Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về đặc điểm thể loại truyện cổ tích hiện đại, tôi tiếp tục tiến hành phân loại thể loại này. Có rất nhiều cách khác nhau để phân loại truyện cổ tích hiện đại. Dưới đây tôi đưa ra một vài tiêu chí phân loại truyện cổ tích hiện đại như sau:
- Phân loại truyện theo hệ thống nhân vật trong truyện (nhân vật là người, nhân vật là vật, nhân vật sự kiện,...)
- Phân loại theo kết cấu của truyện (tuyến tính, đồng quy, tâm tư, hồi tưởng, vấn đề,...)
- Phân loại truyện dựa vào đối tượng tiếp nhận (truyện dành cho thiếu nhi, truyện dành cho người già,...)
- Phân loại truyện dựa vào nội dung - đề tài của truyện (truyện về tự nhiên, truyện xã hội).
Qua việc tìm hiểu các tiêu chí phân loại trên, tôi nhận thấy cách phân loại truyện dựa theo kết cấu của truyện là hợp lí hơn cả. Theo tiêu chí phân loại này ta có thể phân loại truyện được cụ thể hơn, chính xác hơn, khoa học hơn. Còn nếu tiến hành phân loại theo nhân vật (nhân vật là con vật, nhân vật là người) thì sẽ không đạt được mức độ chính xác cao bởi có những câu chuyện nhân vật trong truyện có cả nhân vật là con người và nhân vật con vật. Hay phân loại truyện dựa theo tiêu chí đối tượng tiếp nhận thì cũng không chính xác, mức độ phân chia không thể rõ ràng được bởi những câu chuyện cổ tích hiện đại mang lại bài học bổ ích cho mọi lứa tuổi vì thế mọi lứa tuổi đều yêu thích nên ta rất khó để phân chia truyện này cho lứa tuổi thiếu nhi,
truyện kia cho lứa tuổi người lớn. Hoặc phân chia truyện theo nội dung - đề tài thì cũng không đạt được độ chính xác và khoa học cao. Như vậy, chỉ có phân chia truyện theo tiêu chí kết cấu của truyện là hợp lí nhất bởi mỗi truyện chỉ có một kiểu kết cấu nhất định. Truyện cổ tích hiện đại được phân loại theo các dạng kết cấu nhất định sau:
+ Kiểu truyện kết cấu tuyến tính: Đây là kiểu câu chuyện được kể tuần tự từ trước đến sau, từ bắt đầu đến kết thúc, không có sự sáo trộn về thời gian và sự kiện. Đây là kiểu kết cấu khá phổ biến trong truyện cổ tích hiện đại với các câu chuyện tiêu biểu như: Trận bóng dưới lòng đường (Nguyễn Minh) [17], Bó hoa đẹp nhất (Hà Huy Anh) [14] v.v...
+ Kiểu truyện kết cấu đồng quy là các câu chuyện gồm có các kiểu nhân vật đứng trước những khó khăn thử thách như nhau nhưng lại có cách xử lí khác nhau. Các kiểu câu chuyện theo kiểu kết cấu này kết thúc thường hướng đến cái thiện, đề cao cái thiện; cái thiện, cái đẹp luôn chiến thắng. Kiểu kết cấu này có các câu chuyện tiêu biểu như: Chiếc quạt đẹp nhất [24].
+ Kiểu truyện kết cấu vấn đề là kiểu các câu chuyện nói về các vấn đề khác nhau để phản ánh hiện thực, ở đó các nhân vật trong truyện sẽ có cách ứng xử với nhau để giải quyết vấn đề nào đó trong cuộc sống. Chẳng hạn các nhân vật chính gặp khó khăn trong cuộc sống không giải quyết được nhưng nhờ có sự giúp đỡ của người khác mà vượt qua được,... Kiểu truyện này có các truyện tiêu biểu như: Voi nhà (Nguyễn Trần Bé), Cậu bé và cây si già
(Trần Hồng Thắng), Tôm Càng và Cá Con (Trương Mĩ Đức, Tú Nguyệt),
Người lính dũng cảm (Đặng Ái) v.v... [17].
+ Kiểu truyện kết cấu hồi tưởng là kiểu các câu chuyện được kể theo mạch hồi tưởng của tác giả, có sự sáo trộn về thời gian, không gian. Với kiểu kết cấu này, tác giả có thể hồi tưởng về các truyện trong quá khứ của bản thân hoặc của những người xung quanh. Các câu chuyện theo kết cấu hồi tưởng có thể là câu chuyện thực hoặc câu chuyện hư cấu, có thể là hồi tưởng đẹp cũng có thể là hồi tưởng không đẹp miễn sao kết thúc nhân vật trong truyện nhận ra được bài học bổ ích. Câu chuyện cổ tích hiện đại theo kiểu kết cấu nầy có thể được kết thúc trong quá khứ, cũng có thể đến hiện tại mới kết thúc. Kết thúc
của truyện thường là kết thúc có tính nhân văn, có bài học giá trị sâu sắc. Ở kiểu kết cấu này có các câu chuyện tiêu biểu như: Gấu trắng là chúa tò mò
(Lê Quang Long, Nguyễn Thị Thanh Huyền)v.v... [17].
+ Kiểu truyện kết cấu tâm tư (tự kể) đây là dạng kết cấu mà nhân vật tự kể về bản thân, tự bộc bạch những suy nghĩ, những việc đã trải qua của bản thân mình. Từ đó mang đến cho người đọc những bài học bổ ích. Kiểu kết cấu này không phổ biến trong truyện cổ tích hiện đại nên số lượng của nó còn khá ít, chúng ta có thể kể tên: Người gác rừng tí hon (Nguyễn Thị Cẩm Châu)v.v... [17].
Như vậy, phân chia truyện cổ tích hiện đại dựa theo kết cấu của truyện thể hiện được tính đúng đắn, sáng tạo, chính xác và khoa học. Phân chia theo tiêu chí này giúp người đọc dễ dàng nhận biết ranh giới giữa các tiểu loại này.