Các khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 37 - 40)

8. Kết cấu của luận án

1.2.1. Các khái niệm cơ bản

Cho đến nay, đã có rất nhiều khái niệm khác nhau về “Hiệu quả hoạt động”. Ban đầu, các phát biểu thường gắn với “Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh” (còn gọi tắt là Hiệu quả kinh doanh): “HQHĐ sản xuất kinh doanh là kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, là doanh thu tiêu thụ hàng hóa” (Smith, 1997). Khái niệm này cho thấy “hiệu quả” đồng nghĩa với “kết quả”. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng nếu cùng một kết quả đạt được (doanh thu thu được) nhưng chi phí bỏ ra khác nhau thì không

thể coi là có cùng hiệu quả. Do đó, Marshall (1920) đã phát biểu rằng “Hiệu quả hoạt động kinh doanh là quan hệ tỷ lệ giữa phần tăng thêm của kết quả và phần tăng thêm của chi phí” (Diệp Tố Uyên, 2009). Phát biểu này cho thấy hiệu quả được xem xét trong quan hệ so sánh tương đối giữa kết quả tăng thêm và chi phí tăng thêm.

Phát triển theo quan điểm này, Nguyễn Thành Độ (2008), Nguyễn Văn Công (2009), Nguyễn Ngọc Quang (2011) đều cho rằng “Thực chất của HQKD là sự so sánh giữa các kết quả đầu ra với các yếu tố đầu vào của một tổ chức kinh tế được xét trong một kỳ nhất định, tùy theo yêu cầu của các nhà quản trị kinh doanh”. Theo đó, HQKD được xác định theo công thức:

Hiệu quả kinh doanh = Kết quả đầu ra Yếu tố đầu vào

Trong đó, các chỉ tiêu kết quả đầu ra bao gồm: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, LNST; Các chỉ tiêu yếu tố đầu vào như Tổng tài sản bình quân, Tổng tài sản dài hạn bình quân, Tổng tài sản ngắn hạn bình quân và Tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Kết quả của chỉ tiêu HQKD theo công thức trên cho biết cứ một đồng chi phí đầu vào thì tạo ra bao nhiêu đồng kết quả đầu ra trong một kỳ kinh doanh, do đó, kết quả của chỉ tiêu này càng lớn thì càng chứng tỏ HQKD càng cao. Như vậy, theo cách tiếp cận này, nhà quản lý DN chỉ biết được hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn vốn, chi phí sau một kỳ kinh doanh nhất định, mà không đánh giá được hiệu quả của tất cả các hoạt động DN đã thực hiện trong kỳ. Nói cách khác, HQKD chỉ phản ánh được hiệu quả tài chính của DN, chưa phản ánh được hiệu quả phi tài chính.

Nhằm phản ánh được HQHĐ tổng thể toàn DN, các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các quan điểm khác nhau về “Hiệu quả hoạt động”:

Năm 2009, Diệp Tố Uyên đã phát biểu rằng: “HQHĐ của DN là một phạm trù kinh tế, phản ánh khả năng tiến tới mục tiêu chung là kết quả cao nhất với chi phí thấp nhất, thông qua việc sử dụng nguồn lực thực tế và khai thác tối đa lợi ích các nguồn lực tiềm năng. HQHĐ của DN là một quá trình kết nối nhân quả, hiệu quả tổng thể được tạo ra từ HQHĐ của các bộ phận gắn với quá trình SXKD của DN” (Diệp Tố Uyên, 2009). Theo quan điểm này, tác giả tổng hợp, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá HQHĐ bao gồm nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ cung cấp đầu vào (hiệu quả cung cấp NVL về chất lượng, hiệu quả cung cấp về chủng loại NVL,..), nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ SXKD (hiệu quả sử dụng NVL, lao động và tư liệu lao động trong hoạt động sản xuất), nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ tiêu thụ (tỷ suất doanh thu

thuần so với chi phí, tỷ suất hiệu quả của giá vốn hàng bán, tỷ suất hiệu quả của chi phí bán hàng,…) và nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ tổng thể (khả năng sinh lời, hiệu suất sử dụng, hiệu năng hoạt động, giá trị gia tăng của DN, đóng góp của DN với Nhà nước thông qua các loại thuế phải nộp). Như vậy, cách tiếp cận này của tác giả mới chỉ phản ánh được bản chất HQHĐ tài chính của DN sau một kỳ kinh doanh, chưa đề cập đến những HQHĐ phi tài chính.

Cũng trong năm 2009, Vũ Thùy Dương đã phát biểu rằng: “HQHĐ là giá trị tạo ra, bao gồm cả giá trị tài chính và giá trị phi tài chính” (Vũ Thùy Dương, 2009). Do đó, để đánh giá HQHĐ một cách chính xác và toàn diện thì đòi hỏi DN phải có một hệ thống chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Quan điểm này không đề cập đến sự so sánh kết quả đầu ra với yếu tố đầu vào mà quan tâm đến “giá trị tạo ra” của DN, bao gồm cả giá trị tài chính và giá trị phi tài chính.

Tiếp sau đó, năm 2015, trong nghiên cứu về hệ thống chỉ tiêu đánh giá HQHĐ tại các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bình định, Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: “HQHĐ là một phạm trù phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực của DN vào hoạt động kinh doanh sao cho hao phí nguồn lực, tài lực là thấp nhất với lợi ích mang lại là cao nhất; lợi ích mang lại bao gồm lợi ích cho bản thân DN và lợi ích cho cả xã hội” (Nguyễn Ngọc Tiến, 2015). Theo quan điểm này, HQHĐ biểu hiện thông qua việc so sánh giữa nguồn lực, tài lực bỏ ra với lợi ích thu được (thông qua hệ thống chỉ tiêu phản ánh hiệu suất và hiệu năng sử dụng nguồn lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của các nguồn lực đó). Bên cạnh HQHĐ tài chính, quan điểm này đã đề cập đến HQHĐ khía cạnh phi tài chính (hiệu quả xã hội).

Như vậy, có rất nhiều khái niệm khác nhau về HQKD và HQHĐ, nhưng chưa có khái niệm nào đề cập đến việc xác định “tính hiệu quả” của các hoạt động mà DN đã thực hiện và đạt được trong kỳ. Theo Nguyễn Văn Tạo (2004): “HQHĐ không chỉ là sự so sánh giữa chi phí đầu vào và kết quả đầu ra, HQHĐ còn được hiểu là việc hoàn thành mục tiêu, nếu không đạt được mục tiêu thì không thể có hiệu quả và để hoàn thành mục tiêu, DN cần phải sử dụng nguồn lực như thế nào”. Do đó, theo quan điểm của NCS:

HQKD là phạm trù phản ánh hiệu quả của hoạt động kinh doanh của DN sau một kỳ kinh doanh nhất định, nó được đo lường bởi các chỉ số tài chính phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố đầu vào với kết quả đầu ra;

HQHĐ là một phạm trù phản ánh mức độ hoàn thành mục tiêu của nhà quản lý ở tất cả các hoạt động mà DN đã thực hiện trong kỳ; Nó được đánh giá

thông qua việc so sánh kết quả của các chỉ số tài chính và phi tài chính với mục tiêu đặt ra. Trong đó: Mục tiêu mà nhà quản lý DN đặt ra có thể là một con số cụ thể

gắn với từng chỉ số đánh giá (ví dụ: Hệ số sức sản xuất kinh doanh của một loại sản phẩm/dịch vụ phải là 1,5 hoặc Mức độ hài lòng của khách hàng phải đạt ở mức 4/5), hoặc tăng bao nhiêu % so với cùng kỳ năm trước (ví dụ: Tỷ lệ doanh thu sản phẩm A/Tổng doanh thu kỳ này phải tăng 10% so với kỳ trước), hoặc đạt tối thiểu 80% so với DN hoạt động tốt nhất trong ngành, hoặc mục tiêu hoạt động cụ thể khác.

Xuất phát từ khái niệm “HQHĐ” nêu trên, có thể rút ra được nội dung đánh giá HQHĐ của DN bao gồm: Xác lập hệ thống chỉ số đánh giá; Xác định sở dữ liệu cần thu thập để tính toán các chỉ số; Phương pháp đánh giá HQHĐ; Và cung cấp thông tin về HQHĐ. Đánh giá HQHĐ cũng là một nội dung của KTQT, do đó, trong các mục tiếp theo của luận án sẽ trình bày các nội dung về “các chỉ số đánh giá” và “KTQT với việc đánh giá HQHĐ của DN”.

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)