổi bằng tài nguyên và môi trường. Lăng kính của Lý thuyết phụ thuộc có thể giúp đề tài nhìn rõ bản chất quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Lào, đồng thời đánh giá được nguy cơ mà Lào có thể gặp phải trong quan hệ với Trung Quốc, xuất phát từ mối quan hệ kinh tế.
Mô hình Đồng thuận Washington và mô hình Đồng thuận Bắc Kinh: Đây là
hai mô hình kinh tế có tính chất tương đối đối lập nhau. Điểm đối lập thể hiện ở mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thuận Washington là một thuật ngữ do John Williamson đưa ra tại Viện Kinh tế Quốc tế năm 1990, nhằm đề xuất một loạt các chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế của Mỹ Latinh. Mô hình này cho rằng: sở hữu tư nhân, mở cửa kinh tế, tự do hoá hệ thống tài chính, ổn định vĩ mô, và tự do hoá chính trị là cốt yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nói
cách khác nhà nước can thiệp ở mức ít nhất có thể vào nền kinh tế. Ngược lại “Đồng thuận Bắc Kinh” nhấn mạnh vai trò chủ động của nhà nước hơn là vai trò của thị trường. Khái niệm này lần đầu tiên được đưa ra bởi Joshua Cooper Ramo với ba đặc điểm chính: (1) phát triển dựa trên sự đổi mới, (2) hướng đến tăng trưởng bền vững với một xã hội công bằng; và (3) tự chủ về chính trị [Ramo, 2004, tr.8,14]. Cùng với sự phát triển của Trung Quốc, “đồng thuận Bắc Kinh” dường như đang trở nên có sức ảnh hưởng khi nước này đang dần khẳng định vị thế đối trọng với Mỹ. Trong quan hệ với các nước nhỏ như Lào, mô hình “Đồng thuận Bắc Kinh” được minh chứng là các dòng chảy đầu tư và viện trợ tới các nước nhỏ mà không đi kèm với các điều kiện về nhân quyền, về thể chế chính trị hay các yêu cầu về năng lực phát triển. Đây cũng có thể coi là cơ sở để đánh giá về nguyên nhân gia tăng quan hệ Trung Quốc – Lào.
Chủ nghĩa khu vực mang màu sắc Trung Quốc: Trước hết cần nói tới chủ
nghĩa khu vực mới. Chủ nghĩa khu vực lần đầu tiên được thực hiện trên thực tế ở châu Âu vào cuối những năm 50 với sự ra đời của EEC (1958). Đây là sự phát triển điển hình của các hình thái kinh tế - xã hội, cung cấp cho các châu lục khác những kinh nghiệm về an ninh, hợp tác và phát triển, trong đó có chủ nghĩa khu vực. Chủ nghĩa khu vực giai đoạn này được hình thành và phát triển trên cơ sở gần gũi các lợi ích về an ninh và kinh tế, các giá trị chung về văn hoá, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền của các nước thành viên. Chủ nghĩa khu vực đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu quyền lực quốc tế, trong việc phá vỡ tập trung hoá quyền lực kinh tế thế giới và quyền lực chính trị quốc tế.
Chủ nghĩa khu vực mới được hình thành từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Đây là sự kế tiếp và phát triển mới về lý luận trên cơ sở chắt lọc những tư tưởng của những lý luận về hội nhập khu vực châu Âu. Sự xuất hiện của chủ nghĩa khu vực mới trùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu gia tăng. Chủ nghĩa khu vực mới thể hiện ở sự hình thành các tổ chức khu vực cởi mở như: ASEAN, APEC, EU, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC)… Đặc điểm của chủ
nghĩa khu vực mới là được hình thành trong bối cảnh thế giới không còn đặc trưng bởi lưỡng cực mà thay vào đó là sự tồn tại đa cực. Các tổ chức khu vực vì thế cũng được định hình bởi lợi ích của tất cả các chủ thể tham gia.
Đối với chủ nghĩa khu vực mang màu sắc Trung Quốc: Chiến lược của Trung Quốc là bên cạnh việc gia tăng tiếng nói trong các tổ chức và Diễn đàn đã có, nước này nỗ lực thiết lập những tổ chức mới nhằm tự mình đóng vai trò chủ đạo. Trong phát biểu tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố vấn đề của châu Á nên do người châu Á giải quyết. Diễn đàn Hương Sơn cũng được coi là một diễn đàn cấp cao về an ninh – quốc phòng nhằm đối trọng với Diễn đàn Shangri-la. Không chỉ trong vấn đề an ninh, BRI được coi là đại chiến lược với những thể chế tài chính do Bắc Kinh thành lập nhằm đối trọng với thể chế tài chính mà Mỹ và Nhật đang nắm giữ. Tất cả những điều này đã thể hiện chủ nghĩa khu vực mang màu sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa khu vực này nhằm làm phá vỡ mạng lưới các liên minh quân sự của Mỹ, phá thế kiềm toả của Mỹ đối với Trung Quốc, đồng thời tạo dựng một không gian địa chính trị ngày càng trở nên phức tạp hơn. Việc nhận diện chủ nghĩa khu vực mang màu sắc Trung Quốc sẽ phần nào giúp Luận án lý giải việc quan hệ Trung Quốc – Lào có sự cải thiện và phát triển nhanh chóng. Liệu Lào có phải là một trong những mắt xích cho quá trình xây dựng chủ nghĩa khu vực mang màu sắc Trung Quốc?