Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
2.2. Cơ sở lý luận hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người
2.2.1. Tiếp thu tư tưởng giải phóng con người trong tư tưởng truyền thống dân tộc
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, vấn đề con người và giải phóng con người khỏi mọi khổ đau để con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc được đặt ra từ rất sớm. Các triều đại phong kiến, đặc biệt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, đều chú trọng giải quyết vấn đề này.
Với vị trí địa lý nằm ở đầu mối giao lưu với nhiều quốc gia, Việt Nam, ngay từ buổi đầu sơ khai dựng nước, đã trở thành mục tiêu xâm chiếm của nhiều thế lực tham tàn từ các phương kéo đến. Trong lịch sử, có lẽ hiếm thấy quốc gia nào phải chịu nhiều cuộc chiến tranh đến thế. Chỉ tính riêng từ thế kỷ thứ III trước công nguyên cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, Việt Nam đã trải qua hơn 2/3 thời gian phải đối đầu với giặc
ngoại xâm. Trong quá trình đô hộ, kẻ xâm lược không những thực hiện chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo mà còn thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc, đẩy nhân dân vào cảnh đói nghèo, lầm than, bị chà đạp về thể xác, bị vùi dập về tinh thần, làm cho dân tộc đứng trước họa bị thôn tính, bị diệt vong.
Trong hoàn cảnh đó, nhân dân Việt Nam qua các thế hệ đã kiên cường, bất khuất đứng lên đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Nhiều cuộc kháng chiến đã giành được thắng lợi, thoát khỏi sự xâm lược và đô hộ của kẻ thù đi đến
thành lập những chính quyền độc lập, tự chủ. Trong bài Nên học sử ta, tổng kết về
phong trào yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết:
“Đời nào cũng có người anh hùng mưu cao võ giỏi đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc cứu nước.
Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đấy, chiếm nước Tàu và nửa châu Âu, thế mà ba lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập.
Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân.
Thiếu niên như Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên.
Phụ nữ thì có bà Trưng, bà Triệu ra tay khôi phục giang san.
Những vị anh hùng vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở Á Đông” [76, tr. 255].
Và Người kết luận: “Nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng” [74, tr. 98]. Nhưng đất nước được độc lập, chưa chắc người dân đã được hưởng hạnh phúc bởi hạnh phúc đó còn phụ thuộc rất nhiều vào việc giai cấp nắm quyền có đại diện cho quyền lợi của nhân dân hay không, có quan tâm đến đời sống của nhân dân hay không. Cho nên sự nghiệp giải phóng con người không dừng lại sau khi dân tộc đã được giải phóng.
Thời đại Lý - Trần là thời kỳ phát triển nhất trong lịch sử quốc gia phong kiến Việt Nam, là thời kỳ nhà nước phong kiến đạt được nhiều thành công trong quân sự cũng như
kinh tế - xã hội, là thời kỳ nhà nước phong kiến có tinh thần dân tộc, gắn liền với nhân dân, thi hành chính sách thân dân, khoan thư sức dân. Nhờ vậy, đất nước thái bình, đời sống con người tương đối dễ chịu. Nhưng ngay cả ở giai đoạn ấy, tư tưởng truyền thống Việt Nam cũng đặt ra vấn đề làm sao cho con người có được cuộc sống tốt đẹp hơn, được giải thoát khỏi những niềm đau nỗi khổ của cuộc đời, như sinh, lão, bệnh, tử - theo quan điểm của Phật giáo. Tiêu biểu cho cách giải quyết vấn đề này là quan điểm của hai vị vua đời Trần: Trần Thái Tông (1218-1277) và Trần Nhân Tông (1258-1308).
Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đều cho rằng hạnh phúc của con người không ở quyền uy, phú quý, hạnh phúc của con người có thể có được ngay tại trần thế. Theo Trần Thái Tông, con người chỉ có thể vượt qua nỗi khổ của cuộc đời bằng cách phải có thái độ sống tích cực, sống hết mình, sống có ích, không để thời gian trôi đi một cách uổng phí; phải trừ bỏ tham, sân, si, coi tất cả đều là không, giữ cho cái tâm trong sáng, phẳng lặng, không bị ngoại cảnh chi phối ngay tại trần thế. Đến lúc ấy, con người lập tức thành Phật. Còn Trần Nhân Tông nhấn mạnh lý thuyết dấn thân vào cuộc sống hiện thực với tất cả hoạt động bình thường của con người, kể cả hoạt động chính trị góp phần vào công cuộc dựng nước và giữ nước.
Khi đánh giá về vai trò và ảnh hưởng của hai vua Trần với thời đại về vấn đề giải phóng và giải thoát con người, tác giả Lê Sỹ Thắng đã viết:
“Có còn hoàng đế nào khác ngoài Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông vất bỏ tột đỉnh vinh quang, tột đỉnh quyền uy, tột đỉnh phú quý để trở thành tu sĩ sau khi đã giải phóng dân tộc hay không? Nếu có, ắt cũng là trường hợp hãn hữu trong lịch sử mà chúng tôi chưa biết hết. Dầu vậy, chúng tôi tin rằng, khi vất hoàng bào, mặc áo cà sa, ẩn mình trong đỉnh Yên Tử mù sương, xa lánh bụi trần cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, viết sách “Khóa Hư Lục” như Trần Thái Tông, hoặc lập ra phái Thiền Trúc Lâm như Trần Nhân Tông, hai vua Trần đã bộc lộ tư tưởng, theo đó, thì sự nghiệp giải phóng con người không dừng lại sau khi giải phóng dân tộc. Còn phải tiếp tục giải thoát con người khỏi những niềm đau, nỗi khổ khác của cuộc đời, cắt đứt cái nguồn gốc của các niềm đau khổ ấy. Và hạnh phúc con người không ở quyền uy, phú quý” [147, tr. 27].
Sau đời Trần, nền độc lập của dân tộc kéo dài từ sự nghiệp bình Ngô cho đến hết nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy có cuộc xâm lược của nhà Thanh vào cuối thế kỷ XVIII nhưng ngay lập tức bị đội quân của vua Quang Trung đánh tan. Đất nước không bị xâm lăng nhưng chế độ phong kiến Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng sâu sắc. Nhiều nhà cầm quyền xa dân, không quan tâm đến đời sống nhân dân, sa vào lối sống lạm dụng quyền lực, tranh giành quyền bính, ăn chơi, vơ vét cho bản thân. Khi đó cuộc sống con người cũng rất khó khăn, bấp bênh. Họ không những bị vua, địa chủ phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, không những bị nạn đói, nạn dịch, nạn lụt hoành hành khắp nơi, mà còn phải chịu đựng mặt bảo thủ, tiêu cực, nghiệt ngã cố hữu của hệ tư tưởng chính thống mà Nho giáo là nòng cốt (từ thế kỷ XV trở đi) đè nặng lên cuộc sống tinh thần con người. Thông qua lời trình tâu của Nguyễn Trãi với vua Lê về tư tưởng thân dân, dưỡng dân, chúng ta phần nào thấy được thực trạng đời sống nhân dân lúc bấy giờ: “Dám mong bệ hạ rủ lòng thương và chăn nuôi muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng oán sầu”.
Trong hoàn cảnh đó, vấn đề con người, thân phận con người, giải phóng con người đã nổi lên, bùng cháy thành các cuộc khởi nghĩa nông dân, được phản ánh mạnh mẽ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật và tư tưởng. Nhưng dù làm theo cách nào, cuối cùng, những cuộc khởi nghĩa đều bị đàn áp, khủng bố, những tác phẩm văn học chỉ như tiếng khóc của con người, tiếng thở dài của tác giả trước số phận bất hạnh, đau khổ của con người mà không thấy được con đường giải phóng.
Bên cạnh việc biểu thị lòng thương yêu con người sâu đậm, tố cáo mạnh mẽ xã hội đương thời, bênh vực những người bị áp bức, bóc lột, các nhà tư tưởng thời kỳ này còn mong muốn xây dựng ở Việt Nam xã hội lý tưởng, trong đó nước nhà thịnh trị, nhân dân được yên vui, hạnh phúc. Theo Nguyễn Trãi, xã hội lý tưởng là sau khi đánh đuổi sạch quân Minh, vua Lê chớ nên xây dựng lâu đài tráng lệ cho công thần mà phải lo làm sao “cho thôn cùng xóm vắng không còn tiếng oán sầu”. Còn Nguyễn Mộng Tuân mô tả xã hội lý tưởng “Đại hình” thì:
“Người dân trong nước thịnh trị Đến ngao du và ngâm mát
Gió mưa không làm lung lay được Nực rét không làm bế tắc nổi Hình thẳng lấy đạo đức làm đẹp Then chốt lấy nhân nghĩa làm cường”.
Còn Nguyễn Trực thì mô tả xã hội lý tưởng gọi là “Đài xuân”. Nghĩa là: “Dân ở trong nầy yên ổn vui tươi
Vật sinh nơi đó rong chơi thong thả Cày ruộng, đào giếng, mặc ấm, ăn no Già nua lụm cụm mà không thui, không lụi
Ngày làm đêm nghỉ mà không biết nhọc nhằn” [54, tr. 43].
Có thể gọi đây là những phác thảo một dạng chủ nghĩa xã hội không tưởng, nhưng chắc chắn là mạch yêu nước, thương dân truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chính chủ nghĩa yêu nước dạt dào tình nhân ái đó đưa Hồ Chí Minh sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tóm lại, trong hoàn cảnh đất nước độc lập, tự chủ, chế độ phong kiến ở vào giai đoạn hưng thịnh hay khủng hoảng trầm trọng, các nhà tư tưởng xuất phát từ động cơ trong sáng đều muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, mọi người sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc… Tuy nhiên, do đứng trên quan điểm duy tâm, không được soi sáng bởi một hệ tư tưởng cao hơn hệ tư tưởng phong kiến, không đụng chạm đến căn nguyên cơ bản nhất, xâu xa nhất nỗi khổ của con người là cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ phong kiến, cho nên, họ chỉ dừng lại ở lòng thành thật thương yêu nhân dân, ở “chính nghĩa vĩnh hằng”, ở “ý trí muôn thuở”, ở những ước mơ tốt đẹp về một xã hội lý tưởng mà không bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng đây chính là cơ sở nền tảng để Hồ Chí Minh kế tục và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới để giải phóng con người
một cách triệt để. Đúng như lời trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chí Minh: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” [88, tr. 627].