Thể và loại của tác phẩm văn học là nhân tố cấu thành hình thức, là hình thái tồn tại cơ bản của văn học. Thể và loại là hình thức trừu tượng dùng để phân loại văn bản văn học, đồng thời là phạm trù thẩm mĩ, là cách gọi chung các loại văn bản văn học. Thể và loại là dạng thức cụ thể và hình thái cụ thể của tác phẩm văn học thể hiện trước mắt độc giả, là cơ sở để độc giả nắm bắt, nhận thức tác phẩm văn học. Đối tượng biểu hiện, miêu tả của tác phẩm, hình thức tư duy sáng tạo của văn học, phương thức thể nghiệm tình cảm cho đến bố cục, tiết tấu của tác phẩm, đặc điểm thủ pháp biểu hiện, vận dụng ngôn ngữ đều lộ ra một cách cụ thể thông qua thể và loại của văn học.
Hiểu theo nghĩa của văn học, thể chính là một dạng thức tồn tại của tác phẩm văn học. Còn loại chính là môn loại của đối tượng nghiên cứu được phân chia dựa trên đặc điểm, tính chất. Từ đó, chúng ta có thể hiểu thể loại là dạng thức, là hình thức tồn tại cụ thể của văn bản văn học. Thể loại (genre) là một từ tiếng Pháp có nguồn gốc La tinh (genus) nghĩa gốc của nó biểu thị khái niệm “loài” trong hệ thống phân loại sinh vật. Nhưng vì từ này cũng có hàm nghĩa “chủng loại” nên cũng được sử dụng như một thuật ngữ biểu thị sự phân loại văn học. Trong tiếng Anh không có những từ tương tự với từ trên thường dùng lẫn lộn “chủng” (kind), “loại" (type), “dạng thức” (form). Còn trong văn học Trung Quốc thì thể loại lại được gọi là “thể" hoặc “thể văn”.
Truyện cổ tích hiện đại là một thể loại mới xuất hiện gần đây nó cũng là thể loại thuộc loại hình văn học tự sự. Bởi “tự sự là phương thức tái hiện
đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện, gắn với cốt truyện là một hệ thống nhân vật được khắc họa đầy
đủ nhiều mặt hơn hẳn nhân vật trữ tình và kịch” [12, 89]. Từ đó, tôi hiểu tự sự
là phương thức phản ánh toàn bộ thế giới khách quan thông qua cốt truyện và nhân vật cụ thể.
Mỗi một tác phẩm truyện cổ tích hiện đại đều phản ánh tự nhiên, xã hội thông qua cốt truyện và hệ thống nhân vật thể hiện cốt truyện. Chẳng hạn trong truyện “Người làm đồ chơi” (Xuân Quỳnh) [17] để phản ánh sự yêu mến đồ chơi dân tộc và tình cảm của em nhỏ hàng xóm với bác bán đồ chơi thì tác giả đã xây dựng một hệ thống cốt truyện và các nhân vật là bác bán đồ chơi và em nhỏ nhà kế bên,... Hay còn qua nhiều câu chuyện khác như: Mẩu
giấy vụn, Chim Sẻ và bông hoa Bằng Lăng, Chú đất nung,... cũng có cốt
truyện, cũng được xây dựng với hệ thống nhân vật cụ thể. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định truyện cổ tích cũng là một thể, một loại thuộc loại hình tự sự hiện đại.