CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3. Thiết kế nghiên cứu định lượng
2.3.2. Phương pháp thu thập dữ liệu
* Đối tượng điều tra: Đối tượng điều tra là các DN lữ hành đang hoạt động kinh doanh tại Việt nam.
* Lựa chọn mẫu:
Lựa chọn mẫu là hành động quan trọng trong thực hiện nghiên cứu định lượng, với kích thước mẫu đủ tính đại điện cho tổng thể nghiên cứu, đảm bảo độ tin cậy của các tham số thống kê. Mỗi phương pháp phân tích đòi hỏi kích thước mẫu khác nhau, kích thước mẫu càng lớn càng tốt, tuy nhiên, để thu được lượng mẫu như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu chưa khẳng định chính thức một kích thước mẫu nhất định, mà thường xác định cỡ mẫu dựa vào các công thức kinh nghiệm. Đó là:
- Hair và cộng sự (1998): Kích thước mẫu tối thiểu là 50, tốt hơn là 100, hoặc tỷ lệ quan sát/biến đo lường là 5:1, tức là cứ một biến đo lường thì cần tối thiểu 5 quan sát, còn tốt nhất là 10:1 trở lên. Theo quan điểm này, số phiếu tốt nhất cần thu được để thực hiện mục tiêu nghiên cứu của luận án là 10*32 = 320 phiếu.
- Tabachnick và Fidell (1996) kích thước mẫu để đảm bảo độ tin cậy cho nghiên cứu phải dựa trên phương trình:
N >= 50 + 8*m,
Với m là số biến độc lập. Vì vậy, trong trường hợp nghiên cứu này, kích thước mẫu của nghiên cứu cần phải là N >= 50 + 8*8 = 114 (Phiếu khảo sát).
Tuy nhiên, để tăng độ tin cậy, chính xác cho nghiên cứu và dự phòng phải loại bỏ những phiếu không hợp lệ, do đó NCS đã gửi 350 phiếu điều tra đến các DN lữ hành Việt nam.
* Hình thức điều tra:
NCS đã thực hiện phát phiếu điều tra diện rộng bằng cách: Phát phiếu trực tiếp đến đối tượng khảo sát, gửi link phiếu điều tra qua email, qua zalo, ... nhằm nhận được nhiều nhất số lượng phiếu trả lời.
* Thời gian điều tra: NCS thực hiện khảo sát trên diện rộng trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020.
Kết quả thu thập dữ liệu: Số phiếu phát ra là 350 phiếu, số phiếu thu về là 224 phiếu – tỷ lệ phản hồi 64%, trong đó có 29 phiếu không hợp lệ, còn lại 195 phiếu hợp lệ được nhập và phân tích.