I- TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
a. Cơ sở lí luận:
- Truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc. Do điều kiện địa lí tự nhiên nên lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình đương đầu, khắc phục thiên tai. Chính trong cuộc đấu tranh với tự nhiên đòi hỏi các thành viên, các dân tộc phải đoàn kết, kề vai sát cánh lại với nhau....
Do điều kiện địa - chính trị. Việt Nam luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược lớn mạnh gấp bội và chúng đều thực hiện chính sách chia để trị. Thực tiễn đó đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xâm lược.
Từ hoàn cảnh đặc biệt trên, đã hình thành ở mỗi người Việt Nam các phẩm chất:
+ Tình cảm tự nhiên: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”;
+ Triết lý nhân sinh: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”;
+ Phép ứng xử và tư duy chính trị: “Tình làng, nghĩa nước”; “Nước mất thì nhà tan”; “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”.
+ Phép đánh giặc, giữ nước: “Tập hợp bốn phương manh lệ”, “Trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử”, “Khoan thư sức dân làm sâu rễ bền gốc”, “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”...
Các giá trị trên đã được hình thành và củng cố trong hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo thành một truyền thống bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Tinh thần, ý thức ấy đã tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc để chiến thắng thiên tai, địch họa, làm cho đất nước trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững.
Hồ Chí Minh đã sớm hấp thụ được truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Người đánh giá: "Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Để phát huy truyền thống quý báu đó phục vụ cho cách mạng, Người yêu cầu Đảng và Nhà nước "Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến"1.
- Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin:
+ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử; giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng phải trở thành dân tộc; liên minh công nông là cơ sở để xây dựng lực lượng to lớn của cách mạng; đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế... Đây là cơ sở lý luận quan trọng đối với quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
+ Sự cần thiết và con đường tập hợp, đoàn kết các lực lượng cách mạng trong phạm vi từng nước và trên toàn thế giới để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân.
Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tinh thần, những vấn đề cốt lõi nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhờ đó Người đã có cơ sở khoa học để đánh giá chính xác yếu tố tích cực cũng như những hạn chế trong các di sản truyền thống, trong tư tưởng tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam tiền bối và các nhà cách mạng lớn trên thế giới, những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc cách mạng các nước... từ đó hình thành và hoàn chỉnh tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc.