8. Kết cấu của luận án
1.2.2. Các chỉ số đánh giá
Các chỉ số đánh giá bao gồm chỉ số tài chính và chỉ số phi tài chính.
* Các chỉ số tài chính
Chỉ số tài chính là những chỉ số phản ánh HQHĐ của DN trên khía cạnh tài chính. Các chỉ số tài chính được xem là công cụ để quản lý tài chính, báo cáo cho các bên liên quan bên ngoài (cổ đông, nhà cung cấp và chủ nợ) và để thúc đẩy, kiểm soát hoạt động của các nhà quản lý và nhân viên (Otley, 2007). Do đó, chúng được các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực kế toán chú trọng nhiều hơn khi đánh giá HQHĐ của DN trên khía cạnh tài chính (Kaplan & Norton, 1992; Atkinson và cộng sự 1997; Henri, 2004; Halabi và cộng sự, 2010; Blackburn và cộng sự, 2013; Gerba & Viswanadham, 2016; Maduekwe & Kamala, 2016).
Một trong những chỉ số tài chính truyền thống là Khả năng sinh lời. Người ta có thể đo lường khả năng sinh lời trên chi phí đầu tư (Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư - ROI), trên tài sản (Tỷ suất sinh lời trên tài sản - ROA) hoặc vốn chủ sở hữu (Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu). Trong đó, khả năng sinh lời có thể được đo lường bằng thu nhập trước lãi vay và thuế; lợi nhuận sau lãi nhưng trước thuế hoặc lợi nhuận sau thuế (Otley, 2007; Hegazy M. & Hegazy S., 2012; Williams & O'Donovan, 2015). Khả năng sinh lời có thể được biểu thị bằng tỷ số giữa lợi nhuận trên vốn sử dụng, trong đó vốn sử dụng có thể chỉ là vốn chủ sở hữu của cổ đông hoặc tổng vốn được sử dụng trong doanh nghiệp (bao gồm cả vốn chủ sở hữu và nợ phải trả) (Otley, 2007; Wu, 2009). Lợi nhuận trước lãi vay và thuế chia cho tổng vốn sử dụng nếu mục tiêu là đánh giá tình hình sử dụng
nguồn lực tài chính của toàn DN, còn lợi nhuận sau thuế chia cho tổng vốn chủ sở hữu để đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ cổ đông (Otley, 2007; Correia C. và cộng sự, 2013).
Bên cạnh các chỉ số phản ánh khả năng sinh lời, còn có các chỉ số tài chính truyền thống khác (như Tăng trưởng doanh thu, Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) (Fernandes và Prado, 2007); Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh, Lợi nhuận sau thuế và Doanh thu đạt được (Philips, Louvieris 2005); Tỷ suất lợi nhuận bán hàng và vòng quay hàng tồn kho (Cardinaels và Veen-Dirks, 2010) và Tăng trưởng doanh thu (Craig và Moores, 2005), và các chỉ số tài chính đặc thù của DN sản xuất (chi phí đơn vị và giá trị kinh tế gia tăng - Fernandes và Prado, 2007), của công ty du lịch đạt được (tỷ lệ phòng bán được và doanh thu trên mỗi phòng có sẵn - Philips, Louvieris, 2005), của một DN kinh doanh thời trang (tăng trưởng doanh số trên mỗi cửa hàng và tỷ lệ phần trăm doanh thu từ các cửa hàng mới – Cardinaels và Veen-Dirks, 2010).
Các chỉ số tài chính cho phép các nhà quản lý tài chính giám sát chặt chẽ HQHĐ tài chính của DN so với các đối thủ cạnh tranh hoặc các tiêu chuẩn đặt ra trước của chính DN (Otley, 2007). Tuy nhiên, điều rõ ràng là, từ các nghiên cứu về vai trò của các chỉ số tài chính trong quản lý tài chính là không có một bộ chỉ số nào đưa ra bức tranh toàn cảnh về HQHĐ của DN (Al-Matari và cộng sự, 2014; Gerba & Viswanadham, 2016). Các chỉ số tài chính nên được sử dụng kết hợp để bao quát các khía cạnh khác nhau nhằm đánh giá HQHĐ tổng thể toàn DN (Otley, 2007, Simpson và cộng sự, 2012).
Mặc dù các chỉ số tài chính rất phổ biến, nhưng chúng đã nhận được nhiều chỉ trích. Những chỉ số này bị chỉ trích vì phản ánh HQHĐ trong quá khứ hơn là dự đoán HQHĐ trong tương lai (Otley, 2007; Kaplan & Norton, 1992), nói cách khác, chúng chỉ phục vụ cho việc đánh giá HQHĐ tài chính, chứ chưa phản ánh được HQHĐ tổng thể của DN. Henri (2004) đưa ra tóm tắt sau đây về những hạn chế của các chỉ số tài chính: Chúng quá lịch sử và tập trung vào quá khứ; Chúng không thể dự đoán và giải thích HQHĐ trong tương lai; Hệ thống khen thưởng của DN tập trung vào HQHĐ ngắn hạn; DN có thể thưởng cho hành vi không phù hợp; Một quyết định không thể được thực hiện dựa trên các chỉ số tài chính; Chúng không đưa ra tín hiệu kịp thời; chúng quá tổng hợp và tóm tắt đến mức có thể không đưa ra hướng dẫn có ý nghĩa cho các nhà quản lý; Chúng không đưa ra hướng dẫn đầy đủ để đánh giá tài sản vô hình. Tức chúng không đáp ứng được mục đích, vai trò của KTQT là phục vụ cho việc ra quyết định và tạo ra giá trị cho DN. Những hạn chế này của các chỉ số tài chính đã dẫn đến việc sử dụng các chỉ số phi tài chính được cho là cơ sở tốt hơn để dự đoán HQHĐ trong tương lai (Otley, 2007; Gallani và cộng sự, 2015).
Như vậy, có thể hiểu các chỉ số tài chính là những chỉ số được sử dụng để đánh giá HQHĐ của DN trên khía cạnh tài chính, được đo lường dựa trên dữ liệu từ các sổ kế toán. Các chỉ số tài chính thường bao gồm: Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế, Tỷ lệ doanh thu từ các cửa hàng/sản phẩm mới, ROI, ROE, ROA, …và những chỉ số phù hợp với đặc thù từng loại hình DN.
* Các chỉ số phi tài chính
Chỉ số phi tài chính là những chỉ số phản ánh HQHĐ của DN trên các khía cạnh khác, ngoài khía cạnh tài chính, chúng được đo lường dựa trên các dữ liệu bên ngoài sổ kế toán. Các chỉ số phi tài chính được sử dụng nhiều trong mô hình thẻ điểm cân bằng (BSC), lăng kính thành quả như mức độ hài lòng của khách hàng, mức độ phàn nàn/khiếu nại của khách hàng về sản phẩm, số lần mua hàng lặp lại của khách hàng, số lượng khách hàng thường xuyên bị mất trong mỗi khoảng thời gian xác định, số lượng khách hàng mới do được khách hàng khác giới thiệu đến DN, số năm một khách hàng đã mua hàng của DN, số sản phẩm mới được đưa vào thị trường trong một thời kỳ nhất định, số lượng sản phẩm mới được cung cấp trong bao bì mới của DN được thiết kế riêng, số khóa học ngắn hạn cho nhân viên, số lần công ty bị cơ quan thuế phạt, số việc làm cho dân tộc thiểu số, …
So với các chỉ số tài chính, chỉ số phi tài chính mang lại ba lợi thế sau:
Thứ nhất: Nó tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn với các chiến lược dài hạn của DN. Nếu như các chỉ số tài chính thường tập trung vào đánh giá HQHĐ hàng năm hoặc ngắn hạn dựa trên các con số kế toán; Chúng không giải quyết được những vấn đề liên quan đến yêu cầu của khách hàng hoặc đối thủ cạnh tranh, cũng như các mục tiêu phi tài chính khác có thể quan trọng trong việc đạt được lợi nhuận, sức mạnh cạnh tranh và các mục tiêu chiến lược dài hạn; Thì việc bổ sung các chỉ số với dữ liệu phi tài chính về thành quả chiến lược và việc thực hiện các kế hoạch chiến lược, các DN có thể truyền đạt các mục tiêu và cung cấp các động lực cho các nhà quản lý để giải quyết chiến lược dài hạn.
Thứ hai, các chỉ số phi tài chính có thể cung cấp thông tin định lượng về tài sản vô hình của DN. Những người chỉ trích các chỉ số truyền thống cho rằng yếu tố thúc đẩy sự thành công của DN là “tài sản vô hình” như vốn tri thức và lòng trung thành của khách hàng, chứ không phải là “tài sản hiện có” được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Mặc dù rất khó để định lượng tài sản vô hình về mặt tài chính, nhưng những chỉ số phi tài chính có thể cung cấp thông tin định lượng về tài sản vô hình của DN. Chẳng hạn như chỉ số “Mức độ hài lòng của khách hàng”, “Số phàn nàn/khiếu
nại của khách hàng”, hay “Tỷ lệ khách hàng tiếp tục ký hợp đồng/mua sản phẩm của DN”, …sẽ là cơ sở để định lượng “Lòng trung thành của khách hàng” và cũng là cơ sở để dự báo HQHĐ tài chính trong tương lai.
Thứ ba, các chỉ số phi tài chính có thể là những chỉ số dự báo tốt hơn về HQHĐ tài chính trong tương lai. Lấy ví dụ, chi phí bỏ ra cho hoạt động nghiên cứu và phát triển hoặc các chính sách mới về chăm sóc khách hàng: Theo các quy tắc kế toán, chi phí nghiên cứu và phát triển và chi phí tiếp thị phải được tính trong kỳ chúng phát sinh, do đó làm giảm lợi nhuận. Nhưng nếu nghiên cứu thành công hay các chính sách chăm sóc khách hàng mới đã khiến khách hàng hài lòng, sẽ cải thiện lợi nhuận trong tương lai. Với trường hợp này, nếu sử dụng các chỉ số tài chính để đánh giá HQHĐ của DN trong kỳ thì có thể không thu được lợi ích như mong muốn, nhưng nó lại có thể mang lại HQHĐ tài chính trong tương lai bởi lòng trung thành của khách hàng hay thu hút được số lượng khách hàng lớn. Nói cách khác, dữ liệu phi tài chính có thể cung cấp mối liên hệ còn thiếu giữa các hoạt động có lợi này với kết quả tài chính.
Mặc dù các chỉ số phi tài chính có nhiều ưu điểm, nhưng chúng cũng tồn tại
một số hạn chế, đó là:
Thứ nhất: Không giống như các chỉ số tài chính được đo lường bằng đơn vị tiền tệ, số liệu phi tài chính được đo lường theo nhiều cách, không có mẫu số chung. Do đó, thực hiện sự cân bằng giữa các thuộc tính là vô cùng khó khăn khi một số chỉ số được tính theo đơn vị thời gian, một số chỉ số tính theo số lượng hoặc tỷ lệ phần trăm và một số theo cách tùy ý.
Thứ hai: Các chỉ số phi tài chính thiếu độ tin cậy thống kê. Trong một số trường hợp, kết quả của chỉ số phi tài chính không phản ánh đúng bản chất của sự việc mà nó muốn đại diện, do cách thức đo lường chưa phù hợp. Chẳng hạn, trường hợp đo lường “Mức độ hài lòng của khách hàng”, nếu DN chỉ khảo sát một số lượng nhỏ khách hàng trong tổng số khách hàng của DN hoặc chỉ khảo sát với ít câu hỏi thì khi đó, kết quả mà chỉ số phi tài chính “Mức độ hài lòng của khách hàng” cung cấp thiếu độ tin cậy thống kê, làm giảm khả năng dự đoán HQHĐ tài chính trong tương lai.
Thứ ba: Mặc dù các chỉ số tài chính không có khả năng phản ánh HQHĐ tổng thể toàn DN nhưng việc sử dụng một hệ thống đánh giá HQHĐ với quá nhiều chỉ số có thể dẫn đến “sự phân rã đo lường” (“measurement disintegration”). Điều này xảy ra khi sự dư thừa của các chỉ số, làm giảm tác dụng của quá trình đo lường, đánh giá. Các nhà quản lý theo đuổi đồng thời nhiều chỉ số khác nhau, trong khi có thể không thu được nhiều yếu tố thúc đẩy sự thành công cho DN trong tương lai.
Như vậy, có thể hiểu chỉ số phi tài chính là những chỉ số được sử dụng để đánh giá HQHĐ của DN trên nhiều khía cạnh khác, ngoài khía cạnh tài chính và chúng được đo lường dựa trên các dữ liệu bên ngoài sổ kế toán. Do đó, đơn vị tính của các chỉ số phi tài chính có thể là lượng thời gian, số lượng, phần trăm, …Việc đo lường cần đảm độ tin cậy thống kê, để duy trì và phát huy khả năng dự báo hiệu quả tài chính tương lai của nó. Khi lựa sử dụng các chỉ số phi tài chính, DN cần lưu ý là: Mặc dù các chỉ số phi tài chính ngày càng quan trọng trong việc đánh giá HQHĐ, làm cơ sở cho việc ra quyết định, nhưng các DN không nên chỉ sao chép các chỉ số đã được DN khác sử dụng; Việc lựa chọn các chỉ số phải được liên kết với các yếu tố như chiến lược DN, các yếu tố thúc đẩy việc tạo ra giá trị, mục tiêu của tổ chức và môi trường cạnh tranh; Và đảm bảo mối quan hệ nhân quả, hướng tới mục tiêu cuối cùng là hiệu quả tài chính của DN. Ngoài ra, các DN nên lưu ý rằng việc đánh giá HQHĐ là một quá trình năng động - các chỉ số có thể phù hợp ngày nay, nhưng hệ thống cần được liên tục đánh giá lại khi các chiến lược và môi trường cạnh tranh thay đổi.