Một số định hướng dạy học khác nhằm nâng cao hiệu quả cảm thụ truyện cổ tích hiện đại trong nhà trường tiểu học

Một phần của tài liệu Truyện cổ tích hiện đại và định hướng dạy học trong nhà trường tiểu học (Trang 69 - 75)

truyện cổ tích hiện đại trong nhà trường tiểu học

Bên cạnh một số định hướng dạy học tiêu biểu trên, tôi còn đưa ra một số định hướng dạy học mới cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả dạy học truyện cổ tích trong nhà trường tiểu học.

3.2.4.1. Đánh giá cao vai trò của cảm thụ truyện cổ tích

Bản thân người giáo viên phải đánh giá cao vai trò cảm thụ truyện cổ tích trong chương trình học vì có như thế mới có sự đầu tư đúng mức cho phần học này. Một số nguyên nhân dẫn đến việc các em ít hứng thú với giờ học là do một số ít giáo viên chưa sử dụng đúng mục đích của giờ dạy học truyện cổ tích, tiết Kể chuyện thường được kể qua loa đại khái hoặc được sử dụng vào mục đích khác như ôn tập một số môn học khác được cho là quan trọng hơn; giờ dạy Tập làm văn không quan tâm rèn luyện nhiều cho học sinh cách cảm thụ văn học, đặc biệt là truyện cổ tích.

Bởi vậy để phát huy được hết vai trò và hiệu quả của truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích hiện đại nói riêng, bản thân mỗi người giáo viên phải đề cao vai trò của tiết dạy truyện cổ tích và phải quan tâm đúng mức đến việc cảm thụ tác phẩm truyện cổ tích cho học sinh.

3.2.4.2. Tạo tâm thế tiếp nhận cho học sinh

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải tạo tâm thế tiếp nhận cho học sinh. Tức là phải tạo một không khí lớp học thật phù hợp với nội dung câu chuyện. Đồng thời phải giúp học sinh tiếp nhận nội dung truyện cũng như sự tác động của truyện một cách tự nhiên tránh tình trạng gượng ép.

3.2.4.3. Nâng cao kĩ năng kể chuyện diễn cảm cho giáo viên

Một trong những nguyên nhân đưa đến thành công của dạy học truyện cổ tích đó chính là giọng kể của giáo viên. Nếu người giáo viên có giọng kể trầm bổng, phù hợp với câu chuyện thì sẽ lôi cuốn hấp dẫn được các em học sinh lắng nghe và yêu thích câu chuyện đó. Ngược lại nếu giáo viên không có sự luyện tập trước khi soạn bài, giọng kể không phù hợp với nội dung, yêu cầu của câu chuyện thì sẽ tạo ra cảm giác nhàm chán cho các em, các em sẽ không quan tâm

đến câu chuyện, hoặc buộc phải quan tâm một cách miễn cưỡng. Như vậy thì hiệu quả của dạy học truyện cổ tích sẽ không cao, thậm trí là phản tác dụng. Vì vậy, mỗi người giáo viên khi chuẩn bị bài phải luyện giọng kể thường xuyên để lôi cuốn học sinh tạo sự yêu thích cổ tích trong học sinh.

3.2.4.4. Sử dụng hợp lí kênh hình

Việc sử dụng kênh hình hợp lý sẽ hỗ trợ tích cực cho hứng thú học, đọc truyện cổ tích hiện đại cho học sinh. Đồng thời giúp hạn chế tình trạng mỏi mắt của trẻ.

Tuy nhiên việc sử dụng kênh hình phải hợp lý, sử dụng phải đúng lúc và mức độ phải vừa phải. Nếu quá lạm dụng kênh hình thì vô tình chúng ta làm giảm khả năng tưởng tượng của trẻ hoặc làm cho trẻ phân tán sự chú ý, chỉ tập trung đến hình ảnh mà không quan tâm đến nội dung cốt truyện, sẽ làm giảm hiệu quả của giờ kể chuyện.

Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy giáo viên phải linh hoạt sử dụng kênh hình sao cho kênh hình vừa mang tính chất hỗ trợ vừa là chất xúc tác giúp học sinh hứng thú với bài học. Từ đó giúp quá trình học tập của các em đạt hiệu quả cao hơn.

3.2.4.5. Đa dạng hóa hoạt động học tập truyện cổ tích hiện đại

Ngoài hình thức quen thuộc là dạy học truyện cổ tích hiện đại trên lớp trong các tiết học Kể chuyện, Tập đọc,... chúng ta có thể đa dạng hóa hoạt động học tập truyện cổ tích hiện đại bằng cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến truyện cổ tích hiện đại để lôi cuốn các em tham gia. Chúng ta có thể sử dụng một số hoạt động ngoại khóa liên quan đến truyện cổ tích hiện đại như:

+ Tổ chức thi sáng tác những kết chuyện khác cho truyện cổ tích hiện đại. + Tổ chức thi vẽ tranh cho truyện cổ tích hiên đại.

+ Thi kể chuyện cổ tích hiện đại bằng cách đóng vai, diễn kịch. + Tổ chức thi sáng tác truyện cổ tích hiện đại.

+ Tổ chức cho học sinh xem phim cổ tích hiện đại.

Từ các hoạt động phong phú trên học sinh sẽ yêu thích truyện cổ tích hiện đại và các em sẽ có hứng thú trong học tập hơn. Từ việc yêu thích, hứng thú với

truyện cổ tích tích thì cách tiếp cận truyện và cảm thụ truyện sẽ dễ dàng hơn đối với các em. Do vậy, các thầy cô giáo chủ nhiệm và đặc biệt là các thầy cô giáo tổng phụ trách phải quan tâm đến việc tổ chức các buổi ngoại khóa và các cuộc thi cho các em trong các dịp lễ. Nếu làm được như vậy thì không những góp phần làm cho quá trình học tập nói chung và học truyện cổ tích hiện đại nói riêng đạt kết quả cao mà hoạt động của trường cũng được phát triển đi lên.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Trên cơ sở định hình và xác định các đặc điểm của truyện cổ tích hiện đại ở chương 2, tôi tiếp tục đề ra một vài định hướng nâng cao hiệu quả dạy học và cảm thụ truyện cổ tích hiện đại ở chương 3. Trước tiên, tôi phân tích ý nghĩa cơ bản của truyện cổ tích hiện đại nói chung để thấy được vai trò to lớn mà truyện cổ tích hiện đại mang lại. Thấy được tầm quan trọng của truyện cổ tích hiện đại, tôi tiến hành nghiên cứu và đề ra một số định hướng hướng dẫn nâng cao khả năng dạy học và cảm thụ truyện cổ tích hiện đại trong nhà trường tiểu học. Tôi tin rằng đây là những định hướng dạy học và cảm thụ truyện cổ tích hiện đại hiệu quả, góp phần hoàn thiện hơn kĩ năng cảm thụ truyện cổ tích hiện đại nói riêng và cảm thụ văn học nói chung. Trên cơ sở đó góp phần giúp cho học sinh tiến bộ hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

KẾT LUẬN

Sự phát triển của mỗi một thể loại văn học dù có mới mẻ thế nào cũng đều bắt đầu từ trong đời sống văn học chung. Văn học dân gian đã trở thành cái nôi cho nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện. Người ta nhìn thấy tính nguyên hợp trong cấu trúc của loại hình nghệ thuật quần chúng độc đáo này. Cổ tích là một thể loại cực kì hấp dẫn, lôi cuốn bao nhiêu thế hệ người đọc, làm say đắm bao con tim. Đến nay, ta lại tìm thấy bóng hình của một kiểu tự sự dân gian trở lại với nhà trường tiểu học với một diện mạo mới: Cổ tích

hiện đại. Nghiên cứu thể loại này, tôi thấy rằng đã đến lúc cần có một sự quan

tâm đúng mức tới những gì mà cổ tích nói chung và cổ tích hiện đại nói riêng đang mang tới cho nhiều bạn đọc, làm mới nhiều chương trình giáo dục, từ mái trường tiểu học, mầm non đến các chương trình truyền hình. Nghiên cứu một cách hệ thống loại truyện kể độc đáo này, người nghiên cứu mạnh dạn đưa ra một số kết luận sau đây:

Từ lí thuyết về thể loại truyện kể, tôi nhận thấy truyện cổ tích là một hình thức tự sự dân gian có sức sống lâu bền trong đời sống dân tộc. Các mô hình kể truyện đã được nghiên cứu và thống nhất ở các vấn đề về không gian, thời gian, mô típ, cốt truyện và tổ chức nhân vật và sự kiện,… tất cả đã được ổn định, đã được khẳng định nhưng chính những thành tố tưởng chừng đã thành cứng nhắc ấy lại có sức sống dẻo dai, bền vững, có sự lan tỏa thật mãnh liệt, có sự ảnh hưởng sâu rộng hơn bất cứ thể loại văn học đương đại nào. Cho nên, việc nhắc lại không chỉ để thấy lịch sử một thể loại lớn mà còn qua đó nhấn mạnh đến giá trị văn hóa trường tồn của một mô hình truyện kể “vượt thời gian”, trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Cổ tích cũng có những ưu điểm và nhược điểm. Truyện cổ tích dễ dàng đi sâu vào trái tim của bạn đọc, giúp cho người đọc cảm nhận được giá trị thẩm mĩ qua truyện kể; hướng người đọc đến cái thiện, cái đẹp, cái tốt cái tích cực; dẫn người đọc khám phá ra những bài học sâu sắc về cách đối nhân xử

thế, kinh nghiệm cuộc sống v.v... Tuy nhiên, truyện cổ tích vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố thần kì vì thế dễ làm cho người đọc bị lệch lạc về suy nghĩ đặc biệt là lứa tuổi nhỏ. Vì thế, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà giáo dục là phải làm cho người đọc, người học thấy rằng đây chỉ là yếu tố để giúp phát triển cốt truyện và nâng cánh ước mơ,... Có như vậy, truyện cổ tích mới phát huy được hết những giá trị của mình.

Khi nghiên cứu về đặc điểm của Cổ tích hiện đại, tôi nhận thấy thể loại này có những điểm tương đồng với cổ tích nhưng lại chứa đựng những yếu tố mới mà cổ tích không có. Vì vậy, tôi đề xuất tên gọi của thể loại này là "Truyện cổ tích hiện đại". Nội dung phản ánh của thể loại này là những vấn đề trong cuộc sống tự nhiên, xã hội của con người hiện đại. Những vấn đề được phản ánh trong truyện là những vấn đề nóng bỏng trong xã hội và được nhiều người quan tâm. Nội dung đó được phản ánh dưới hình thức là truyện kể, được lưu hành bằng những văn bản cụ thể.

Truyện cổ tích hiện đại là một thể loại văn học mới xuất hiện nhưng có khả năng thực hiện tốt trên hai phương diện: Giáo dục và giải trí. Truyện phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, phù hợp với nhận thức của lứa tuổi thiếu nhi. Lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi mà các em có nhiều ước mơ, nhiều hoài bão mong muốn được khám phá, được tìm tòi, được hiểu biết thế giới xung quanh. Bằng một ngôn ngữ giàu hình tượng, giàu cảm xúc; bằng một giọng văn trong sáng, dễ hiểu truyện cổ tích hiện đại đã ngấm sâu vào thế giới cảm xúc của trẻ thơ, nhen nhóm trong trái tim non trẻ của các em những tình cảm trong sáng, nhân hậu, làm cho các em biết tôn trọng, yêu thương, biết điều hay lẽ phải, biết tin yêu vào cuộc đời, khao khát khám phá, hiểu biết, đưa những ước mơ bay bổng, bay cao, bay xa v.v... Bằng cách đó, truyện cổ tích đã chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Bên cạnh những ưu điểm đó, truyện cổ tích hiện đại còn có nhược điểm quá chú trọng đến tính giáo dục mà đôi khi làm giảm bớt hoặc làm mất đi giá trị thẩm mĩ của tác phẩm.

Truyện cổ tích hiện đại có vai trò lớn trong việc giáo dục nhân cách của học sinh tiểu học. Vì vậy, việc dạy học truyện cổ tích hiện đại nhà trường phải được chú trọng hơn. Để giảng dạy truyện cổ tích trong nhà trường được tốt hơn, tôi tiếp tục nghiên cứu và đề xuất một vài định hướng cảm thụ truyện cổ tích hiện đại.

Truyện cổ tích ra đời sớm nhưng nó không hề bị đóng băng mà giá trị của nó vẫn trường tồn và tác động mạnh mẽ đến văn học, nghệ thuật dân gian cũng như văn học, nghệ thuật hiện đại. Điều này là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của truyện cổ tích hiện đại. Cho nên, định hướng dạy học và cảm thụ truyện cổ tích hiện đại là một việc làm hữu ích nhằm giúp giáo viên giảng dạy tốt hơn. Tôi cũng đề xuất một số hướng tiếp cận cơ bản. Thực hiện theo một số hướng tiếp cận này sẽ góp phần giúp học sinh cảm thụ truyện vừa cụ thể lại vừa toàn diện. Không những thế, theo các hướng tiếp cận này còn giúp giáo viên giảng dạy thể loại này tốt hơn trong nhà trường.

Một phần của tài liệu Truyện cổ tích hiện đại và định hướng dạy học trong nhà trường tiểu học (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)