- Về trang thiết bị kỹ thuật: Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn được trang bị 387 máy vi tính, đảm bảo mỗi công chức nghiệp vụ có 1 máy
3.2.3.3. Quản lý xuất xứ hàng hóa
Xuất xứ hàng hóa là một căn cứ quan trọng để cơ quan Hải quan áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Theo quy định hiện hành, thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường. Trong đó mức thuế suất ưu đãi đặc biệt thường thấp hơn rất nhiều so với thuế suất ưu đãi và thuế suất thông thường. Thuế suất ưu đãi đặc biệt được áp dụng
cho hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh thuế quan hoặc để tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới và các trường hợp ưu đãi đặc biệt khác.
Một trong những điều kiện để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt là doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải có chữ ký và con dấu phù hợp với mẫu chữ ký và con dấu được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của các nước có thoả thuận ưu đãi đặc biệt với Việt Nam cấp. Danh sách các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của các nước có thoả thuận ưu đãi đặc biệt với Việt Nam được quy định tại các Quyết định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho từng hiệp định thương mại của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt cho hàng hóa từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc. Do chênh lệch lớn về mức thuế suất nên thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp làm giả chứng nhận xuất xứ hoặc khai báo sai xuất xứ hàng hóa.
Tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, các lô hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm trên 90%, còn lại là hàng hóa của các nước khác. Trong đó số lượng hồ sơ có C/O mẫu E đề nghị hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ACFTA chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% nhưng thường là những mặt hàng có trị giá và thuế suất lớn như: xe ô tô trộn bê tông, xe tải tự đổ dưới 24 tấn, linh kiện ô tô, linh kiện xe máy, sắt thép.... Vì vậy việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu luôn được Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu chú trọng, tăng cường.
- Đối với lô hàng thuộc luồng xanh (kiểm tra sơ bộ hồ sơ hải quan) :
+ Đối với trường hợp không phải nộp C/O: cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra việc khai xuất xứ trên tờ khai hải quan.
+ Đối với trường hợp phải nộp C/O: yêu cầu người khai hải quan phải nộp C/O khi đăng ký tờ khai hải quan và kiểm tra sơ bộ các tiêu chí trên C/O. Nếu có sai lệch, nghi vấn thì đề xuất chuyển sang kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan. Trường hợp doanh nghiệp có văn bản đề nghị được chậm nộp C/O thì giải quyết theo quy định.
- Đối với lô hàng thuộc luồng vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan) và luồng đỏ (kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa):
+ Khi kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan:
Đối với trường hợp không phải nộp C/O: Kiểm tra nội dung khai xuất xứ trên tờ khai hải quan và đối chiếu với các chứng từ có liên quan về xuất xứ trong hồ sơ hải quan như hợp đồng, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, Phiếu xác nhận trước xuất xứ (nếu có),…
Đối với trường hợp phải nộp C/O: kiểm tra kỹ cả về hình thức và nội dung của C/O, những vấn đề cần lưu ý của từng loại C/O; Kiểm tra nội dung khai xuất xứ trên tờ khai hải quan và đối chiếu với các chứng từ có liên quan về xuất xứ trong hồ sơ hải quan như hợp đồng, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, Phiếu xác nhận trước xuất xứ (nếu có),…
+ Khi kiểm tra thực tế hàng hóa: kiểm tra các thông tin về xuất xứ ghi trên hàng hóa, bao bì, nhãn hàng hóa; đối chiếu với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan, với kết quả kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan. Xác nhận kết quả kiểm tra xuất xứ hàng hóa vào phần kiểm tra hàng hóa trên Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra và trên tờ khai hải quan theo quy định.
Đối với những lô hàng được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, ngoài việc thực hiện quy trình thủ tục nghiệp vụ như đối với hồ sơ thông thường, Chi cục còn tiến hành cập nhật các thông tin về C/O của lô hàng vào Hệ thống quản lý tờ khai tập trung CCES để theo dõi, quản lý chung trong toàn ngành.
Do chênh lệch lớn về mức thuế suất nên thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp làm giả chứng nhận xuất xứ hoặc khai báo sai xuất xứ hàng hóa để trốn thuế. Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu khai báo sai xuất xứ hàng hoá để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ACFTA. Ngoài ra, Cục cũng đã bác bỏ C/O mẫu E đối với nhiều trường hợp do C/O không đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung theo quy định. Phát hiện và xử lý một số vụ vi phạm nhập khẩu hàng hóa khai báo sai về xuất xứ nhằm trốn thuế qua giá. Một số vụ việc điển hình như: Trường hợp Công ty Cổ phần Mặt Trời Vàng (địa chỉ: Từ Liêm - Hà Nội) nhập khẩu lô hàng Bếp gas khai báo xuất xứ Trung Quốc nhưng kiểm tra thực tế hàng hóa không ghi xuất xứ, chỉ ghi tên nhà sản xuất tại Đức. Trị giá lô hàng vi phạm 148 triệu đồng. Hành vi vi phạm này đã bị xử phạt 20 triệu đồng và buộc tái xuất ra khỏi Việt Nam theo quy định. Hoặc trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển vận tải (địa chỉ: Hai Bà Trưng - Hà Nội) nhập khẩu lô hàng Sơmi rơ moóc hai trục sau dùng cho xe container. Doanh nghiệp nộp C/O mẫu E gốc và đề nghị được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ACFTA. Tuy nhiên qua kiểm tra, xác minh C/O mẫu E không hợp lệ theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BTM ngày 31/5/2007, do đó không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Số tiền thuế chênh lệch là: 318.760.624 đồng...