Lý thuyết nền tảng

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 63 - 66)

8. Kết cấu của luận án

1.4.1. Lý thuyết nền tảng

Trên cơ sở đối tượng nghiên cứu là các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của DN, NCS sử dụng các lý thuyết nền tảng như lý thuyết tình huống của Lawrence và Lorsch (1967), lý thuyết khuếch tán đổi mới của Rogers (1995).

1.4.1.1. Lý thuyết tình huống (Contigency Theory)

Lawrence và Lorsch (1967) là những người đầu tiên đề xuất “Lý thuyết tình huống”, còn gọi là lý thuyết ngẫu nhiên (Contigency) nhằm giải thích sự phát triển và thành công của các DN. Lý thuyết tình huống đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của các yếu tố tình huống tới hoạt động của các DN (Lawrence và Lorsch, 1967). Lý thuyết giải thích các mối quan hệ giữa các yếu tố tác động và kết quả trên cơ sở phân tích hành vi, hoạt động của DN. Có bốn nội dung quan trọng xuyên suốt toàn bộ thuyết tình huống (Lawrence và Lorsch, 1967), đó là: (1) Không có phương pháp nào tốt nhất có thể xử lý mọi tình huống mà DN gặp phải; (2) Các quy trình và cơ cấu của một DN phải phù hợp với môi trường của nó; (3) Để hoạt động hiệu quả, DN cần đảm bảo sự phù hợp giữa các mối quan hệ bên trong (cấu trúc tổ chức) và bên ngoài (đặc điểm môi trường); và (4) DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi có cấu trúc quản lý phù hợp với các nhiệm vụ và bản chất của từng nhóm công việc và đặc điểm môi trường cụ thể. Phát triển lý thuyết tình huống từ những cơ sở ban đầu của Lawrence và Lorsch (1967), các nhà nghiên cứu đều đồng thuận có mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau giữa DN và môi trường của nó. Thành công của DN chịu sự tác động bởi các yếu tố ngữ cảnh như môi trường, văn hóa, chiến lược, công nghệ, quy mô, … của DN đó (Phan Thanh Tú và cộng sự, 2018). Lý thuyết về sự phù hợp giữa cấu trúc tổ chức và các biến theo ngữ cảnh được gọi chung là lý thuyết tình huống.

Lý thuyết tình huống đã được các học giả ứng dụng vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến KTQT. Cadez và Guilding (2012) đề xuất bốn yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với thiết kế hệ thống KTQT chiến lược (Chiến lược kinh doanh, mức độ mà chiến lược được thông qua, định hướng thị trường và quy mô DN). Nghiên cứu của Abdel A. và cộng sự (2005a) ứng dụng lý thuyết tình huống để xem xét mức độ ảnh hưởng của các yếu tố (công nghệ, quản lý, tổ chức và môi trường) đến mức độ quan trọng của việc sử dụng các chỉ số phi tài chính trong các DN sản xuất ở Vương quốc Anh. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng về ảnh hưởng của các yếu tố “quản lý”, “công nghệ”, “tổ chức” và “môi trường” khác nhau đối với các chỉ số đánh giá. Các nhà nghiên cứu như Abdel A. và cộng sự (2005a), CIMA (1993), Otley (1997, 1999) cho rằng các yếu tố như “bản chất của cạnh tranh”, “mức độ triển khai công nghệ sản xuất tiên tiến (AMT)”, “Thực hành quản lý sáng tạo (IMP)” và “những đổi mới về cấu trúc như làm việc theo nhóm” có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn các loại chỉ số thành quả phù hợp nhất với DN cụ thể. Nghiên cứu của Islam và Hu (2012) thì cho rằng HQHĐ của DN tùy thuộc vào sự phù hợp công nghệ, biến động môi trường, quy mô của DN, tính năng của cấu trúc tổ chức và hệ thống thông tin của nó. Gordon và Miller (1976) đã phân tích các biến quan trọng đối với hiệu quả tổ chức. Khung nghiên cứu của họ theo hình 1.5 cho thấy “môi trường”, “đặc điểm tổ chức”, và “hành vi ra quyết định quản lý” như các biến ngẫu nhiên cốt lõi nhằm để cung cấp một khuôn khổ cho việc thiết lập hệ thống thông tin KTQT như sau:

Hình 1.5: Khung lý thuyết tình huống

(Nguồn: Gordon và Miller, 1976)

Lý thuyết tình huống cho biết việc sử dụng hệ thống thông tin KTQT bị tác động bởi những đặc điểm nào của DN và những yếu tố môi trường nào. Nghiên cứu của Gordon và Miller (1976) được áp dụng cho luận án, theo đó lý thuyết tình huống sẽ được vận dụng trong luận án để giải thích sự tác động của hai nhóm nhân tố Môi trường (Môi trường kinh doanh) và đặc điểm tổ chức (Quy mô DN, nhận thức của nhà quản lý cấp cao về tính hữu ích của việc thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của

Môi trường

Đặc điểm tổ chức

Hành vi tổ chức (ra quyết định)

DN, cam kết của nhà quản lý cấp cao, chiến lược kinh doanh, trình độ nhân viên kế toán, hệ thống CNTT) đến hành vi thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của DN.

1.4.1.2. Lý thuyết khuếch tán sự đổi mới (Diffusion of Innovation Theory)

Lý thuyết khuếch tán đổi mới (Diffusion of Innovation Theory) được phát triển vào năm 1962 bởi Rogers – một nhà lý luận truyền thông tại Trường Đại học New Mexico. Lý thuyết này giải thích vì sao ý tưởng mới lại được phát tán bởi một cộng đồng cụ thể và được chấp nhận theo thời gian. Cách thức mà các cải tiến được kết nối đến các bộ phận khác nhau của xã hội và những ý kiến chủ quan liên quan đến việc đổi mới là những yếu tố quan trọng trong việc làm thế nào sự khuếch tán lại xảy ra nhanh như vậy.

Lý thuyết khuếch tán đổi mới đã được các học giả ứng dụng vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến KTQT: Nghiên cứu của Dunk (1989), tác giả sử dụng lý thuyết này để giải thích sự chậm thay đổi của hệ thống KTQT trong quá trình sản xuất, đồng thời đưa ra các bàn luận về việc áp dụng lý thuyết này trong việc triển khai ứng dụng các kỹ thuật KTQT hiện đại. Rogers (1995) cũng vận dụng lý thuyết này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến vận dụng BSC trong tổ chức; Kết quả nghiên cứu cho thấy: Có ba yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận sự đổi mới của một tổ chức (Vận dụng BSC) gồm: Một là, Đặc điểm cá nhân của nhà quản lý như nhận thức của nhà quản lý về BSC, sự cam kết của nhà quản lý trong việc chuẩn bị nguồn lực để tổ chức thực hiện áp dụng một sự đổi mới; Hai là, Văn hóa tổ chức: Văn hóa tổ chức có ý nghĩa quan trọng đến việc triển khai những ý tưởng, kế hoạch mới. Nếu một tổ chức có sự kết nối, truyền thông, chia sẻ giữa các bộ phận trong DN tốt thì có lợi cho việc truyền bá những đổi mới và ngược lại; Ba là, Đặc điểm bên ngoài tổ chức: Bên cạnh những yếu tố bên trong tổ chức, thì đặc điểm bên ngoài cũng có tác động không nhỏ đến hành vi chấp nhận sự đổi mới như môi trường cạnh tranh cao có thể kích thích việc áp dụng các sáng kiến mới. Phạm Thị Kim Yến (2019) cũng đã vận dụng lý thuyết khuếch tán đổi mới để xem xét yếu tố “Nhà quản lý” có ảnh hưởng gì đến việc vận dụng BSC trong các DN kinh doanh dịch vụ khách sạn Việt nam; Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng “Nhận thức về sự hữu ích của BSC bởi nhà quản lý khách sạn” có tác động tích cực đến quyết định sử dụng BSC để đánh giá HQHĐ.

Trong nghiên cứu này, NCS vận dụng lý thuyết khuếch tán đổi mới để xem xét, giải thích sự ảnh hưởng của yếu tố “Nhận thức của nhà quản lý cấp cao về tính hữu ích của KTQT trong việc đánh giá HQHĐ của DN” và “Văn hóa DN” đến thực hiện KTQT để đánh giá HQHĐ của các DN.

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)