- Về trang thiết bị kỹ thuật: Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn được trang bị 387 máy vi tính, đảm bảo mỗi công chức nghiệp vụ có 1 máy
3.2.3.2. Quản lý việc áp mã hàng hóa
Việc phân loại, áp dụng mức thuế suất đối với hàng hoá nhập khẩu được Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn thực hiện đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc phân loại hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới WCO (Theo Hệ thống điều hòa và mô tả hàng hóa HS - Harmonized System Database); Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy trình kiểm tra việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định 1323/QĐ-TCHQ năm 2010 ban hành Quy trình kiểm tra việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành. Theo đó, quy trình kiểm tra đầy đủ gồm có 4 bước: kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan (bước 1) - kiểm tra thực tế hàng hóa (bước 2) - kiểm tra mức thuế (bước 3) - kiểm tra các nội dung khác có liên quan (bước 4). Đây là một quy trình nghiệp vụ chi tiết, nằm trong quy trình thủ tục hải quan chung đối với hàng hóa nhập khẩu. Về cơ bản, quy trình này phù hợp và thống nhất với quy trình thủ tục hải quan hiện hành. Tùy thuộc vào kết quả phân luồng tờ khai hải
quan của hàng hóa nhập khẩu, việc kiểm tra phân loại và áp dụng mức thuế (gọi tắt là kiểm tra thuế) đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ tiến hành đầy đủ 4 bước (tương ứng với hồ sơ luồng đỏ) hoặc chỉ thực hiện các bước 1, 3, 4 và loại bỏ bước 2 (đối với hồ sơ luồng xanh, vàng).
Tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua đã kiểm tra, phát hiện một số thủ đoạn trốn thuế qua việc khai báo sai mã số hàng hóa như sau:
- Lợi dụng cơ chế tự kê khai, tự tính thuế trong quá trình thông quan, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi mô tả sai hàng hóa trên tờ khai Hải quan, đưa hàng hóa từ mã số có thuế suất cao về mã số có thuế suất thấp để gian lận trốn thuế. Hoặc lợi dụng sự phức tạp trong cơ cấu sản phẩm cũng như tên gọi, đặc biệt là những sản phẩm mới, là hỗn hợp của nhiều chất hoặc linh kiện khó có thể phân biệt bằng cảm quan để kê khai vào mã số có thuế suất thấp. VD: Công ty TNHH Thương mại quốc tế Việt Mỹ (Hà Nội) năm 2012 nhập khẩu lô hàng khai báo là “Ống thủy tinh dùng cho đèn Compact ” (Thuế suất thuế nhập khẩu 3%), nhưng thực tế hàng hóa là “Đèn compact” (Thuế suất thuế nhập khẩu 10%), tổng số tiền thuế truy thu là 54.492.285 đồng.
- Đối với trường hợp hàng hóa là nguyên chiếc có thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu của các chi tiết tháo rời thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tháo rời các chi tiết rời của một sản phẩm, chia nhỏ lô hàng để nhập khẩu làm nhiều chuyến (nhập khẩu các chi tiết, linh kiện rời không đồng bộ trong từng lô hàng nhập khẩu nhưng lại là đồng bộ qua nhiều lô hàng nhập khẩu) để được phân loại theo từng chi tiết linh kiện nhằm trốn thuế nhập khẩu qua thuế suất... VD: Công ty CP tập đoàn Thành Công (Nguyên Khê - Đông Anh - Hà Nội) nhập khẩu lô hàng theo khai báo là: “Bộ linh kiện không đồng bộ để sản xuất lắp ráp ô tô khách loại 29-32 chỗ”. Doanh nghiệp kê khai áp mã tính thuế riêng cho từng linh kiện, chi tiết nhập
không đáp ứng được yêu cầu phân loại theo Quyết định số 05/2005/QĐ- BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ Khoa học và công nghệ, cụ thể: kính cửa xe đã hàn khung và lắp gioăng, tấm sườn xe đã sơn phủ hoàn chỉnh. Do đó toàn bộ hàng hóa phải phân loại theo mã số của xe nguyên chiếc. Cục đã tiến hành truy thu thuế với tổng số tiền là 5,2 tỷ đồng.
- Tình trạng doanh nghiệp gian lận trốn thuế bằng thủ đoạn nhập nhằng trong khai báo hải quan, như: khai báo sai mặt hàng hoặc tính chất mặt hàng để được áp mã số thuế thấp; nhập nhiều, khai ít… cũng diễn ra phổ biến. Có những lô hàng, do khai báo sai mặt hàng dẫn đến chênh lệch thuế vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng.
Tuy nhiên một trong những nguyên nhân dẫn tới sự vi phạm (cố ý hoặc không cố ý) của doanh nghiệp nêu trên là do: các văn bản quy định, hướng dẫn của pháp luật về phân loại, áp mã số, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời gian qua còn phức tạp, chồng chéo, khó hiểu, gây khó khăn cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp khi thực hiện. Cụ thể là quy định về phân loại, áp mã đối với hàng hóa là linh kiện, chi tiết rời nhập khẩu (như trường hợp Công ty CP tập đoàn Thành Công nêu trên); Một số mặt hàng việc quy định và hướng dẫn phân loại còn chồng chéo, phức tạp và khó thực hiện, như: mặt hàng “Vận thăng lồng (Tời nâng kiểu thùng)” hoặc “Xe ôtô tải tự đổ”… dẫn đến kiến nghị và khiếu nại kéo dài.