Văn chương không chỉ có chức năng nhận thức thế giới mà còn có chức năng cải tạo thế giới. Tác dụng cải tạo của văn chương là một thuộc tính tất yếu, là một đặc điểm mang tính quy luật, tính bản chất. Truyện cổ tích hiện đại cũng là một thể loại của văn chương nên nó cũng không nằm ngoài quy luật này.
Truyện cổ tích cũng như truyện cổ tích hiện đại khêu gợi tư tưởng, tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn, niềm tin cho con người. Mỗi một tác phẩm truyện cổ tích hiện đại bao giờ cũng toát lên sự khẳng định điều này, phủ định điều kia, khát khao nhìn thấy lẽ phải, chân lí ở đời được thực hiện. Vì vậy, truyện cổ tích hiện đại vừa mang đến sự hưởng thụ thẩm mĩ, khơi gợi khoái cảm; mở mang trí tuệ, dạy khôn cho con người lại vừa thức tỉnh lương tri, lương tâm,
dạy con người biết yêu thương, căm giận. Với ý nghĩa như thế, truyện cổ tích hiện đại được xem là một phương tiện hữa ích, là vũ khí tinh thần sắc bén, nhuần nhụy giúp con người hình thành và phát triển nhân cách toàn vẹn, nâng đỡ nhân cách con người phát triển.
Giáo dục của truyện cổ tích hiện đại là làm thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, quan điểm, nhận thức của con người theo chiều hướng tiến bộ, giúp cho con người từ chỗ tán thành đến hành động theo lí tưởng nhân vật hoặc lí tưởng tác giả. Hoặc bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động và hấp dẫn, tác giả giúp con người phân biệt được tốt xấu, đúng sai, từ đó liên hệ đến mình và xác định cho mình một thái độ, một lập trường nhất định theo những điều đã hấp thụ qua tác phẩm cổ tích. Như vậy, truyện cổ tích hiện đại thực hiện chức năng giáo dục đối với bạn đọc ở những phương diện: Học tập để nâng cao trình độ văn hóa; rèn luyện, trau dồi giác quan thẩm mĩ, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất. Chẳng hạn, qua câu chuyện Cậu bé và cây si già (Trần Hồng Thắng) [17, 24] giúp giáo dục con người biết yêu mến thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên như chính cơ thể mình.
Bên cạnh đó, truyện cổ tích hiện đại còn là nơi nuôi dưỡng những tình cảm nhân ái của con người. Những tác phẩm truyện cổ tích hiện đại luôn khơi dậy trong tâm hồn bạn đọc khả năng đồng cảm, làm cho con người biết vui buồn trước nỗi vui buồn của người khác. Truyện cổ tích dạy cho con người biết yêu, biết ghét, biết khinh bỉ sự phản trắc, tầm thường, thói lười biếng, ích kỉ. Truyện cổ tích hiện đại khơi dậy trong ta niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, niềm tin vào cuộc sống vào tương lai, dạy cho ta dám xả thân vì nghĩa lớn, khát khao đóng góp cho xã hội.
Đặc biệt, truyện cổ tích hiện đại còn biến sự giáo dục thành khả năng tự giáo dục, giúp con người tự hoàn thiện nhân cách. Truyện cổ tích hiện đại tác động đến quá trình hình thành nhân cách của con người bằng các hình tượng nghệ thuật. Nếu các ngành khoa học khác chỉ tác động lên con người về mặt trí tuệ thì truyện cổ tích hiện đại tác động lên con người cả về khía cạnh trí tuệ và tâm hồn. Từ việc tiếp xúc với các câu chuyện cổ tích hiện đại khiến trong
lòng người đọc diễn ra cuộc đấu tranh, sự vật lộn gay gắt giữa phần thánh thiện và tội lỗi, giữa lí trí cao cả và dục vọng thấp hèn. Những hình tượng nghệ thuật trong truyện cổ tích hiện đại là tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và phán xét người khác cũng như về chính bản thân mình. Bằng cách đó, truyện cổ tích hiện đại nâng đỡ cho tâm hồn con người phát triển, khơi gợi khả năng tự giáo dục tự hoàn thiện của con người.
Ðặc trưng vai trò giáo dục của truyện cổ tích hiện đại là ở chỗ: Truyện cổ tích hiện đại giáo dục con người thông qua con đường tình cảm. Từ xúc động, lay động về tình cảm mà người đọc liên hệ đến bản thân, tự giác nhận ra điều đúng, điều sai. Đây chính là con đường giáo dục con người bằng biện pháp tự giác. Giáo dục nghệ thuật không phải bằng biện pháp cưỡng bách, hành chính gò ép mà hoàn toàn tự giác, thoải mái. Nghệ thuật giáo dục bằng hình thức hấp dẫn vui tươi, cuốn hút. Ở đây, tưởng như giáo dục vui chơi, giải trí là một. Tác dụng giáo dục nghệ thuật của truyện cổ tích hiện đại thật là lâu bền, từ từ nhưng vô cùng sâu sắc.