CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.2. Định hướng phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới và các yêu cầu
mang tính nguyên tắc của các khuyến nghị và giải pháp
4.2.1. Định hướng
Ngày 22 tháng 01 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến năm 2030 với quan điểm: “(1) Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; (2) Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; (3) Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; (4) Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (5) Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa,…”.
Đồng thời, nội dung Quyết định đã đưa ra mục tiêu đạt được đến năm 2025: “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều
tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững” với các chỉ tiêu cụ thể về tổng thu từ khách du lịch, số việc làm tạo ra và số lượt khách phục vụ; Và mục tiêu đến năm 2030 “Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid như hiện nay, việc đạt được các mục tiêu nêu trên là một vấn đề khó. Do đó, các cơ quan ban ngành thuộc lĩnh vực du lịch đang ra sức tổ chức các cuộc Hội thảo bàn luận về định hướng phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Cụ thể:
Ngày 11/11/2021, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Tại đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã trình bày, phân tích kết quả phát triển du lịch Hà nội trong giai đoạn 2016-2020 cụ thể theo thời điểm trước và sau khi xảy ra đại dịch Covid 19: Trước đại dịch, các DN du lịch đã đạt được những thành tích đáng kể về lượng khách phục vụ, tổng thu; Tuy nhiên, dịch Covid 19 xảy ra đã làm cho những chỉ số này giảm sâu, đặc biệt trên 90% DN du lịch tạm dừng hoạt động,…Trước tình trạng này, thành phố đã đề xuất những nhiệm vụ, định hướng chính cho kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Và Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã trình bày tham luận về “Định hướng lại thị trường du lịch – Hướng đi mới để phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội trong thời gian tới”: Đối với du lịch nội địa, việc khôi phục hoạt động du lịch phải đi với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, hướng tới mục tiêu phục hồi, thúc đẩy Du lịch phát triển bền vững, an toàn; Các DN lữ hành cần có những thay đổi trong xu hướng chuẩn bị cho chuyến đi, thay đổi hành vi và lựa chọn điểm đến của khách du lịch, … Từ đó, 3 giai đoạn tái khởi động du lịch Hà Nội được đề xuất, gồm có: Giai đoạn 1 là công đoạn tập trung phục hồi thị trường khách du lịch nội địa – nội thành; Giai đoạn 2 tập trung vào vấn đề phát triển bền vững thị trường du lịch nội địa; và Giai đoạn 3 để phục hồi và phát triển thị trường khách du lịch quốc tế; Với thị trường nội địa, cần ưu tiên cung cấp các sản phẩm du lịch cho việc vui chơi, nghỉ dưỡng, stay-cation cho khách nội thành; du lịch MICE kết hợp mua sắm giải trí, du lịch đêm cho khách công vụ và các loại hình du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, sinh thái, du lịch lễ hội, văn hóa-lịch sử cho khách du lịch thuần túy. Về thị trường quốc tế, cần ưu tiên thu hút các thị trường gần và truyền thống (Đông Bắc Á, Đông
Nam Á) trong những giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, sau đó dần dần bao gồm thêm các thị trường xa (Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ) và các thị trường mới (Nam Á, châu Phi, Trung Đông).
Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 4569/KH- BVHTTDL ngày 8/12/2021 về việc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2030. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch (số 374/KH-UBND) phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh; Đà Lạt (Lâm Đồng): Giải pháp phát triển du lịch bền vững trong tình hình mới; … Tình hình này đã đặt lên vai các DN lữ hành một trách nhiệm to lớn, các DN lữ hành cần kết hợp với các Sở du lịch, Hiệp hội lữ hành để xây dựng, tổ chức các chương trình du lịch mới – du lịch xanh, kết nối khách du lịch với các điểm đến để du lịch dần trở lại trạng thái bình thường mới, giúp phục hồi sức khỏe tài chính cho DN lữ hành nói riêng, ngành du lịch nói chung.
4.2.2. Các yêu cầu mang tính nguyên tắc
Để hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả của thực hiện KTQT với việc đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt nam, các yêu cầu mang tính nguyên tắc cơ bản được xác định là:
* Thứ nhất: Các yêu cầu mang tính nguyên tắc cần đảm bảo khi đề xuất hệ
thống chỉ số đánh giá cho các DN lữ hành Việt nam:
Một là, việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá cầnđảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
Theo quy định, Tổng cục du lịch Việt nam yêu cầu các cơ sở, DN hoạt động du lịch (trong đó có DN lữ hành) báo cáo Kết quả kinh doanh cơ sở hàng tháng về Số lượt khách phục vụ (bao gồm Khách du lịch quốc tế đến, Khách du lịch nội địa, Khách Việt nam du lịch nước ngoài); Doanh thu lữ hành tương ứng các đối tượng khách; và tổng số lao động trực tiếp hoạt động du lịch của cơ sở. Do đó, kế toán cần sử dụng các chỉ số để cung cấp được các thông tin này.
Hai là, việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá cần phù hợp với nhu cầu thông tin của nhà quản lý DN, mục tiêu, chiến lược kinh doanh của DN. Điều này rất quan trọng vì nếu kế toán không lựa chọn áp dụng các chỉ số đánh giá phù hợp với mục tiêu, chiến lược kinh doanh của DN thì nhà quản lý sẽ không có được thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu hay đang ở giai đoạn nào của việc thực hiện chiến lược kinh doanh mà DN đã đặt ra.
Ba là, việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá cần dựa trên tiêu chí xét giải thưởng cho các DN hàng năm.
Hàng năm, TW Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam ASEAN, Viện nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Á sẽ kết hợp với Phòng Thương Mại Quốc tế và Đại sứ quán Việt Nam của một số quốc gia sẽ đồng tổ chức Diễn đàn kinh tế ASEAN và Lễ trao giải ASEAN AWARD cho các DN tiêu biểu ASEAN. Các tổ chức này đều công bố công khai các tiêu chí xét giải thưởng để các DN nói chung, DN lữ hành nói riêng tham gia xét giải. Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt nam, Hiệp hội du lịch Việt nam cũng tổ chức các giải thưởng dành cho các DN Du lịch Việt nam (các tiêu chí được liệt kê trong Phụ lục 18). Do đó, các DN lữ hành cần dựa trên các tiêu chí này khi xác lập hệ thống các chỉ số đánh giá cho DN mình.
Bốn là, việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phải đảm bảo phản ánh được toàn bộ kết quả của các hoạt động trong DN, các chỉ số đánh giá phải có mối liên hệ với nhau trong hệ thống. Vì HQHĐ của các khía cạnh khác nhau có mối liên hệ mật thiết với nhau, thành công của khía cạnh này có thể là nguyên nhân dẫn đến kết quả của khía cạnh khác.
Năm là, việc lựa chọn các chỉ số đánh giá cần đảm bảo dễ sử dụng và có thể đo lường được một cách rõ ràng. Tiêu chí này cũng khá quan trọng, nó đảm bảo cho việc tính toán các chỉ số một cách thuận lợi, nhằm cung cấp đủ thông tin cho việc đánh giá HQHĐ của DN theo yêu cầu của nhà quản lý và các bên liên quan.
* Thứ hai: Các yêu cầu mang tính nguyên tắc cần đảm bảo khi đưa ra các giải pháp liên quan đến việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về HQHĐ của DN.
Một là, các giải pháp hoàn thiện cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy mô, nguồn lực của DN (nguồn lực tài chính, nhân sự, công nghệ thông tin, văn hóa DN,...). Tức các giải pháp đưa ra cần đảm bảo phù hợp với quy mô, đặc điểm kinh doanh của DN lữ hành, điều kiện hiện có về nguồn lực của DN, để DN có thể áp dụng được trong thời gian ngắn hoặc có khả năng sẽ áp dụng được trong tương lai gần; Giải pháp cần cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của bộ phận/phòng ban có liên quan khi thực hiện công việc.
Hai là, các giải pháp hoàn thiện cần đảm bảo tính tiết kiệm và hiệu quả. Vì để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của DN thì các DN lữ hành cần phải đầu tư thêm về nhân lực và phương tiện kỹ thuật. Điều này có thể sẽ phát sinh một khoản chi phí cố định ban đầu để cải thiện, nâng cao chất lượng hệ
thống CNTT trong DN để đảm bảo cho quá trình thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin được thuận tiện và có tính bảo mật cao. Tuy nhiên, các DN lữ hành cần cân nhắc chi phí bỏ ra với lợi ích thu được để lựa chọn phương án thay đổi tối ưu nhất, đảm bảo vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
Ba là, các giải pháp hoàn thiện cần đảm bảo tính kế thừa, tức nội dung thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt nam không nhất thiết phải xây dựng mới hoàn toàn mà cần kế thừa kinh nghiệm từ một số DN lữ hành đã thực hiện tốt, sau đó đề xuất chọn lọc, vận dụng phù hợp với đặc điểm của DN.