Thương mại biên giới

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay (Trang 93 - 97)

3.2.1 .Về quan hệ thương mại hàng hóa

3.2.1.2. Thương mại biên giới

Với hơn 500 km đường biên giới thương mại biên giới Trung Quốc – Lào cũng được thúc đẩy mạnh mẽ cùng với sự tiến triển của thương mại song phương. Về phía Trung Quốc, thương mại biên giới Trung – Lào được Trung Quốc đặc biệt chú ý bởi yếu tố này ảnh hưởng tới chiến lược của Trung Quốc đối với các tỉnh khu vực Bắc Lào và xa hơn là chiến lược xây dựng con đường xuyên Á. Phát triển kinh tế khu vực này sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược “đại khai phát miền Tây”, chiến lược “đi ra ngoài” của các địa phương giáp biên cũng như chiến lược “ngoại giao láng giềng” của Trung Quốc hiện nay. Đối với Lào, phát triển kinh tế biên giới với Vân Nam được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo mô hình phát triển cho các tỉnh miền Bắc Lào đi lên.

21Năm 2015, Trung Quốc đặt Lào khoảng 8.000 tấn gạo xuất khẩu, tuy nhiên nước này chỉ đáp ứng được khoảng 4.000 tấn, bao gồm cả gạo nếp và gạo tẻ. Năm 2016, Lào cũng chỉ cung cấp được 5.000 tấn gạo trong 7.200 tấn theo yêu cầu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, gạo của Lào cũng chưa đạt được chất lượng cao trong phương pháp trồng trọt, quy trình xay xát và đóng gói [Asia News Network, 2017].

Vân Nam là tỉnh biên giới duy nhất của Trung Quốc giáp với tỉnh Luang Namtha, Oudomxay và Phong Saly của Lào. Từ cửa khẩu Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình thuộc Châu Hồng Hà, Vân Nam (Trung Quốc) có thể tiếp nối với đường bộ Côn Minh – Bangkok tới Thái Lan, Malaysia, Singapore một cách thuận lợi. Địa phương hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, tạo khuôn khổ cho hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Trong chuyến thăm chính thức Lào vào tháng 3/2004, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Ngô Nghi đã đưa ra đề xuất: “Tăng cường hợp tác thương mại biên giới và kinh tế kỹ thuật giữa Vân Nam và Lào”. Chính phủ Lào cũng thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam, đề xuất xây dựng “Cơ chế hợp tác Bắc Lào – Vân Nam”. Năm 2008, chính quyền tỉnh Vân Nam đã hoàn tất “Kế hoạch miền Bắc” dành cho 9 tỉnh Bắc Lào. Kế hoạch này đã được trao cho chính phủ Lào tháng 1/2009. Theo đó, giai đoạn 2009 – 2020, Vân Nam tập trung phát triển các ngành công nghiệp “trụ cột” ở miền Bắc Lào như điện lực, nông, lâm nghiệp, du lịch và khai khoáng. Ngày 12 và 13/9/2011, tỉnh Vân Nam và các tỉnh phía Bắc Lào đã tổ chức Hội nghị nhóm hợp tác lần thứ 5 tại tỉnh Luang Namtha, Lào. Trên cơ sở của cuộc họp lần thứ 4, nội dung hội nghị này tập trung vào việc cải thiện cơ chế hợp tác song phương, thiết lập liên kết giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhằm gia tăng quan hệ kinh tế của Vân Nam – Lào nói riêng và Trung Quốc - Lào nói chung22

. Với tốc độ tăng trưởng của năm 2011 lên tới 52,7%, Lào đã chính thức trở thành thị trường đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Vân Nam, với hơn 300 thỏa thuận liên quan đến các dự án xây dựng, lao động và tư vấn được ký kết [罗蓉婵, 2011].

22Thông qua đàm phán trong hội nghị, hai bên đã thống nhất được 5 nội dung: một là, trao đổi về đào tạo con người, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế của cả hai bên; hai là mở rộng hợp tác đầu tư thương mại, nhanh chóng xây dựng khu hợp tác đầu tư thương mại, nhanh chóng xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại cửa khẩu Mohan (Vân Nam) và Boten (Lào); ba là, tiếp tục thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhanh chóng thiết lập cơ chế giao lưu hợp tác cửa khẩu Vân Nam và Bắc Lào; bốn là, tiếp tục tìm tòi và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới như: dịch vụ hậu cần, công nghệ cao, bảo vệ môi trường; năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác, thiết lập những hội nghị thường kỳ và không thường kỳ nhằm giữ liên lạc giữa Lào và các doanh nghiệp Vân Nam.

Bảng 3.2: Kim ngạch thương mại Vân Nam - Lào giai đoạn 2000 – 2017

(Đơn vị: Triệu USD)

Năm Tổng kim ngạch Chiếm tỷ lệ % trong tổng giá trị thương mại Trung Quốc – Lào 2000 19,26 46,9% 2003 21,12 19,4% 2004 33,76 29,7% 2005 42,13 32,7% 2006 69,23 31,8% 2007 83,39 33,5% 2008 110,46 26,5% 2009 155,01 20,8% 2010 203,80 19,3% 2011 265,00 20,3% 2012 340,00 28,3% 2013 600,00 78,1% 2014 1370 40,0% 2015 882 68,3% 2016 720 30,7% 2017 993 30,55%

Tổng hợp từ các nguồn: [张瑞昆, 2009]; [Trần Thị Hải Yến, 2013b, tr. 46]; [人民网, 2015]; [陈永强, 2018].

Tuy nhiên, quan hệ thương mại Vân Nam – Lào vẫn còn tồn tại những thách thức, khó khăn nhất định. Hàng hóa của Vân Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu là

quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, vật liệu xây dựng, hàng dệt may…, chất lượng thấp hơn khá nhiều so với hàng hóa đến từ châu Âu, Mỹ, Singapore. Trong khi đó, những sản phẩm nổi tiếng và cao cấp của Vân Nam như thuốc lá, dụng cụ quang học… giá cả quá cao, khiến cho thị trường tiêu thụ của Lào rất khó chấp nhận. Bên cạnh đó, về phía Lào, năng lực đầu tư nước ngoài và thương mại của nước này vẫn còn nhiều hạn chế, do đó chủ yếu vẫn là Vân Nam xuất khẩu hàng hóa và đầu tư tại Lào.

Một điểm đáng chú ý trong quan hệ biên mậu giữa hai nước hiện nay đó là, các tổ chức tài chính Vân Nam đã chủ động mở rộng việc sử dụng đồng NDT trong thương mại biên giới với Lào. Tính đến cuối tháng 9/2018, thanh toán bằng NDT giữa Vân Nam với Lào là 1,43 tỷ, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 38,4% thanh toán ngoại tệ của toàn tỉnh Vân Nam với Lào [国家外汇管理局, 2019]. Nguyên nhân là bởi Trung Quốc đã tận dụng BRI để đẩy nhanh quá trình sử dụng đồng NDT trong thanh toán đối với các dự án như đường sắt Trung – Lào, đường cao tốc Trung – Lào. Đồng thời nước này cũng nỗ lực đàm phán với Lào trong việc sử dụng đồng NDT trong các giao dịch thương mại, đặc biệt là khu vực biên giới. Tháng 5/2018, kênh chuyển tiền ngoại tệ song phương Trung - Lào đầu tiên đã được thành lập ở khu vực hợp tác xuyên biên giới giữa hai nước. Điều này đã giúp Trung Quốc giảm đáng kể chi phí vận chuyển đồng NDT đến Đông Nam Á và đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng NDT của thương nhân Trung Quốc ở khu vực biên giới Trung – Lào.

Có thể thấy, hợp tác kinh tế giữa Lào và Trung Quốc trên cả song phương chính ngạch và biên mậu đang ngày càng được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, thông qua cơ cấu hàng hoá, cần nhận thấy rằng sức khai thác của Trung Quốc đối với tài nguyên thiên nhiên của Lào là rất lớn. Điều này đã, đang và sẽ tác động xấu tới sự phát triển bền vững của Lào và lợi thế cạnh tranh của Lào trong hợp tác kinh tế với nước ngoài. Bên cạnh đó, hàng hoá Trung Quốc ngập tràn thị trường sẽ khiến các ngành sản xuất của Lào, đặc biệt các ngành còn non trẻ đối mặt với nhiều sức ép.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)