CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3. Thiết kế nghiên cứu định lượng
2.3.1. Thiết kế phiếu điều tra
Phiếu điều tra được thiết kế như sau: Đầu tiên là nêu lý do thực hiện xin ý kiến vào Phiếu điều tra này và cam kết thông tin về đơn vị khảo sát sẽ được bảo mật; Tiếp đến là Phần I: “Thông tin cơ bản về người điền phiếu và DN”; Phần II: “Thực trạng KTQT với việc đánh giá HQHĐ trong các DN lữ hành Việt nam”; Phần III: “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ trong các DN lữ hành Việt nam” (Phụ lục số 05).
Câu trả lời cho các câu hỏi trong các phần này sẽ được đo lường thông qua việc sử dụng các thang đo. Thang điểm là một công cụ đo lường có thể được sử dụng để đo lường một câu hỏi với một số lượng kết quả được xác định trước (Hair và cộng sự, 2007). Có năm thang đo: định danh (nominal), nhị phân (binary), thứ tự (ordinal), khoảng (interval) và tỷ lệ (ratio). Để phục vụ cho luận án, NCS đã sử dụng ba trong
năm loại thang đo trên để thiết kế bảng câu hỏi, đó là: Thang đo định danh, thang đo nhị phân và thang đo thứ tự.
Thang đo định danh giúp xác định và phân loại một số đặc điểm của người trả lời (Hair và cộng sự, 2007). Thang đo này sẽ chủ yếu được sử dụng để đo lường hồ sơ của các DN (Các câu hỏi trong Phần I của Bảng hỏi).
Thang đo nhị phân là thang đo có hai loại, một loại cho các trường hợp sở hữu một đặc tính và một loại cho những trường hợp “Có/Không” (Kent, 2001). Thang đo này sẽ được sử dụng cho các câu hỏi “Có/Không” trong bảng hỏi.
Thang đo thứ tự được sử dụng để đo lường các khái niệm như thái độ, nhận thức, cảm xúc, ý kiến và giá trị thông qua việc sử dụng các thang đánh giá (Hair và cộng sự, 2007) và sẽ giúp xác định thứ tự mức độ của sự khác biệt trong mỗi biến (Sekaran, 2004). Thang đo thứ tự có thể được tạo điều kiện thuận lợi với việc sử dụng thang đánh giá tổng hợp hoặc thang đo Likert. Các thang điểm tổng hợp thường sử dụng thang điểm năm hoặc bảy điểm để đánh giá mức độ đồng ý về một nhóm phát biểu. Khi thang điểm cho tất cả các báo cáo được tổng hợp, nó được gọi là thang điểm đánh giá tổng hợp. Khi thang đo được sử dụng riêng lẻ, nó được gọi là thang đo Likert (Hair và cộng sự, 2007). Việc sử dụng thang điểm năm phù hợp với các nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực KTQT, ví dụ như nghiên cứu của Hoque và James (2000); Hoque (2004); và Abdel và Luther (2008). Để đạt mục đích của nghiên cứu này, thang đo Likert năm điểm sẽ được sử dụng để đo lường mức độ sử dụng từng chỉ số đánh giá, tầm quan trọng của các chỉ số đánh giá trong các DN lữ hành (trong Phần II của bảng hỏi); Và dùng để đo lường mức độ ảnh hưởng của từng biến quan sát đến biến phụ thuộc theo quan điểm của người trả lời (trong Phần III của bảng hỏi).
Các câu hỏi về mức độ sử dụng và tầm quan trọng của các chỉ số đánh giá (NCS xây dựng các chỉ số này dựa trên Bảng tổng hợp các chỉ số đánh giá đã được các học giả nghiên cứu ứng dụng trong các DN nói chung – Bảng 1.1, và các chỉ số gắn với DN lữ hành mà NCS thu thập, xây dựng sau kết quả phỏng vấn chuyên gia) được nhóm lại theo các khía cạnh: Tài chính, Khách hàng, Quy trình kinh doanh nội bộ, Học hỏi và phát triển, Trách nhiệm của DN với cộng đồng địa phương như Bảng 2.1 – Phụ lục 04.
Các câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN lữ hành Việt nam được phân chia thành 8 nhóm yếu tố: Quy mô DN, Nhận thức của nhà quản lý các cấp về tính hữu ích của KTQT trong việc đánh giá HQHĐ của DN, Cam kết của nhà quản lý cấp cao, Văn hóa DN, Chiến
lược kinh doanh, Trình độ của nhân viên kế toán, Hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu, Mức độ cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, trong Phiếu điều tra, NCS đã sử dụng một câu hỏi để nhằm mục đích kiểm tra sự trung thực, sự chú tâm của người được hỏi khi trả lời phiếu, đó là: Doanh nghiệp ông/bà có thực hiện đánh giá HQHĐ không? Và đưa ra 02 lựa chọn: ☐Có (Nếu “Có”, ông/bà vui lòng trả lời các câu hỏi tiếp theo); ☐Không (Nếu “không”, ông/bà vui lòng dừng khảo sát). Đồng thời, khi thiết kế Phiếu điều tra trên Googleform, nghiên cứu sinh không cài đặt chế độ “bắt buộc trả lời câu hỏi trước mới được trả lời câu hỏi sau” nên cho dù người điền phiếu có tích vào ô “Không” thì vẫn có thể trả lời các câu tiếp theo của Bảng hỏi; Như vậy, những Phiếu phản hồi mà rơi vào trường hợp này sẽ được loại bỏ vì xác nhận được ngay là Phiếu không đảm bảo chất lượng.
Phiếu điều tra được thiết kế trên file word và dạng biểu mẫu online qua link https://docs.google.com/ để thuận tiện cho nhiều hình thức phát phiếu đến đối tượng khảo sát.
Kiểm tra tính rõ ràng, dễ hiểu của các câu hỏi trong Phiếu điều tra : NCS đã tiến hành gửi trước Phiếu khảo sát (Phiếu điều tra sơ bộ - Phụ lục 05a) qua email cho Giám đốc DN, Kế toán trưởng hoặc Kế toán tổng hợp để họ đọc, nghiên cứu trước. Sau đó, xin lịch hẹn để trao đổi trực tiếp với họ về từng câu hỏi. Sau lượt trao đổi thứ nhất với 3 chuyên gia, NCS phát hiện những từ ngữ, cách diễn đạt một số câu hỏi mà các chuyên gia đều cho rằng chưa rõ ràng, dễ hiểu, cần sửa đổi và chú thích thêm vào câu hỏi. Trên cơ sở đó, NCS tiến hành chỉnh sửa theo ý kiến chuyên gia. Bảng hỏi đã được chỉnh sửa lại tiếp tục được gửi đến cho một số Giám đốc DN, Kế toán trưởng hoặc Kế toán tổng hợp để nhờ học đọc, trả lời phiếu và đánh dấu những câu hỏi mà khiến họ thấy khó hiểu. Quy trình này được thực hiện lặp đi lặp lại một số lần, cho đến lần thứ ba thì tất cả người được khảo sát đều cảm thấy có thể hiểu rõ ý của câu hỏi và dễ dàng trả lời theo quan điểm của họ.
Điều tra thử: Sau khi đã kiểm tra tính rõ ràng, dễ hiểu của các câu hỏi đối với người được khảo sát, NCS tiến hành phát Phiếu khảo sát thử, gửi 40 Phiếu điều tra đến những người thuộc đối tượng khảo sát. Sau 2 tuần, NCS đã thu lại được đầy đủ các Phiếu trả lời, tiến hành sàng lọc Phiếu để loại bỏ những Phiếu chưa điền đầy đủ thông tin, hoặc không đảm bảo chất lượng (dựa trên cách kiểm tra câu hỏi “gài bẫy” nêu trên). Bốn mươi phiếu phản hồi đều đảm bảo chất lượng (tất cả các câu hỏi trong Phiếu điều tra đều được trả lời, tức đảm bảo thu được dữ liệu khảo sát diện rộng về
việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ trong thực tế các DN lữ hành Việt nam);
Đối với dữ liệu thu được từ phần III về các yếu tố ảnh hưởng, NCS đưa vào phần mềm để kiểm tra sơ bộ độ tin cậy của thang đo, kiểm tra tính nhất quán của các biến quan sát trong cùng một yếu tố. Một phép thử tiêu chuẩn về tính nhất quán của các biến quan sát của một biến độc lập là hệ số Cronbach’s Alpha. Giá trị Cronbach Alpha nằm trong khoảng từ 0 – 1.0. Trong hầu hết các trường hợp, giá trị ít nhất phải là 0.70 hoặc cao hơn mặc dù có thể chấp nhận giá trị từ 0.60 đến 0.70. Nếu một biến độc lập có giá trị Cronbach’s Alpha thấp, có thể xem thêm giá trị của cột “scale if item deleted”, để xem nếu loại đi một biến quan sát nào đó có làm cho giá trị Cronbach’s Alpha tăng lên hay không. Vì các thang đo được sử dụng để đo lường các biến độc lập trong mô hình này được kế thừa của các nghiên cứu trước đây và là kết quả của phỏng vấn chuyên gia nên hệ số Cronbach’s Alpha của các biến đều lớn hơn 0.6, thể hiện tính nhất quán của các biến quan sát trong cùng một yếu tố, do đó chúng đều không bị loại khỏi mô hình nghiên cứu.
Sau bước kiểm tra tính rõ ràng, dễ hiểu của các câu hỏi trong Phiếu điều tra và điều tra thử, NCS tiến hành khảo sát diện rộng (theo Phiếu khảo sát chính thức – Phụ lục 05b) để tiếp tục thu thập dữ liệu phục vụ cho việc trả lời các câu hỏi nghiên cứu.