Nhân vật trong truyện cổ tích hiện đại là con người được miêu tả trong truyện bằng phương tiện ngôn ngữ, là con người thực, có tên hoặc không có. Qua nhân vật, nhà văn muốn phản ánh quy luật cuộc sống con người, những suy nghĩ, ước ao, kì vọng của con người. Do vậy, nhà văn xây dựng nhân vật là những cá nhân nhất định và quan niệm đánh giá về cá nhân đó.
Các nhân vật trong truyện cổ tích hiện đại là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người qua đó nhân vật dẫn dắt ta đến với đời sống xã hội. Vì vậy, dạy học truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích hiện đại nói riêng phải giúp cho các em nhận thức được nội dung thông qua các nhân vật. Thông qua đó, các em có thể tự mình đưa ra những nhận xét, đánh giá về các nhân vật trong truyện. Đồng thời, các em rút ra được nhiều bài học cho bản thân về cách ứng xử trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh, những điều hay lẽ phải, cái tốt, cái xấu,...
Để giúp các em cảm thụ được nhân vật trong truyện, người giáo viên phải phát huy được vai trò tổ chức, hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu nhân vật cũng như cách cảm thụ truyện thông qua nhân vật. Để làm được điều đó, giáo viên dẫn dắt học sinh theo các bước sau:
Bước 1: Nêu các chi tiết về:
+ Ngoại hình của nhân vật được thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh nào? + Hành động của nhân vât được thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh nào? + Lời nói của nhân vật được thể hiện qua những từ ngữ, cử chỉ, điệu bộ như thế nào?
Bước 2: Nêu bật tính cách, phẩm chất ... của nhân vật.
Bước 3: Tư tưởng chủ đạo, ý nghĩa sâu xa của câu chuyện, của tác giả thể hiện qua nhân vật.
Bước 4: Cảm xúc của bản thân về nhân vật trong truyện.
Bước 5: Sắp xếp các nội dung trên thành một đoạn văn, có câu mở đầu, câu kết đoạn cho phù hợp.
Muốn làm được đoạn văn cảm thụ về nhân vật, học sinh phải tuân thủ theo các bước cơ bản trên. Để đoạn văn được mạch lạc, trong quá trình làm bài các em phải sử dụng các quan hệ từ kết hợp với các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ,...