Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng có nội dung và đề tài phản ánh của nó. Nội dung của tác phẩm văn học có thể hiểu “nội” là trong, “dung” là chứa, “nội dung” là cái chứa bên trong của tác phẩm. Đối với truyện cổ tích hiện đại, nội dung chính là cốt truyện, là những vấn đề xoay quanh cuộc sống tự nhiên và xã hội của con người,... cùng với những diễn biến tâm lí,những tình tiết éo le, uẩn khúc của các nhân vật trong truyện. Còn “đề tài” được hiểu là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Khái quát hơn, đề tài thể hiện phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật.
Truyện cổ tích hiện đại là một thể loại mới xuất hiện nó có nội dung phản ánh hết sức đa dạng, phong phú và rộng khắp. Về mặt nội dung và đề tài của truyện cổ tích hiện đại đều có kế thừa một số đề tài của truyện cổ tích xưa nhưng nội dung phản ánh của nó lại thay đổi. Hơn thế nữa, truyện cổ tích hiện đại còn có nhiều nội dung và đề tài phản ánh mới.
Truyện cổ tích nội dung phản ánh và đề tài của nó là những vấn đề tự nhiên và xã hội xoay quanh cuộc sống của con người. Truyện cổ tích phản ánh tự nhiên chủ yếu ở khía cạnh lí giải các hiện tượng tự nhiên một cách phi khoa học. Điều này cũng dễ hiểu vì con người trong xã hội đó nhận thức,
khoa học chưa phát triển. Còn về lĩnh vực xã hội, nội dung và đề tài chủ yếu phản ánh đời sống lao động và chiến đấu của nhân dân xưa và phản ánh đời sống, tình cảm của con người. Đó là sự tái tạo không khí lao động và ngợi ca thành quả của con người, ngợi ca phẩm chất của con người trong lao động, Chiến đấu chống thiên tai, địch họa, giặc ngoại xâm và cái ác, cái xấu trong xã hội. Đồng thời, truyện cổ tích cũng phản ánh ước mơ, khát vọng của nhân dân lao động thời đó.
Truyện cổ tích hiện đại nội dung phản ánh của nó vẫn là những vấn đề về tự nhiên và xã hội xoay quanh cuộc sống của con người. Thế nhưng điểm mới ở đây là nội dung phản ánh là những vấn đề tự nhiên xã hội trong cuộc sống hiện đại và đề tài của nó được mở rộng hơn, đa dạng, phong phú hơn. Chẳng hạn trong đề tài về tự nhiên thì có các chủ điểm: Muông thú, Bốn mùa, Chim chóc, Sông biển, Cây cối,... hoặc trong đề tài về xã hội có chủ điểm: Nhân dân, Con người với thiên nhiên, Mái ấm, Tới trường, Vì hạnh phúc con người v.v...
Bên cạnh điểm mới là đề tài truyện cổ tích hiện đại được mở rộng thì nội dung phản ánh trong các đề tài ấy cũng khác. Cùng trong phạm vi phản ánh tự nhiên, truyện cổ tích hiện đại lí giải tự nhiên, miêu tả, tái hiện lại tự nhiên,... Còn truyện cổ tích hiện đại lại chủ yếu thiên về nội dung mượn hình ảnh tự nhiên, những con vật, sự vật trong tự nhiên để phản ánh cuộc sống của con người hiện đại. Đa số truyện cổ tích hiện đại không còn lí giải về tự nhiên nữa nguyên nhân là do cuộc sống khoa học đã phát triển, trình độ nhận thức của con người đã được nâng cao hơn. Hay trong phạm vi xã hội, truyện cổ tích phản ánh cuộc sống lao động, ca ngợi con người lao động, ca ngợi công cuộc chống thiên tai, địch họa, giặc ngoại xâm và thể hiện lí tưởng sống, khát vọng, ước mơ của nhân dân. Truyện cổ tích hiện đại không còn phản ánh công cuộc chống thiên tai địch họa nhiều nữa, không còn ca ngợi công cuộc chống giặc ngoại xâm nữa mà thay vào đó là phản ánh về cuộc sống của con người hiện đại trong các mối quan hệ xã hội (cách ứng xử giữa người với người, vấn đề đạo đức, truyền thống, văn hóa,...).
Truyện cổ tích hiện đại nội dung và đề tài của nó đã được mở rộng và có sự khác biệt nhiều so với truyện cổ tích xưa. Do vậy, nó không thể thuộc truyện cổ tích xưa, cũng không nằm trong một thể loại văn học hiện đại nào mà nó là một thể loại văn học mới xuất hiện dưới sự tác động mạnh mẽ của truyện cổ tích xưa.