Phân biệt cổ tích hiện đại với thể loại truyện ngắn

Một phần của tài liệu Truyện cổ tích hiện đại và định hướng dạy học trong nhà trường tiểu học (Trang 48 - 51)

Truyện cổ tích hiện đại là một thể loại có đặc trưng loại biệt nhưng trong tiến trình phát triển chung của văn học, tính loại biệt của đặc trưng truyện cổ tích hiện đại không làm cho truyện ngắn xa rời, đứng biệt lập riêng một cõi, “bất hòa” với “hàng xóm láng giềng” mà chính sự tác động qua lại rất mạnh mẽ giữa các loại hình, thể loại đã làm cho thể loại truyện cổ tích hiện đại ngày càng trở nên hoàn hảo và ngày càng gắn bó chặt chẽ với các thể loại khác. Chính nhờ sự gắn bó chặt chẽ này mà đôi khi người đọc lầm tưởng truyện cổ tích hiện đại với thể loại truyện ngắn hiện đại. Hai thể loại này tuy có những điểm tương đồng xong chúng cũng có những điểm khu biệt một cách rõ rệt.

Theo các sách giáo khoa chính thống hiện nay, truyện ngắn được định nghĩa là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống : Đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn gọn. Bởi truyện ngắn được viết ra để đọc liền một mạch. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với truyện cổ tích hiện đại. Hình hài của truyện ngắn hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Truyện ngắn xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Khác với cổ tích hiện đại, truyện ngắn là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó. Truyện cổ tích hiện đại thường chỉ hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện cổ tích hiện đại thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nếu mỗi nhân vật của truyện ngắn là một thế giới thì mỗi nhân vật của cổ tích hiện đại là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Có nghĩa truyện cổ tích hiện đại thường không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh.

Nhân vật của cổ tích hiện đại thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Ngược lại, nhân

vật của truyện ngắn thường phức tạp xoay quanh nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ xã hội. Cốt truyện của cổ tích hiện đại thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của cổ tích hiện đại rất đa dạng và phong phú, ngoài những kiểu kết cấu thừa hưởng của cổ tích dân gian thì cổ tích hiện đại còn xuất hiện thêm những kết cấu mới như: kết cấu hồi tưởng, kết cấu vấn đề, kết cấu tâm tư,... Ngược lại, kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp trần thuật của truyện ngắn thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng bậc nhất trong truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.

Truyện ngắn và truyện cổ tích hiện đại có nhiều điểm tương đồng, song nghiên cứu kĩ chúng ta sẽ thấy hai thể loại này cũng có những điểm khác biệt rất rõ rệt. Qua một số điểm khác biệt nêu trên, người tiếp nhận sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về ranh giới giữa hai thể loại.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Qua nghiên cứu, tôi đã bước đầu đã định hình được thể loại truyện kể mới xuất hiện đó là “Truyện cổ tích hiện đại. Từ việc lí giải truyện cổ tích hiện đại, tôi tiến hành phân tích và đưa ra quan niệm về truyện cổ tích hiện đại. Từ đó, người đọc có được cái nhìn khái quát về thể loại này. Xuất phát từ định nghĩa tôi tiếp tục phân tích được các đặc điểm mới của thể loại để bước đầu phân biệt thể loại truyện cổ tích hiện đại với cổ tích xưa và các thể loại truyện kể khác mới xuất hiện gần đây. Ngoài ra, tôi còn đề ra được các tiêu chí phân loại và lựa chọn một tiêu chí hợp lí nhất để phân loại. Ngoài ra, để giúp người đọc phân biệt cổ tích hiện đại với một số thể loại khác, tôi đã nghiên cứu và nêu ra một số điểm khác biệt giữa cổ tích hiện đại với các thể loại. Dựa trên những điều đã làm được ở chương 2, tôi lấy đây làm cơ sở vững chắc cho việc đề ra định hướng tiếp cận thể loại cổ tích hiện đại trong nhà trường tiểu học ở chương 3.

Một phần của tài liệu Truyện cổ tích hiện đại và định hướng dạy học trong nhà trường tiểu học (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)