Nhân tố lịch sử quan hệ Trung Quốc –Lào

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay (Trang 75 - 80)

7. Bố cục của Luận án

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.7. Nhân tố lịch sử quan hệ Trung Quốc –Lào

Quan hệ Trung Quốc - Lào được đặt trên nền móng bởi quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Nhân dân Lào16. Tháng 4 năm 1961, đoàn Đại biểu Chính phủ Liên hiệp Lào do Hoàng thân Souvannaphoumma và Hoàng thân Souphanouvon dẫn đầu đã thăm chính thức Trung Quốc và ký tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc đã dành những sự giúp đỡ không nhỏ cho quân và dân Lào. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã rơi vào trạng thái “không bình thường” trong giai đoạn cuối những năm 70 đầu những năm 80. Nguyên nhân là bởi quan hệ giữa hai nước đã bị chi phối bởi quan hệ giữa các nước lớn trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đặc biệt là sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô trong khối XHCN. Sau xung đột biên giới Xô – Trung năm 1969, Trung Quốc liên kết với Mỹ chống lại Liên Xô nhằm thoát khỏi tình trạng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Cùng giai đoạn này, Lào tăng cường quan hệ với Liên Xô và coi quan hệ với Liên Xô là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của mình. Bên cạnh đó, chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 cũng được coi là một nguyên nhân dẫn đến sự lạnh nhạt trong quan hệ Trung – Lào giai đoạn này. Trong thời gian này, Lào đã đóng cửa văn phòng đại diện của Đại sứ quan Trung Quốc ở Oudomxay, văn phòng thông tin liên lạc của Trung Quốc ở Viêng Chăn và triệu hồi Đại sứ của cả hai bên về nước, chỉ để lại cấp tham tán công sứ. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ngừng trệ của quan hệ Trung – Lào trên tất cả các lĩnh vực.

Từ những năm 1983, hai nước đã có những động thái nhằm tạo môi trường xung quanh ổn định, không căng thẳng để tạo động lực cho phát triển đất nước. Trung Quốc và Lào đã tiến hành trao đổi đàm phán thông qua con đường ngoại giao nhằm mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ. Hai vòng đàm phán về bình thường hoá quan hệ lần lượt diễn ra vào tháng 11/1986 và tháng 12/1987 tại Viêng Chăn và Bắc Kinh. Năm 1988, hai nước đã bắt đầu trao đổi trở lại đại diện ở

cấp Đại sứ, đồng thời tổ chức các cuộc trao đổi về kinh tế - thương mại. Tám hiệp định về thương mại đã được ký kết và giao lưu biên giới đã chính thức được tái mở cửa.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kiêm Hội đồng Bộ trưởng nước CHDCND Lào Kaysone Phomvihane vào tháng 10 năm 1989 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc quyết định nối lại quan hệ ngoại giao Trung – Lào. Trong chuyến thăm này, cả hai nước đã cùng thống nhất tuyên bố khôi phục lại hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Từ sau khi bình thường hóa quan hệ, các nhà lãnh đạo của hai nước đã tiến hành những chuyến thăm viếng chính thức lẫn nhau. Đáng chú ý là chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tới Viêng Chăn vào tháng 12 năm 1990, với cam kết cho Lào vay dài hạn không lãi suất 50 triệu Nhân dân tệ (NDT) và xây dựng cho Lào một trạm vệ tinh mặt đất. Tiếp đó, tháng 1 năm 1991, chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào tới Trung Quốc đã ghi nhận thêm những thành tựu mới trong quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký 6 văn kiện hợp tác nhằm triển khai thực hiện các dự án, công trình mà Chính phủ hai nước đã ký kết. Đặc biệt, hai bên đã ra tuyên bố chung khẳng định mối quan hệ toàn diện giữa hai nước dựa trên nền tảng ổn định lâu dài, láng giềng hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau.

Trên lĩnh vực kinh tế, với một xuất phát điểm chậm nhưng bứt phá nhanh, khi Lào gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Trung Quốc đã thông qua các gói viện trợ, đầu tư, thương mại để giữ sự ổn định cho nền kinh tế Lào. Trong khoảng 10 năm từ khi bình thường hoá quan hệ, quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và Lào đã có những bước phát triển, tuy nhiên chưa tạo ra những bước đột phá. Giai đoạn này, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại Lào, sau Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, quan hệ thương mại hai nước phát triển không ổn định trong giai đoạn từ năm 1990-1997 và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ năm 1998. Có thể theo dõi bảng 2.1 và bảng 2.2 để thấy rõ hơn những bước phát triển trong quan hệ kinh tế Trung Quốc - Lào giai đoạn này.

Bảng 2.1: Thống kê kim ngạch thương mại Trung – Lào, 1990 – 2000

Đơn vị: Triệu USD

Năm Tổng kim ngạch thương

mại Trung-Lào

Trung Quốc xuất

khẩu sang Lào

Lào xuất khẩu sang Trung Quốc 1990 31,72 22,16 9,56 1991 14,3 12,3 2,0 1992 34,0 30,6 3,4 1993 43,6 18,1 25,5 1994 37,2 29,1 8,1 1995 30,3 21,5 8,8 1996 34,84 26,68 8,16 1997 28,75 22,93 5,82 1998 25,73 17,83 7,9 1999 31,716 22,161 9,555 2000 40,84 34,42 6,42

Nguồn [Sansook Thammabarnvong, 2014, tr.256]

Bảng 2.2: Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Lào từ năm 1991 đến 2000

Đơn vị: USD Năm Lĩnh vực Tổng dự án Tổng vốn

Nông nghiệp Công nghiệp Dịch vụ

Dự

án Vốn Dự

án Vốn Dự

án Vốn

1992 - - 4 16.000.000 4 1.095.631 8 17.095.631 1993 2 1.227.475 5 3.012.000 9 5.395.000 16 9.634.475 1994 - - - - 1995 1 997.000 - - 1 7.500.000 2 8.497.000 1996 1 400.000 2 2.000.000 2 600.000 5 3.000.000 1997 - - 2 3.102.000 2 708.838 4 3.810.838 1998 - - 3 4.077.610 2 2.138.900 5 6.216.510 1999 1 878.763 5 41.534.813 - 6 42.413.576 2000 1 2.000.000 5 6.982.800 4 423.000 10 9.405.800 Nguồn: [Syviengxay Oraboune, 2006, tr.220]

Có thể thấy, từ những năm cuối của thế kỷ XX, Trung Quốc và Lào đã coi trọng việc tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Những thay đổi tích cực trong quan hệ Trung Quốc - Lào giai đoạn trước được coi là những bước đầu đặt nền móng cho quan hệ hai nước giai đoạn sau này.

Tiểu kết chương 2

Một mối quan hệ giữa hai quốc gia không chỉ bị chi phối bởi lợi ích cũng như ảnh hưởng giữa hai chủ thể mà còn chịu tác động rất lớn từ những thay đổi trong hệ thống quan hệ quốc tế. Hai thập niên đầu thế kỉ XXI được đánh giá là giai đoạn có nhiều sự kiện lớn làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Trung Quốc lớn mạnh và trở thành đối trọng của Mỹ. Những điều này đang khiến thế giới hình thành nên một trật tự mới và các mối quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi. Từ đó, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, quá trình gia tăng hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực đều là những nhân tố chi phối tới chính sách của Trung Quốc và Lào và mối quan hệ giữa hai nước.

Bên cạnh đó, những nhu cầu phát triển từ một quốc gia nhỏ bé như Lào lại tạo thành sự gặp gỡ trong nhu cầu gia tăng vị thế và ảnh hưởng của cường quốc khu

vực – Trung Quốc. Với vị trí mang ý nghĩa địa chính trị, Lào không thể tách khỏi chiến lược hướng xuống phía Nam của Trung Quốc, đồng thời đây cũng trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước. Hơn nữa, cùng với nhu cầu phát triển đất nước, Lào đang phải dựa vào những sự giúp đỡ đến từ bên ngoài để khắc phục những khó khăn trong nước. Những nhân tố nội sinh và ngoại sinh này đã trở thành cơ sở, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cho mối quan hệ Trung Quốc – Lào có những tiến triển rõ rệt.

CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG QUAN HỆ TRUNG QUỐC – LÀO TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY

Sau những thăng trầm trong quan hệ hai nước, thế kỷ mới đánh dấu những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện của quan hệ Trung Quốc – Lào trên mọi lĩnh vực. Cũng vì thế, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đang hiện diện ngày một mạnh mẽ tại đất nước triệu voi. Chương 3 của Luận án sẽ đi vào phân tích quan hệ hai nước trên các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, an ninh – quốc phòng, văn hóa – xã hội để thấy rõ những biến đổi trong quan hệ Trung Quốc - Lào từ năm 2000 cho tới nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Quan hệ Trung Quốc – Lào từ năm 2000 đến nay (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)