Người ta thường hiểu kết cấu là sự tổ chức theo trục kết hợp của các yếu tố truyện kể. Trong truyện cổ tích hiện đại, kết cấu rất đa dạng và phong phú. Truyện cổ tích hiện đại vừa kế thừa những hình thức kết cấu trong truyện cổ tích xưa vừa xuất hiện những hình thức kết cấu mới hoặc cũng có thể vẫn với kết cấu ấy nhưng cách kể lại thay đổi.
Truyện cổ tích hiện đại cũng có kiểu kết cấu tuyến tính như truyện cổ tích xưa. Kết cấu tuyến tính là kiểu kết cấu mà câu chuyện có những sự kiện liên tiếp được kể theo tuần tự từ trước đến sau, nó thường bắt đầu bằng cụm từ “ngày xửa ngày xưa”. Đây là dạng kết cấu phổ biến của truyện cổ tích Việt Nam. Truyện cổ tích hiện đại cũng có một số câu chuyện có kế thừa kiểu kết cấu này. Chẳng hạn như trong câu chuyện “Một li sữa” [26]. Câu chuyện kể về một anh thanh niên có nghị lực vừa đi học lại vừa phải đi giao hàng thuê để kiếm sống và lấy tiền đóng học. Công việc vất vả mà vẫn không đủ tiền trang trải học hành vì thế mà anh đã nhịn ăn, trên đường đi giao hàng anh khát nước cũng không dám bỏ tiền uống nước. Sau đó, anh đến giao hàng cho một cô gái trẻ và hỏi xin một cốc nước, cô gái tốt bụng đã lấy cho người thanh niên một li sữa, nhờ có li sữa mà người thanh niên tỉnh lại. Mười năm sau, người thanh niên đã trở thành một vị bác sĩ nổi tiếng ở một bệnh viện lớn còn cô gái chẳng may mắc bệnh căn bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền chữa chạy và vị thanh niên năm xưa đó đã chữa chạy miễn phí cho cô gái đó và nói rằng cô đã trả tiền viện phí bằng một li sữa. Như vậy, câu chuyện đã được kể theo trình tự thời gian từ trước đến sau theo kiểu kết cấu tuyến tính.
Bên cạnh đó, truyện cổ tích hiện đại cũng có những dạng kết cấu như kiểu đồng quy của cổ tích xưa nhưng trong lòng nó cũng có sự đổi mới. Kết cấu đồng quy là kiểu kết cấu mà nhân vật được chia làm hai tuyến, cả hai đứng trước những thử thách như nhau, bản chất khác nhau của các nhân vật được bộc lộ qua cách xử lí tình huống khác nhau dẫn đến những kết cục trái ngược nhau. Ở kiểu kết cấu này cả hai thể loại cổ tích kết thúc đều hướng đến cái thiện, cái đẹp, cái tích cực thế nhưng ở mỗi thể loại thì cách kể lại thay đổi. Chẳng hạn trong truyện cổ tích xưa có truyện Cây khế là một câu chuyện tiêu biểu theo dạng kết cấu này. Trong truyện cây khế, nhân vật người em và nhân vật người anh cùng đứng trước những thử thách như nhau đó là vật chất, nhưng mỗi người có một cách xử lí khác nhau, người em không tham lam lấy đủ phần thưởng của mình nên trở về an toàn còn người anh với bản tính tham
lam, hám của từ trước ra sức vơ vét vàng bạc cho đầy túi tham nên đã bị rơi xuống biển mà chết. Đây là một dạng kết cấu đồng quy nhưng trình tự của câu chuyện lại được kể theo kiểu từ trước đến sau, lần lượt hết thử thách của nhân vật này rồi mới đến nhân vật kia.
Trong truyện cổ tích hiện đại cũng có kết cấu này nhưng cách kể của nó và diễn biến của từng câu chuyện cổ tích hiện đại lại khác so với truyện cổ tích xưa. Chẳng hạn như trong câu chuyện “Chiếc quạt đẹp nhất” [24] cả ba nhân vật Mèo Trắng, Mèo Mướp và Mèo Vàng đều đứng trước những thử thách như nhau đó là đi tìm để tặng bà một chiếc quạt khi trời nóng. Mỗi nhân vật trong truyện có một cách xử lí khác nhau. Để tìm được chiếc quạt thật đẹp tặng bà, Mèo Trắng đã tìm Thiên Nga để mượn quạt nhưng Thiên Nga không cho mượn Mèo Trắng đã ăn trộm chiếc quạt của Thiên Nga để mang về tặng bà; còn Mèo Vàng thì đi tìm Công để mượn chiếc quạt tập múa của Công để tặng bà; riêng Mèo Mướp đã cố gắng trèo lên cây cau cao trước sân nhà để lấy mo cau làm quạt tặng bà, mặc dù nhiều lần trèo bị ngã nhưng Mèo Mướp vẫn cố gắng và cuối cùng đã làm được chiếc quạt bằng mo cau tặng bà. Và cuối cùng kết quả là Mèo Trắng trộm quạt và bị Thiên Nga đến nhà đòi lại, Mèo Vàng mượn quạt của bạn Công mãi không trả nên đã bị bạn Công đến tận nhà đòi, còn riêng Mèo Mướp nhờ sự nỗ lực nên đã tặng bà một chiếc quạt đẹp nhất và được bà khen ngoan. Đây là câu chuyện có dạng kết cấu đồng quy nhưng diễn biến câu chuyện có sự đổi mới. Các nhân vật cùng một lúc thực hiện thử thách nên câu chuyện được kể theo trình tự không gian.
Ngoài ra, truyện cổ tích hiện đại còn có những kiểu kết cấu mới không tuân theo những kết cấu của cổ tích xưa. Đây chính là một trong những đặc điểm nổi bật của truyện cổ tích hiện đại và là yếu tố để phân biệt với truyện cổ tích xưa. Qua quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng ngoài những kết cấu quen thuộc như truyện cổ tích xưa, truyện cổ tích hiện đại còn có các kiểu kết cấu khác như: Kết cấu hồi tưởng, kết cấu vấn đề, kết cấu tâm tư,...
Kết cấu theo kiểu hồi tưởng là dạng kết cấu có sự xáo trộn về thời gian từ hiện tại trở lại với quá khứ, nghĩ về quá khứ với nội dung khác nhau. Nội
dung câu chuyện thì ở trong quá khứ rồi trở về với thực tại. Theo kết cấu này, tác giả đang ở cuộc sống thực tại kể lại những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ của chính bản thân hay của người khác.
Kết cấu tâm tư (tự kể) đây là dạng kết cấu mà nhân vật tự kể về bản thân, tự bộc bạch những suy nghĩ, những việc đã trải qua của bản thân mình. Từ đó mang đến cho người đọc những bài học bổ ích. Do ảnh hưởng của kiểu kết cấu này mà câu chuyện thường kể theo ngôi thứ nhất.
Kết cấu vấn đề đây là kiểu kết cấu tác phẩm theo kiểu đặt ra một vấn đề cần giải quyết rồi mỗi nhân vật sẽ có một cách giải quyết khác nhau, từ đó chọn ra cách giải quyết hợp lí nhất để làm nổi bật giá trị của câu chuyện. Kiểu kết cấu này cũng gần tương tự như kiểu kết cấu đồng quy trong truyện cổ tích xưa, tuy nhiên nó có những điểm mới nhất định.
Qua đó, chúng ra có thể nhận thấy rằng truyện cổ tích hiện đại vừa kế thừa các kiểu kết cấu của truyện cổ tích lại vừa xuất hiện nhưng kết cấu mới của văn học hiện đại, lại vừa có những kiểu kết cấu riêng của thể loại. Do đó, ta có thể khẳng định kết cấu của truyện cổ tích hiện đại đa dạng, phong phú hơn truyện cổ tích hiện đại rất nhiều.