3.4.1 .Về giao lưu văn hóa – xã hội
4.2. Tác động của quan hệ Trung Quốc Lào
4.2.5. Tác động đến ASEAN và Thái Lan
Về tác động đến ASEAN, nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, Đông Nam
Á từ lâu đã trở thành địa bàn tranh chấp ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn. Trong giai đoạn hiện nay, vị thế và vai trò ấy lại càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với vị trí địa lý đặc biệt, Trung Quốc là nước láng giềng của ASEAN và đã sớm hình thành mối quan hệ hợp tác với khu vực này. Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc cũng rất chú trọng việc thúc đẩy quan hệ với khu vực ASEAN qua cơ chế diễn đàn đa phương của khu vực và đặc biệt là thông qua quan hệ song phương với từng nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc coi trọng việc tăng cường, củng cố các mối quan hệ “liên minh chính trị” sẵn có với các nước như Myanmar, Lào,
Campuchia, lôi kéo các đồng minh của Mỹ hay có truyền thống thân Mỹ như Thái Lan, Singapore và tìm cách hướng các nước theo đuổi những lợi ích riêng, mâu thuẫn nhau nhằm phá bỏ đoàn kết ASEAN.
Gia tăng quan hệ với Lào được coi là một trong những động thái mang đến những lợi ích cho Trung Quốc trong quá trình chi phối Lào, từ đó chi phối tới khối ASEAN. Cộng đồng ASEAN đã được hình thành, tuy nhiên sự song trùng về mặt lợi ích giữa các thành viên trong khối đang ngày càng mỏng. Theo đuổi lợi ích riêng sẽ là chìa khoá để Trung Quốc có thể tiếp cận tới từng nước thành viên. Bởi trên thực tế, trình độ phát triển giữa các nước là khá khác nhau, trong đó Lào lại thuộc nhóm nước chậm phát triển. Chính vì vậy, nhu cầu thu hẹp khoảng cách trở nên cấp thiết với Lào.
Đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện rất ráo riết quá trình tôn tạo đảo thời gian qua, đồng thời kể từ sau Đại hội 19, Trung Quốc còn gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Một số nước ASEAN cũng đã có những sự thay đổi trong cách tiếp cận với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Lý do là bởi Trung Quốc đã liên tục sử dụng “ngoại giao tiền bạc” để có được con đường giải quyết song phương với từng nước ASEAN, cản trở quá trình quốc tế hoá Biển Đông.
Đối với Lào, sự lựa chọn giữa bài toán phát triển đất nước với sự đoàn kết nội khối sẽ trở thành yếu tố để Trung Quốc sử dụng nhằm lôi kéo Lào theo “vòng đồng thuận Bắc Kinh” và từ đó tác động đến tổng thể khối ASEAN, đồng thời tạo ra hiện tượng “xé rào” đối với ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Về tác động đến Thái Lan, ngay từ thập niên 90 của thế kỉ trước, thái Lan đã
xác định những lợi ích kinh tế thông qua thương mại và đầu tư ở nhóm nước CLMV, thay vì chỉ nhìn nhận quan hệ của mình với các nước láng giềng khu vực thông qua lăng kính an ninh quốc gia. Đối với nhóm CLMV nói chung và Lào nói riêng, Thái Lan luôn nỗ lực sử dụng ảnh hưởng tầm trung để trở thành nhà bảo trợ cho tiến trình phát triển tại các quốc gia này, bằng việc thực hiện Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady –Chao Phraya – Mekong (ACMES). Sau những biến cố chính trị, vào
tháng 6/2018, Thủ tướng Thái Lan Praut Chan-ocha đã kêu gọi các nước thành viên của ACMES kết nối hơn nữa. Thái Lan cũng đã mời Mỹ trở thành một đối tác phát triển của ACMES vào tháng 11/2018. Tuy vậy, nỗ lực của Thái Lan đã bị lấn át phần nào khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của mình ở Lào.
Thực chất quan hệ Thái Lan - Trung Quốc hiện nay cũng đã trở nên sâu sắc hơn, trên nhiều phương diện. Mối quan hệ này còn được đánh giá là sự chủ động thuộc về Thái Lan. Vị thế của Thái Lan trong ASEAN đã được nâng cao hơn bởi sự độc lập trong quan điểm và những đóng góp tích cực vào việc tìm kiếm giải pháp đối với vấn đề biển Đông, với vai trò là bên không có tranh chấp. Trung Quốc cũng tìm cách thúc đẩy kết nối với Lào và các nước ASEAN khác bằng cách hợp tác với Thái Lan thông qua Kế hoạch tổng thể ACMES. Tại Diễn đàn BRI 2019, Thủ tướng Thái Lan cũng chủ động kêu gọi Trung Quốc nhìn nhận vai trò kết nối, và cửa ngõ của Thái Lan tới các nước Đông Nam Á. Do vậy, khả năng Trung Quốc sử dụng Lào để tạo sức ép với Thái Lan là điều ít có khả năng xảy ra.